Nguyễn Đình Cống
Đó là Giấc Mơ Việt Nam của Nhà khoa học Nguyễn Đăng Hưng, sinh năm 1941 tại tỉnh Quảng Nam. Năm 1959 chàng thanh niên Hưng được chính quyền VNCH gửi đi du học tại Vương quốc Bỉ. Ông đã sinh sống ở Bỉ gần 50 năm, là Giáo sư Trường Đại học Liège. Hiện nay ông đã hưu trí và sống tại Sài Gòn. Tôi gọi ông là Nhà khoa học để tránh với danh xưng giáo sư tiến sĩ đã trở thành nhàm chán ở Việt Nam hiện nay vì có quá nhiều GS TS hữu danh vô thực, không ít trong số họ là tội phạm của dân tộc, của khoa học và tiến bộ nhưng không ai có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ.
Ông Hưng có một mơ ước cháy bỏng về việc góp phần phục hưng nền giáo dục Việt Nam, một nền giáo dục bị nhiều sai lầm làm cho tụt hậu, một ước mơ trong sáng và mãnh liệt đưa nền giáo dục Việt Nam lên ngang tầm thế giới.
Lần đầu tiên Nhà khoa học Nguyễn Đăng Hưng về Hà Nội năm 1976, hoạt động để biến ước mơ thành hiện thực, nhưng rồi bị thực tế phũ phàng dập tắt nhanh chóng. Những khó khăn mà GS Hưng gặp phải chủ yếu là do một số cán bộ lãnh đạo của nhà nước và ĐCS gây ra vì ông không chịu chấp nhận những yêu cầu trái với tinh thần khoa học mà họ bắt ông phải chấp nhận.
Đã tưởng phải bỏ cuộc, nhưng đến năm 1989 thời cơ mới xuất hiện và ông thường xuyên đi lại giữa Bỉ và Việt Nam, xúc tiến việc dùng tài trợ mà ông xin được để mở các lớp đào tạo cao học đẳng cấp quốc tế tại TP HCM (kể cả việc cấp học bổng cho một số học viên). Lại gặp phải rất nhiều khó khăn trở ngại do con người và cơ chế gây ra, nhiều lúc đã bị đẩy đến bên bờ vực bỏ cuộc. Thế rồi nhờ một số may mắn do ông tạo ra mà ông đã mở được 20 lớp đào tạo Thạc sĩ ở Sài Gòn và Hà Nội, mời được nhiều GS danh tiếng nước ngoài về dạy, gửi được hàng trăm học viên đi thực tập và làm luận án Tiến sĩ ở Châu Âu. Thành tích đào tạo cán bộ khoa học bậc cao về ngành cơ học công trình của ông cho đất nước ít ai sánh kịp. Thế nhưng đó chỉ mới là một phần nhỏ trong Giấc mơ của ông. Phần lớn giấc mơ về chấn hưng nền giáo dục đã không có cách gì thực hiện.
Biết về hoạt động của Nguyễn Đăng Hưng, một người yêu quê hương, yêu đồng bào rất thiết tha, tôi liên tưởng đến nhiều người yêu nước như vậy, cũng có những giấc mơ cao đẹp, nhưng người theo phe này, người theo phái nọ, người thành công chỗ này, người thất bại chỗ kia. Có người ban đầu tưởng đã thành công, nhưng cuối cùng lại là thất bại. Có người gặp phải bao cay đắng, tưởng bị dìm xuống bùn đen, nhưng rồi được hậu thế ngợi ca…
Tôi liên tưởng đến GS Nguyễn Thanh Vân, người Pháp gốc Việt, nhà khoa học Vật lý, đã có nhiều cống hiến cho nền khoa học cơ bản của Việt nam, nhưng đạt hiệu quả tương đối thấp so với ước mơ và công sức bỏ ra. Hoạt động của GS Vân có nhiều nét tương đồng với GS Hưng.
Tôi liên tưởng đến Nhà khoa học Hoàng Xuân Hãn, năm 1945 đã dự đoán đúng về tương lai bi thảm của đất nước nên đã ra đi, thân thể ở Paris mà tâm hồn luôn gắn chặt quê cha đất tổ, đến Ngô Bảo Châu, nhà toán học xuất sắc, một thời được đón tiếp trân trọng, nhưng vì một câu nói thật lòng mà bị những kẻ ngu tín ngu trung xua đuổi, đến Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, đến triết gia Trần Đức Thảo, đến doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình, đến các nhà khoa học của VNCH như Phạm Hoàng Hộ, Nguyễn Duy Xuân.
Tôi liên tưởng đến các trí thức Hoàng Tụy , Phan Đình Diệu, Hoàng Minh Chính, Nguyên Ngọc, Chu Hảo, Tương Lai, Hà Sĩ Phu. Nguyễn Kiên Giang, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Khắc Mai, Mạc Văn Trang và rất nhiều người khác vì mong muốn đóng góp cho sự phát triển mà có những ý kiến phản biện. Họ bị một số kẻ có chức quyền xem là thế lực thù địch và tìm cách hãm hại.
Họ đều là những người chân chính, yêu quê hương đất nước, họ có nhân cách cao thượng, nhưng có một cuộc sống nội tâm bị giằng xé, giữa một bên là muốn góp công góp sức để phát triển dân tộc, để chấn hưng đất nước vì tự do và hạnh phúc của toàn dân, dù có phải chịu gian khổ, chịu hy sinh cũng sẵn sàng, một bên là họ không tán thành nhưng buộc phải chấp nhận sự thống trị của ĐCS. Họ biết ĐCS đang như cành tầm gửi bám vào cây chủ là dân tộc, là đất nước, hình thức là lãnh đạo, cầm quyền, thực chất là độc quyền toàn trị. Họ biết ĐCS là trở ngại rất lớn cho quá trình dân chủ hóa đất nước.
Xin tạm chưa bàn đến những ý kiến phản biện về chính sách, về đường lối. Những ý đó thì ĐCS không hoan nghênh, không muốn nghe. Chỉ xin bàn đến những đóng góp cho khoa học, giáo dục, kinh tế. Họ đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn để đóng góp cho sự phát triển của dân tộc thì đồng thời họ cũng bị ĐCS lợi dụng nó để củng cố quyền lực thống trị. Đó là tác dụng phụ không mong muốn nhưng phải chấp nhận. Như vậy đối với dân tộc thì họ là người có công trong lĩnh vực này mà lại phạm tội trong lĩnh vực khác. Phải chăng đó là mâu thuẩn.
Đọc sách của nhà khoa học Nguyễn Đăng Hưng tôi thấy ông đã phần nào thoát được mâu thuẩn vừa nêu bằng cách truyền cảm hứng về Những Giấc Mơ Việt Nam và tìm cách hạn chế sự lợi dụng thành quả về khoa học để củng cố nền thống trị độc tài. Xin tỏ lòng cảm phục và biết ơn sự đóng góp của một nhà khoa học rất đáng kính.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN