Ngụy biện

Thái Hạo

Hôm qua mượn được cuốn sách của GS Hoàng Tuỵ, đọc ngay thấy bài của ông viết từ năm 2007, nhan đề “Tăng học phí – đầy gánh nặng cho dân”. Cụ viết đã lâu rồi mà đọc thấy dường như đang “phản biện” lại ý tưởng của ngài Lê Quân đương kim GĐ Đại học QG Hà Nội. Cụ cũng đã bác bỏ cả ý ông Quân đưa ra biện bác rằng bên cạnh việc tăng học phí gây thiệt thòi cho người nghèo thì đã có học bổng để “chiếu cố” các hs nghèo học giỏi… Cứ như cụ là nhà tiên tri, đã biết trước ý tưởng dở hơi của vị Hiệu trưởng, ĐBQH này để mà phản biện ý! Ngày nay ông Tân Thủ tướng nêu yêu cầu ngành Giáo dục phải phấn đấu thực hiện 3 thật ( học thật, thi thật, kiến thức thật), nhưng chắc ngài ấy chưa bao giờ biết đến những ý kiến đóng góp xây dựng rất tâm huyết của Cố GS Hoàng Tuỵ về cải cách giáo dục đâu?Các ngài quá lãng phí trí tuệ của một người xứng đáng được coi là Nguyên khí quốc gia!

Sẽ xin trích đăng phần phản biện sát sườn của cụ đối với “ngài” Hiệu trưởng Lê Quân trong dịp khác.

Nguyễn Nguyên Bình

Vài hôm nay tôi gặp một số bài viết (của những người có tên tuổi) bênh vực Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân với lý lẽ rằng, toàn văn bài phát biểu của ông ấy thể hiện một quan điểm đúng đắn về Tự chủ đại học, cái câu “học phí là rào cản” chỉ là một chi tiết bị báo chí cắt ra giật tít và dân mạng chộp lấy để phê phán, v.v.

Xin thưa với các vị trí thức rằng, nhân danh “tư duy hệ thống” nhưng chính các vị đang giẫm lên cái tư duy ấy. Trong một tổng thể cấu trúc (ở đây là quan điểm tự chủ đại học) chỉ cần một chi tiết bị sai, bị hỏng thì nó sẽ phá hủy cả cái hệ thống ấy/làm sai lệch bản chất của toàn bộ cấu trúc và dẫn tới một kết quả khác. Bạn chỉ cần di chuyển một quân cờ trên bàn cờ thì tất cả các quân cờ còn lại cũng như toàn bộ thế cờ sẽ bị thay đổi – nó rõ ràng như thế.

Một chủ trương đúng mà chỉ cần cách làm sai thì có thể sẽ dẫn đến sụp đổ toàn bộ cái chủ trương ấy. Dùng “học phí là rào cản để tránh việc học sinh lao vào đại học và trở thành “học đại”” là một khâu sai lầm nghiêm trọng như thế.

Các vị bảo rằng, tôi không quan tâm tới việc ông ấy nói gì và nói thế nào, cái quan trọng là nội dung. Siêu phàm! Lần đầu tiên trong đời tôi biết có thứ nội dung của phát ngôn lại nằm ngoài ngôn ngữ. Thế thì việc gì mà phải nói, phải họp hành, phải bàn thảo nữa. Mà rốt cuộc, nội dung không nằm trong lời nói thì tôi không biết nó ở đâu và làm sao mà biết là có cái nội dung ấy! Thiệt là xoắn não. Hay là các vị đã đạt tới cái cảnh giới “tha tâm thông” của các Guru trên Himalaya rồi?

Trước khi chạm tay vào bàn phím để viết phê phán quan điểm của ông Lê Quân, tôi đã đọc 2 lần toàn văn bài phát biểu của ông ấy trên báo Lao Động. Đã nhiều năm, tôi ủng hộ Tự chủ đại học và ủng hộ quyết liệt trong các bài viết trước nay của mình. Nhưng điều ấy không đồng nghĩa với việc cứ cái gì gắn nhãn tự chủ đại học thì tôi đều nghiễm nhiên tán đồng. Không thể lấy mục đích để biện minh cho phương tiện. Anh nói rằng anh đi nấu cơm nhưng anh đổ quá nhiều nước thì nó sẽ thành cháo, bất chấp ý chí của anh – đó là quy luật khách quan. Cách làm sai không bao giờ có thể cho kết quả đúng, giản dị như thế thôi.

Tóm lại, dù có lý sự thế nào thì “học phí là rào cản” cũng không thể chấp nhận được. Nó thể hiện một tư duy tệ hại, và chắc chắn sẽ làm thất bại/rối loạn xã hội. Và cũng thế, nó sẽ không thể giúp quý vị giải quyết được các vấn đề về chất lượng đào tạo, về lương giáo viên, về việc làm v.v.

Mục đích đúng phải đi kèm cách làm đúng, nếu cách làm sai thì coi lại tư duy, thậm chí cần coi lại cả nhân cách nữa.

T.H.

Nguồn: FB Thái Hạo

This entry was posted in Giáo dục, Học phí. Bookmark the permalink.