Vì sao lại ách tắc việc mua vắc xin?

13.08.2021 4:17

Thới Bình

clip_image002

(VNTB) – Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, cả hệ thống chính trị, các bộ trưởng, doanh nghiệp đều hỗ trợ Bộ Y tế trong việc đàm phán, nhập vaccine.

“Các vị toàn nói chung chung, sáo rỗng, dối trá từ thầy đến tớ, không tìm thấy một gương mặt nào cho nó ra hồn tử tế. Khi xảy ra hậu quả thì đều trốn tránh trách nhiệm, khi có thành tích thì đều nhảy vào tranh công, tâng bốc nhau”.

Cảm thán đầy ‘năng lượng tiêu cực’ ở trên là của luật sư Hà Huy Sơn trong chia sẻ trên tài khoản cá nhân facebook của ông ngày 12-8-2021.

“Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo rất sát sao…”

Không ‘quơ đũa cả nắm’, nhưng đúng là nhiều khi người ta tin rằng ngay cả chính khách đang đăng đàn phát biểu hùng hồn, lắm bận chỉ là nói như một lập trình – đơn cử như bài diễn văn được gọi là “phát biểu chỉ đạo” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 11-8-2021 tại cuộc họp Chính phủ mà công luận đang… đàm tiếu (?!).

Tối 11-8, bên lề họp báo Chính phủ, báo chí đặt câu hỏi với Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn: “Ông đánh giá thế nào về tiến độ bao phủ vaccine Covid-19 của Việt Nam so với các nước trong khu vực và thế giới?”, và câu trả lời của Thứ trưởng Thuấn như sau:

“So với các nước phát triển, tiến độ tiêm vaccine Covid-19 của Việt Nam không bằng. Tiến độ nhập và tiêm vaccine chưa đạt được như kỳ vọng, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức.

Phải khẳng định một lần nữa, việc khởi động, đàm phán, mua vaccine đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng chỉ đạo rất sát sao. Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, cả hệ thống chính trị, các bộ trưởng, doanh nghiệp đều hỗ trợ Bộ Y tế trong việc đàm phán, nhập vaccine.

Việt Nam đã vào cuộc rất sớm, nhưng nhu cầu vaccine trên thế giới quá lớn, nguồn cung lại rất hạn chế. Tôi cho rằng, để đạt được độ bao phủ vaccine như hiện nay là sự cố gắng rất lớn của ngành y tế, các đơn vị, người dân.

Về đề xuất tiêm vaccine dịch vụ là hợp lý, nhưng cần cân nhắc thời điểm phù hợp. Hiện nay chúng ta chưa có nhiều vaccine, khi nào đủ thì Bộ Y tế sẽ cân nhắc, xem xét việc tiêm dịch vụ” (dừng trích).

Với đoạn trên, nếu dân tình không mấy tường tận ‘đường đi nước bước’, sẽ dễ đồng tình về các chia sẻ mang tính phân bua của Thứ trưởng Trần Văn Thuấn.

Sự thật không như vậy.

Sài Gòn đã đàm phán mua vắc xin hồi quý 1-2021

Tháng 3 năm nay Sở Y tế TP.HCM đã có tờ trình gửi Thường trực UBND TP.HCM về chủ trương cung ứng vaccine phòng Covid-19. Theo đó, qua đàm phán đại diện phân phối vaccine của Công ty Moderna đồng ý cung cấp 5 triệu liều vaccine mRNA-1273 trong quý 3 cho TP.HCM.

Cũng trong tờ trình này, Sở Y tế cho biết đây là vaccine sản xuất cho người trên 18 tuổi, với chỉ định hai mũi tiêm (tiêm bắp) cách nhau 28 ngày. Nếu bảo quản ở -20 độ C, vaccine dùng trong 6 tháng, còn ở 2-8 độ C được 30 ngày. Vaccine này có hiệu quả phòng bệnh cao (hơn 94%), tác dụng không mong muốn thấp, việc bảo quản phù hợp điều kiện hiện có của TP.HCM.

Căn cứ theo Nghị quyết 21 của Chính phủ ngày 26-2-2021 về mua và sử dụng vaccine Covid-19, Sở Y tế kiến nghị Thường trực UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cung ứng vaccine cho thành phố. Theo đó, thành phố sẽ mua vaccine do hãng Moderna sản xuất, nhập khẩu bởi chi nhánh Công ty TNHH Zuellig Pharma Việt Nam tại TP.HCM.

Nguồn kinh phí mua được huy động từ ngân sách dùng để phòng chống dịch và hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tiếp nhận.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống Covid-19 TP.HCM hôm 11-6, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết đã đàm phán xong việc mua khoảng 5 triệu liều vaccine Moderna, dự kiến về trong quý III năm nay.

Cũng trong thời gian này, để chặt chẽ các yêu cầu pháp lý liên quan, UBND TP.HCM có văn bản khẩn số 2128/UBND – VX, gửi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài chính về việc quản lý, sử dụng kinh phí ủng hộ hoạt động phòng chống dịch Covid-19 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM tiếp nhận.

Công văn đưa ra những lập luận như sau: TP.HCM là nơi tập trung đông dân cư và cũng là nơi chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì vậy, để chủ động trong phòng chống dịch, thành phố cần có kinh phí lớn từ các nguồn tài trợ bên cạnh ngân sách Nhà nước.

Tính đến ngày 31-5, Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 thành phố (Ban vận động) đã tiếp nhận gần 268 tỷ đồng, trong đó tiền mặt hơn 177 tỷ đồng. Thành phố đã chi gần 191 tỷ đồng cho hoạt động phòng, chống dịch.

Do nhu cầu kinh phí mua vaccine để tiêm phòng cho người dân rất lớn trong khi nguồn ngân sách Nhà nước có giới hạn, Ban vận động đã kêu gọi ủng hộ từ nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước. Đến nay (tức thời điểm phát hành văn bản khẩn), hơn 80 đơn vị, cá nhân đã đăng ký ủng hộ với số tiền hơn 2.210 tỷ đồng và đã tiếp nhận hơn 65 tỷ đồng.

Khi ủng hộ kinh phí mua vaccine, hầu hết tập đoàn, doanh nghiệp lớn của TP.HCM đều có nguyện vọng được cơ quan Nhà nước cấp vaccine để tiêm cho cán bộ, công nhân viên, người lao động của đơn vị.

Hiện tại, TP.HCM cần nhiều nguồn lực tài chính bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời các nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch. Do đó, UBND TP.HCM kiến nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài chính xem xét cho phép TP.HCM không chuyển vào ngân sách Nhà nước kinh phí mua vaccine phòng chống dịch Covid-19 mà Ban vận động đã tiếp nhận.

Đồng thời, UBND TP.HCM đề nghị giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM theo dõi, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí ủng hộ để thực hiện hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch, bao gồm cả việc mua vaccine.

Căn cứ chủ trương của Chính phủ, Bộ Y tế về mua vaccine phòng chống dịch Covid-19, TP.HCM sẽ chủ động các nguồn lực tài chính để thực hiện, đảm bảo vaccine tiêm phòng cho người dân thành phố.

Tuy nhiên việc đề xuất của văn bản khẩn số 2128/UBND – VX đã không nhận được sự đồng ý của Chính phủ.

Và đó không riêng câu chuyện xảy ra ở TP.HCM.

Tháng Chạp, Canh Tý, Hải Phòng đã đề xuất mua vắc xin đủ 2 liều

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố Hà Nội chiều 22-2, Phó giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh nói sở này đã tham mưu chính quyền thành phố để có công văn gửi Bộ Y tế, đề nghị hỗ trợ mua vaccine phòng Covid-19 tiêm cho người dân.

“Ước tính Hà Nội cần 15 triệu liều vaccine để tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, mỗi người 2 mũi”, ông Hạnh nói.

Sớm hơn hai địa phương trên, vào chiều 29-1-2021 (nhằm 17 tháng Chạp, Canh Tý), tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống Covid-19 của thành phố Hải Phòng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, ông Lê Khắc Nam đề xuất mua vaccine chống Covid-19 cho hơn 2 triệu người dân, quy trình tiêm 2 liều mỗi người, mỗi liều cách nhau 21 ngày.

Khi ấy, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành (hiện ông Lê Văn Thành là Phó thủ tướng Chính phủ) đồng tình với đề xuất trên, giao UBND thành phố, Sở Y tế và các ban ngành liên quan triển khai mua vaccine bằng nguồn ngân sách địa phương và Trung ương.

Tỉnh Đồng Nai đưa ra yêu cầu chủ động nhập vaccine ngay từ khi địa phương này chưa ghi nhận ca nhiễm Covid nào. Ngày 24-2-2021, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản gửi Bộ Y tế hỗ trợ nguồn vaccine và các thủ tục để tỉnh sớm triển khai mua.

Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ đưa ra các lập luận trong văn bản kiến nghị gửi lãnh đạo tỉnh về chuyện cần chủ động mua vaccine: Covid-19 diễn biến phức tạp trong cả nước và trên thế giới, dự báo dịch còn kéo dài. Hiện, vaccine Covid-19 được coi là giải pháp hữu hiệu để giảm tỷ lệ nhiễm virus, bảo vệ sức khỏe của người dân.

Dân số Đồng Nai hiện khoảng 3,1 triệu người, tương đương phải mua 6,2 triệu liều vaccine (một người tiêm 2 mũi). Nếu đề xuất được tỉnh thông qua, người dân Đồng Nai sẽ được tiêm vaccine miễn phí.

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có đề xuất tương tự, thậm chí còn cụ thể luôn giá cả các loại vaccine để người dân lựa chọn tùy vào túi tiền của mình.

Thế nhưng rồi…

T.B.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Covid 19, Quản lý đại dịch của nhà nước. Bookmark the permalink.