Hiệp ước AUKUS cho thấy sự chuyển dịch quyền lực ở châu Á-TBD

Suranjana Tewari

BBC tiếng Việt

US President Joe Biden speaks on national security with British Prime Minister Boris Johnson and Australian Prime Minister Scott Morrison

NGUỒN HÌNH ẢNH, GETTY IMAGES

Với thỏa thuận hợp tác an ninh mới tại Châu Á – Thái Bình Dương, Hoa Kỳ và Anh Quốc sẽ cung cấp cho Australia công nghệ cùng năng lực triển khai tàu ngầm hoạt động bằng năng lượng hạt nhân.

Các quan chức Hoa Kỳ nói rằng bước đi này không phải để đối phó với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, các chuyên gia nói thỏa thuận AUKUS ra tín hiệu về sự dịch chuyển biến hóa về chiến lược và chính sách trên toàn khu vực.

Thời điểm ký thỏa thuận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thỏa thuận được đưa ra chỉ một tháng sau khi Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan, khiến cho có những nghi ngờ về cam kết của Hoa Kỳ đối với châu Á.

Anh Quốc cũng sốt sắng muốn tham gia nhiều hơn vào Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là sau khi nước này rút khỏi Liên hiệp Âu Châu và Úc đang ngày càng lo lắng về mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc.

“Đây là một ‘chuyện lớn’ bởi nó thực sự cho thấy cả ba quốc gia này đang vạch ra làn ranh giới nhằm bắt đầu đối phó với những hoạt động hung hăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương,” Guy Boekenstein, giám đốc cao cấp của bộ phận quốc phòng và an ninh quốc gia của chính quyền North Territory, Úc, nói với BBC.

“Nó cũng công khai cho thấy quan điểm chung của chúng tôi về vấn đề này và sự cam kết đối với một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương ổn định và an toàn, điều trong vòng 70 năm qua đã đem lại sự thịnh vượng cho toàn khu vực, bao gồm cả sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.”

Hoa Kỳ và các đồng minh tập trận vì Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở

Thỏa thuận gồm những gì?

Thỏa thuận liên quan tới việc chia sẻ thông tin và công nghệ trong một số lĩnh vực, trong đó gồm cả tin tức tình báo và công nghệ lượng tử, cũng như việc mua bán tên lửa tuần du.

Nhưng tàu ngầm nguyên tử là điểm then chốt. Chúng sẽ được lắp đặt tại Adelaide ở miền nam nước Úc; với Mỹ và Anh sẽ cung cấp tư vấn về công nghệ.

“Một tàu ngầm nguyên tử có năng lực phòng vệ ghê gớm và do vậy có thể bao quát được cả khu vực. Chỉ có sáu quốc gia trên thế giới có thể có tàu ngầm nguyên tử. Thực sự là chúng có khả năng ngăn chặn cực kỳ mạnh mẽ mà không không cần dùng đến vũ khí nguyên tử,” Michael Shoebridge, Giám đốc Quốc phòng, Chiến lược và An ninh Quốc gia tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, nói.

Tàu ngầm nguyên tử có khả năng tàng hình tốt hơn nhiều so với các tàu ngầm truyền thống. Chúng hoạt động lặng lẽ, di chuyển dễ dàng và khó bị phát hiện hơn.

Ít nhất sẽ có 8 tàu ngầm được hỗ trợ sản xuất, tuy không rõ liệu khi nào việc đóng tàu ngầm sẽ được triển khai. Quá trình này sẽ kéo dài do Úc hiện thiếu cơ sở hạ tầng hạt nhân.

Chúng sẽ không được trang bị vũ khí nguyên tử mà chỉ chạy bằng năng lượng từ lò phản ứng hạt nhân.

“Tôi cần phải làm rõ thế này: Úc không tìm cách có được vũ khí hạt nhân hoặc thiết lập năng lực hạt nhân phục vụ mục đích dân sự,” Thủ tướng Úc Scott Morrison nói.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói thêm rằng sẽ có một giai đoạn tư vấn ban đầu 18 tháng với các nhóm chuyên gia từ ba nước, nhằm quyết định cách thức hoạt động của tàu, và để đảm bảo tuân thủ các cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, bước đi này cho thấy Hoa Kỳ và Anh Quốc đang sẵn sàng có những bước đi lớn trong việc xuất khẩu công nghệ hạt nhân tới các quốc gia chưa có năng lực hạt nhân, theo bà Tôn Vân, đồng Giám đốc Chương trình Đông Á tại Trung tâm Stimson.

Và điều này khiến cho thỏa thuận hợp tác mới trở nên đặc biệt.

“Công nghệ này đặc biệt nhạy cảm. Đây rõ ràng là một ngoại lệ đối với chính sách của chúng tôi, xét về nhiều khía cạnh. Tôi không nghĩ rằng sau này, điều tương tự sẽ được thực hiện ở những trường hợp khác. Đây là trường hợp ngoài lệ, chỉ xảy ra một lần,” một quan chức Hoa Kỳ nói với Reuters, và nói thêm rằng Washington chỉ từng chia sẻ công nghệ đẩy hạt nhân một lần duy nhất, đó là với Anh Quốc hồi năm 1958.

Theo báo The Guardian tại Anh (16/09/2021), Hoa Kỳ hiện đã có tàu đời mới nhất là Virginia-class, do General Dynamics đóng, là loại có một động cơ nguyên tử, 210MW, tốc độ 25 knot, mang theo tên lửa Tomahawk. Thủy thủ đoàn gồm 15 sĩ quan và 117 thủy thủ, chuyên gia kỹ thuật. Tàu lớp Virginia hiện được dùng cả để chống ngầm, và thu thập tin trinh sát, tình báo.

Anh Quốc sẽ có vai trò cung cấp động cơ nguyên tử cho tàu ngầm mới của Úc.

Hiện Úc cam kết không dùng đầu đạn hạt nhân để trang bị cho tàu ngầm nguyên tử, các chuyên gia đều nói ống phóng hỏa tiễn trên tàu lớp Virginia có thể cải tạo để chuyên chở tên lửa có đầu đạn hạt nhân trong tương lai nếu cần.

Châu Á sẽ phản ứng thế nào?

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã cho thấy sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của mình tại khu vực.

“Chúng ta nghe thấy những lời lẽ nói về sự hợp tác, rồi sau đó chúng ta chứng kiến những đe dọa nhắm vào Đài Loan và những sự kiện tại Hong Kong, và tốc độ quân sự hóa nhanh chóng tại biển Đông. Cho nên thực sự là khi nói tới các vấn đề chiến lược thì hoạt động ngăn chặn có vẻ sẽ là thứ duy nhất hợp lý để đối phó Trung Quốc,” ông Shoebridge nói.

Hoa Kỳ cũng đã đầu tư mạnh vào các mối quan hệ hợp tác khác trong khu vực – với Nhật Bản, Nam Hàn, Thái Lan và Philippines, cũng như Ấn Độ và Việt Nam.

Thỏa thuận này có thể sẽ có lợi cho tất cả các nước trên, theo ông Shoebridge, khi phải đối diện với những lo lắng trước sức mạnh đang tăng của Trung Quốc.

“Khu vực này sẽ đánh giá cao điều đó. Đây là một phần của sự dịch chuyển địa chính trị, thứ đang được dẫn dắt bởi chuyện trọng đại hơn. Và đó chính là hướng đi mà ông Tập Cận Bình đang theo đuổi. Tuyên bố này phù hợp với sự tham gia ngày càng nhiều của các nền dân chủ lớn nhất trên thế giới vào việc ngăn chặn, không để Trung Quốc sử dụng sức mạnh của mình,” ông Shoebridge nói thêm.

Phản ứng của các nước châu Á được cho là tích cực, ngay cả khi chỉ là sự thừa nhận thầm lặng.

A monitor displaying a virtual meeting of the Quad members - Australia, India, Japan and the United States

Tổng thống Biden sẽ chủ trì cuộc họp gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa các lãnh đạo nhóm ‘Bộ Tứ’ vào tuần tới

Bonnie Glaser, giám đốc chương trình châu Á tại tổ chức nghiên cứu của Đức, Marshall Fund, nói: “Theo tôi hiểu, từ những người trong chính quyền – những người đã thảo luận với các đồng minh và các đối tác có lợi ích từ sự hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương – thì chuyện này không hề mang tính tiêu cực. Đã có sự ủng hộ ở khu vực đối với việc ngăn chặn, và trong việc Hoa Kỳ hiện diện, hiện diện quân sự tại khu vực.”

Tác động đối với quan hệ Úc – Trung

Không nghi ngờ gì, mối quan hệ sẽ thay đổi do kết quả của thỏa thuận này chính là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia.

Hai nước từng là đối tác thương mại quan trọng của nhau, với lượng đông đảo sinh viên Trung Quốc chọn đi Úc du học.

Tuy nhiên, mối quan hệ chính trị đã xấu đi sau khi Úc hậu thuẫn cho cuộc điều tra toàn cầu về nguồn gốc của virus corona.

Thỏa thuận mới cho thấy Úc đang tự định vị mình về hướng Hoa Kỳ và Anh Quốc, nhưng nó cũng là tín hiệu về việc bỏ phiếu tín nhiệm tại Úc, quốc gia vốn đang muốn thể hiện vai trò tích cực hơn đối với vấn đề an ninh khu vực châu Á.

“Chỉ với việc Úc có các tàu ngầm hạt nhân thì không có nghĩa là nước Úc mạnh hơn Trung Quốc. Nó làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực. Nếu như Trung Quốc đối diện với tình hình an ninh tại biển Đông và tại eo biển Đài Loan, nó sẽ ảnh hưởng tới sự sẵn sàng về mặt quân sự hoặc sự phản ứng đáp trả mà Trung Quốc sẵn sàng làm. Nó làm thay đổi sự thăng bằng quyền lực trong khu vực,” bà Tôn Vân nói với BBC.

Phản ứng trước thỏa thuận mới, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nói rằng các chính phủ có liên quan “cần phải rũ bỏ lối tư duy Chiến tranh Lạnh và những thành kiến về ý thức hệ của mình.”

Tuy nhiên, phản ứng ở bên trong Trung Quốc thậm chí có thể còn mạnh mẽ hơn.

“Thế nào cũng có phản ứng cực kỳ gay gắt từ Bắc Kinh… Thỏa thuận này trao cho Úc và Hoa Kỳ một công cụ nữa trong hộp đồ nghề cản đường Trung Quốc,” William Choong, nhà nghiên cứu cao cấp từ Viện Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Khu vực, ISEAS-Yussof Ishak, nói.

S.T.

Nguồn:  bbc.com/vietnamese

This entry was posted in Biển Đông, Chiến lược Châu Á Thái Bình Dương của Mỹ, Hiệp ước AUKUS. Bookmark the permalink.