Tại Sao Hoa Kỳ lại bỏ ngỏ Thái Bình Dương?

Tác giả: Dustin Walker, cựu nhân viên chuyên trách trong Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện và là cựu cố vấn cho Thượng nghị sĩ John McCain.

Nguồn: Why Is America Steaming Out of the Pacific? (The Wall Street Journal, May 28, 2021)

Vũ Văn Lê dịch.

Tuyên bố sẵn sàng đương đấu với Trung Quốc nhưng Lãnh đạo Ngũ Giác Đài lại điều tầu sang Trung đông.

Như WSJ đã loan tin, vào mùa hè này Hàng không Mẫu hạm USS Ronald Reagan sẽ di chuyển từ căn cứ Nhật Bản đến Trung Đông, để hỗ trợ việc rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan. Sự chuyển động này được thi hành theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ  (U.S. Central Command), và đã được Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin chấp thuận.

Việc điều động chuyển dịch tầu sân bay Ronald Reagan làm suy yếu tuyên bố của ba vị tổng thống Hoa kỳ trước đây, thường xuyên khẳng định vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ. Sự kiện đó cho thấy chính quyền Biden đang tiến hành một cuộc “rút quân ảo” khỏi Afghanistan — vứt bỏ những chiếc ủng trên mặt đất để thực hiện lời hứa trong khi vận động tuyển cử, là sẽ chấm dứt “các cuộc chiến tranh vĩnh viễn,”nhưng thực tế là thay thế các hoạt động trên bộ bằng các lực lượng khác với nhiệm vụ tương tự, nhưng khó khăn và tốn kém hơn.

Một hàng không mẫu hạm đã hiện diện ở Trung Đông trong nhiều năm, làm hao mòn sức lực của hải quân: Tầu USS Abraham Lincoln đã hoạt động trong khu vực hơn 220 ngày trong đợt triển khai kéo dài 295 ngày kết thúc vào tháng 1 năm 2020, thời gian hoạt động lâu nhất cho một tàu sân bay, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Chiếc USS Eisenhower, hiện đang hoạt động ở Trung Đông, đang trong đợt triển khai liên tục di chuyển, và đã trải qua hơn 200 ngày liên tiếp trên biển trong nhiệm vụ trước đó. Tầu chiến này không có thì giờ để bảo trì, tu bổ. Vì nhu cầu cao cần tầu sân bay từ nhiều năm, hàng không mẫu hạm duy nhất có thể đáp ứng tình hình hiện nay chỉ còn tầu chiến duy nhất là Ronald Reagan. Sự kiện đó có nghĩa là sắp tới, Hoa Kỳ sẽ không có tàu sân bay ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong nhiều tháng.

Ngũ Giác Đài coi Ấn Độ – Thái Bình Dương là hí trường chính của mình; Tổng trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã luôn xác nhận, “Trung Quốc là mối đe dọa thường xuyên của Hoa kỳ.” Và Chiến lược Quốc phòng năm 2018 đã khuyến cáo: “nếu cần, Mỹ nên chấp nhận rủi ro ở Trung Đông và các khu vực khác, để tập trung tài nguyên và sức lực ở Thái Bình Dương.”

Chiến thuật mới, làm ngược lại chính sách kể trên, sẽ gửi một thông điệp khủng khiếp đến các đồng minh và đối tác ở Thái Bình Dương, rằng: Hoa kỳ hoặc không có ý chí, hoặc không tập trung được khả năng, để thực hiện các cam kết của mình. Đối với các nhà ngoại giao Trung Quốc thì sự thể này là cơ hội bằng vàng, mạnh mẽ gấp bội súng ống. Những điệp khúc về tình trạng suy yếu của Mỹ sẽ được họ đánh trống thổi kèn khắp thủ phủ Châu Á.

Dù gấp rút rời khỏi Afghanistan, chính quyền Biden vẫn mưu tính sẽ hỗ trợ quân đội Afghanistan bằng máy bay huấn luyện và giám sát; sẽ tiếp tục kế hoạch chống hoạt động khủng bố từ các cứ địa “đường chân trời” bên ngoài Afghanistan.

Các nước láng giềng có vẻ như không muốn cho Hoa Kỳ đồn trú lực lượng. Bộ tư lệnh quân sự đành phải dựa vào phi cơ chiến đấu từ các căn cứ xa xôi, đòi hỏi nhiều máy bay tiếp tế nhiên liệu hơn. Từ đó nhu cầu hiện diện của một hàng không mẫu hạm trong khu vực càng lúc càng trở thành cấp thiết. Và nước Mỹ đối mặt với nguy cơ: thay thế một lực lượng nhỏ bên trong Afghanistan bằng một lực lượng lớn hơn bên ngoài.

Việc điều động tầu sân bay Reagan kể trên không phải chỉ cần sự hiện diện của của chiếc hàng không mẫu hạm tại khu vực trong những tháng tới mà còn cả trong những năm tới. Sự thể tùy thuộc Tướng Austin có thể kết thúc được cái logic luẩn quẩn, cho rằng một tàu sân bay luôn cần thiết ở Trung Đông, để hỗ trợ binh lính trên bộ, bảo vệ họ khi rút lui, và thay thế khi họ rời đi. Đó cũng là logic sai lầm mà một số người xử dụng để lập luận rằng, tàu sân bay là cứ điểm cần thiết để ngăn chặn Iran và các lực lượng ủy nhiệm trong mưu đồ tấn công lực lượng Hoa Kỳ, cũng như leo thang chiến tranh, dù rất ít bằng chứng cho thấy sự hiện diện của một hàng không mẫu hạm sẽ ảnh hưởng đến hành vi của Iran.

Tất cả những điều này đặc biệt nổi bật khi Austin chuẩn bị trình bày ngân sách quốc phòng của Lầu Năm Góc trước Quốc hội. Tổng trưởng Quốc phòng Austin đang đặt các nhà lập pháp vào tình thế lựa chọn khó khăn trong chiến lược đối phó với Trung Quốc — chẳng hạn như cắt giảm vốn khỏi những nền tảng xưa cũ hầu có tiền đầu tư vào thiết bị mới. Chiến lược này rất rủi ro vì cho rằng Hoa kỳ có thể đương đầu với thách thức bằng các lực lượng nhỏ hơn hiện nay. Nó sẽ tốn kém gâp bội nếu Lầu Năm Góc qui trách cho các lực lượng bé nhỏ nhiệm vụ vô giới hạn ở Trung Đông.

Một chiến lược đặt Thái Bình Dương là ưu tiên cao nhất của Hoa kỳ đòi hỏi một sự thay đổi tâm lý nghiêm trọng. Tổng trưởng Austin có thể bắt đầu tiến trình đó bằng cách hủy bỏ ngay việc triển khai hàng không mẫu hạm Reagan tới Trung Đông, chứng tỏ, với ông lời nói đi đôi với công việc làm, và ông là người dám quyết định. Cung cách hiện hành của đương kim Tổng trưởng Quốc phòng đang dấy lên những thắc mắc, là, liệu một cựu tư lệnh ở Trung đông có thích hợp cho vai trò đảm trách chuyển biến chiến lược của Hoa kỳ sang Thái Bình Dương? Không quá muộn để Tướng Austin chứng minh những nghi ngờ trên là sai lầm.

D.W.

Nguồn: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VIỆT MỸ (uoregon.edu)

This entry was posted in Chiến lược Thái Bình Dương, Hoa Kỳ và Thái Bình Dương. Bookmark the permalink.