Bức ảnh tối om, lời hứa của ông Tập và cuộc khủng hoảng chưa từng thấy rúng động TQ: Dự báo cực xấu!

PV | 28/09/2021 06:09 AM

Dưới bề mặt tưởng như vững vàng ổn định, nền kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu lung lay, rạn nứt, vụ Evergrande [xem bài Đọc thêm ở dưới] hay chuyện Trung Quốc đang bị thiếu điện làm sụt giảm sản lượng ở các trung tâm kinh tế lớn, chuyện nhà cung cấp chủ chốt của Apple, Tesla dừng sản xuất ở Trung Quốc vì chính sách năng lượng của Trung Quốc v.v…chỉ là những vết nứt mở đầu và sẽ ngày càng lan rộng hơn..

Song Chi

Hơn một nửa các tỉnh của Trung Quốc đã phải siết chặt quy định về sử dụng điện, song những bất cập trong thực thi đang làm dấy lên làn sóng giận dữ trong cộng đồng.

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 27/9 cho hay, những ngày gần đây cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc đang diễn biến theo hướng nghiêm trọng, đe dọa toàn bộ lưới điện và tác động đến dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm.

16 tỉnh Trung Quốc siết chặt tiêu thụ điện

Trong tháng vừa qua, có 16 trong 31 tỉnh của Trung Quốc – từ những vùng công nghiệp giàu có ở miền nam như Quảng Đông hay các tỉnh thuộc “vành đai rỉ sét” vùng đông bắc – đã ban hành các biện pháp điều tiết điện năng, thổi bùng lên báo động trên diện rộng trong cộng đồng và đẩy lĩnh vực công nghiệp của đất nước vào hỗn loạn.

“Tình hình đã trở nên tồi tệ hơn sau cuối tuần qua,” nhà kinh tế trưởng của Nomura Lu Ting ngày 27/9 đánh giá, bổ sung rằng tình trạng thiếu điện không chỉ xảy ra với các nhà máy.

Dù Trung Quốc thường xuyên thực thi biện pháp cắt điện hàng năm ở nhiều địa phương, tần suất cắt điện đã tăng lên đáng kể từ nửa cuối năm ngoái.

Các nhà phân tích chỉ ra, tình trạng thiếu nguồn cung than cùng với mục tiêu giảm phát thải của Bắc Kinh là những nguyên nhân cho tình hình trên, và cảnh báo sự gián đoạn hơn nữa sẽ kéo theo rủi ro làm trầm trọng lạm phát cũng như ảnh hưởng đến sản xuất.

“Với việc sự tập trung của thị trường đang đổ dồn vào [cuộc khủng hoảng nợ] của tập đoàn Evergrande và những hạn chế chưa từng thấy mà Bắc Kinh áp đặt với lĩnh vực bất động sản, một cú sốc nữa từ ‘bên cung’ có thể đã bị đánh giá thấp hay thậm chí là bị bỏ qua,” Lu Ting nêu – đề cập khủng hoảng điện năng.

Bức ảnh tối om, lời hứa của ông Tập và cuộc khủng hoảng chưa từng thấy rúng động TQ: Dự báo cực xấu! - Ảnh 1.

Ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, ngày 23/9/2021 do một số đèn tín hiệu giao thông đột ngột dừng hoạt động (Ảnh: Weibo)

Trước tình hình năng lượng tồi tệ kể trên, Lu cùng đội ngũ của ông đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ 8.2% xuống 7.7%, và đây vẫn còn là dự báo lạc quan.

“Chúng tôi nhận thấy có rủi ro sụt giảm hơn nữa trong các dự báo của mình,” ông Lu nói.

Những khó khăn mới nhất xảy đến sau khi một số nhà phân tích “gióng chuông” cảnh báo về triển vọng kinh tế Trung Quốc trong những tuần gần đây, giữa bối cảnh biến thể Delta của virus SARS-Cov-2 tiếp tục hoành hành ở nền kinh tế số 2 thế giới, buộc các nhà hàng và trung tâm giải trí công cộng ở nhiều địa phương đóng cửa, cũng như nhiều sự kiện thương mại quy mô lớn phải tạm hoãn.

Hàng loạt địa phương xáo trộn vì thiếu điện

Các tỉnh đông bắc Trung Quốc gồm Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang đang chứng kiến tình trạng thiếu điện lan rộng ở khu vực hộ gia đình. Nhiều cư dân giận dữ và bối rối đã bày tỏ bất bình trên mạng xã hội khi điện bị cắt cả trong giờ cao điểm mà không được thông báo đầy đủ.

Vào hôm 23/9, một số đèn giao thông ở thủ phủ Thẩm Dương của tỉnh Liêu Ninh đã bất ngờ dừng hoạt động, gây ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Giới chức địa phương thông tin trong cuộc họp ngày 26/9 rằng họ phải điều tiết cung cấp điện “nhằm tránh làm sụp đổ toàn bộ điện lưới” – báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo đưa tin.

“Từ ngày 23 đến 25/9, do sự sụt giảm đột ngột của nguồn điện gió và do các nguyên nhân khác, tình trạng thiếu điện [ở tỉnh Liêu Ninh] đã lên đến mức nghiêm trọng,” các quan chức địa phương cho hay.

Ở tỉnh láng giềng Cát Lâm, một nhà máy thủy điện địa phương thông báo trên tài khoản WeChat hôm 26/9 rằng “việc cắt điện bất thường, không theo kế hoạch và không báo trước hoặc hạn chế [tiêu thụ điện] sẽ kéo dài đến tháng 3/2022, [và] việc mất điện và nước sẽ trở thành bình thường” để đáp ứng các yêu cầu của lưới điện quốc gia và các nhiệm vụ của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, thông cáo trên đã được gỡ xuống và thay thế bằng một phiên bản “nhẹ nhàng” hơn vào ngày 27/9, theo đó bản thông báo cũ “diễn đạt không phù hợp và không chính xác, gây ra hiểu lầm với những người sử dụng điện và cho công chúng”.

Ở tỉnh Quảng Đông – địa phương chiếm tỉ trọng số 1 trong toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc, các quan chức cũng ban hành thông báo về các sáng kiến tiết kiệm năng lượng áp dụng trong toàn tỉnh, đồng thời kêu gọi các tổ chức chính quyền của tỉnh tiên phong làm gương trong việc hạn chế sử dụng thang máy ở ba tầng đầu tiên trong các tòa nhà văn phòng.

Trước đó, nhiều đô thị ở Quảng Đông cũng áp đặt quy định giới hạn tiêu thụ điện ngoài giờ cao điểm và kiểm soát sản xuất với một số lĩnh vực, cũng như cảnh báo cắt điện với những đơn vị và cá nhân vi phạm.

Ví dụ, chính quyền thành phố Thanh Viễn, tỉnh Quảng Đông, hôm 22/9 đã buộc các công ty ở địa phương này ngưng dùng điện trong khoảng thời gian 8-23h mà không cho biết lệnh hạn chế sẽ kéo dài bao lâu.

Nhiều công ty, gồm các nhà máy nhỏ, đã phải chuyển giờ sản xuất sang ca đêm và giảm đầu ra sản phẩm, thậm chí tạm dừng toàn bộ vận hành.

Channey Zhan, quản lý một nhà máy thủy tinh opal ở Triều Châu, nhận được thông báo từ chính quyền bản địa vào hơn 1 tháng trước, yêu cầu bà giảm tiêu thụ điện.

“Nếu các quy định trở nên nghiêm ngặt hơn, chúng tôi có thể phải giữ lò nóng nhưng không sản xuất gì,” Zhan nói. “Tình hình rất nghiêm trọng và nhiều khả năng trở nên trầm trọng hơn nữa.”

Bức ảnh tối om, lời hứa của ông Tập và cuộc khủng hoảng chưa từng thấy rúng động TQ: Dự báo cực xấu! - Ảnh 2.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết nước này sẽ không đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới ở nước ngoài (Ảnh: Michael Nagle/Bloomberg)

Kịch bản tương tự cũng được ghi nhận ở tỉnh Giang Tô và Chiết Giang, hai trong số những nền kinh tế đầu tàu của Trung Quốc.

Tại Giang Tô, khu kinh tế của thành phố Thái Hưng đã yêu cầu các công ty địa phương tạm ngưng hoặc giảm sản xuất. Jinji Industrial – một công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán – cho biết đã giảm sản lượng hóa chất từ hôm 22/9.

Tỉnh Chiết Giang – “căn cứ xuất khẩu” của Trung Quốc – cũng ráo riết thực thi cắt giảm tiêu thụ năng lượng và yêu cầu các công ty sử dụng nhiều điện tạm dừng sản xuất.

Trong hai tuần qua, tỉnh Vân Nam ở biên giới tây nam Trung Quốc thực thi hàng loạt biện pháp để quản lý cả tiêu thụ năng lượng lẫn Cường độ năng lượng (năng lượng để sản xuất ra một đơn vị GDP), bao gồm cắt giảm giờ hoạt động các nhà máy nhiệt điện và giảm sản lượng phốt pho vàng (một nguyên liệu thô để chế tạo phân bón) trong giai đoạn tháng 9-12/2021 đến 90% so với tháng 8.

Trung Quốc phải hy sinh tăng trưởng?

Không chỉ gặp khó khăn về nguồn điện trong nước, Trung Quốc cũng đứng trước sức ép quốc tế về việc ngưng rót tiền cho các dự án nhiệt điện ở nước ngoài, nhằm bảo đảm thực thi các cam kết của Bắc Kinh trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, liên quan đến giảm lượng phát thải carbon.

Phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 21/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết nước này sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài.

Những cam kết của ông Tập về giảm phát thải cả trong và ngoài nước được cho là tín hiệu báo trước cho những khó khăn gia tăng trong việc đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng cho Trung Quốc, mà trước đó nhiệt điện than vốn là một thành tố quan trọng.

Ngoài Nomura, Morgan Stanley cũng ước tính tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong Quý 4/2021 giảm thêm 1 điểm phần trăm nếu như các điều kiện hiện nay tiếp diễn.

Peng Wensheng, kinh tế gia trưởng tại ngân hàng đầu tư nổi tiếng China International Capital Corporation, dự đoán hôm 26/9 rằng sự sụt giảm sản xuất sẽ kéo tăng trưởng kinh tế cả nước giảm khoảng 0.1 đến 0.15 điểm phần trăm cả trong quý này và quý tiếp theo.

Peng cũng dự báo tác động sâu rộng của việc cắt giảm đột biến lượng tiêu thụ năng lượng đến cuối năm nay.

Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng các biện pháp kiểm soát năng lượng của Trung Quốc có thể giúp làm giảm nhu cầu đối với nhiều mặt hàng nguyên liệu thô đầu nguồn – vốn cũng đang trong tình trạng khan hiếm tại nước này.

Hai nhà kinh tế Deng Haiqing và Wang Shuqin viết trên WeChat rằng điều tiết điện năng chắc chắn là một quyết định khó khăn với các nhà quản lý, nhưng đây có thể là “phương án ít tồi tệ nhất trong thời điểm hiện tại”.

“Các vấn đề liên quan đến ‘tăng trưởng bất thường’ của xuất khẩu và [Chỉ số giá sản xuất] cao phải được giải quyết bằng các biện pháp điều tiết năng lượng, [nhưng điều này] sẽ phải hy sinh tăng trưởng kinh tế ở một mức độ nhất định.”

Nguồn: soha.vn

Đọc thêm:

Gánh nặng những công trình xây dựng còn dang dở của Evergrande

Thanh Hà

Là biểu tượng của phép lạ kinh tế Trung Quốc, của cơn sốt địa ốc tại quốc gia đông dân nhất địa cầu, tập đoàn bất động sản Evergrande nay đang bên bờ vực thẳm trước núi nợ tương đương với 3 % GDP. Với Bắc Kinh, Evergrande là một thách thức cả trên ba mặt trận : tài chính, xã hội và chính trị.

« Evergrande, một phiên bản mới của Lehman Brothers » : truyền thông quốc tế cảnh báo « một cơn bão tài chính mới » dấy lên từ Trung Quốc có nguy cơ tác động tới toàn cầu. Nhưng trước mắt đây là một cuộc khủng hoảng đe dọa đến ổn định xã hội và tính chính đáng của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Evergrande với mức nợ ước tính lên tới 300 tỷ đô la có nguy cơ kéo theo cả ngành địa ốc lẫn tài chính ngân hàng Trung Quốc vào vòng xoáy, kế tới là những cổ đông đầu tư vào Evergrande. Từ đầu 2021 cổ phiếu của tập đoàn mất giá 90 % trên các sàn chứng khoán tại Hoa lục và Hồng Kông, hàng tỷ đô la tan thành mây khói.

Nguy cơ hiện tượng đổ dàn

Evergrande đã nhận tiền đặt cọc của khách hàng để giao 45 triệu mét vuông bất động sản nhưng những công trình đó vẫn chưa hoàn tất. Công ty thiếu tiền mặt để 750 công trường ở trên 200 thành phố tại Trung Quốc tiếp tục hoạt động. Khoảng 200.000 công nhân viên của Evergrande  bị đe dọa mất việc. Hàng ngàn đối tác của công ty bất động sản này, từ giới phân phối vật liệu xây dựng đến các công ty môi giới địa ốc bị vạ lây. Trên dưới bốn triệu lao động Trung Quốc sẽ bị thất nghiệp trong trường hợp Evergrande mất khả năng thanh toán.

Trên đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia kinh tế Mary Françoise Renard đại học Clermond Ferrand trước hết giải thích cung cách làm ăn theo kiểu « mượn dầu heo nấu cháo » của tập đoàn bất động sản lớn thứ nhì tại Trung Quốc :  

Mary Françoise Renard: «Tương tự như rất nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc, Evergrande đã lớn mạnh nhờ đi vay nợ. Trong giai đoạn 2008-2009 cũng vì muốn tránh để bị sa lưới khủng hoảng tài chính toàn cầu, Bắc Kinh đã cho mở van tín dụng, khuyến khích tiêu thụ nội địa. Trung Quốc khi đó chủ trương chuyển hướng mô hình kinh tế, giảm bớt lệ thuộc vào xuất khẩu và lấy tiêu thụ nội địa làm chủ lực. Có điều các nguồn tín dụng dồi dào đã dẫn tới hiện tượng đầu cơ. Đa phần, người ta đầu cơ vào địa ốc. Evergrande đã dễ dàng đi vay cho đến lúc tập đoàn này mắc nợ quá nhiều. Thêm vào đó từ đầu năm nay, Bắc Kinh đã áp đặt một số lằn ranh đỏ, quy định một mức nợ không thể vượt qua, hạn chế mức tín dụng cấp cho các tập đoàn xây dựng và địa ốc. Lập tức Evergrande thiếu hụt tiền mặt. Công ty này đã phải bán rẻ một số dự án để thu tiền vào kịp thời. Nhưng ngay cả biện pháp chữa cháy này cũng không đủ để thanh toán nợ đáo hạn. Evergrande rơi vào cái vòng luẩn quẩn. Nghiêm trọng hơn nữa là do Evergrande phải hạ giá nhà đất với hy vọng chiêu dụ thêm khách hàng, nên tập đoàn này đã kéo theo cả thị trường địa ốc tại Trung Quốc xuống giá. Hậu quả kèm theo nữa là một số công ty nhỏ mà cũng vận hành theo kiểu đi vay nợ để phát triển, đã vỡ nợ».

Giáo sư Renard cho rằng, trong trường hợp bị sụp đổ thì « chấn động » từ vụ phá sản này vượt ra ngoài hoàn cảnh Evergrande. Ngành địa ốc chiếm đến 13 % GDP của Trung Quốc và nếu tính luôn cả các đối tác trực tiếp của các tập đoàn bất động sản ở Hoa lục, thì vết dầu – nếu có – sẽ lan rộng đến cả gần 30 % GDP.

Mary Françoise Renard: «Hậu quả trước hết là đối với các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu của Evergrande, trong đó có cả một số cổ đông nước ngoài, nhưng đó chỉ là một số ít. Tác động đáng ngại hơn nhiều là đối với bản thân kinh tế Trung Quốc. Có nhiều khả năng chính quyền sẽ tái cấu trúc nợ của Evergrande có nghĩa là đặt đại tập đoàn địa ốc này dưới sự lãnh đạo của Nhà nước, huy động Ngân Hàng Trung Ương và các ngân hàng của Nhà nước bơm tiền cho Evergrande. Ngoài ra Bắc Kinh cũng đã rất thận trọng can thiệp tránh để Evergrande như vết dầu loang, đe dọa ngành địa ốc trên toàn quốc. Nguy cơ này là có thực do đã có nhiều công ty xây dựng khác tuyên bố phá sản. Nhìn xa hơn nữa, theo tôi, điều khiến cả Bắc Kinh lẫn giới quan sát lo ngại đó là khả năng thẩm định về mức nợ thực sự của các công ty Trung Quốc, và về rủi ro đối với các chủ nợ. Đó mới chính là một vấn đề lớn đang đặt ra với Trung Quốc».   

Bắc Kinh sẽ can thiệp

Cũng trên đài RFI tiếng Pháp, ông Jean-François Dufour, giám đốc cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse nhấn mạnh đến mức độ nghiêm trọng của hồ sơ đang làm Bắc Kinh đau đầu, nhưng hoàn toàn loại trừ kịch bản Evergrande bị chính quyền «bỏ rơi» như kịch bản từng xảy ra với Lehman Brothers của Mỹ hồi 2008 :

Jean-François Dufour: «Thậm chí chúng ta không có những con số chính xác về mức nợ của Evergrande, mà đây chỉ là mức thẩm định. Tuy nhiên số tiền đó cũng đủ cho thấy tình trạng tệ hại đến mức nào đối với tập đoàn địa ốc này. Thực tế phản ánh hai điều : một là Evergrande không thể tiếp tục tồn tại và hoạt động theo lối mòn từ 25 năm nay. Thứ hai là trong mọi tình huống, đừng quên rằng chúng ta đang nói về Trung Quốc (nơi mà chính quyền can thiệp vào các hoạt động kinh tế) : thành thử kịch bản đại công ty này phá sản theo định nghĩa ở phương Tây, là điều không thể xảy ra.

Evergrande không phải là một lĩnh vực chiến lược trong mắt các giới chức Trung Quốc, thế nhưng trọng lượng về kinh tế của tập đoàn này cũng như ảnh hưởng của Evergrande đối với xã hội lại quá lớn. Nếu như công  ty địa ốc này phá sản thì khế ước ngầm giữa đảng Cộng Sản Trung Quốc với người dân nước này sẽ bị chao đảo. Khế ước đó dựa trên một nguyên tắc cơ bản đó là người dân trao quyền lực cho Đảng để đối lấy ấm no, để được bảo đảm thoát khỏi cảnh đói nghèo. Evergrande mà khánh tận, hàng triệu người sẽ trắng tay. Thành thử tôi cho rằng Bắc Kinh hoàn toàn không thể để cho Evergrande bị sụp đổ».

Hai hiện tượng giải thích cho « cơn sốt địa ốc » tại Trung Quốc kể từ thập niên 1990 khi ngành địa ốc được « cởi trói » : một là nhịp độ các thành phố tại quốc gia này phát triển kể từ đầu thập niên 1980 và kèm theo đó là giá nhà đất tại thành phố tăng mạnh. Theo báo tài chính Mỹ, Bloomberg, từ năm 2000 trung bình giá thuê nhà tại Trung Quốc tăng từ 15 đến 20 % một năm. Đây là động lực khiến người dân Trung Quốc đi vay tín dụng để mua nhà đầu cơ và cũng là lý do thứ nhì. Giám đốc cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse Jean- François Dufour giải thích về nghịch lý của ngành xây dựng và địa ốc tại Trung Quốc :

Jean-François Dufour: «Tình huống khá oái oăm: từ trước đến giờ địa ốc là một lĩnh vực luôn mang nợ chồng chất và dễ bị động. Nếu như môi trường kinh tế thuận lợi thì mọi việc êm xuôi, tức là dùng tiền đặt cọc của những lớp khách hàng đến sau để hoàn tất các dự án và giao nhà kịp thời cho những đợt người đến trước. Vấn đề đặt ra là tình hình đã khó khăn hẳn dưới tác động của dịch Covid-19 và nhất là do Bắc Kinh khóa van tín dụng để giảm thiểu mức nợ của các doanh nghiệp, để ngăn chận các hoạt động đầu cơ, bởi ai cũng biết, đó là những quả bom nổ chậm. Evergrande lâm vào thế kẹt, tiền vào thì không như trước mà lại phải trả nợ đáo hạn : chỉ nội mức tiền lãi lên tới hàng chục triệu đô la Mỹ. Bắc Kinh không dám để cho Evergrande vỡ nợ nên rất có thể là một mặt sẽ giành lại quyền quản lý công ty này, mặt khác huy động các định chế tài chính của Nhà nước mua lại nợ của Evergrande. Mục đích ở đây là các công trường vẫn có thể hoạt động, bảo đảm công việc cho hàng triệu công nhân, nhân viên».

Evergrande, Tập Cận Bình tiến thoái lưỡng nan

Sau đại dịch Covid-19 tăng trưởng của Trung Quốc đã bị lao đao, đây không phải là thời điểm để nền kinh tế thứ nhì thế giới hứng chịu thêm một cú sốc khác. Câu hỏi còn lại là Bắc Kinh can thiệp để cứu Evergrande dưới hình thức nào và đâu là thông điệp gửi đến những « con tê giác xám » – tức là những tập đoàn lớn mang nợ chồng chất. Bertrand Harteman làm việc trong lĩnh vực công nghệ với 10 năm kinh nghiệm tại Trung Quốc giải thích thêm về tính toán của Bắc Kinh khi cứu Evergrande : 

Bertrand Harteman: «Có những tập đoàn lớn đến nỗi đủ sức để bắt thị trường phải đi theo, chính những tập đoàn đó áp đặt luật chơi với thị trường. Công luận trong xã hội Trung Quốc bắt đầu bất mãn trước cảnh người lao động bị bóc lột : nhờ đại dịch Covid-19, Alibaba chẳng hạn đã lãi không biết bao nhiêu mà kể và củng cố vị trí độc quyền của tập đoàn này, nhưng lại không chia sẻ lợi nhuận đó cho những người giao hàng, trong lúc đó mới là những mắt xích giữ cho kinh tế Trung Quốc cầm cự được trong những tuần lễ khủng hoảng. Càng lúc càng có nhiều người chỉ trích các tập đoàn khổng lồ của những nhà tỷ phú đó. Hơn nữa giới trẻ không còn chấp nhận mô hình 9-9-6 tức là làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, và 6 ngày trong tuần. Một làn sóng phản kháng bắt đầu chớm nở tại Trung Quốc và gây lo ngại cho hàng ngũ lãnh đạo. Đó chính là một trong những động cơ thúc đẩy chính quyền Bắc Kinh ban hành đạo luật bảo vệ thông tin cá nhân, và bắt đầu tấn công thế gần như độc quyền của một số công ty ».

Nhìn rộng ra hơn, cứu Evergrande Trung Quốc sẽ cứu 40 % tài sản của người dân Trung Quốc theo thẩm định của ngân hàng Nordea. Ở đây tính toán chính trị của ông Tập Cận Bình cũng phức tạp không kém : một mặt, bằng mọi giá Bắc Kinh phải duy trì ổn định trong xã hội, xoa dịu những bất bình bắt đầu nhem nhúm trong công luận trước những bất bình đẳng ngày càng lớn và càng khó chấp nhận. Mặt khác Evergrande với cái tên Trung Quốc là tập đoàn Hằng Đại do một doanh nhân «tay trắng» dựng nên cơ đồ, đó là ông Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin). Theo nhà nghiên cứu người Canada, Alex Payette chủ tịch tổng giám đốc cơ quan tư vấn Cercius, tại Montréal, Evergrande có được thành công rực rỡ là nhờ họ Hứa nấp dưới cái bóng của một nhân vật đầy thế lực từng làm mưa làm gió trên thị trường chứng khoán Hồng Kông là ông Trịnh Khánh Hồng (Zheng Qinghong). Bản thân ông Trịnh là một người thân cận với cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân. Phe nhóm của ông Tập Cận Bình đang tìm mọi cách «nhổ cỏ tận gốc» ảnh hưởng của họ Giang.

Có điều, một năm trước đại hội Đảng, chính quyền Bắc Kinh không cho phép bất kỳ một «yếu tố» nào làm «nhiễu» sự kiện ông Tập Cận Bình lại được Đảng chị định để tiếp tục một nhiệm kỳ thứ ba – và có thể làm suốt đời, lãnh đạo đất nước. Trong hoàn cảnh đó, theo Alex Payette, rõ ràng, huy động vài trăm tỷ đô la Mỹ để cứu Evergrande không phải làm điều bất khả thi và Bắc Kinh thừa sức để cứu ông khổng lồ trong ngành địa ốc này. Tất cả mấu chốt của vấn đề nằm ở vế chính trị mà tới nay giới quan sát quốc tế chưa biết được là ông Tập đang tính toán những gì. 

T.H.

Nguồn:  rfi.fr/vi

This entry was posted in Điện năng Trung Quốc, Evergrande. Bookmark the permalink.