Hai con số sai lệch nguy hiểm trong dịch Vũ Hán

GS Nguyễn Tuấn

Có 2 con số nói theo tiếng Anh là ‘misleading’ trong đại dịch Vũ Hán: số ca nhiễm và tỉ lệ tử vong. Hai con số này gây hoang mang cho rất nhiều người, nhưng nó không nói lên sự thật về dịch.

1. Số ca nhiễm

Các cơ quan hữu trách, báo chí trong và ngoài nước cung cấp cho chúng ta con số ca nhiễm mỗi ngày. Có khi họ dùng chữ “nhiễm Covid-19″ (và chính tôi cũng thỉnh thoảng dùng chữ đó). Chẳng hạn như họ viết “Tính hết ngày 19/7, có 34.825 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố”.

Thật ra, đó không phải là 34,825 ca mắc bệnh, mà là những người có xét nghiệm dương tính cho SARS-Cov-2.

Người có kết quả xét nghiệm dương tính chưa phải là mắc bệnh, bởi vì một số người có kết quả dương tính nhưng họ thật ra không bị nhiễm virus. Nếu con virus đã chết nhưng phương pháp xét nghiệm PCR vẫn có thể phát hiện.

Cho dù đó là ca đã được xác định là mắc bệnh Covid-19, thì con số báo cáo hàng ngày vẫn sai. Sai rất nhiều.

Tại sao sai? Tại vì những người đến xét nghiệm hay được chỉ định cho xét nghiệm thường là những người có triệu chứng, hay những người có tiếp xúc với người bị nhiễm, hay những người có nguy cơ cao. Những người này không ‘đại diện’ cho toàn cộng đồng (nói theo ngôn ngữ dịch tễ học là họ không đại diện cho quần thể – population). Do đó, con số mà các giới chức y tế phát hiện chỉ là một phần trong cộng đồng, hay nói ví von, đó chỉ là bề nổi trên tảng băng mà thôi.

Do đó, khi TP.HCM phát hiện gần 35.000 ca nhiễm thì trong cộng đồng đã có nhiều ca nhiễm hơn con số đó nhiều. Nhiều hơn bao nhiêu thì khó nói, vì chưa có phân tích bài bản. Nhưng một nghiên cứu hồi năm ngoái bên Mỹ [1] cho thấy con số nhiễm thật có thể cao gần 10 lần con số phát hiện.

Điều này cũng có nghĩa là ngay cả những nơi (như Hà Nội) mà hiện nay số ca nhiễm phát hiện còn thấp, thì số ca nhiễm trong cộng đồng đã cao hơn nhiều. Nói như ông cựu TT Trump là ‘càng xét nghiệm, càng phát hiện nhiều ca’. Tại vì Hà Nội chưa xét nghiệm như TP.HCM; nếu làm như TP.HCM thì Hà Nội cũng sẽ có thể phát hiện hàng ngàn ca mỗi ngày.

Có cách nào ước tính con số ca nhiễm trong cộng đồng?

Câu trả lời là ‘có’. Nhưng phải vận dụng và dựa vào nhiều giả định về phân bố xác suất. Chẳng hạn như phương pháp ‘backcasting’ sử dụng thời gian từ lúc nhiễm đến tử vong và tỷ lệ tử vong quan sát được, rồi suy ngược lại số ca nhiễm trong cộng đồng [2].

Đây cũng chính là lý do tôi nói rằng không nên tập trung vào con số ca nhiễm mỗi ngày. Con số đó không có ý nghĩa gì cả, nếu không đặt trong bối cảnh. Bối cảnh là bao nhiêu người đã được xét nghiệm.

2. Tỷ lệ tử vong

Con số thứ hai dễ gây hiểu lầm là tỷ lệ tử vong.

Bình thường, đa số chúng ta nghĩ rằng cứ lấy con số ca tử vong chia cho số ca nhiễm thì sẽ biết mức độ nguy hiểm của dịch ra sao. Ví dụ như Việt Nam tính đến ngày hôm qua ghi nhận 60.180 ca nhiễm và 334 ca tử vong, suy ra tỷ lệ tử vong là chừng 6 người trên 1000 ca nhiễm. Con số này ở Thái Lan là 8 / 1000, Nam Dương 26 / 1000. Nhìn như thế thì rõ ràng là Việt Nam chúng ta may mắn.

Con số tỷ lệ đơn giản đó trong dịch tễ học gọi là ‘Case Fatality Rate’ (CFR). Mẫu số của CFR là số ca nhiễm được phát hiện.

Mà, như tôi giải thích trên là số ca đó không phản ảnh (và thấp hơn) số ca nhiễm trong cộng đồng. Nếu tính chính xác thì phải dựa trên số ca nhiễm trong cộng đồng. Và, chỉ số này trong dịch tễ học có tên là ‘Infection Fatality Rate’ (IFR).

Hiện nay, chúng ta chỉ biết CFR, chúng ta chưa/không biết IFR. Với khái niệm tôi mô tả trên, các bạn dễ dàng nhận ra rằng IFR thấp hơn nhiều so với CFR. Giả dụ rằng số ca nhiễm trong cộng đồng cao 10 lần số ca nhiễm phát hiện, thì IFR của Việt Nam là 334 / (60180 * 10) là khoảng 6 trên 10.000 ca nhiễm.

Phân biệt số ca nhiễm trong cộng đồng và số ca phát hiện. Suy ra tỷ lệ tử vong thật (IFR) thấp hơn tỉ lệ tử vong phát hiện (CFR).

Nhưng cái khó của CFR và IFR là số ca tử vong biến chuyển theo thời gian. Con số trên chỉ tính đến ngày hôm qua. Ngày hôm nay thì con số đã khác, vì số ca nhiễm đã khác và số tử vong cũng có thể khác. Không có sự thật vĩnh viễn trong dịch là vậy.

Cái khó khăn khác nữa là chúng ta khó so sánh tỷ lệ tử vong (cho dù là CFR hay IFR) giữa các quốc gia. Lý do là mỗi nơi có cách xác định tử vong Covid khác nhau. Làm sao chúng ta biết một người bị suy thận giai đoạn cuối và nhiễm nCov chết vì Covid-19 hay vì bệnh đi kèm?

Theo khuyến cáo của WHO: “Covid-19 nên được ghi trong giấy chứng tử là nguyên nhân tử vong cho TẤT CẢ những ca tử vong do bệnh Covid-19 gây ra, hay giả định là Covid-19 gây ra, hay Covid-19 góp phần vào sự tử vong”. Ở Mỹ, người ta còn có định nghĩa tử vong liên quan đến Covid-19 phức tạp hơn nữa [4].

Chiếu theo khuyến cáo trên của WHO thì người suy thận mà nhiễm nCov và tử vong thì Covid-19 được xem là nguyên nhân. Các bạn có thể cãi rằng chưa chắc do Covid-19 là nguyên nhân, nhưng quy định nó là … nguyên nhân.

Tôi thì ví von vầy cho dễ hiểu: bệnh nền là như súng đã lên đạn, còn con virus Vũ Hán là nó bóp cò.

Một nghiên cứu về số ca phát hiện (màu xanh) và số ca nhiễm trong cộng đồng (màu cam) theo nhiều giả định. Nhưng biểu đồ nói lên rằng số ca nhiễm trong cộng đồng cao hơn nhiều số ca phát hiện.

Nguồn ảnh: https://bmcinfectdis.biomedcentral.com/…/s128…/figures/5

Nhưng những phân biệt chi tiết trên cho thấy chúng ta phải/nên đọc con số tỷ lệ tử vong một cách tương đối thôi. Không nên so sánh những con số đó rồi kết luận rằng ‘bác sĩ Việt Nam quá giỏi’. Tôi cũng muốn nói vậy, nhưng bản chất đằng sau của con số không cho phép nói vậy.

Tóm lại, những phân tích trên đây chỉ để nói rằng (1) con số ca nhiễm mỗi ngày chỉ phản ảnh ‘bề mặt của một tảng băng chìm’ của đại dịch, vì con số ca nhiễm trong cộng đồng cao hơn nhiều (có thể gấp 10 lần); và suy ra (2) tỷ lệ tử vong vì Covid-19 thấp hơn là những gì được công bố.

Hơi lạc đề một chút, nhưng trong lúc hoang mang với dịch Vũ Hán, chúng ta có lẽ quên rằng mỗi năm có hơn 174.000 người bị TB [tuberculosis: bệnh lao phổi – BVN chú thích], và mỗi năm bệnh này cướp đi 11.000 người ở Việt Nam [5]. TB cũng lây lan như Covid-19, nhưng nó có thể cướp đi nhiều mạng người hơn Covid-19. Ngừa Covid-19 nhưng cũng đừng quên TB. Nhiều biện pháp cá nhân phòng ngừa TB cũng có thể áp dụng cho Covid-19.

Bản trên blog: https://nguyenvantuan.info/…/hai-con-so-sai-lech-nguy…

_____

[1] https://www.nature.com/articles/s41467-020-18272-4

[2] https://royalsocietypublishing.org/doi/10.1098/rsos.200909

[3] https://www.who.int/…/Guidelines_Cause_of_Death_COVID…

[4] https://www.cdc.gov/nchs/data/nvss/vsrg/vsrg03-508.pdf

[5] https://www.who.int/…/it-s-time-to-end-tb-in-viet-nam

N.T.

Nguồn: FB Nguyen Tuan

This entry was posted in Dịch Covid-19. Bookmark the permalink.