Phó Ban Dân nguyện UBTVQH Lưu Bình Nhưỡng: Dữ liệu di biến động dân cư nên để Chính phủ quản lý

Anh Lê

VietTimes – Ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội – cho rằng việc giao các dữ liệu liên quan di chuyển và khai báo y tế của người dân cho Bộ Công an hay Bộ Y tế quản lý đều không thoả đáng.

Những ngày gần đây, nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có TP. Hà Nội và TP.HCM đã bắt đầu khai báo y tế bằng mã QR tại các chốt kiểm soát dịch. Các thông tin này sẽ được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý.

Phó Ban Dân nguyện UBTVQH Lưu Bình Nhưỡng: Dữ liệu di biến động dân cư nên để Chính phủ quản lý ảnh 1

Người dân thực hiện khai báo y tế bằng mã QR tại các chốt kiểm soát dịch.

Dư luận nhận định đây là việc ngành Công an hỗ trợ giảm tải cho ngành Y tế trong việc quản lý thông tin khai báo y tế. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến tranh luận việc cơ quan nào phù hợp để quản lý dữ liệu về việc di chuyển của người dân, dữ liệu khai báo y tế trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến khó kiểm soát hiện nay.

Bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ Bộ Công an khi tích hợp vào hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, thì cũng có nhiều ý kiến cho rằng dữ liệu về sức khoẻ thì Bộ Y tế quản lý là phù hợp nhất.

Ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khoá XIV – lại có góc nhìn riêng và thẳng thắn nêu quan điểm trong cuộc chia sẻ với VietTimes.

Phó Ban Dân nguyện UBTVQH Lưu Bình Nhưỡng: Dữ liệu di biến động dân cư nên để Chính phủ quản lý ảnh 2

Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng số liệu thống kê cần đúng đắn, khách quan, chính xác tuyệt đối thì mới giúp cho Chính phủ có được những chính sách tốt để phục vụ con người, cho đất nước

Không có chuyện lựa chọn “Bộ nào quản lý”!

Theo quan điểm của ông, dữ liệu về việc di chuyển của người dân và khai báo y tế nên giao cho Bộ nào quản lý, thưa ông?

– Ông Lưu Bình Nhưỡng: Tôi cho rằng phải có cách nhìn nhận rộng hơn về vấn đề này. Ở đây không có chuyện lựa chọn “Bộ nào quản lý”, mà là dữ liệu là của Chính phủ và do Chính phủ quản lý. Các bộ và các cơ quan khác chỉ đóng vai trò sử dụng, lấy dữ liệu liên quan lĩnh vực mình quản lý để xây dựng các phương án, thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Ví dụ, Bộ Y tế tập trung chủ yếu vào các vấn đề về chăm sóc sức khỏe ban đầu khám chữa bệnh còn Bộ Công an quản lý về vấn đề an ninh trật tự chứ Bộ Công an không phải là cơ quan về quản lý thông tin về khai báo y tế.

Hiến pháp quy định Nhà nước bảo đảm quyền con người. Luật cũng nêu rõ mỗi công dân đều có quyền tự do cư trú, dù cư trú ở đâu thì vẫn nằm trong dữ liệu về dân số Việt Nam, được phân loại theo giới tính, theo độ tuổi, khả năng lao động,…

Như vậy, theo quan điểm của ông, việc giao dữ liệu về di chuyển, dữ liệu khai báo y tế của người dân cho Bộ Công an hay Bộ Y tế quản lý đều bất cập. Nếu Chính phủ trực tiếp quản lý thì cụ thể sẽ như thế nào? Ông có thể phân tích chi tiết hơn sẽ có lợi gì khi Chính phủ quản lý dữ liệu?

– Ông Lưu Bình Nhưỡng: Chính phủ là cơ quan quản lý dữ liệu quốc gia và nơi nắm giữ dữ liệu cho Chính phủ phải được giao về cho Tổng cục Thống kê. Tổng cục Thống kê sẽ thực hiện việc hệ thống hóa, thống kê một cách khách quan toàn bộ những vấn đề liên quan đến con người cũng như các vấn đề liên quan hoạt động của đất nước.

Bản thân tôi nghĩ rằng cần phải đưa hoạt động của Tổng cục Thống kê trở lại thời kỳ trước đây, tức là đưa Tổng cục Thống kê trở lại là cơ quan thuộc Chính phủ, tách khỏi vị trí là cơ quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sở dĩ cần phải tách khỏi vị trí là cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là nhằm để công tác thống kê, tập hợp, báo cáo được thực hiện một cách khách quan, minh bạch, tránh chuyện chỉ đạo số liệu.

Tôi xin nhắc lại, cơ quan thống kê phải độc lập về mặt số liệu quốc gia để tránh tình trạng biến tấu, vẽ vời, làm sai lệch các số liệu, nguy cơ dẫn tới các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có thể sai lệch theo.

Như vậy, cái túi về số liệu của Quốc gia phải ở Tổng cục Thống kê, chứ không phải ở các bộ khác, Bộ Công an, Bộ Y tế – không phải hay Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đều không phải.

Đúng nhất phải là của Tổng cục Thống kê – đứng độc lập, là cơ quan thuộc Chính phủ, như là Cơ quan Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hay Uỷ ban Dân tộc.

Như ông nói, Tổng cục Thống kê đang là cơ quan trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng chính Tổng cục cũng tuyên bố rằng họ là nguồn cung cấp thông tin chính thống, có tính pháp lý, được các ngành, các tổ chức, cá nhân tin cậy, sử dụng, thưa ông?

– Ông Lưu Bình Nhưỡng: Với quan điểm tôi đã trao đổi, Tổng cục Thống kê cần độc lập để đảm bảo số liệu của cơ quan này tổng hợp đạt mức độ chính xác, khách quan, toàn diện và vào thời điểm hiện nay, chúng ta ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để đảm bảo số liệu thật, chính xác.

Tôi nhắc lại số liệu thống kê cần là số liệu thật; còn việc nó được sử dụng như thế nào thì lại là một câu chuyện khác. Đó là câu chuyện của chuyên môn, của nghiệp vụ, của khoa học thống kê và có thể là cả câu chuyện của chính trị.

Nhưng nơi thống kê và lưu giữ các số liệu, dữ liệu ấy phải là một cơ quan độc lập và phải dưới quyền chỉ đạo của Chính phủ để đảm bảo cho số liệu đó là đúng đắn, khách quan, chính xác tuyệt đối thì mới giúp cho Chính phủ có được những chính sách tốt để phục vụ con người, cho đất nước.

Tránh việc cát cứ thông tin, dẫn tới cát cứ về quyền lợi

Có ý kiến cho rằng việc các cơ quan chủ động thu thập, thống kê và quản lý dữ liệu sẽ đáp ứng tốt cho nhiệm vụ cụ thể của cơ quan ấy, thậm chí có nhiều thông tin, dữ liệu thuộc nhóm mật của ngành, thưa ông?

– Ông Lưu Bình Nhưỡng: Tôi cho rằng tới đây chúng ta cần phải có một luật riêng về dữ liệu quốc gia. Trong đó, có quy định rõ việc phân quyền, phân cấp cho các cơ quan khác nhau để sử dụng trong phạm vi nhất định liên quan trực tiếp tới công việc cơ quan đó được giao phụ trách – quản lý ở phạm vi nào thì chỉ được sử dụng số liệu ở phạm vi đó thôi.

Tất nhiên, sẽ có khu vực dữ liệu, số liệu mang tính chất bảo mật mà cơ quan nào cũng có – phần này hoàn toàn do Chính phủ quyết định. Như vậy, sẽ có quy định rõ phần nào là phần bảo mật, phần nào được sử dụng chung và được sử dụng đến đâu để phục vụ cho công tác phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, v.v.

Khi không có được cơ quan thuộc Chính phủ độc lập quản lý thông tin, thì có thể dẫn tới việc cát cứ thông tin. Từ cát cứ thông tin sẽ dẫn tới cát cứ về quyền lợi và nguy cơ cắt khúc về hoạt động.

Điều này hoàn toàn trái với nguyên tắc được quy định trong Hiến pháp của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Muốn làm được như ông trao đổi, để Tổng cục Thống kê thực hiện tốt nhiệm vụ thống kê, lưu trữ thông tin thì cần làm gì, thưa ông?

– Ông Lưu Bình Nhưỡng: Chúng ta đã có Luật Thống kê, chúng ta cần sửa lại Luật để Tổng cục Thống kê trở thành cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Số liệu quốc gia phải là số liệu của Chính phủ. Chính phủ là cơ quan quản lý toàn bộ các vấn đề về hoạt động của Quốc gia và đây là cơ quan thống nhất quản lý tất cả các vấn đề liên quan đến số liệu Quốc gia.

Xin cảm ơn ông!

A.L.

Nguồn: VietTimes

This entry was posted in Quản lý dữ liệu cá nhân. Bookmark the permalink.