Nhóm Làm việc về bắt giữ tuỳ tiện của LHQ dự kiến ra phán quyết về trường hợp Phạm Đoan Trang vào tháng 9

Giang Nguyễn

Luật sư Nhân quyền quốc tế Kurtuluş Baştimar gần đây đã kiến nghị với Nhóm Làm Việc về Bắt giữ tùy tiện của Liên Hiệp Quốc (UNWGAD) về trường hợp của nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang. Cô Phạm Đoan Trang bị chính quyền Việt Nam bắt giữ vào tháng 10 năm ngoái với cáo buộc chống Nhà nước theo Điều 88 và 117 Bộ Luật hình sự Việt Nam. Dự kiến Nhóm làm việc LHQ sẽ đưa ra phán quyết vào tháng 9 này. Giang Nguyễn phỏng vấn Luật sư Kurtuluş Baştimar.

Nhóm Làm việc về bắt giữ tuỳ tiện của LHQ dự kiến ra phán quyết về trường hợp Phạm Đoan Trang vào tháng 9

Nhà báo bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang.

Giang Nguyễn: Cảm ơn Luật sư Kurtuluş Baştimar đã dành cho chúng tôi cuộc nói chuyện hôm nay. Được biết ông đã trình báo cáo lên Nhóm Làm việc về Bắt giữ tùy tiện của Liên Hiệp Quốc về trường hợp của nhà báo Phạm Đoan Trang. Đây không phải là trường hợp vi phạm tự do ngôn luận đầu tiên mà ông trình báo, và đặc biệt đối với Việt Nam, trước đây ông đã đưa trường hợp của nhà báo độc lập Lê Hữu Minh Tuấn lên Liên Hợp Quốc. Điều gì đã khiến bây giờ ông báo cáo về trường hợp của Phạm Đoan Trang?

Kurtuluş Baştimar: Trước hết tôi muốn gửi lời cảm ơn đến quý đài đã dành cho tôi cuộc nói chuyện hôm nay. Vâng, như bạn đã đề cập, trước đây tôi đã đại diện cho anh Lê Hữu Minh Tuấn tại Nhóm Làm việc về Bắt giữ tùy tiện của Liên Hợp Quốc và tôi đã thành công trong vụ ấy. Khi tôi xem mạng Twitter tôi thấy cô Phạm Đoan Trang cũng đã bị bắt và tôi nhận thấy rằng cô ấy đã nỗ lực nhiều cho quyền tự do ngôn luận và đấu tranh cho quyền đó. Quyền tự do ngôn luận là lằn ranh đỏ đối với tôi. Cá nhân tôi cũng đã dành cả cuộc đời mình để bảo vệ đặc biệt quyền này. Tôi đã liên hệ với tổ chức nhân quyền ở Châu Á và họ đã cung cấp cho tôi một số thông tin cơ bản để tôi có thể khởi xướng tiến trình này.

Sau đó tôi quyết định đại diện cho cô Phạm Đoan Trang tại Nhóm làm việc về Bắt giữ tùy tiện của Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi viết đơn yêu cầu xem xét trường hợp của cô Phạm Đoan Trang dựa trên hai quyền nổi bật nhất, là quyền tự do ngôn luận và quyền hội họp, vì như bạn biết cô Phạm Đoan Trang bị bắt cũng vì các ấn phẩm của cô. Cô cũng là người sáng lập và tác giả sách của Nhà xuất bản Tự do. Đó là lý do tại sao tôi đã chuẩn bị và gửi đơn khởi kiện của mình dựa trên hai quyền quan trọng này.

Giang Nguyễn: Nhà báo Phạm Đoan Trang bị bắt hồi tháng 10 năm ngoái, bây giờ cũng đã bị tạm giam gần một năm với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật hình sự 1999 và tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” theo  Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015. Luật sư đã có tiếp xúc được với cô Phạm Đoan Trang hoặc có làm việc với các nhóm để có thể thu thập thông tin và trình lên Nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc?

Kurtuluş Baştimar: Vâng, tôi đã liên hệ với các thành viên của Nhà xuất bản Tự do và tôi nhận được thông tin cơ bản từ họ để bắt đầu quá trình nộp đơn. Chúng tôi phản đối Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và cả Điều 117 Bộ luật Hình sự (năm 2015) bởi vì đây là những điều luật quá mơ hồ và bao quát đang được sử dụng làm công cụ để hạn chế quyền tự do ngôn luận. Tôi cũng muốn liên lạc với cô Trang nhưng đã được cảnh báo rằng điều đó sẽ không tốt vì lý do bảo mật và tôi không muốn gây rắc rối thêm cho cô ấy.

Kiến nghị của chúng tôi đã được Liên Hiệp Quốc chấp nhận và cũng đã được chuyển tới Chính phủ Việt Nam. Và Chính phủ Việt Nam đã truyền đi phản biện về kiến nghị, quan điểm của họ đối với kiến nghị của chúng tôi. Tôi đang cầm trong tay bản phản biện của họ và Nhóm Làm việc về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc cho tôi thời hạn đến ngày 5 tháng 8 để tôi nộp bản bào chữa cuối cùng về trường hợp của ký giả Phạm Đoan Trang. Tôi đã soạn thảo phần bào chữa của mình và tôi sẽ đệ trình nhưng tôi chắc chắn rằng tôi sẽ thắng cho trường hợp cô Phạm Đoan Trang.

Giang Nguyễn: Chính phủ Việt Nam lập luận rằng, cô Phạm Đoan Trang không bị bắt vì thực hiện quyền tự do ngôn luận mà vì cô ấy đã vi phạm pháp luật Việt Nam theo những điều luật chúng ta vừa đề cập. Ông sẽ phản hồi lập luận này như thế nào?

Kurtuluş Baştimar: Tất nhiên lập luận này không có cơ sở pháp lý. Như bạn nói Chính phủ Việt Nam cho rằng cô Trang không bị bắt vì thực hiện quyền tự do ngôn luận hay hội họp. Nhưng điều này không chính xác vì cô Trang đã bị bắt chính vì các ấn phẩm của cô và dựa trên quyền hội họp vì cô đã cùng tham gia với các thành viên và tác giả khác của Nhà xuất bản Tự do. Đây là những lý do khiến cô ta bị bắt. Chính phủ Việt Nam đã đưa đưa ra lập luận rằng các ấn phẩm của cô Trang là vi phạm pháp luật trong nước về an ninh quốc gia và trật tự công cộng, nhưng họ không chứng minh được các ấn phẩm của cô gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia như thế nào theo phép thử mà luật pháp quốc tế công nhận. Họ phải chứng minh lý do vì sao Chính phủ cho rằng việc bắt giữ đó là cần thiết và liệu nó có tương ứng hay không. Phép thử nghiệm khắt khe này cần phải được đáp ứng đầy đủ.

Kurtulus-Bastimar-Kurtuluş-Baştimar.png

Luật sư nhân quyền Kurtuluş Baştimar. Ảnh: Kurtuluş Baştimar

Giang Nguyễn: Dự kiến khi nào Nhóm làm việc về Bắt giữ tùy tiện của Liên Hiệp Quốc sẽ ra phán quyết và liệu nó sẽ giúp ích gì cho nhà báo Phạm Đoan Trang hay bất kỳ nhà hoạt động vì nhân quyền nào khác ở Việt Nam không?

Kurtuluş Baştimar: Phán quyết sẽ được đưa ra vào tháng 9 trong phiên họp thứ 91 của Nhóm làm việc về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc. Tôi vừa nhận được thông tin này chỉ hai hoặc ba phút trước đây. Đây là thông tin mới. Và dĩ nhiên nó sẽ là phán quyết thí điểm từ Nhóm Làm việc của Liên Hiệp Quốc đối với Chính phủ Việt Nam, bởi vì sau quyết định này chúng tôi sẽ cố gắng hợp tác với tất cả các nhà bảo vệ nhân quyền và luật sư nhân quyền quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến khi cô Phạm Đoan Trang được trả tự do. Phán quyết cũng có tính chất ràng buộc đối với Chính phủ Việt Nam và họ sẽ phải trả tự do cho cô Trang. Đó là mục đích cuộc đấu tranh của chúng tôi.

Giang Nguyễn: Cô Phạm Đoan Trang là một trong số nhiều người đã bị bắt tại Việt Nam vì những cáo buộc mơ hồ. Ông đã đề cập đến trường hợp của nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn, mà chúng tôi đã có phán quyết của Nhóm làm việc Liên Hiệp Quốc khẳng định rằng việc bắt giữ của anh ấy là tùy tiện và Nhóm làm việc đã yêu cầu Hà Nội trả tự do ngay lập tức cho anh ấy. Thế nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục bắt giữ và đàn áp những người bảo vệ nhân quyền. Vậy thì những người yêu chuộng tự do, nhân quyền có thể làm gì hơn nữa để gây áp lực lên Chính phủ, vì đây chúng ta đã có sự lên tiếng ở cấp rất cao, của Nhóm Làm việc của Liên Hiệp Quốc. Liệu những phán quyết như thế thực sự có tác động ngăn cản việc Chính phủ liên tục đàn áp quyền tự do ngôn luận?

Kurtuluş Baştimar: Vâng đúng như bạn cũng đã đề cập, chúng tôi cũng đạt được thành công khi trình báo cáo về trường hợp của Lê Hữu Minh Tuấn. Sau phán quyết này thì các luật sư của các đương đơn tại Việt Nam, cũng như chúng tôi cần nỗ lực đưa phán quyết về Lê Hữu Minh Tuấn trở thành đề tài hàng đầu của dư luận. Chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để tạo ra áp lực quốc tế. Chúng ta cần thông tin cho các tổ chức nhân quyền quốc tế. Chúng ta cần cùng nhau đưa ra một tuyên bố báo chí, chúng ta cần hợp tác để áp lực Chính phủ Việt Nam phải thực hiện phán quyết này. Bởi vì chúng ta cũng đang thấy tình hình tương tự ở các nước khác, ví dụ như ở Pakistan, Iran cũng như ở Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi tôi làm đơn và thành công, chúng tôi đã tiếp tục áp lực dùng pháp luật của chính các quốc gia liên hệ. Và sau khi làm điều này, chúng tôi đã nhận được kết quả rất tích cực là phán quyết (của LHQ) đã được các Chính phủ đó thực hiện.

Giang Nguyễn: Được biết ông cũng đang làm việc với Nhà xuất bản Tự do để dịch và xuất bản cuốn sách “Giã từ Tự do” và phiên bản tiếng Việt sắp được phát hành?

Kurtuluş Baştimar: Vâng tác phẩm “Giã từ Tự do” của tôi sẽ được xuất bản tại Hà Lan, Brazil và bằng tiếng Việt bởi Nhà xuất bản Tự do. Tôi quyết định xuất bản và tôi đã nhờ đến Nhà xuất bản Tự do và họ vui mừng chấp nhận. Tôi quyết định nhường hết tiền bản quyền cho Nhà xuất bản Tự do vì họ đang đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận. Hiện giờ họ đã hoàn thành bản dịch và họ đang chuẩn bị bìa sách. Nội dung tác phẩm cũng nói về quyền tự do ngôn luận, là câu chuyện của người dân tộc Kurd. Ngôn ngữ của họ đã bị cấm. Tác phẩm này chỉ ra cho chúng ta giá trị của Tự do ngôn luận là gì.

Giang Nguyễn: Chúng tôi đón chào phán quyết của Nhóm làm việc về Bắt giữ tùy tiện của Liên Hiệp Quốc cũng như phiên bản tiếng Việt của tiểu thuyết của ông. Trân trọng cảm ơn Luật sư Kurtuluş Baştimar.

G.N.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

This entry was posted in Bắt giữ tùy tiện, Phạm Đoan Trang, tù nhân lương tâm. Bookmark the permalink.