14-10-2021
Khai mạc hội nghị lần thứ 9 của Ban chấp hàng Đảng bộ TP.HCM khóa XI. Ảnh: Thảo Lê
Đại dịch làm thấy rõ ưu khuyết của tổ chức, cá nhân trong bộ máy, bộc lộ rõ hạn chế, yếu kém trong hệ thống mà điều kiện bình thường khó thấy – là nhận định của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 9 của BCH Đảng bộ TP.HCM khóa XI, sáng 14-10.
Đó là một nhận định chính xác, trung thực, cấp thiết.
Một thành phố với bao đề án nào thông minh, nào sáng tạo; kể cả dự án đã khởi động nhưng hạ tầng công nghệ lại quá nhiều… hụt hẫng. 700.000 thông tin tiêm chủng sai sót trong hệ thống tập hợp dữ liệu vừa qua. Một phó chủ tịch UBND vốn là “trí thức bậc cao” chuyên ngành công nghệ thông tin đã “đóng góp” gì cho công tác chỉ đạo, phối hợp chỉ đạo triển khai kết nối mạng lưới công nghệ, nhất là lõi dữ liệu, tích hợp dữ liệu từ quốc gia đến thành phố để phục vụ cho trước/trong/sau đại dịch?
Dữ liệu là “chiến trường” của hiện tại để đi tới tương lai, là “linh hồn” của công nghệ – một trong những trụ cột của Chỉ thị 18 và các chỉ thị nối dài sắp tới.
Ngày 23-9, đại biểu Nguyễn Sỹ Quang – phó giám đốc công an thành phố, khi nói về việc triển khai hỗ trợ an sinh ở một số nơi còn sót, chậm trễ đã nêu, khó khăn lớn nhất hiện nay là dữ liệu. Dữ liệu về tiêm vaccine, dữ liệu F0 đã khỏi bệnh, nhất là F0 điều trị tại nhà đã khỏi bệnh, dữ liệu về xét nghiệm… đang tản mát.
Một thành phố luôn tự hào với mạng lưới phân phối – tiêu thụ hàng hóa đến tận hang cùng ngõ hẻm. Nhưng chỉ mới những ngày đầu đại dịch, sự chỉ đạo, phối hợp chỉ đạo (các sở và quận huyện), công tác kiểm tra sau khi triển khai trong cách thức cung cấp “hàng hóa thiết yếu” cho người dân đã hoàn toàn thụ động, có lúc tắc nghẽn, có nơi có biểu hiện làm giá…
Một thành phố luôn ngạo nghễ trong các báo cáo sơ-tổng kết chuyên đề, nhiệm kỳ rằng “TP.HCM giảm nghèo bền vững về đích trước thời hạn” như một điểm sáng… lòe tại Đại hội X, 2015-2020.
Và sự bền vững ấy đã được nghiệm sinh qua đại dịch.
Đành là thúc thủ 4 tháng trong pháo đài, giàu còn bớt giàu đi nhưng đã nghèo thì càng nghèo thêm, thiếu đói. Nhưng mới thấy người nghèo-không-bền-vững ở đâu mà tuôn ra vô kể.
Các gói hỗ trợ an sinh cứu tế có nơi có lúc không kịp, có kịp thì có khi trật… người. Số không nằm trong hệ thống “dữ liệu” của các chú bác tổ trưởng thì vô số, nếu không nhờ có tấm lòng và cánh tay của hàng trăm con người thiện nguyện, đói lại càng thêm khốn.
Một thành phố trung tâm kinh tế của cả nước, một đầu tàu kéo theo bao toa tàu mà nguồn lực dự trữ, từ vật lực, tiền… lực, trong dịch đều phải liên tiếp đi xin; nhân lực thì càng cạn kiệt. Sự cạn kiệt không chỉ nằm ở cơ số đào tạo đầu ra mà ngay trong đội ngũ thực thi, cạn về năng lực tổ chức, kiểm soát. Kiệt quệ cái tinh thần dũng khí chịu tìm tòi, đổi mới, chịu học hỏi để biết mà dám làm, dám chịu trách nhiệm chỉ đạo những cái mà “điều kiện bình thường” không hề có, chưa hề thấy.
Một thành phố có nhiều khu công nghệ, chế xuất, khu công nghệ cao. Nhưng nhà xưởng – nơi làm việc, sản xuất – lại không hề gắn với “dây chuyền” nhà ở, sinh hoạt cho công nhân. Khi có dịch, những khu nhà trọ, nhà ổ chuột của công nhân, người nghèo, cơ nhỡ hứng chịu thảm họa. Hôm qua, tôi tình cờ nghe kể, một bạn công nhân “thoát chết” trong dãy nhà trọ nhưng cả đời bạn sẽ là nỗi ám ảnh kinh hoàng vì có quá nhiều cái chết ở sau những căn phòng chật chội ấy.
Một trong 11 thành phần thuộc kế hoạch phục hồi kinh tế thành phố này là xây một triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân, người thu nhập thấp, mai này, liệu có thành hiện thực; thành rồi, liệu có tới tận tay, đúng giá, trúng địa chỉ người thụ hưởng?
Đừng để qua dịch, trở lại cái “điều kiện bình thường”, lại coi như “chưa thấy” những điều đã lộ diện, đã hư hoại trong đại dịch.
Như hôm kia, tôi ngắm bức ảnh chụp đại hội phụ nữ xã của một huyện trên địa bàn TP.HCM, hoa lấn hết cả sân khấu của đoàn chủ tịch, thư ký, thật có giả có. Rồi cứ nghĩ, từ đây tới trước 20-10, qua hết đại hội cơ sở, lên cấp quận huyện, tót lên cấp thành, hoa lá, văn kiện, quà lưu niệm, triển lãm, văn nghệ chào mừng đại hội thành công…
Như “điều kiện bình thường” đã là tốn kém, phung phí; nay đang vào mùa mưa bão, lại thoi thóp gượng dậy sau đại dịch, liệu có đủ văn minh-hiện đại mà tiến hành đại hội trực tuyến, liệu có dư nghĩa tình mà gom hết chừng ấy, quy thành gói an sinh cho hội viên, ít nhất cũng bớt đi một gánh nặng cho nhân dân mà còn góp phần vào giải pháp giảm sự “yếu kém, hạn chế trong hệ thống”, ngay sau dịch.
Họ có nghĩ tới, hoặc nghĩ khác để làm khác đi cái bình thường – trước khi có dịch, với bao gia đình khốn đốn vì mất đi trụ cột, bao trẻ mồ côi, bao phụ nữ đơn chiếc, mất việc, không thu nhập…
Hãy nghị quyết hóa, chỉ tiêu hóa, chương trình hành động hóa và… đại hội hóa bằng chính sự sống sót, gượng dậy, mưu sinh, có việc làm của bao chị em, gia đình! Thật.
L.H.A.M.
Nguồn: Báo Tiếng Dân