Bốn gợi ý để chuẩn bị cho ngày vấn đề biển Đông cũng được mang ra tòa quốc tế.
https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w692/2021/10/somaliakenya.jpg
Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice – ICJ) vừa ban hành phán quyết về tranh chấp phân định ranh giới biển giữa Kenya và Somalia vào ngày 12/10 vừa qua: Maritime Delimitation in the Indian Ocean (Somalia v. Kenya). [1] Đây là một trong những phần bổ sung mới nhất của hệ thống tài phán quốc tế về luật biển cũng như các tranh chấp liên quan đến phân định ranh giới biển.
Phán quyết của ICJ có thể chia làm hai phần. Phần đầu tiên là về các lập luận pháp lý cân nhắc lập trường của hai bên và các vấn đề còn tranh cãi. Phần thứ hai là sử dụng luật biển quốc tế để phân chia chi tiết đường biên giới giữa hai quốc gia.
Bài viết này tập trung phân tích phần đầu tiên, với bốn lập luận pháp lý đáng chú ý liên quan đến tranh chấp biển Đông của Việt Nam.
Vùng biển tranh chấp giữa Somalia và Kenya ở khu vực Ấn Độ Dương. Ảnh: ICJ, BBC.
1. “Chủ quyền lịch sử” hay “di sản thực dân”?
Trong các thảo luận tranh chấp chủ quyền tại hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, cả hai phía đều tận dụng các lập luận về chủ quyền lịch sử của mình đối với vùng biển. Nếu các học giả Trung Quốc cho rằng quốc gia này đã xác lập chủ quyền lịch sử đối với biển Đông và các quần đảo trong khu vực từ thời… Xuân Thu, [2] các học giả Việt Nam vẫn tiếp tục nhấn mạnh vào việc viện dẫn lịch sử lâu đời của Việt Nam tại đây với châu bản, chính sử từ thời nhà Nguyễn. [3]
Tuy nhiên, như người viết nhiều lần đề xuất, các lý luận này không có quá nhiều giá trị trước hệ thống pháp luật quốc tế đương đại.
Trong bài viết “‘Occupant’ Status for China in South China Sea Islands” được đăng tải trên tạp chí chuyên về luật quốc tế Opinio Juris trước đây, người viết cho rằng cần chú trọng nghiên cứu và tập trung xây dựng luận cứ bảo vệ chủ quyền Việt Nam dựa vào hệ thống văn bản do các chính quyền thực dân đàm phán, ký kết và ban hành. [4]
Đây là cơ sở quan trọng nhất để xác định nền tảng đúng sai khi giải quyết tranh chấp về biên giới lẫn phân định ranh giới biển cho đến nay, đặc biệt khi các chính quyền dân tộc dân chủ mới không thể đạt đến đồng thuận về đường biên giữa hai quốc gia.
Vai trò của “di sản thực dân” một lần nữa được chứng minh trong bản án Somalia v. Kenya.
Theo đó, ICJ viện dẫn một công ước được ký kết giữa Vương quốc Anh (chính quyền thực dân quản lý Kenya – British colony of Kenya) và Ý (chính quyền thực dân quản lý vùng đất bao gồm Somalia – Italian colony of Jubaland) là xuất phát điểm pháp lý đầu tiên cho tranh chấp. Trên cơ sở này, họ sử dụng đường biên và đường phân định ranh giới biển được ủy ban liên kết chuyên gia của hai quốc gia Anh – Ý khảo sát và xác định.
Bản án không hề nhắc gì đến “chủ quyền lịch sử” kéo dài hàng ngàn năm trước đó giữa các bộ tộc thuộc hai vùng đất Somalia và Kenya.
2. Vấn đề tuyên bố phân định biên giới biển và “thỏa thuận ngầm”/“ưng thuận”
Ý nghĩa pháp lý của các tuyên bố đơn phương về chủ quyền biên giới trên bộ lẫn trên biển là một vấn đề lớn của Việt Nam, đặc biệt khi chúng ta nhắc đến tuyên bố đơn phương của Trung Quốc và công hàm công nhận của Việt Nam thường được gọi là “Công hàm Phạm Văn Đồng”. [5]
Trong phán quyết này của ICJ, có rất nhiều thảo luận liên quan, tạo điều kiện cho Việt Nam cân nhắc các điểm lợi hại cho mình.
Công hàm Phạm Văn Đồng. Nguồn: WikiCommons/VOA.
Nội dung xét xử cho thấy Kenya vận dụng liên tục nguyên tắc về “thỏa thuận ngầm” (tacit agreement) và “đồng thuận ngầm” (acquiescence) trong pháp luật quốc tế.
Theo đó, “acquiescence” được cấu thành bởi ba thành tố chính: (1) một chuỗi hành động hay không hành động của một quốc gia cho thấy quan điểm của quốc gia đó về một quy định pháp lý nhất định; (2) thông tin về chuỗi hành động hay không hành động đó được phổ biến và được biết đến một cách minh thị bởi một quốc gia khác; và (3) quốc gia có thông tin không phản hồi, dù là đồng thuận hay phản đối, đối với hành động của quốc gia thực hiện.
Trong trường hợp này, Kenya cho rằng họ đã công bố về cách phân định ranh giới biển của mình với Somalia thông qua Tuyên bố của Tổng thống Cộng hòa Kenya năm 1979 (Proclamation by the President of the Republic of Kenya), Tuyên bố tương tự vào năm 2005 và bản đăng ký của mình cho Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (Commission on the Limits of the Continental Shelf – CLCS) vào năm 2009. Theo quan điểm của Kenya, vì ngay tại những thời điểm này (tức sau năm 1979, 2005 lẫn 2009), Somalia không hề phản đối các tuyên bố nói trên nên Kenya có quyền cho rằng Somalia đã đồng thuận với các yêu sách lãnh thổ mà mình đưa ra.
Somalia không đồng tình với lập luận này.
Họ lý giải là ngay cả khi “thỏa thuận ngầm” hay “đồng thuận ngầm” có thể được xem là một công cụ pháp lý quốc tế để phân định ranh giới biển, Kenya cần chứng minh chính quyền nước này đã xác lập rõ ranh giới và thực thi thẩm quyền của mình một cách trọn vẹn trên phần ranh giới mà họ tuyên bố chủ quyền. Không chỉ vậy, Kenya cũng có trách nhiệm chứng minh Somalia thể hiện rõ ràng và nhất quán ý định chấp nhận tuyên bố chủ quyền của Kenya trong mọi bối cảnh quan hệ quốc tế mà hai bên tham gia.
Somalia lập luận rằng việc không phản đối các thông cáo hay tuyên bố chủ quyền không thể tự động được coi là chấp nhận những yêu sách đó.
Cuối cùng, tòa chấp nhận cách lý giải của Somalia.
Tòa viện dẫn Điều 74 và Điều 83 về phân định ranh giới giữa hai quốc gia ở hai vùng đặc quyền kinh tế (exclusive economic zone) và thềm lục địa (continental shelf), cho rằng ranh giới chỉ có thể được xác định do thỏa thuận giữa hai bên dựa trên các nguyên tắc của pháp luật quốc tế.
Yếu tố quan trọng phải có là hiểu biết chung (shared understanding) giữa hai quốc gia về đường biên giới bờ biển của họ. Sự lâu dài, ổn định và nhất quán của hiểu biết chung này cũng cần được xem xét.
Trong khi đó, tòa nhấn mạnh “acquiescence” có thể được xem là thỏa thuận ngầm giữa hai bên với một số án lệ nhất định, tuy nhiên, tiêu chuẩn của chúng cũng rất cao. ICJ lý giải việc xác lập đường biên giới biển là một vấn đề an ninh quốc gia đặc biệt quan trọng. Bên muốn khẳng định có thỏa thuận ngầm phải chứng minh, bằng các bằng chứng thuyết phục và minh thị (compelling and clear evidence), rằng hành vi không phản đối của một quốc gia có ý nghĩa rằng quốc gia này đã hoàn toàn chấp nhận các hệ quả pháp lý của đường biên giới mà bên tuyên bố đưa ra.
Từ đó, tòa nghiêng về phía Somalia vì có nhiều bằng chứng cho thấy hai bên không hề vui vẻ hòa hảo về vấn đề phân định ranh giới biển như Kenya mô tả.
Nếu xét theo tình hình Việt Nam, cũng có khả năng cao Trung Quốc lập luận rằng trong giai đoạn từ năm 1958 đến tận 1990, dù trải qua nhiều trận hải chiến, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa bao giờ phản đối các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông một cách rõ ràng. Lập luận của Somalia có thể giúp chúng ta phản bác luận điểm này.
3. “Tình trạng chiến tranh” và tác động của nó
Một lập luận có ý nghĩa khác đối với Việt Nam mà Somalia đưa ra là tại các đoạn 46 – 47 của phán quyết là: tình trạng chiến tranh và không thống nhất của Somalia trong các giai đoạn mà Kenya đưa ra tuyên bố chủ quyền và thực thi chủ quyền này.
Lập luận về tình trạng chiến tranh gây ảnh hưởng đến khả năng thực thi chủ quyền của Somalia được ICJ công nhận. Ảnh: DPA.
Somalia lý giải rằng với các cuộc nội chiến kéo dài, Somalia không có một chính phủ đại diện nào có đủ tiềm lực và thời gian để theo dõi, đo đạc, phản đối, kiểm soát và thực thi đầy đủ chủ quyền của họ trên vùng biển tranh chấp. Đây là một yêu cầu không thực tế và không hợp lý cho bối cảnh quốc gia Somalia.
Lập luận này được ICJ thừa nhận trong phán quyết. Tại đoạn 79, ICJ công nhận từ năm 1991 đến năm 2005, tình trạng xung đột vũ trang kéo dài khiến Somalia không có một chính quyền trung ương đủ nguồn lực và thời gian để quan tâm đến ranh giới biển. Tình trạng nội chiến vô cùng tồi tệ và đã được nhiều cơ quan Liên Hiệp Quốc, các tổ chức liên chính phủ ghi nhận, đánh giá và giúp đỡ.
Trong trường hợp Việt Nam, viện dẫn chiến tranh Việt Nam như một lý do quan trọng dẫn đến việc mất khả năng xem xét, cân nhắc, phản đối các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong giai đoạn đó sẽ là một cách tiếp cận đáng chú ý.
4. Cân nhắc ban hành và chi tiết hóa pháp luật nội địa
Yếu tố cuối cùng trong phán quyết mà người viết cho rằng Việt Nam nên lưu ý là vấn đề pháp luật nội địa.
Dù là một phán quyết luật quốc tế, ICJ dành khá nhiều thời gian để ghi nhận và đánh giá tính thống nhất của pháp luật quốc gia Kenya, từ đó đưa ra kết luận về sự nhất quán của họ trong các tuyên bố chủ quyền.
Trong số các đạo luật được xem xét, đáng chú ý nhất là Đạo luật vùng Lãnh hải 1972 (Territorial Waters Act of 1972) và Đạo luật vùng Hàng hải 1989 (Maritime Zones Act of 1989). ICJ nhận thấy ngay cả trong pháp luật nội địa, Kenya cũng chưa từng thống nhất cách phân định ranh giới biển với quốc gia láng giềng là cắt biển song song với đường vĩ tuyến. Các thẩm phán cũng chỉ ra là hầu hết các văn bản của Kenya về vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa cũng chưa hề tạo ra một chính sách thống nhất về vùng biển mà họ cho rằng họ đang quản lý.
Điều này dẫn đến một số lo ngại cho Việt Nam. Luật Biển 2012 đã quá tuổi và quá thiếu chi tiết liên quan đến chủ quyền, cách phân định đường biên giới biển lẫn những bản đồ chi tiết. [6] Trong khi đó, hệ thống luật pháp nội địa về biển của Trung Quốc thì ngày càng được tăng cường với nhiều thông tin hơn, cũng như khả năng thực thi cao hơn trên vùng biển Đông của Việt Nam.
Trong bối cảnh này, việc hoàn thiện, thống nhất và pháp điển hóa mọi tuyên bố chủ quyền của Việt Nam có thể sẽ tạo ra những chứng cứ rõ ràng hơn và có lợi hơn cho chúng ta, nếu một ngày nào đó vấn đề biển Đông được mang ra tòa quốc tế.
Chú thích
1. Maritime Delimitation in the Indian Ocean (Somalia v. Kenya), Judgment of 12 October 2021. https://www.icj-cij.org/en/case/161
2. Jianming Shen, China’s Sovereignty over the South China Sea Islands: A Historical Perspective, Hastings Int’l & Comp. L. Rev. https://academic.oup.com/chinesejil/article-pdf/1/1/94/6713364/1-1-94.pdf
3. Online T. T. (2020, August 18). Việt Nam đã xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa – Trường Sa lâu đời, liên tục nhiều thế kỷ. TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/viet-nam-da-xac-lap-chu-quyen-tai-hoang-sa-truong-sa-lau-doi-lien-tuc-nhieu-the-ky-20200818191035037.htm
4. Tan, T. N. Q. (2021, April 17). ‘Occupant’ Status for China in South China Sea Islands? Opinio Juris. http://opiniojuris.org/2021/04/17/occupant-status-for-china-in-south-china-sea-islands/
5. Trung, N. Q. T. (2020, April 27). Đánh giá 6 lập luận liên quan đến Công hàm 1958. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2020/04/danh-gia-6-lap-luan-lien-quan-den-cong-ham-1958/
6. Luật Biển 2012, https://thukyluat.vn/vb/luat-bien-viet-nam-2012-23086.html
N.Q.T.T.
Nguồn: Luật Khoa