Phú Nhuận
03.09.2021
Link ảnh: https://vietnamthoibao.org/vntb-duong-tinh-roi-sao-nua/
(VNTB) – Sau 4 ngày, TP.HCM đã test nhanh Covid-19 cho hơn 6.700 shipper trước khi hoạt động, phát hiện 64 người dương tính với SARS-CoV-2.
Trong đó, ngày 30 – 31/8, có 542 shipper được xét nghiệm, phát hiện 7 người dương tính; ngày 1/9 xét nghiệm cho 2.898 shipper, có 27 người dương tính; hôm 2/9, có 3.291 shipper được xét nghiệm, kết quả 30 trường hợp dương tính. Các shipper dương tính đều được cách ly, điều trị.
Cách ly ở đây là tại nhà và phát túi thuốc dự phòng cho điều trị.
Tin tức ở cuộc họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM vào chiều 2/9, không nêu rõ là 64 ca dương tính này có bao nhiêu người “không có triệu chứng lâm sàng”, tức chưa phải là “bệnh nhân”? Và cũng không rõ 64 ca dương tính này có ai chưa chích ngừa mũi 1 hay không?
Tại cuộc họp báo, đại diện Sở Công thương TP.HCM xác nhận trong bối cảnh hiện nay, sự tham gia của shipper góp phần giảm áp lực rất lớn cho hệ thống phân phối, giúp ích rất nhiều cho thành phố. Theo đó, ngày 30/8, TP.HCM có 7.516 shipper hoạt động, giao nhận 138.290 đơn hàng. Ngày 31/8, có 9.124 shipper đã giao nhận 164.621 đơn hàng. Ngày 1/9, có 10.782 số shipper hoạt động, với 196.635 đơn hàng.
Vấn đề cấp thiết đặt ra là các shipper tạm âm tính ở hiện tại, bao giờ họ sẽ được tiêm ngừa theo đúng phác đồ chỉ định về 2 liều trong khung thời gian cụ thể của nhà sản xuất vắc xin?
Về y tế, tiêu chí quan trọng hàng đầu là tỷ lệ bao phủ vắc xin mũi 2. Trên truyền thông, nhà chức trách nói rằng tỷ lệ tiêm mũi 1 cho người dân TP.HCM hiện khá cao, đã đạt 82%, nhưng tỷ lệ tiêm mũi 2 lại rất thấp, chỉ 3,7%.
Để đạt bao phủ 70% dân số trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi, với năng lực tiêm 100.000 mũi/ngày như hiện nay, thành phố sẽ mất khoảng 50 ngày với điều kiện luôn có đủ nguồn vắc xin.
Theo lộ trình tiêm vắc xin 4 giai đoạn mới đây mà lãnh đạo thành phố này đưa ra, đến ngày 15-10, tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vắc xin của TP.HCM sẽ đạt 80% và đến ngày 31-12 đạt 100%. Đây là kịch bản lý tưởng.
Như vậy, trong khoảng 2 tháng nữa, TP.HCM sẽ đáp ứng tiêu chí đầu tiên để có thể mở cửa. Việc tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12 – 18 tuổi cũng phải tính đến ngay từ bây giờ để lên phương án tiêm và chủ động tìm kiếm nguồn vắc xin cho trẻ.
Thế nhưng khi thành phố mở cửa, đồng nghĩa người lao động từ các nơi sẽ trở lại Sài Gòn để tiếp tục công cuộc mưu sinh mà họ đã bị đứt quãng thời gian qua. Rất có thể những lưu dân này chưa được tiêm ngừa mũi vắc xin nào cả, và khi ấy tỷ lệ bao phủ vắc xin của TP.HCM lại thay đổi, có thể tụt xuống còn 50% thôi chẳng hạn.
Ở trường hợp theo kịch bản giả định như vừa đề cập, cho thấy một yếu tố rất quan trọng khác cần tính đến, đó là năng lực của hệ thống y tế đã được tái lập như thế nào cho công cuộc tái thiết ở ngày Sài Gòn mở cửa trở lại? Khi số ca nhiễm tăng lên sau nới lỏng, năng lực xét nghiệm, cách ly, cấp cứu, điều trị, nhất là điều trị các ca bệnh nặng… có đảm bảo đáp ứng được nhu cầu?
Không chỉ là câu chuyện y tế, mà còn phải đánh giá nguồn lực thực sự của việc bên cạnh các số liệu về dịch tễ, đang rất cần có số liệu trung thực về kinh tế và lao động. Trong đó, phải đánh giá lại tình trạng của các ngành hiện nay, như số doanh nghiệp phá sản, giải thể, đang cầm cự, tạm dừng hoạt động trong các ngành/ lĩnh vực như thế nào; khả năng kết nối lại thị trường lao động ra sao khi nguồn cung lao động thời gian qua bị đứt gãy; số liệu về tổng nợ, cho vay, nợ xấu, lãi suất theo các nhóm ngành…
Tất cả số liệu nêu trên phải cập nhật hơn, thậm chí nửa tháng một lần thay vì một tháng hay một quý như thường thấy lâu nay để cơ quan quản lý kịp thời có thông tin, ra quyết định.
P.N.
VNTB gửi BVN