Hoàng Hải Vân
Sau khi TP.HCM nới nóng giãn cách từ ngày 1-10, người dân ùn ùn kéo về quê tìm đường sinh sống, bất chấp những lời thiết tha kêu gọi ở lại. Sau mấy chục năm coi người nhập cư là công dân hạng 2, có lẽ đây là lần đầu tiên chính quyền TPHCM thấy thành phố không thể phát triển được nếu không có họ. Nhưng đồng bào nhâp cư không tin họ có thể sống được ở nơi này, ít nhất trong ngắn hạn.
Dòng người lại dính chùm với nhau với mức độ dồn nén cao hơn, dày đặc hơn, kéo dài nhiều ngày hơn những đợt dính chùm mấy tháng trước, khiến cho các quy định 5k bị vô hiệu hoá hoàn toàn sau khi vô hiệu hoá “từng bước” trong những lần dính chùm trước.
Dân không tự dính chùm, sự dính chùm là do các chốt kiểm soát của nhà nước.
Có tỉnh tổ chức đón dân, có tỉnh ngăn cản, nhưng dù đón hay ngăn cản thì dân vẫn cứ bị các chốt kiểm soát làm cho dính chùm. Đón hay không thì các quy định 5k vẫn bị vô hiệu hoá. Khi đồng bào về đến quê hương, nhiều tỉnh đưa vào sàng lọc, lại dính chùm lần nữa. Sàng lọc xong, đưa vào khu cách ly tập trung, lại tiếp tục dính chùm. Dính chùm chồng lên dính chùm, dịch bệnh có lây lan hay không thì không cần phân tích mọi người cũng biết. Nếu như có một làn sóng dịch tiếp theo (lạy trời không xảy ra) thì làn sóng đó là do các cuộc dính chùm này gây ra, trách nhiệm hoàn toàn do chính quyền.
Hãy hình dung: Nếu không có các chốt kiểm soát, nếu không có ngăn cản, nếu không có tổ chức đón, mà để người dân đi lại tự do thì có sự dính chùm đó không? Chắc chắn là không, vì người dân chỉ đi một chiều về quê chứ hầu như không có ngược lại. Bởi vậy, không có chốt kiểm soát thì việc phòng chống dịch hiệu quả sẽ cao hơn và chi phí thấp hơn rất nhiều so với có chốt kiểm soát.
Người từ thành phố về, các địa phương sợ lây lan ư? Lây lan chính là từ sự dính chùm mà chính quyền gây ra đấy!
Chính quyền của chúng ta hiện diện đến xã, ấp, thậm chí đến tổ dân cư. Chỉ cần để cho dân về tự do và cách ly tại nhà, có xã, ấp, tổ kiểm soát, trong khoảng thời gian cách ly tại nhà ai có triệu chứng sẽ được xét nghiệm, nếu nhiễm bệnh sẽ tiếp tục cách ly và điều trị tại nhà cho đến khi âm tính. Sau thời gian cách ly thì người dân được sinh sống bình thường và tuân thủ các quy định như dân địa phương tại chỗ.
Nhưng tại sao việc phòng chống dịch đơn giản, hiệu quả và ít tốn kém như vậy lại không được quan chức nào nghĩ đến mà cứ phải để cho dân dính chùm cho dịch bệnh lây lan?
Nếu như dính chùm dày đặc như thế này mà dịch bệnh vẫn không lây lan thì cần gì phải áp dụng các biện pháp phong toả khiến cho dân rơi vào nghèo đói, doanh nghiệp điêu đứng, kinh tế suy thoái, GDP âm 6,17% như những tháng qua?
Câu trả lời thuộc về cấp trên cao nhất. Còn các quan chức cấp dưới thì hình như không còn khả năng tư duy, họ được quy hoạch, được đào tạo để chấp hành sự chỉ đạo của cấp trên nhằm giữ cái ghế của mình, chứ rất ít khi nghĩ đến thân phận của người dân, thậm chí không còn khả năng động não để nghĩ đến giải pháp sao cho dịch bệnh ít lây lan nhất. Nếu động não thì tại sao không nghĩ đến làm cho dân dính chùm lại với nhau thì dịch bệnh lây lan?
Và xin lặp lại câu hỏi ở trên: Nếu như dính chùm dày đặc như thế này mà dịch bệnh vẫn không lây lan thì cần gì phải áp dụng các biện pháp phong toả khiến cho dân rơi vào nghèo đói, doanh nghiệp điêu đứng, kinh tế suy thoái, GDP âm 6,17% như những tháng qua?
Dân nghèo đói vì phong toả và ùn ùn kéo về quê tìm đường sống hình như chưa làm ai thức tỉnh. Có lẽ khi GDP âm 6,17% trong quý 3 và khi các doanh nghiệp FDI bắt đầu rời khỏi Việt Nam mới khiến cho cấp trên cao nhất thức tỉnh chăng? Sự tụt hậu so với các nước xung quanh không còn là nguy cơ mà đang hiện hữu.
Đừng để quá muộn!
H.H.V.
Nguồn: FB Hoàng Hải Vân