Doanh nghiệp EU kêu gọi Thủ tướng VN tìm ra lộ trình ‘thoát phong tỏa’


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam

Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) kêu gọi Thủ tướng Việt Nam sớm thay đổi các hạn chế Covid-19 để doanh nghiệp châu Âu có thể kinh doanh bình thường.

Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã có cuộc họp với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào chiều tối ngày 9/9.

Sau cuộc gặp, Chủ tịch EuroCham Alain Cany phát biểu trong thông cáo:

“Không có gì che dấu rằng đợt bùng phát thứ tư này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh. Chỉ số Môi trường Kinh doanh EuroCham hiện đang ghi nhận tâm lý thấp nhất trong hơn một thập niên.”

“Nếu tình trạng phong tỏa, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại tiếp tục kéo dài hơn nữa, các dự án đầu tư mới có thể gặp rủi ro và các công ty có thể cân nhắc chuyển địa điểm khác trong khu vực.”

Theo báo chí Việt Nam, EuroCham thông báo 18% doanh nghiệp EU tại Việt Nam đã chuyển đơn hàng sang nước khác, 16% đang được cân nhắc, nhưng chưa doanh nghiệp châu Âu nào rời Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU), Đại sứ các nước EU, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu

NGUỒN HÌNH ẢNH,EUROCHAM. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU), Đại sứ các nước EU, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu

Ông Alain Cany nói trong thông cáo:

“Những gì các thành viên của chúng tôi cần bây giờ là một lộ trình rõ ràng thoát khỏi các biện pháp hiện tại; một lộ trình giải quyết các rào cản đối với hoạt động thương mại và cung cấp một con đường có thể dự đoán được để lên kế hoạch mở lại hoạt động kinh doanh.”

“Một trong những vấn đề cấp bách nhất hiện nay là cần có hộ chiếu tiêm chủng điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển tự do cho những người được tiêm chủng trong và ngoài nước.”

“Đặc biệt, chúng tôi kêu gọi chính phủ tạo ra một quy trình nhanh chóng cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài, các chuyên gia và gia đình của họ quay trở lại Việt Nam. Thủ tục hiện tại vừa tốn thời gian vừa nặng nề. Nó cũng thể hiện một rào cản đáng kể đối với các hoạt động thương mại và đầu tư, vốn là yếu tố cần thiết để đạt được tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.”

Các doanh nghiệp EU tại Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ sửa mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” đang khiến hầu hết doanh nghiệp khó khăn.

Ông Alain Cany nói:

“Chính sách’ Ba tại chỗ ‘hiện tại cần được điều chỉnh. Tuy nguyên tắc này là đúng đắn, nó đặt một gánh nặng rất lớn lên cả các công ty và người lao động của họ trong thực tế.”

“Cũng cần nhấn mạnh sự cần thiết của việc triển khai tiêm chủng, ưu tiên những đối tượng có nguy cơ cao nhất để cho phép mở cửa dần dần các thành phố và tỉnh để các hoạt động thương mại có thể trở lại; các quy định nhất quán, tập trung nhằm giảm bớt sự nhầm lẫn cho các công ty và đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt; cùng với việc hợp lý hóa và đơn giản hóa các yêu cầu hải quan.”

Theo báo chí Việt Nam, tại buổi gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục lắng nghe với tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp EU và sẵn sàng đáp ứng trong điều kiện cho phép.

Cũng tại buổi họp, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã trao cho Bộ Y tế khoản hỗ trợ trang thiết bị y tế trị giá 40 tỉ đồng từ đóng góp của các doanh nghiệp.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

This entry was posted in Phong tỏa trong đại dịch, Quan hệ Việt - EU. Bookmark the permalink.