Chuyên gia chỉ ra hàng loạt bệnh lý có liên quan tới nhiệt điện than, từ tim mạch tới ung thư

Ngọc Minh

Phát thải nhiệt điện than có ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ và môi trường, làm gia tăng các bệnh mạn tính không lây; vô sinh, đẻ non, kém phát triển; hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu.

Nhiều bệnh lý nguy hiểm

Vấn đề biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính là vấn đề nghiêm trọng của toàn cầu. Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng. Một trong những tác nhân gây ô nhiễm đó chính là những phát thải công nghiệp của nhiệt điện than.

Theo dự thảo quy hoạch điện VIII, Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 20.000MW điện than mới vào năm 2030. Nâng công suất điện than từ khoảng 21.000 MW hiện nay lên 40.899 MW và tiếp tục tăng khoảng 10.000 MW điện than nữa trong giai đoạn tới năm 2045. Trong đó, sản lượng điện sạch đạt 13,5% vào năm 2030.

Với lộ trình này kịch bản phát triển điện than này sẽ đưa Việt Nam trở thành 1 trong 6 quốc gia có kế hoạch phát triển điện than lớn nhất toàn cầu.

Trao đổi với PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe (CHERAD) bên lề Hội thảo Nhiệt điện than và sức khỏe giải pháp năng lượng an toàn cho Việt Nam trong tương lai, PGS Huy Nga cho hay, phát thải nhiệt điện than sẽ gồm: bụi than, bụi mịn PM2.5 và 1.0; Khí thải S02, NOx, O3; Các kim loại nặng như: Chì, thủy ngân, Cadimin… Tất cả các chất phát thải nhiệt điện than sẽ gây ra ô nhiễm môi trường đất, ô nhiễm nước và ô nhiễm không khí.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga

Hệ quả, phát thải nhiệt điện than có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và môi trường làm gia tăng các bệnh mạn tính không lây; vô sinh, đẻ non, kém phát triển; hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu.

PGS Nguyễn Huy Nga cho hay, trên thế giới đã có rất nhiều công trình nghiên cứu ảnh hưởng phát thải của nhiệt điện than tới sức khỏe con người. Các nghiên cứu đã chứng minh được ảnh hưởng trầm trọng của phát thải nhiệt điện than tới sức khỏe như: hệ thống tim mạch, tiết niệu, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản, ung thư….

Theo một thống kê tại Trung Quốc, 196 nhà máy nhiệt điện than ở Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc (trong năm 2011) khiến 9.900 người chết sớm; 8.800 trường hợp trẻ bị hen suyễn mới; 12.000 ca viêm phế quản mạn; 5.500 lượt nhập viện do hô hấp.

PGS Nguyễn Huy Nga dẫn chứng tổng tác động sức khỏe từ các nhà máy điện than (hàng năm): số ca cấp cứu do hen phế quản người lớn tại Việt Nam là 330 người; số ca cấp cứu do hen phế quản trẻ em tại Việt Nam là 216 người; số ca tử vong sớm tại Việt Nam là 1.482 người… so với nước ngoài đều cao hơn rất nhiều.

Cùng với đó, ông cũng cho biết nghiên cứu thực trạng sức khỏe môi trường tại xã Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận) cho thấy, chỉ trong vòng 3 năm (2018-2020) số người ung thư, tai biến và đột quỵ chiếm tỷ lệ cao và tăng nhanh tại xã Vĩnh Tân từ 25,7% lên 70,6% số người bị đột quỵ, tai biến. Con số này cao hơn hẳn so với các vùng duyên hải Nam Trung Bộ và toàn quốc theo niên giám y tế năm 2018.

Giảm tác động của nhà máy nhiệt điện than

PGS Huy Nga cho hay, năm 2020 Trung tâm CHERAD đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức 3 cuộc hội thảo về ảnh hưởng của Nhiệt điện than tới sức khoẻ.

Trong thời gian đó, Trung tâm CHERAD và Viện khoa học sức khoẻ, Đại học Quang Trung phối hợp thực hiện nghiên cứu “khảo sát thực trạng sức khỏe môi trường tại 2 xã Vinh Tân và Phức Thể, Huyện Tuy Phong, Bình Thuận”. Đây là nghiên cứu vì sức khỏe cộng đồng mang tích chất định lượng và định tính.

Kết quả nghiên cứu này theo PGS Huy Nga sẽ là tiền đề gợi ý cho các nghiên cứu tiếp theo, đặc biệt là ở những địa phương có nhà máy nhiệt điện hoạt động lâu: Ninh Bình, Hải Dương, Quảng Ninh.

Dựa trên kết quả nghiên cứu và thực tiễn, PGS.TS Nguyễn Huy Nga – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) đưa ra một số kiến nghị để giảm ảnh hưởng của nhiệt điện than.

Thứ nhất, các bộ, ban ngành tổ chức điều tra, giám sát môi trường xung quanh các nhà máy nhiệt điện, KCN cần xây dựng hệ thống quan trắc chất lượng không khí quốc gia để đưa ra cảnh báo về ô nhiễm minh bạch.

Thứ hai, Bộ Y tế tổ chức các nghiên cứu sâu rộng hơn về tác động của nhiệt điện than đối với sức khỏe.

Thứ ba, Bộ Y tế xây dựng chính sách, hoạt động giám sát bệnh tật liên quan đến ô nhiễm không khí, các hoạt động truyền thông về giảm thiểu tác động sức khỏe.

PGS Huy Nga khuyến cáo người dân: “Người dân sống gần khu vực nhà máy nhiệt điện than nếu có thể nên di rời xa nhà máy. Trong điều kiện không thể di rời cần có những biện pháp bảo vệ sức khoẻ. Đóng kín nhà cửa để khói bụi không bay vào nhà. Hàng ngày cần lau dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Nên trồng cây xanh quanh nhà vì cây xanh có tác dụng ngăn bụi và hút các chất độc trong không khí. Người dân cần phải đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay”.

N.M.

Nguồn: SOHA

This entry was posted in Môi trường và sức khỏe, nhiệt điện than. Bookmark the permalink.