Kính chào Chị Kamala Harris – Phó Tổng thống Hoa kỳ đến Việt Nam

Nguyễn Khắc Mai

Tôi hân hạnh gởi tới Chị lời chào mừng, như bao người Việt Nam khác, nhân sự kiện một vị Nữ Phó Tổng thống Hoa kỳ đến thăm Việt Nam, trong một bối cảnh lịch sử đầy kịch tính hiện nay.

Kính chúc Chị an bình, trong lúc Covid đang hoành hành ở đây. Chúc Chị thu được nhiều điều tốt đẹp trong công vụ lịch sử này.

Tôi xin phép dùng từ xưng hô như vậy, bởi tôi muốn thể hiện chút văn hóa truyền thống của người Việt còn chưa bị mai một. Người Việt rất thích dùng những đại từ, xưng hô mang sắc thái gia đình, thân tộc để xưng hô với nhau, vẫn giữ sự trân trọng, tôn kính lại mang sắc thái tình cảm thân tình.

Thưa Chị, chắc Chị đã biết nhiều tình cảm, mong ước, gởi gắm, yêu cầu đề nghị cụ thể trong quan hệ Mỹ – Việt nhân chuyến đi này của Chị. Tôi sẽ không có ý kiến gì cụ thể, chỉ xin thưa với Chị hai điều:

Một là: Về cái gọi là “bước rùa” trong quan hệ Mỹ – Việt.

Cách đây mấy năm, khi Mỹ đặt quan hệ ngọai giao với Hà Nội, họ đã thuê một tòa nhà nhỏ ở Phố Nguyễn Khuyến để làm văn phòng liên lạc, trước đây gọi là phố Sinh Từ. Phố này, sau năm 1954 đã nổi tiếng cùng bài thơ của thi sĩ Trần Dần – “Ta bước đi không thấy phố, thấy nhà. Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”.

Chiều hôm ấy, vợ chồng tôi cùng nhà báo Phạm Hồng, báo QĐND, ngồi với nhau ở một quán nước vỉa hè, tựa lưng vào tường Văn Miếu để đón chào Lễ khai trương Văn phòng Liên lạc của Sứ quán Mỹ.

Cũng chỉ là âm thầm bày tỏ một cử chỉ đẹp nhân sự kiện mà chúng tôi cho là rất ý nghĩa.

Sau đó, trong cuộc mit tinh chính thức ra mắt Sứ quán Mỹ ở Hà Nội, tổ chức ở khách sạn Thắng Lợi, do Sứ quán Mỹ và Bộ Ngoại giao Việt nam tổ chức, ba chúng tôi cùng một số nhà báo, cán bộ đối ngoại lại kéo một bàn nhỏ ngồi với nhau đối diện với lễ đài để lắng nghe diễn từ của người đại diện Mỹ và nghe ông Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch phát biểu. Nhiều người ca ngợi ông Thạch, người rất có công thúc đẩy sự xích lại gần nhau Việt Mỹ. Trong cuôc trò chuyên hôm đó, một anh bạn nhà báo, bảo, giới bình luận phương Tây cho rằng quan hệ Việt Mỹ đã đi những bước rùa. Ý chê là chậm chạp. Hôm ấy tôi nói với mọi người, văn hóa phương Tây coi rùa là biểu tượng sự chậm chạp còn Việt Nam và Á Đông, thì rùa là sự vững vàng, chắc chắn, dài lâu (trường thọ.). Bước rùa của việt Nam tuy chậm chạp, nhưng phải đến và nhất định đến. Đấy là phán đoán của tôi, lúc bấy giờ.

May thay những điều tôi mong ước nó đã từng bước vững chắc hiện ra.

Tôi kể Chị nghe về bài thơ Cự Ngao Đới Sơn (Con Rùa Lơn Đội Núi.) của Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, một nhân vật văn hóa lớn của Việt Nam TK XVI. Cụ lấy cảm hứng từ chuyện thần thoại. Thuở hồng hoang có mấy ngọn núi trôi giạt ngoài Biển Đông. Thượng đế liền sai con rủa thần đến đội lên làm cho chúng vững chãi. (Tôi đồ rằng mấy ngọn núi đó ngày nay là Đài loan và Nhật bản). Sau khi ca ngợi những công việc có tầm vũ trụ ấy, cụ viết: “Vạn lý Đông minh quy bả ác. Ức niên Nam cực điện long bình.” (Biển Đông vạn dặm dặm dang tay giữ. Đất Việt muôn năm vững trị bình.)

Như thế từ hơn 500 năm trước Nguyễn Bỉnh khiêm đã dự báo chuyện “bước rùa và Biển Đông. Chúng tôi mong Mỹ sẽ góp công đức cho hình tượng rùa thanh hiện thực, là sự thành công là kết quả chắc chắn lâu dài.*

Bây giờ là lúc Chị sẽ đi tiếp những bước mới, như cái tiên đoán của ngài Tổng Thông J. Bush vào năm 2010: “Việt Nam là một đối tác chiến lược tiềm năng”. Nhiều người, cả Mỹ cả Việt đã làm cho cái tiềm năng ấy trở thành hiện thưc. Tất nhiên cái người bất ưng nhất là đám quan lại của thiên triều phương Bắc của chúng tôi. Họ thật sự đã và đang thọc gậy bánh xe. Nhưng cái bánh xe lịch sử thì không ai bắt nó dừng được. Người Việt Nam cũng có minh triết: trọng thực hơn trọng danh.Vả lại, cứ cái “Toàn diện”, mà làm cho đến nơi đến chốn, cả kinh tế, cả chính trị, khoa học, giáo dục, quân sự, cả nhân quyền, dân quyền, nặng nhẹ khác nhau nhưng đừng bỏ sót cái nào thì đấy là chiến lược. Người Việt nam càng khôn ra và thấy rằng chiến lược chính là lợi ích lâu dài của mình.

– Hai là, Th.Fefferson từng nói: “Nếu biết hòa nhập minh triết vào quyền lực, chúng ta sẽ ít dùng quyền lực mà hiệu quả lớn”.

Nước Mỹ là nơi có nhiều trường gọi là Wisdom University – Đại học Minh triết. Vị chính khách lớn là Th. Jefferson là người đầu tiên đưa minh triết vào chính trị. Quả nhiên động thái chính trị nào của nước Mỹ gắn với minh triết, họ thành công ngoạn mục, góp công đức lớn cho sự phát triển của văn hóa nhân loại. Có một số ví dụ rất đáng ngưỡng vọng như hợp tác với châu Âu, hồi sinh châu Âu sau thế chiến thứ Hai. Với Nhật bản, họ có công giúp Nhật trở thành Nhật bản kỳ diệu, Nhật bản mua cả thế giới (tên những sách và bài báo ca ngợi Nhật). Với Hàn quốc họ góp một phần làm cho con rồng châu Á này bay cao trên bầu trời của TK 20 và 21. Cũng còn nhiều ví dụ đáng khen và đáng kính khác.

Nhưng có nhiều ví dụ khác cay đắng hơn, khi Mỹ đã thiếu minh triết trong những quan hệ quốc tế. Như trường hợp với Việt Nam Cộng hòa và hiện tại là ở A Phú Hản. Nơi nào mà Mỹ chỉ chú ý đến lợi ích của riêng mình mà ít chú ý đến lợi ích toàn cục của phía đối tác, chỉ là một thứ chủ nghĩa thực dụng dung tục, đều không thành công và để lại di hại cũng như hiểm nguy cho chính mình.

Năm trăm năm trước cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đề xướng triết lý Ơn Ích, lợi mình mà ich người. Nghiệm ra khi nào người Mỹ thực hiện cái triết lý Win-Win, họ sẽ góp phần làm cho thế giới giàu sang thịnh vượng hơn lên.

Chị có cảm tình vói những tư tưởng Mác Xít, tôi xin thưa với Chị, một triết lý của Ăng ghen, ông từng nói: “Chỉ phát triển tận thiện các dân tộc, mới có quan hệ quốc tế tốt đẹp”.

Tại sao không ứng dụng được bài học minh triết trong quan hệ Mỹ – Nhật? Xin hãy góp làm cho tận thiện những dân tộc mình định quan hệ. Đông Nam Á đang chờ đợi điều này. Xin đưa đến Đất này những quan hệ tận thiện của một nhân loại mới đang dần thành hình.

** xin xem Cự Ngao Đới Sơn, Một Dự báo Thiên Tài.Wiki.

Tôi mừng cho Chị. Chị hạnh phúc là đứa con của Hai Bà mẹ văn hóa vĩ đại: Ấn Độ cổ kính và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ hiện đại. Lướt về Phương Đông, tiếp nhận cái luồng sinh khí minh triết của vùng đất thiêng Ấn Độ này, rồi gia công tu tập, dám quăng đao để thành Phật, (bỏ đi những tham sân si ), tôi nghĩ Chị sẽ là môt chính khách của một nền chính trị minh triết mới của Mỹ và…Người Mỹ vẫn nói vouloir c’est pouvoir.

Tôi tên là Mai, tôi cũng muốn bắt chước người xưa đem một cành mai tặng Chị.

Ô Đồng lầm Hà Nội, những ngày Covid Tàu đang hoành hành.

N.K.M.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Chiến lược Châu Á Thái Bình Dương của Mỹ, Quan hệ Mỹ - Việt. Bookmark the permalink.