Hy vọng ngòi nổ sẽ được tháo và câu hỏi ai là thế lực thù địch ở đây?

Lưu Trọng Văn

Giải cứu binh nhì Trần Đức Đô

Nhớ đến bộ phim lừng lẫy “Giải cứu binh nhì Ryan” (Saving Private Ryan) do Steven Spielberg đạo diễn. Tám người đi giải cứu một binh nhì, hy sinh đến sáu người. Tính toán theo kiểu con buôn, thì đó là một cú làm ăn lõm vốn to.

Nhưng người đọc xúc động vì tính nhân văn của nó: quân đội không bỏ mặc số phận một con người, dù đó chỉ là một anh binh bét; quân đội biết rung động trước sự đau khổ của người mẹ, tuy chỉ là mẹ của một Ryan xoàng xĩnh.

Đó là quân đội Mỹ.

Còn Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng? Cái chết của binh nhì Trần Đức Đô có được “giải cứu” không?

Dũng Hoàng

Theo chỉ đạo của tướng Phan Văn Giang và lãnh đạo Bộ Quốc phòng, hàng loạt cơ quan điều tra của Bộ QP như Cục Điều tra Hình sự, Viện Pháp y QĐ, Cục Bảo vệ An ninh QĐ đã vào cuộc điều tra sự thật về cái chết và nguyên nhân cái chết của binh nhì Trần Đức Đô.

Việc vào cuộc kịp thời ấy đã lấy lại niềm tin cho gia đình của Đô, vì vậy 14 g chiều qua Đô đã được gia đình an táng cùng vòng hoa với dòng chữ “Vô cùng thương tiếc đồng chí Trần Đức Đô” của chính quyền địa phương và đơn vị QĐ.

Để xảy ra những xáo động dư luận về cái chết của Đô phải nói thẳng là do phát ngôn vội vã cũng như thái độ ứng xử không cẩn trọng của Đại tá Nguyễn Xuân Thìn, Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 1.

Trong khi đó trao đổi với báo Thanh Niên sáng 30.6, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Bộ Quốc phòng), khẳng định, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đang điều tra, làm rõ nguyên nhân tử vong của quân nhân Trần Đức Đô và sẽ thông tin khi có kết quả chính thức.

Phát ngôn của tướng Đức đại diện cho Bộ QP là chuẩn mực và đúng đắn. Tất cả phải chờ kết quả điều tra chính thức. Tuy vậy, thật ngạc nhiên sáng 1.7, cũng trao đổi với báo Thanh Niên, đại tá Nguyễn Xuân Thìn, lại tỏ ra bức xúc cho rằng nhiều trang mạng xã hội, diễn đàn bóp méo, xuyên tạc sự thật về cái chết của Đô.

“Chúng tôi cung cấp thông tin ban đầu là “phát hiện quân nhân Trần Đức Đô trong tư thế treo cổ” nhưng một số tờ báo, trang mạng xã hội lại cho rằng đó là “tự tử” khiến sự việc đi theo hướng khác”, ông Thìn nói.

Đại tá Thìn còn đẩy sự việc đi xa hơn, đó là quy kết có bàn tay thế lực thù địch và đe doạ dư luận trái ý với ông. Ông cho rằng: “Nhận định của chúng tôi trong sự việc này đang có một bàn tay nào đó lợi dụng xúi giục, kích động dư luận. Chúng tôi đang tập hợp để báo cáo Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TT-TT xung quanh thông tin xuyên tạc, sai sự thật trong vụ việc này để kiến nghị xử lý”.

Thưa Đại tá Thìn, ông nghĩ sao khi báo Tuổi trẻ thông tin:

“Thông tin thêm về sự việc, Đại tá Nguyễn Xuân Thìn – Trưởng phòng tuyên huấn Quân khu 1 – cho biết chiều 28.6, đơn vị Tiểu đoàn 4, Đại đội 14, Trường quân sự Quân khu 1, đóng quân tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên tổ chức huấn luyện tại thao trường dã ngoại, cách trường hơn 20km.

“Đầu giờ chiều, khi đơn vị tập trung để quán triệt chuẩn bị bước vào huấn luyện thì quân nhân Đô xin ra ngoài với lý do đau bụng để đi vệ sinh.

Khoảng 14h đơn vị bước vào huấn luyện, 20 phút sau vẫn không thấy quân nhân Đô quay lại thì chính trị viên đại đội và một đồng chí nữa đi tìm ở khu nhà vệ sinh không thấy, nên tiếp tục đi tìm thì phát hiện quân nhân Đô treo cổ trên cây ở đằng sau khu vệ sinh.

Bước đầu khẳng định quân nhân Đô tử vong không phải do đánh nhau và đồng chí tự tử trong khi đang thực hiện nhiệm vụ. Không có chuyện quân nhân bị đánh bởi đơn vị đang tập trung thực hiện nhiệm vụ, lúc đó không có ai đi cùng với quân nhân Đô” – Đại tá Thìn khẳng định.

Đối với một số vết xây xước, bầm tím trên cơ thể quân nhân Đô, đại tá Thìn cho hay có thể trong quá trình treo cổ tự tử, quân nhân Đô đã giãy giụa, vùng vẫy nên bị dây treo cổ xát vào má, thành cằm, còn đầu có thể va vào thân cây trước khi chết”.

Với thông tin truyền đạt phát ngôn của chính ông vội vã kết luận vụ án trong khi chưa điều tra khoa học cẩn trọng của các cơ quan chức năng là nguyên nhân gây bất bình dư luận chứ chả có thế lực thù địch nào hết như ông đổ vạ quy kết.

Chính ông phải kiểm điểm nghiêm khắc trước hành động của mình chứ không phải ai khác. Ông đã vô tình làm rối loạn dư luận không cần thiết ảnh hưởng đến uy tín QĐ trong lúc cả nước đang phải chống dịch như chống giặc và QĐ đang phải ngày đêm gìn giữ an ninh Đất nước trước đe doạ của Trung Quốc ở Biển Đông.

L.T.V.

Tác giả gửi BVN

Đọc thêm

Một thoáng hồi ức nhân cái chết của người lính trẻ Trần Đức Đô

Nguyệt Cầm

Hôm đó là sáng Chủ nhật, ngày 17 tháng 12 năm 2017. Các ngả đường quanh hồ Hoàn Kiếm đều bị chặn, dành không gian cho người đi bộ. Hàng ngàn người dạo quanh hồ, mua đồ ăn, nhộn nhịp tấp nập. Trên chiếc ghế đá cạnh hồ (đoạn Hàm Cá Mập trông sang) có đôi vợ chồng giương biểu ngữ trên có dán hình. Và một chiếc ảnh thờ lồng kính. Người đàn ông là cựu chiến binh, 55 tuổi. Người phụ nữ là nông dân, 48 tuổi. Trong khung kính thờ là hình một chàng trai trẻ có nụ cười ngọt ngào.

Chàng trai tên Lê Công Đức, lính hải quân, qua đời ngày 24 tháng Mười năm 2016, khi mới 22 tuổi. Theo lời bố mẹ cậu, vào sáng 24 tháng Mười, quân đội cho xe đến nhà đón họ, bảo họ là Đức bị tai nạn. Khi họ tới nơi, bên quân đội nói với họ Đức qua đời trong khi đang làm nhiệm vụ. Bố mẹ Đức đòi được thấy thi thể con mình, nhưng mãi đến chiều hôm đó mới được vào. Họ thấy con mình có rất nhiều vết sưng bầm tím trên người, và các vết khâu. Một sĩ quan bảo họ là Đức bị ba người đánh, và đơn vị đã xử lý nội bộ vụ này. Họ thuyết phục bố mẹ Đức mang xác con về chôn, và hứa sẽ giải quyết cho Đức chế độ liệt sĩ. Ngày hôm sau, quân đội gửi một nhóm đến nhà Đức dự lễ tang. Chỉ huy đơn vị tuyên bố Đức chết trong khi đang thi hành nhiệm vụ, và phủ cờ trên quan tài của Đức.

Phía quân đội cũng đưa cho gia đình Đức 100 triệu và đề nghị họ ký vào một số giấy tờ. Trong lúc tang gia bối rối, bố Đức ký mà không đọc kỹ. Sau này, gia đình hỏi xem lại giấy tờ, thì được báo là chỉ có 1 bản. Bố của Đức đã kiến nghị hủy bỏ chữ ký của mình, và yêu cầu mở cuộc điều tra về cái chết của con mình. Vào ngày 27 tháng 12 năm 2016, bên quân đội kết luận là Đức chết do tự tử bằng súng. Thế nhưng theo bố mẹ Đức, áo quần mà Đức mặc khi chết không hề có lỗ thủng nào. Chỉ toàn vết máu. Một người lính hải quân viết trên FB là Đức bị chỉ huy đơn vị đánh rất nhiều lần. Tút đó bị rút xuống sau vài giờ.

Kể từ đó, bố mẹ Đức bắt đầu gõ các cửa công quyền, nộp rất nhiều đơn yêu cầu điều tra về cái chết đầy bạo lực của con mình, nhưng chỉ nhận được sự im lặng. Họ bắt đầu đi biểu tình ở những nơi công cộng, như hồ Hoàn Kiếm, với hy vọng cái chết của con mình sẽ được công luận chú ý. Nhưng thời điểm đó, không tờ báo nào ở trong nước đăng tin về vụ việc này.

Mẹ Đức thổn thức kể về con mình. Bà mang các giấy khen của Đức từ thời học phổ thông ra khoe. Và bà nức nở. Người người tấp nập qua lại, không ai để ý. Chỉ có 6 người dừng lại nghe họ kể. Một nhóm 3 người, gồm 2 thanh niên và 1 thiếu nữ. Một phụ nữ có cậu con nhỏ luẩn quẩn bên chân. Và mình.

Một trong 3 bạn trẻ nghe xong rút điện thoại ra và chụp hình bố mẹ Đức. Cậu bảo cậu rất thông cảm với nỗi đau khủng khiếp của ông bà, nhưng cậu chẳng thể làm được gì để giúp 2 ông bà. Cậu hứa sẽ cố gắng truyền tin về cái chết của Đức. Họ biếu cặp vợ chồng 1 món tiền nhỏ. Rồi họ rời đi.

Người phụ nữ có con nhỏ đứng nghe câu chuyện về cái chết thảm thương của Đức lúc này bắt đầu lên tiếng. Cô kể chuyện về chính gia đình mình. Cô kể anh trai của cô bị bốn bảo vệ ở 1 công ty đánh chết. Và 4 bảo vệ này đã hối lộ bác sĩ và thẩm phán, và tòa đã xử là anh trai cô chết do tự tử. Cô nói gia đình cô rất nghèo, không có tiền thuê luật sư, và còn bị đe dọa xử nếu cứ tiếp tục lên tiếng. Cô bảo gia đình cô chẳng biết phải làm gì nữa. Bản thân cô rất nghèo, phải đi bán dạo, Chủ nhật phải mang con nhỏ đi cùng vì cô không có tiền thuê người trông. Cô thổn thức, anh cô chết, để lại vợ và 2 con nhỏ.

Mình nhớ trước đó có đọc về cái chết của Lê Công Đức trên trang của Đài Á châu Tự do. Nhưng sáng Chủ nhật ấy, khi tận mắt chứng kiến bố mẹ Đức ôm ảnh thờ của cháu ở Hồ Gươm, giữa hàng ngàn người thản nhiên dạo qua không dừng lại, mình thấy nghẹt thở. Tiếng khóc của mẹ Đức khiến tim mình đau nhói. Giống như bạn trẻ đã nói với bố mẹ Đức ít phút trước đó, mình cảm thấy hoàn toàn bất lực. Lâu lâu mình mới về Việt Nam. Mình chỉ đi dạo có ít phút, mà đã được nghe 2 chuyện. Có lẽ còn vô vàn chuyện đau lòng khác.

Người phụ nữ bán hàng rong bảo bố mẹ Đức rằng cô thông cảm với nỗi đau mất con của họ, nhưng biểu tình ngồi ở chốn công cộng này sẽ chẳng giúp mang lại công lý cho con họ được đâu. Cô khuyên họ nên đến ngồi trước cửa các đại sứ quán Tây phương, may ra có người quan tâm. Cô nhắc đi nhắc lại, không có hy vọng gì về công lý trên đất nước này đâu.

Hôm nay lướt mạng, thấy nhiều người lên tiếng đòi quân đội mở cuộc điều tra minh bạch và công bằng về cái chết oan khuất của người lính trẻ Trần Đức Đô. Chí ít, cái chết của Trần Đức Đô đã được công luận để ý, và báo chí trong nước đã đưa tin. Mình mong gia đình em sẽ không bị đẩy vào hoàn cảnh tuyệt vọng, mất hết niềm tin vào pháp luật, vào công lý.

Mình nhớ đến bố mẹ của Lê Công Đức. Và người phụ nữ bán hàng rong hôm đó. Không biết giờ này họ ra sao.

N.C.

Nguồn: FB Nguyệt Cầm

This entry was posted in Những cái chết khó hiểu trong quân đội, Quân Đội. Bookmark the permalink.