Trong năm nay, nhà phát triển này đã huy động được gần 8 tỷ USD, nhờ bán cổ phần trong bộ phận xe điện, internet, công bất động sản ở Hàng Châu và nền tảng online FCB Group. Nhờ đó, khoản nợ của công ty đã giảm khoảng 20% xuống còn 570 tỷ CNY (88 tỷ USD) vào cuối tháng 6.
Nguồn tin thân cận cho biết, Evergrande đang dự định niêm yết mảng du lịch. Ngoài ra, công ty này còn sở hữu mảng kinh doanh suối nước nóng và dịch vụ y tế. Song, vì doanh thu khó đạt mức dự kiến trước thời điểm cuối năm sau, nên việc huy động vốn từ những bộ phận này không thể nhanh chóng bù đắp cho khoản nợ. Evergrande cũng đang đàm phán với các đối thủ để bán các dự án bất động sản trên toàn quốc.
Khủng hoảng của Evergrande, nhà phát triển bất động sản nặng nợ nhất thế giới, đã làm lộ ra các rắc rối tài chính của Trung Quốc và thách thức đối với ông Tập.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: AFP/Getty Images).
Đế chế bất động sản China Evergrande Group có thể được cho là cơn đau đầu nhức nhối nhất đối với giới lãnh đạo Trung Quốc lúc này. Bắc Kinh có khả năng trấn áp những gã khổng lồ công nghệ như Alibaba hay Tencent, nhưng Evergrande lại thể hiện mối đe dọa mang tính hệ thống tới ổn định tài chính của Trung Quốc.
Nghĩa vụ nợ của Evergrande lên tới 300 tỷ USD, tương đương GDP hàng năm của Việt Nam, Campuchia và Cộng hòa Maldives cộng lại.
Con số 300 tỷ USD nghe có vẻ không thấm vào đâu so với quy mô kinh tế hơn 14.000 tỷ USD của Trung Quốc. Tuy nhiên, khủng hoảng nợ của Evergrande lại đang phá hỏng câu chuyện kinh tế đẹp đẽ mà Bắc Kinh cố trình diễn.
Vài tuần trước, cuộc phục hồi kinh tế “hình chữ V” hậu đại dịch COVID-19 của Trung Quốc khiến thế giới phải ghen tị. Lễ kỷ niệm 100 năm Đảng Cộng sản hoành tráng của Trung Quốc cũng làm các nước chú ý.
Nhưng giờ đây, thị trường tiền tệ châu Á lại đang hỗn loạn khi nhà đầu tư đua nhau hạ giá trị tài sản của Evergrande. Đơn cử: Cuối tuần trước, trái phiếu đáo hạn năm 2025 yết bằng đồng USD của tập đoàn này chỉ được giao dịch với 50% mệnh giá.
Theo Nikkei Asia, điều tồi tệ hơn cả đối với ông Tập là bê bối Evergrande không chỉ còn là câu chuyện về một tỷ phú đi quá giới hạn. Tập đoàn này đã làm lộ ra những rắc rối tài chính âm ỉ trong lòng nền kinh tế thứ hai thế giới. Những nhà đầu tư từng tin chắc Evergrande là “quá lớn để sụp đổ” giờ băn khoăn rằng phải chăng tập đoàn này đã “quá lớn để cứu”?
Đối với những người thân cận với ông Tập, các vấn đề mà Evergrande làm lộ ra là quá lớn để làm ngơ.
Một số người ví rủi ro bắt nguồn từ Evergrande là sự kiện “thiên nga đen” mà không ai biết trước. Nhưng thực chất, những rủi ro này lại là “tê giác xám” – mối nguy hiểm khá rõ ràng nhưng lại thường bị ngó lơ.
Trong trường hợp của Bắc Kinh, mối nguy rõ ràng là việc các công ty nội địa khổng lồ dùng nợ nần để thâu tóm tài sản nước ngoài vượt quá tầm kiểm soát của các nhà quản lý. Từ năm 2019, ông Wang Jingwu, người đứng đầu ủy ban ổn định tài chính của ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cảnh báo về mối nguy này.
Vào thời điểm đó, các nhà quản lý Trung Quốc dường như lo ngại nhiều nhất về Anbang Insurance Group, Dalian Wanda Group, Fosun Group, HNA Group và Zhejiang Luosen Neili. Tất cả đều là những công ty trong nước có khối nợ lớn phải thanh toán bằng đồng USD và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi việc cựu Tổng thống Donald Trump ngăn chặn Trung Quốc tiến hành M&A tại Mỹ.
Nhưng hóa ra, Evergrande mới là mắt xích yếu rõ ràng nhất trong hệ thống tài chính mà ông Tập cố gắng thể hiện là vững chắc.
Rắc rối đang ập đến, chuyển các cuộc bàn tán trên thị trường từ sự hồi sinh của Trung Quốc sang các điểm yếu của Trung Quốc.
Tỷ phú Hui Ka Yan, Chủ tịch China Evergrande Group. (Ảnh: Bloomberg).
Khủng hoảng của Evergrande tạo ra hai vấn đề nan giải cho ông Tập. Một là “quả bom nợ” Evergrande có thể phá hỏng câu chuyện phục hồi kinh tế mà ông cố gắng trau dồi để giành được nhiệm kỳ chủ tịch nước thứ 3. Thứ hai là khủng hoảng Evergrande đang thách thức cam kết của ông là giảm thiểu đòn bẩy trong nền kinh tế nhằm ngăn chặn bong bóng trong những thị trường quan trọng như bất động sản.
Kể từ 2012, ông Tập đã cam kết để các lực lượng thị trường đóng vai trò “quyết định” trong các chính sách của Bắc Kinh. Tuy nhiên cho đến nay, Trung Quốc dưới thời ông Tập vẫn không sẵn lòng chấp nhận các vụ vỡ nợ lớn.
Hẳn rằng ông Tập không muốn mạo hiểm để xảy ra một vụ đổ vỡ dây chuyền như Lehman Brothers trong lúc GDP tăng trưởng và thị trường nội địa thu hút được vốn nước ngoài.
Theo Nikkei Asia, lòng tin của nhà đầu tư đang suy yếu khi nỗi lo Evergrande vỡ nợ lan rộng. Chủ tịch Hui Ka Yan của Evergrande có vẻ sắp hết những người bạn tài phiệt để mua trái phiếu giúp ông. Tuần trước HSBC và nhiều ngân hàng tên tuổi khác ngừng cung cấp các khoản vay thế chấp cho người mua các dự án chưa hoàn thành của Evergrande. Có thể thấy rằng đây là điềm gở với tập đoàn.
Các rắc rối do Evergrande gây ra giống như bản nhạc nền khó chịu cứ phát bên tai giới lãnh đạo Trung Quốc. Khó có khả năng Trung Quốc đang hướng tới cuộc khủng hoảng giống như nợ dưới chuẩn tại Mỹ năm 2008, nhưng Evergrande là lời nhắc nhở rằng Trung Quốc không thiếu những nỗi lo về tài chính.
Nguồn: vietnambiz.vn