Tự Sang – Nguyễn Tân
Chủ nhật, ngày 15/8/2021 – 13:59
ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ CÓ BIỆN PHÁP CỨU TRỢ KHẨN CẤP VÔ ĐIỀU KIÊN
1. TP HCM giãn cách thêm một tháng đã buộc hàng ngàn đồng bào phải tháo chạy vì không có miếng ăn. Phải tiên lượng rằng giãn cách ở TP.HCM còn có thể kéo dài. Không lương không việc làm thì lấy gì để sống?
2. Việc cứu trợ khẩn cấp đã đề nghị ngay từ đợt tháo chạy lần trước mà Thủ tướng phải ra lệnh chấm dứt từ ngày 01/8/2021. Nhưng từ đó, việc cứu trợ đã không được thực hiện một cách có hiệu quả. Khẩu hiệu “không để ai bị đói” của Chính phủ vẫn chưa được thực hiện.
3. ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ CÓ BIỆN PHÁP CỨU TRỢ KHẨN CẤP VÔ ĐIỀU KIỆN CHO ĐỒNG BÀO.
4. CÁC NƯỚC, KHI GIÃN CÁCH, NGƯỜI DÂN ĐƯỢC TRỢ CẤP VÔ ĐIỀU KIỆN TỪ 60%-80% LƯƠNG, HOẶC HƠN NỮA.
5. ĐỊNH HƯỚNG XHCN LÀ ĐÂY. KHÔNG PHẢI TÌM Ở ĐÂU XA.
***
Những hình ảnh người dân tiếp tục chạy khỏi Sài Gòn hôm nay và những bất cập trong hỗ trợ người lao động suốt gần 2 năm qua đã cho thấy năng lực của ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ LĐ-TB & XH là vô cùng yếu kém.
Việt Nam vừa hỗ trợ Cuba 10 nghìn tấn gạo, sao ông Dung không đề xuất mở kho gạo cứu đói khẩn cấp cho lao động nghèo các vùng đang giãn cách? Hiện Sài Gòn và các tỉnh lân cận có bao nhiêu lao động mất việc, bao nhiêu hộ cần hỗ trợ khẩn cấp, nếu tiếp tục giãn cách thì cần bao nhiêu gạo, bao nhiêu rau để hỗ trợ dân mỗi ngày và cách thức hỗ trợ ra làm sao ông Dung biết không?
Ngân sách khó khăn ai cũng biết nhưng nếu dám làm và dám chịu trách nhiệm thì sẽ khác. Cái gì nhà nước không làm được thì huy động nguồn lực xã hội làm, mà việc này là việc của ông Dung chứ của ai, là bộ trưởng đầu ngành ông phải chủ động làm và dám chịu trách nhiệm, đừng việc gì cũng đẩy cho Thủ tướng.
Dư luận rất bức xúc khi trước đây Đào Ngọc Dung đi thi bị bắt quả tang quay cóp bài mà vẫn được ngồi ghế bộ trưởng. Họ cho rằng, quan chức có năng lực và đạo đức thì đi thi không ai lại gian dối. Có vẻ dư luận đúng!
***
DÂN NGHÈO KẸT GIỮA ĐÔI ĐƯỜNG!
Chiều 14/8 vừa nghe tin TP HCM sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội tiếp từ 15/8 đến 15/9, thì sáng 15/8 người dân ngoại tỉnh còn trụ lại sau đợt di tản đợt 1, đầu tháng 8, lại ùn ùn chạy xe máy về quê. Hàng ngàn người với toàn bộ gia tài chất lên chiếc xe máy, hối hả tìm về miền quê xa hàng 1000 km…
Nhưng lần này các lực lượng chức năng không bị bất ngờ, nên đã kịp thời ngăn chặn dòng người chững lại. Sự cãi cọ, bức xúc đã xảy ra giữa lực lượng chức năng và những người di tản.
Lực lượng chức năng có lý, vì họ phải quán triệt Chỉ thị 16, người dân ở đâu phải ở đó. Họ để dân ùn ùn di chuyển, họ sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, bị kỷ luật nặng.
Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 phải làm nghiêm, “tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7 tới khi hết giãn cách, trừ trường hợp được chính quyền cho phép”. Từ ngày 2/8 các tỉnh cũng đã dừng đón người dân về quê tự phát bằng xe máy…
Do vậy lực lượng chức năng đã chặn không cho người dân di tản, yêu cầu quay lại chỗ ở. Ai không chấp hành sẽ bị xử phạt; ai cố tình phản ứng lại quyết định của lực lượng chức năng sẽ bị cho là “chống người thi hành công vụ”…
Quay lại nơi ở thì người dân sống làm sao, khi họ đã mất thu nhập ít ra là 2 tháng rồi, trong khi đã không còn tiền ăn uống, thì tiền nhà, tiền điện, nước vẫn phải trả?
Trong bài “Người dân ùn ùn chạy xe máy rời TP HCM”… đăng trên VNExpress ngày 15/8/2021 có phỏng vấn một số người dân, được biết:
– Anh Hoàng Văn Trung, quê Nghệ An, làm công nhân ở Bình Dương, chở 5 chai nước suối trong bọc nilon, sau xe còn một vali lớn, treo thêm vài gói mì tôm và chai xăng 5 lít. Anh kể, bị công ty cho nghỉ việc gần 3 tháng nay, không có lương. Mất thu nhập, nhưng chưa nhận được hỗ trợ từ chính quyền, chủ trọ không giảm tiền phòng … Anh chia sẻ: “Tôi hết cách rồi, biết cả nước đang giãn cách xã hội, ai ở đâu ở đó, nhưng nếu ở lại lấy tiền đâu mà sống, lại sợ bị nhiễm bệnh”…
– “Gia đình anh Hoàng Văn Hoa, quê Quảng Trị, làm công nhân khu chế xuất Linh Trung 2, TP Thủ Đức, cũng cùng chung hoàn cảnh khi cả 2 vợ chồng thất nghiệp vì dịch. Không có tiền sống buộc anh và vợ dậy sớm từ 5 giờ sáng, chở theo cô con gái 3 tuổi về quê bằng xe máy. “Về quê mình còn có gia đình, bà con thân thích, chứ ở nơi đất khách quê người, mất việc làm thật sự không biết lấy gì sống”…
– “Anh Nguyễn Văn Sen, công nhân, cho biết thất nghiệp nhiều tháng, gia đình không còn khả năng trụ lại ở thành phố nên định lái xe máy chở vợ và con về Bình Định. “Ở lại TP HCM thì tuân thủ Chỉ thị 16, nhưng mất việc, hết tiền, bám trụ khó khăn quá tôi chịu không nổi. Bởi vậy tôi muốn về quê có mắm ăn mắm, có muối ăn muối dễ sống hơn”…
Tôi cũng gọi điện hỏi thăm mấy người quen làm nghề tự do đang sống ở TP HCM xem sao, thì được biết:
– Cô bán hàng ở chợ bảo, vì có khách hàng của cháu F0, nên cháu phải đi cách ly 21 ngày, rồi về nghỉ bán hàng hơn tháng nay rồi. Con lớn của cháu làm bốc vác ở cảng cũng nghỉ hai tháng nay không lương. Tất cả nhà chưa được hỗ trợ gì cả…
– Chủ công ty xây dựng, sửa chữa nhà cửa, thường thuê 10 -15 công nhân, bảo, công ty nghỉ mấy tháng rồi; doanh nghiệp cũng phá sản còn đâu mà hỗ trợ công nhân. Cả công ty lẫn công nhân chả ai được hỗ trợ gì!
– Ba đứa cháu làm nghề tự do, cũng mất việc, mất thu nhập 2 tháng rồi, hỏi có được chính quyền hỗ trợ gì không, các cháu bảo không. Nhưng chúng con còn tự cầm cự được, nhiều người mất việc đói khổ lắm…
Tóm lại, người dân hỗ trợ nhau cũng chỉ cứu đói nhất thời, không thể thay cho nguồn THU NHẬP THƯỜNG XUYÊN ĐỂ SỐNG được; còn hỗ trợ của Nhà nước thì chậm trễ vì thủ tục và cũng đến được số ít người, không thể đủ hết các đối tượng cần trợ giúp. Hơn nữa tiền trợ giúp cũng chỉ được 1 – đợt, mỗi đợt chừng 1,5 triệu đồng, không đủ cho 1 người sống 1 tháng.
Trong bài viết nói trên, cho biết: “Đến nay, gói cứu trợ thứ nhất với tổng số tiền 886 tỷ đồng cơ bản hoàn thành. Ngoài nhiều nhóm ngành nghề được giúp đỡ, hơn 311.000 lao động tự do (mỗi người nhận 1,5 triệu đồng)”.
“Ở gói hỗ trợ thứ hai tổng kinh phí hơn 900 tỷ đồng, cùng với việc bổ sung thêm nhiều hộ nghèo cần giúp đỡ, TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành giải ngân trước ngày 15/8. Tuy nhiên, đến chiều 14/8 Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết: “Cụ thể, trong 367.000 lao động tự do cần hỗ trợ, đến chiều 14/8 mới chỉ hơn 100.000 người nhận được tiền, chiếm gần 30%”…
Tình trạng như vậy thì ngay những người được trợ cấp 1,5 triệu đồng cũng làm sao đủ sống đến 15/9? Còn bao nhiêu người chưa và không được trợ cấp thì sống ra sao?
Đây là vấn đề khủng hoảng xã hội rất cấp bách rồi. Nhà nước phải kịp thời giải quyết bằng một trong hai cách:
Một là, tổ chức chở người dân về quê, địa phương đón tiếp, nuôi cách ly 14 ngày rồi thả về để họ “tự cứu lấy mình, trước khi Trời cứu”!
Hai là, Nhà nước chi ngân sách, gấp rút cứu trợ những người dân không có tiền lương, mất thu nhập, đang rất khó khăn ở TP.HCM và nhiều thành phố khác. Làm sao trợ cấp hàng tháng để người dân có thể sống tối thiểu, suốt thời kỳ họ mất thu nhập…
Đây không phải ban ơn mà là vấn đề an sinh xã hội, nhà nước phải giải quyết. Người làm chính sách phải tự đặt mình vào hoàn cảnh người tay trắng, xem 1 tháng chi tiêu tối thiểu là bao nhiêu để mà tính cho sát.
Nhà nước phải chọn một trong hai giải pháp, chứ không thể để người dân kẹt giữa Chỉ thị 16 và chết đói. Có vậy tuyên bố của Thủ tướng: “Không để người dân nào đói ăn, thiếu mặc; không để ai tụt lại phía sau” mới là nói THẬT!
Chú thích: Tài liệu trích dân: (https://vnexpress.net/nguoi-dan-un-un-chay-xe-may-roi-tp…)
Ngày 15/8/2021
(PLO)- Rất đông người dân mang theo hành lý đi xe máy rời TP.HCM để về quê đã bị lực lượng chức năng chốt chặn, sàng lọc đưa để đưa về lại nơi cư trú.
Đến trưa 15-8, hàng ngàn người dân muốn rời TP.HCM đang được lực lượng chức năng sàng lọc để đưa về lại cư trú tại thành phố.
Người dân đông nghẹt về quê được lực lượng chức năng chặn lại
Trước đó, sáng cùng ngày, nhiều người đi xe máy, mang theo hành lý di chuyển qua các cửa ngõ phía đông TP.HCM để về quê. Tuy nhiên, khi tới các chốt kiểm soát tại cầu vượt Linh Xuân, Sóng Thần và khu vực Suối Tiên đều bị lực lượng chức năng chặn lại, yêu cầu tuân thủ quy định phòng chống dịch bệnh.
Một lãnh đạo Đội CSGT Rạch Chiếc (PC08) cho biết, từ sáng có rất đông người dân muốn đi về quê, người dân chủ yếu di chuyền từng đoàn bằng xe máy ra các cửa ngõ phía đông.
“Tuy nhiên chúng tôi đã yêu cầu toàn bộ quay lại và thực hiện giản cách, hiện người dân đang được Công an TP Thủ Đức sàng lọc để đưa về lại nơi cư trú tại TP.HCM” lãnh đạo này nói thêm.
Còn theo Công an TP Thủ Đức, hiện người dân đã được di chuyển về khu vực bến xe Miền Đông mới (phường Long Thạnh Mỹ) để bố trí đảm bảo giãn cách, tuyên truyền và sàng lọc theo từng địa phương.
“Chúng tôi sẽ sàng lọc người dân sống theo từng phường, quận rồi gọi địa phương đó đến đưa về. Chúng tôi không để người dân tự di chuyển về để tránh trường hợp tụ tập và vi phạm quy định phòng chống dịch” một lãnh đạo đội Công an TP Thủ Đức nói thêm.
Lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP.HCM cũng xác nhận đã nắm được vụ việc. Theo lãnh đạo này, việc người dân tụ tập đông người, ra đường không lý do chính đáng như vậy là vi phạm các quy định phòng chống dịch, gây cản trở việc kiểm soát của lực lượng chức năng.
Lãnh đạo này cũng cho biết, hiện lực lượng lức năng đã giải thích cho người dân và buộc không được rời thành phố.
Sáng cùng ngày, tại chốt kiểm soát trên Quốc lộ 1 đoạn gần giao lộ với đường Phan Văn Hớn (phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM) hàng trăm người dân đi xe máy các tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên… tập trung trở về quê.
Người dân ở quận 12 mang theo đồ đạc, con nhỏ để về quê. Ảnh NT
Trong sáng cùng ngày, chỉ tính riêng địa bàn quận 12 đã có hàng trăm người dân tập trung về quê.
Phần lớn người dân cho biết trong thời gian qua đã mất việc làm, cuộc sống khó khăn, không thể bám trụ tại TP.HCM. Ảnh NT
Nhiều người mang theo cả con nhỏ, vật nuôi và đồ đạc tài sản do đã trả phòng trọ, chuẩn bị tinh thần về quê. Trong đó, có nhiều nhóm là bạn bè, đồng hương… cùng hẹn nhau trở về. Tất cả đều bị chốt kiểm soát của Công an, UBND quận 12 chặn lại.
Hàng trăm người dân được cảnh sát phân luồng, hướng dẫn quay về nơi xuất phát. Tuy nhiên, nhiều người cho biết không thể trở lại do đã trả phòng trọ, hoặc đã bị đuổi khỏi chỗ trọ, thất nghiệp nhiều tháng không có kế sinh nhai.
Ngay sau đó, lãnh đạo UBND quận 12, Công an quận 12… cùng có mặt phối hợp với các đơn vị liên quan tìm cách giải quyết. Đến gần trưa cùng ngày, lực lượng chức năng hộ tống, hướng dẫn tất cả người dân trở về quê nói trên chạy vào đường Phan Văn Hớn.
Tất cả người dân được tập trung tại một trường học được sử dụng để làm nơi ở tạm cho bà con, nằm trên đường Tân Thới Nhất 6 (phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM).
Trong trưa cùng ngày, người dân được đưa về trường học trên đường Tân Thới Nhất, quận 12. Tại đây, người dân được phát khẩu trang, nước… Ảnh NT
Ngoài ra trong sáng và trưa cùng ngày, ghi nhận tại hai chốt kiểm soát trên quốc lộ 1 tại địa bàn quận Bình Tân (đoạn gần khu công nghiệp Vĩnh Lộc) có hàng trăm người dân tập trung tại đây để di chuyển bằng xe máy về quê gây ra tình ùn ứ cục bộ.
Lực lượng chức năng của quận này phải ra sức tuyên truyền vận động người dân quay lại chỗ ở nơi người dân đang sinh sống để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.
Trong khi đó, trưa cùng ngày, hàng trăm người tập trung tại chốt kiểm soát trên quốc lộ 1 qua địa bàn quận Bình Tân cũng được cơ quan chức năng vận động tuyên truyền và đã rời đi.
Các con đường tại cửa ngõ phía Đông TP đông nghẹt người.
Lực lượng chức năng quận Bình Tân hướng dẫn, yêu cầu người dân quay lại nơi ở. Ảnh NT
Lãnh đạo Quận ủy, UBND quận Bình Tân cũng có mặt trên Quốc lộ qua địa bàn để chỉ đạo việc xử lý. Ảnh NT
Trong khi đó, lãnh đạo UBND quận 12, Công an quận 12 cũng có mặt tại trường học nơi tập trung người dân để chỉ đạo việc hướng dẫn, vận động người dân về lại nơi ở. Ảnh NT
T.S.- N.T.
Nguồn: https://plo.vn/thoi-su/hang-ngan-nguoi-dan-roi-tphcm-ve-que-deu-buoc-phai-quay-lai-1008297.html