Rất nguy: Ngân sách cạn kiệt

Nhà báo Vũ Kim Hạnh

Mới một tháng rưỡi trước, ngày 30/7/2021, báo chí đăng “Ngân sách nhà nước bội thu gần 62 nghìn tỷ đồng sau 7 tháng”.

Còn sau đây là thông tin mới: “Sáng hôm nay, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết “hiện nay ngân sách nhà nước rất khó khăn, ngân sách trung ương gần như không còn đồng nào, hàng chục ngàn chiến sĩ công an, quân đội đang tham gia chống dịch ở phía Nam, nhưng không có ngân sách để cấp. Ngân sách dự phòng thì đã hết.”

Những con số nhảy múa! Mà tất cả đều từ thông tin chính thống, chứ không phải do đồn thổi. Chuyện ngân sách cạn kiệt là hết sức nhạy cảm, đã được đăng tải không chỉ trên tờ https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/, cơ quan của của Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, mà cả trên tờ http://thoibaotaichinhvietnam.vn/, cơ quan của Bộ Tài chính.

Theo Cafef.vn:

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ: ‘Ngân sách nhà nước rất khó khăn, ngân sách trung ương gần như không còn đồng nào, ngân sách dự phòng thì hết. Hiện phần tiết kiệm chi và một số khoản khác còn lại khoảng 14.620 tỷ đồng. Bộ Tài chính đang trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến mới có thể chi tiếp tục.

Ngày 16/9, tại phiên thảo luận về việc ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đưa ra những giải trình với các đại biểu.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, số thuế hỗ trợ theo chính sách này, trong điều kiện thông thường thì chỉ bằng TP. HCM thu 20 ngày. Trong bối cảnh giãn cách xã hội ở 23 tỉnh thành, doanh nghiệp đang cực kỳ khó khăn, số thu thuế hiện giảm gần 50% và tới đây còn giảm nữa. “Vào lúc khó khăn này, đây chính là ‘một miếng khi đói bằng một gói khi no’ để hỗ trợ doanh nghiệp”.

Cùng với đó, theo Bộ trưởng Phớc, việc thiết kế chính sách cũng phải dựa trên mức bình quân tương đối, chứ không thể đạt công bằng 100%. Đối với những doanh nghiệp không có thuế phải nộp, thì chính sách hỗ trợ được hưởng là không bị tính tiền phạt đối với các khoản chậm nộp trước đó.

Về ý kiến bổ sung thêm các gói, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng cho hay, hiện nay ngân sách nhà nước rất khó khăn, ngân sách trung ương gần như không còn đồng nào, hàng chục ngàn chiến sĩ công an, quân đội đang tham gia chống dịch ở phía Nam, nhưng không có ngân sách để cấp. Ngân sách dự phòng thì đã hết.

Liên quan đến một số nội dung cụ thể như gói hỗ trợ lãi suất, Bộ Tài chính đã bàn với Ngân hàng Nhà nước. Song, từ kinh nghiệm triển khai gói kích cầu 2009 không hiệu quả, khó quản lý, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị không triển khai. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đang có chương trình giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp, với cam kết của các ngân hàng khoảng hơn 24 nghìn tỷ đồng.

Đối với việc quản lý thuế GTGT, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin, sẽ chỉ đạo cơ quan thuế tăng cường quản lý, chống thất thoát, có biện pháp để đảm bảo đối tượng thụ hưởng chính sách là người tiêu dùng hàng hóa.

Một vấn đề được quan tâm tại phiên thảo luận là hỗ trợ đúng đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực. Bộ trưởng Tài chính nhận định, Chính phủ đã tiếp thu đưa lĩnh vực hoạt động xuất bản phần mềm, kinh doanh trên nền tảng số ra khỏi lĩnh vực được giảm thuế và sẽ tiếp tục rà soát đối với một số lĩnh vực như vật tư y tế… Giải pháp để đảm bảo triển khai hỗ trợ kịp thời nhưng đúng đối tượng là thực hiện kê khai trước, kiểm tra sau.

Bộ trưởng Tài chính kết luận, lúc này, điều cấp thiết là các giải pháp hỗ trợ cần được triển khai sớm. Các doanh nghiệp trên cả nước đang gặp rất khó khăn. Điển hình, dù có 8 tỉnh không có dịch nhưng cũng bị ảnh hưởng đáng kể về nguồn cung ứng hàng hóa, về thị trường, lao động.

Và trước đó chỉ 1 ngày, trên mạng xã hội có bài toán về câu chuyện có thể có liên quan nhân quả như sau:

Xài sang Hơn cả Mỹ để bắt F0

Hà Nội vừa thông báo đến 14/9 đã phát hiện được 19 ca F0 từ cộng đồng qua xét nghiệm sàng lọc từ 3.128.380 mẫu, trong số này có: 2.311.514 mẫu XN RT-PCR và 816.866 mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Thử tính chi phí hoạt động công khai này bằng bài toán học sinh cấp 1:

Chi phí Test RT-PCR (lấy mẫu 100.000đ/mẫu, XN 634.000/mẫu gộp) (tạm tính mẫu gộp là 10)

2.311.514 * 100.000 = 231.154.400.000 đ

2.311.514*634.000/10= 146.549.987.600 đ

Chi phí Test nhanh (238.000đ/mẫu)

816.866 * 238.000 = 194.414.108.000 đ (Đơn giá lấy theo qui định của BYT tại CV số 4356/BYT-KHTC ngày 28/5/2021) Tổng chi phí cả 2 phương pháp:: 572.115.495.000đ (năm trăm bảy mươi hai tỷ một trăm mười lăm triệu bốn trăm chín mươi lăm ngàn đồng)

Kết quả: Phát hiện được 19 F0

Vậy chi phí để phát hiện 1F0 là: 572.115.495.000 /19ca = 30.111.341.874 /ca. Tức là cuộc “thần tốc xét nghiệm” ở Hà Nội với kết quả bắt được 19 ca F0, cho ra chi phí để HN bắt 1 F0 là 30,13 TỈ VNĐ.

Chưa tính chi phí các nguồn lực khác của của cả XH phuc vụ cho việc tổ chức xét nghiệm. Chi phí ngầm không tính được do tổ chức “thần tốc” có thể là nguồn lây nhiễm mới. Cũng chưa tính thiệt hại kinh tế do giãn cách XH trong thời gian này.

Cách đây 3 hôm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có trả lời phỏng vấn một hãng thông tấn quốc tế, ông có nói: trong việc kiểm toán hoạt động của nhà nước, nay cần thêm vào nội dung kiểm toán về việc “huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19”, và cụ thể ông đề cập: “Mẫu (xét nghiệm) đơn, mẫu gộp thế nào, test nhanh thế nào? Một mẫu xét nghiệm PCR mất nhiều tiền, đắt hơn vắc xin nhiều”.

PS. Chúng ta không ai chống xét nghiệm. Nhưng không có nước nào trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc có hạ tầng dữ liệu và mục đích khác, dám “chơi sang” một cách bất chấp như thế này (không cần tính toán chọn mẫu để tiết kiệm và có hiệu quả thật).

Và đây là một cuộc xét nghiệm ở một địa phương thôi. Trên cả nước, đã có bao nhiêu cuộc xét nghiệm “hào phóng” và bất chấp.

17.9.2021

V.K.H

Nguồn: FB Vũ Kim Hạnh

This entry was posted in Quản lý nhà nước trong đại dịch. Bookmark the permalink.