Chống Covid-19: Việt Nam cần đặt con người lên trước mục tiêu kinh tế

BBC tiếng Việt

Để đối phó lâu dài với dịch Covid-19, ý kiến từ giới nghiên cứu chính sách của Việt Nam cho rằng nước này cần phải xác định sống chung với dịch, đồng thời phải quan tâm hơn tới người lao động nghèo và doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặt con người lên trước các mục tiêu kinh tế.

Tại hội luận chuyên đề của BBC News Tiếng Việt ngày 05/08/2021, các khách mời là nhà nghiên cứu từ Học viện Chính sách và Phát triển (APD) và Viện nghiên cứu Chính sách, pháp luật và phát triển (PLD) cho rằng chính phủ Việt Nam cần có chính sách hợp lý hơn nữa để hỗ trợ người lao động cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ để “lấy lại niềm tin cho các doanh nghiệp”.

Ý kiến này được đưa ra trong bối cảnh những ngày gần đây dòng di dân, sơ tán số đông của người lao động, người dân có thu nhập thấp và nhiều lao động tự do di chuyển cấp tập trên mọi phương tiện cá nhân từ các trung tâm công nghiệp, chế xuất, đô thị như ở TP. Hồ Chí Minh, quay về các địa phương là nơi cư trú của họ để tìm kiếm trợ giúp, trú ẩn, gây xôn xao và xúc động trong dư luận.

Chính quyền ‘lúng túng’ về đối sách, kế hoạch

Việt Nam

Nhiều hình ảnh tràn lan trên mạng xã hội chia sẻ và phản ánh những khó khăn trong đợt ‘tháo chạy’ và sơ tán gần đây của người lao động nghèo ở Việt Nam gây xúc động trong dư luận

“Cuộc di tản không mong muốn’ này đã bộc lộ những hạn chế của chính quyền Việt Nam khi đối phó với đợt bùng phát thứ tư này,” từ Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC.

“Phản ứng của chính quyền trung ương cũng như địa phương theo tôi đã tỏ ra lúng túng…

“Nhiều người bỏ ra khỏi TP. Hồ Chí Minh về đến quê thì lại bị chặn lại, thậm chí không được nhận trở về, tỉnh lại phải đẩy ngược trở lại, có những nơi lại chưa bố trí cách ly tập trung hay hỗ trợ người ta gì cả.

“Câu chuyện này thể hiện sự lúng túng trong việc lập kế hoạch, chính sách trong những tình huống khẩn cấp vẫn là chưa nhanh nhạy”.

Cuộc di tản này, theo ông Hoàng Ngọc Giao, cho thấy “tầm nhìn của các lãnh đạo chưa tính hết được tình huống mà người lao động không thể nào tồn tại được nếu họ tiếp tục ở lại trong các khu khoanh vùng”.

“Hiện nay, chính phủ họp rất nhiều nhưng không rõ những giải pháp, chính sách, mà nó cứ thay đổi và có vẻ lu mờ, không thấy được giám sát, giải quyết đến nơi đến chốn”, ông nói thêm.

Cần thay đổi chính sách, đối sách thế nào?

Còn từ Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam, nhà nghiên cứu chính sách công, PGS. TS. Phạm Quý Thọ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách công, đánh giá rằng người lao động Việt Nam đã bị ảnh hưởng rất lớn về nhiều mặt trong đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư này. Ông nói:

“Đời sống của người lao động rất khó khăn, nó tác động không chỉ trước mắt mà còn lâu dài bởi vì họ không chỉ thiếu ăn, mà tác động còn về cả tổn thương tinh thần”.

Từ đó, nhà phân tích chính sách công này đưa ra hai kiến nghị về chính sách chống dịch Covid-19 của nhà nước, chính quyền Việt Nam:

“Thứ nhất, về thay đổi với Chỉ thị 16, chúng ta phải cân nhắc cách ly F1 và F0 có điều kiện ở nhà…, để mà có thể trường kỳ kháng chiến, chống dịch có vẻ còn lâu dài.

“Thứ hai, chính phủ nên cân nhắc để cứu trợ cuộc sống của người dân, cứu giúp người dân thì sẽ mang lại lợi ích lâu dài hơn là lợi ích kinh tế.

“Tôi cho rằng trong tình hình đại dịch này Việt Nam phải cân nhắc cái đó, bởi vì niềm tin sẽ là yếu tố quyết định, chứ không phải là ta chạy theo kinh tế mà ta bỏ lơ vấn đề chống dịch.

“Bởi vì người lao động còn sống, họ còn sức khỏe, họ còn niềm tin, thì kinh tế sẽ tiếp tục phát triển, còn ngược lại chúng ta làm tổn thương họ trong lúc này thì chúng ta sẽ đánh mất tất cả”.

Với doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn thì sao?

Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Phạm Quý Thọ cho rằng: “trong tình hình hiện nay phải hết sức chú trọng nuôi khối doanh nghiệp này”.

“Việc áp dụng chính sách ba tại chỗ với doanh nghiệp theo tôi là một gánh nặng với họ để họ có thể đảm bảo được trong điều kiện dịch bùng phát như thế này…

“Điều này sẽ có tác động là một số doanh nghiệp giấu giếm thông tin về dịch bệnh đối với công nhân và ép họ tiếp tục phải đi làm. Đấy là một thảm cảnh có thể xảy ra”.

Nhà phân tích chính sách công từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra giải pháp để cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ từ góc độ quan điểm riêng:

“Trong các chính sách tiền tệ và tài khóa cần phải lưu ý làm một cách mạnh mẽ hơn nữa để cứu sống các doanh nghiệp này, ít nhất là cho họ duy trì một niềm tin là chính phủ có vai trò bà đỡ trong tình huống khẩn cấp như thế này để lấy lại niềm tin cho các doanh nghiệp.

“Đừng có tiếc tiền, đừng có lo tâm lý là sẽ bị trục lợi chính sách mà phải nhìn vào dài hạn, phải cứu lấy họ, cứu lấy không chỉ về kinh tế mà cứu lấy cả tinh thần, cứu lấy niềm tin của các doanh nghiệp thì mới có tăng trưởng ở các chu kỳ sau”.

Đồng quan điểm dịch sẽ còn kéo dài, PGS Hoàng Ngọc Giao nói rằng:

“Chính phủ cần định hướng lại chính sách lớn theo hướng là chúng ta phải chung sống với dịch Covid này lâu dài”. Ông đưa ra hai điểm khuyến nghị:

“Theo tôi, việc khoanh vùng, truy vết và tiêm vaccine là cần thiết nhưng chưa đủ trong tình hình khẩn cấp như hiện nay.

“Tôi khuyến nghị thủ tướng cần gấp rút thành lập hai nhóm đặc nhiệm để xử lý các vấn đề về dịch Covid-19 liên quan đến người lao động và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Nhóm thứ nhất là xác định xây dựng và giám sát việc thực thi những giải pháp chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, giải cứu khối doanh nghiệp này.

“Nhóm thứ hai là phải đưa ra được chính sách, giải pháp rất là cụ thể và giám sát việc thực hiện giải pháp, chính sách đó, nhằm đảm bảo đời sống của người dân, đặc biệt là của những người lao động ở các thành phố lớn.

“Kể cả người lao động tự do không có nghề nghiệp, theo tôi cũng cần được chính phủ hỗ trợ”.

Về thành viên của hai nhóm đặc nhiệm, nhà nghiên phân tích chính sách và pháp luật này nói:

“Tôi cho rằng cần có sự tham gia của các chuyên gia chuyên ngành chứ không chỉ là những người trong bộ máy chính quyền nhà nước.

“Với cách làm như vậy, theo tôi sẽ có những giải pháp về mặt chính sách rõ ràng hơn, hiệu quả hơn là việc chỉ dừng lại ở phân cấp phân quyền đến các địa phương, tùy cho các địa phương thực hiện trên nền chỉ thị 15, 16 hay 16 cộng”, ông Hoàng Ngọc Giao nói với Bàn tròn thứ Năm hôm 06/8 từ Hà Nội.

——–

Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi cuộc hội luận chuyên đề của BBC News Tiếng Việt với sự tham gia của các khách mời PGS.TS. Phạm Quý Thọ, PGS.TS. Hoàng Ngọc Giao và Bác sỹ, TS Trần Tuấn.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58121868

This entry was posted in Chống covid ở VN. Bookmark the permalink.