Lấy ý kiến tôn tạo tượng Đức Thánh Trần, trả lư hương: sao không nhìn nhận sai?

RFA

Lấy ý kiến tôn tạo tượng Đức Thánh Trần, trả lư hương: sao không nhìn nhận sai?

Tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở công viên Mê Linh khi vẫn còn lư hương. Hình tác giả Phúc Tiến đăng kèm trên viết ở báo Người Đô Thị

Tại buổi họp báo ngày 26/9/2021, Ông Phạm Đức Hải – Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM cho biết, dự kiến cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 sẽ công bố thiết kế dự án tôn tạo tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo và chỉnh trang công viên Bến Bạch Đằng.

Theo ông Hải, việc tu sửa, tôn tạo tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo và cải tạo chỉnh trang công viên Mê Linh đã được UBND quận 1 trình thành phố vào ngày 28/6/2021. Nhưng do đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư, nên dự án phải dừng lại cho đến nay.

Trước đó, vào ngày 17/2/2019, chính quyền TPHCM đã cho xe cẩu lư hương thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở quảng trường Mê Linh mang đi nơi khác… ngay trước khi một số nhà hoạt động dự tính tới dâng hương dưới tượng đài Trần Hưng Đạo để đánh dấu 40 năm xảy ra cuộc chiến biên giới Việt – Trung.

Dù chính quyền đã lên tiếng giải thích, vụ việc vẫn tiếp tục gây tranh cãi đến nay. Nhiều nhân sĩ trí thức lên tiếng yêu cầu trả lại lư hương về chỗ cũ, nhưng thời gian qua đều không nhận được câu trả lời từ chính quyền. Bí thư Quận ủy Quận 1 – bà Trần Kim Yến, người ký quyết định di dời lư hương cho rằng: “Có thể một số người cho đây là vấn đề nhạy cảm nhưng quận thấy việc này bình thường”. Theo bà Yến, việc đặt lư hương giữa công viên để thờ phụng là không đúng với tâm linh của người dân.

Ví dụ sợ các lực lượng chống đối, phản động cứ kéo đến Tượng Trần Hưng Đạo đốt nhang để tuyên bố một số vấn đền có lý do chính trị, thì có 1001 cách để người ta không đến, chứ không phải chỉ có một cách cẩu lư hương. Tôi cho rằng cách này là hạ sách.

Nhà Nghiên cứu Đinh Kinh Phúc

Nhà Nghiên cứu Đinh Kinh Phúc, khi trao đổi với RFA từ Sài Gòn hôm 27/9, cho biết ý kiến của mình:

“Vấn đề xuống cấp sau mấy mươi năm tồn tại của tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo, thì việc tôn tạo từ tượng, cột cờ thủ ngữ, đến dãy bệ súng thần công dọc sông Sài Gòn… là chuyện của chính quyền. Nếu họ thấy cần thiết thu hút khách du lịch, hay chỗ vui chơi cho nhân dân… thì cũng cần thiết, nhưng vấn đề ở đây là TPHCM vừa kêu gọi nhân dân góp ý cho đề án sửa chữa phù điêu… trong đó có lư hương… thì tôi nghĩ việc di dời lư hương vào ngày 17/2/2019 là vì TPHCM lỡ hứa với Trung ương sẽ không để xảy ra bất cứ cuộc biểu tình nào. Như thế là TPHCM đã đánh đồng việc một số nhân sĩ trí thức nhân những ngày tưởng niệm những biến cố của Việt Nam đối với Trung Quốc như ngày 17/2; 19/1; 14/3… đến đốt nhang là biểu tình. Do đó cho cẩu lư hương đi.”

Mới đây, vào ngày 20/9/2021, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng cũng đã kiến nghị chính quyền TP HCM trả lại lư hương tại tượng Đức thánh Trần. Cụ thể, bản kiến nghị nhấn mạnh ba việc chính quyền thành phố cần phải làm là “Bước đầu chỉnh trang khuôn viên Tượng đài Đức thánh Trần tại quảng trường Mê Linh dọc Bến Bạch Đằng, giữ được sự tôn nghiêm vốn có”; “Trả lại Lư hương dưới chân tượng đài và an vị đúng vị trí cũ”; và “HĐND cùng các tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức Lễ tạ tội với Đức Thánh Trần Hưng Đạo và cầu nguyện cho Quốc thái Dân an”.

Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng ra đời năm 2015 với tôn chỉ là tưởng nhớ luật gia Lê Hiếu Đằng, bảo vệ chủ quyền đất nước, lên tiếng phản biện và xây dựng xã hội dân chủ.

Trước đó, tác giả Phúc Tiến cũng có bài “Nhân giỗ Đức thánh Trần: Cần đặt lại lư hương và tôn tạo tượng đài Trần Hưng Đạo” được đăng trên báo Người Đô Thị hôm 17/9 cho rằng, việc di dời lư hương từ tượng đài Trần Hưng Đạo đến đền Trần Hưng Đạo trên đường Võ Thị Sáu ở Quận 1, là vi phạm các nguyên tắc về kính lễ tổ tiên và anh hùng, liệt sĩ. Bài báo của tác giả Phúc Tiến sau đó đã bị gỡ bỏ khỏi báo Người Đô Thị.

1ce6bebb-6969-4c39-a56f-f31db16a4397-700.jpg

Xe cẩu đang cẩu lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở TP Hồ Chí Minh hôm 17/2/2019. Citizen photo/RFA edit

Theo Nhà Nghiên cứu Đinh Kinh Phúc, người nào ra lệnh cẩu lư hương đã có một suy nghĩ hết sức nông cạn. Thứ nhất là xúc phạm đến niềm tin, lòng thành kính của nhân dân đối với Đức Thánh Trần. Thứ hai là họ quá xem thường lòng yêu nước của nhân dân. Ông Đinh Kinh Phúc nêu ví dụ:

“Ví dụ sợ các lực lượng chống đối, phản động cứ kéo đến Tượng Trần Hưng Đạo đốt nhang để tuyên bố một số vấn đền có lý do chính trị, thì có 1001 cách để người ta không đến, chứ không phải chỉ có một cách cẩu lư hương. Tôi cho rằng cách này là hạ sách. Và trước sự phản ứng của dư luận, bây giờ thành phố phải nghĩ ra một cách hoàn trả lư hương với một tư thế chấp nhận được giữa nhà nước với nhân dân. Và đừng làm bôi mặt những người đã ra lệnh, đã phát biểu về vấn đề di dời lư hương.”

Nhà nghiên cứu Đinh Kinh Phúc nghĩ rằng, với thông báo của Ủy ban phòng chống dịch TP HCM về Tượng Trần Hưng Đạo là một dấu hiện tốt, là chính quyền biết tiếp thu. Nhưng bên cạnh đó, theo ông Phúc, việc tôn tạo không liên quan gì đến Ban chống dịch, mà lại phát ngôn về vấn đề tôn tạo, chỉnh trang, đặt lư hương ở nơi nào…? Ông Phúc cho rằng, điều này cho thấy chính quyền còn lúng túng trước dư luận xã hội đặt ra chung quanh vấn đề cái lư hương.

Theo ông Đinh Kinh Phúc, không có lư hương thì mọi người dân Việt Nam đi ngang tượng Đức Thánh Trần hoặc đi ngang bất cứ tượng đài nào của các anh hùng dân tộc Việt Nam, thì đều kính cẩn nghiêng mình, thành tâm nghĩ về những vị khai quốc công thần, những vị đã từng xả xương máu ra để bảo vệ độc lập, thống nhất, tự do cho dân Việt Nam, chứ không cần phải thể hiện ra bằng cách cắm một cây nhang ở một nơi nào đó.

Nếu mà ai ở Việt Nam đủ lâu thì sẽ thấy cách ứng xử của nhà nước có một cái gì hết sức quen thuộc. Đó là đối với những gì làm không đúng mà đến khi họ sửa thì ít trường hợp họ công khai nhận sai lầm. Thường thường nếu sai cần sửa thì họ sửa nhưng họ cần một cái cớ gì đó để nhẹ nhàng hơn.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng

Trở lại với cuộc họp báo ngày 27/9/2021, ông Phạm Đức Hải cho biết, sau khi khởi công cải tạo chỉnh trang công viên Bến Bạch Đằng, Thành phố sẽ lắng nghe ý kiến của mọi người dân tham gia góp ý về màu sắc, bức phù điều, lư hương của Đức Thánh Trần….

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ, khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 27/9, nhận định:

“Nếu mà ai ở Việt Nam đủ lâu thì sẽ thấy cách ứng xử của nhà nước có một cái gì hết sức quen thuộc. Đó là đối với những gì làm không đúng mà đến khi họ sửa thì ít trường hợp họ công khai nhận sai lầm. Thường thường nếu sai cần sửa thì họ sửa nhưng họ cần một cái cớ gì đó để nhẹ nhàng hơn. Cái cách mà thừa nhận sai lầm và công khai sửa chữa là cách mà nhà nước Việt Nam không quen. Trường hợp này cũng là trường hợp tôi cho là tương tự như vậy.”

Có một điểm thuận lợi, nhưng không mang tính quyết định, theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, đó là người chịu trách nhiệm ở thành phố hiện nay là một thế hệ khác, không dính líu những sai lầm của người trước. Ông nói tiếp:

“Chẳng hạn vụ dời lư hương bề ngoài là quyết định của bà Bí thư Yến của Quận 1, nhưng ta đều biết đó là chủ trương của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân. Bởi vì theo nguồn tin chính thức của báo chí, khi bà Yến báo cáo điều này trong buổi họp có Nguyễn Thiện Nhân, thì ông Nhân không hề có ý kiến phản đối. Hoặc là ông Nhân đồng ý, hoặc tệ hơn tức ông Nhân không thấy vấn đề… Thế hệ mới là ông Nên thì không có sự ràng buộc đó. Giả sử ông Nguyễn Thiện Nhân vẫn còn là Bí thư, thì việc trả lại lư hương là khó hình dung. Tuy nhiên cũng không dễ vì ở Việt Nam, thế hệ lãnh đạo trước và sau có nhiều mắc mớ, mà việc sửa chữa này họ phải vượt lên rất nhiều chuyện của họ trong quan hệ cá nhân và cách xử lý với dư luận xã hội.”

Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, việc công bố tôn tạo do bị hư hỏng… là dịp rất tốt để chính quyền đưa lại lư hương về chỗ cũ. Bởi vì trước đó nhiều người Việt Nam trên Facebook cho rằng ‘đang dịch dã như thế này, để yên lòng dân, tốt nhất là đem lư hương trả lại’… Như ông Tô Vân Trường nói ‘Muốn sống đem vôi quét trả đền’…

Nguồn: RFA Tiếng Việt

This entry was posted in Dân chủ CS, Lư hương tượng Đức thánh Trần. Bookmark the permalink.