Phương thức kiểm soát xã hội của TQ dưới thời Tập Cận Bình

Nguồn: “China’s methods of surveillance: They’re always looking at you”, The Economist, 23/06/2021.

Nguyễn Thanh Hải dịch

Các Đảng viên tham gia vào việc giám sát dân thường và giám sát lẫn nhau như thế nào?

Năm 2018, Tập Cận Bình đến thăm một trong những công trình kiến trúc hoành tráng vừa được xây dựng ở Thượng Hải, tòa nhà kính trông khá thấp và đồ sộ được sử dụng chủ yếu để làm trung tâm triển lãm. Một phần không gian bên trong do chính quyền quận quản lý được dùng với mục đích hoàn toàn khác. Các hình ảnh thu được từ những chiếc camera lắp trên đường phố đang được chiếu trực tiếp qua một màn hình lớn treo trên tường. Với sự hỗ trợ từ trí tuệ nhân tạo, hệ thống có thể giúp các cán bộ trong phòng điều khiển phát hiện những việc rất nhỏ như một người thợ xây đang không đội mũ bảo hiểm hoặc là có quá nhiều người đang cùng thuê một căn hộ. Họ đặt biệt danh cho hệ thống này là “Đại não”.

Ông Tập nói rằng phải quản trị đô thị “đẹp như thêu”. Khi hệ thống được đưa vào sử dụng, cần đảm bảo không còn “những điểm mù”: giám sát đến từng ngóc ngách và xử lý ngay lập tức mọi vấn đề phát sinh – cho dù đó là một chiếc ô tô đậu trái phép, một nắp cống bị mất hay một “sự cố bất ngờ” (cụm từ mà Đảng dùng để chỉ tất cả mọi chuyện, từ những việc thật sự gây vấn đề cho đến việc người lao động biểu tình để đòi tiền nợ lương).

Hệ thống Đại não ở quận Phố Đông (Thượng Hải) đang đi tiên phong trong một giải pháp công nghệ, đó là khả năng tổng hợp các dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, có thể từ những chiếc camera được lắp đặt khắp nơi trên đường hay các cuộc tuần tra của cảnh sát.

Những người được Đảng giao nhiệm vụ theo dõi và báo cáo tin cũng là một nguồn cung cấp dữ liệu cho hệ thống. Một nguyên nhân mà ông Tập cho tiến hành cải cách Đảng ở cấp cơ sở là vì muốn sử dụng các Đảng viên làm đôi mắt giám sát.

Dưới thời Mao và Đặng Tiểu Bình, Đảng hiện diện ở khắp nơi. Ở nông thôn, nơi sinh sống của phần đông người Trung Quốc lúc đó, Bí thư chi bộ trong các ngôi làng nắm mọi quyền hành. Ở thành thị, hầu hết mọi người làm việc cho các công ty quốc doanh hoặc cho các cơ quan chính phủ, Đảng viên đứng đầu những nơi này cũng có quyền lực nhiều không kém. Làm phật lòng họ không chỉ hủy hoại sự nghiệp mà còn cả cuộc đời của bạn. Cơ quan, nơi làm việc sẽ chịu trách nhiệm phân bổ nhà ở cho công nhân viên chức, người lao động. Việc kết hôn, đi lại hay xin cấp hộ chiếu đều cần có sự cho phép của nơi người đó làm việc. Tất cả sinh viên sau khi tốt nghiệp phải nhận công việc mà họ được Nhà nước phân công. Làm mất lòng người đứng đầu có thể dẫn tới kết cục không được nhận các vị trí việc làm tốt và bị điều tới những khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa.

Năm 2002, học giả người Mỹ Perry Link đã ví khả năng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc kiểm soát người dân giống như “một con trăn khổng lồ cuộn quanh chiếc đèn chùm trên cao”. Bình thường, con trăn không cần phải di chuyển. “Việc xảy ra thường xuyên hơn là tất cả những người đứng dưới bóng của nó phải tự biết điều chỉnh những hành vi lớn nhỏ của mình cho phù hợp – trông những hành vi này khá là ‘tự nhiên’”.

Khi xã hội Trung Quốc có những bước chuyển biến mạnh vào những năm 2000, phép ẩn dụ này không còn đúng như trước. Người dân nông thôn trong độ tuổi lao động di cư hàng loạt đến các thành phố, lối sống tạm bợ, không có nơi ở cố định của những người này gây khó khăn cho Đảng trong việc giám sát. Nhà ở đã được tư nhân hóa và số lượng người làm việc cho nhà nước giảm đi rất nhiều. Sinh viên được phép tự tìm việc làm và mọi người có thể đi đến bất cứ đâu vào bất cứ thời điểm nào họ muốn. Con trăn đã trở nên khó nhìn thấy hơn và cũng ít đáng ngại hơn. Ngày càng có nhiều nhà hoạt động thuộc các tổ chức phi chính phủ, luật sư về nhân quyền, người dân chịu bất công ở địa phương và những người dùng Internet dám nói lên những lời phàn nàn, chỉ trích.

Đảng đang tiến hành cải cách

Ông Tập muốn khôi phục hệ thống giám sát của Đảng. Các Đảng viên đảm nhận nhiệm vụ làm “tai mắt” cho chính quyền đang quay trở lại. Từ trước khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, một số thành phố đã bắt đầu cho thí điểm hệ thống giám sát mới gọi là “quản lý theo mạng lưới”. Trong đó, các khu dân cư được chia thành những nhóm nhỏ hơn gồm một số hộ gia đình, mỗi nhóm như vậy là một ô và có một vài người (thường là Đảng viên đã về hưu) sẽ được giao nhiệm vụ giám sát các cư dân khác trong mạng lưới. Khi lên cầm quyền, ông Tập đã cho nhân rộng hệ thống này ra toàn quốc. Vị trí thực của những người giám sát được hiển thị trên màn hình lớn của hệ thống “Đại não” ở quận Phố Đông. Khi có sự việc bất thường xảy ra, các cán bộ ở phòng điều khiển có thể dựa vào thông tin về vị trí để quyết định điều người nào đến xem xét hiện trường.

Một tờ báo chính thống đưa ra ví dụ trong thực tế. Phóng viên của họ đã chứng kiến một mẩu giấy bị vứt trên đường rơi vào tầm ngắm của camera. Thông tin liền được chuyển tới người phụ trách giám sát khu vực đó để đem bỏ rác đi. Đây có vẻ như chỉ là một ví dụ nhỏ nhưng nó khiến một số độc giả phải lưu tâm. Nếu mẩu giấy kia là tờ rơi chống Đảng do một nhà bất đồng chính kiến phát tán thì thủ phạm cũng sẽ bị “bế đi” nhanh như mẩu giấy vậy.

Cấp trên cùng của hệ thống quản lý theo mạng lưới này là những Đảng ủy khu phố. Cảnh sát trưởng của các địa phương được cho nắm giữ những vị trí quan trọng trong Đảng ủy để củng cố khả năng giám sát. Bên cạnh đó, so với các cấp ủy Đảng khác, chẳng hạn như cấp ủy Đảng trong doanh nghiệp, Đảng ủy tại các khu phố được trao thẩm quyền rộng hơn. Các Đảng ủy sẽ chuyển những thông tin nhạy cảm mà họ thu thập được từ những người giám sát đến cho cảnh sát.

Các trường đại học cũng là một mối bận tâm lớn. Tất cả những cuộc nổi dậy chống chính quyền quy mô lớn trong hơn một thế kỷ qua đều có bóng dáng sinh viên ở lực lượng nòng cốt, trong đó có cả phong trào Ngũ Tứ năm 1919 mà Mao Trạch Đông tham gia. Hiện tại không có dấu hiệu cho thấy sẽ xảy ra nổi loạn trong khuôn viên các trường đại học. Tuy vậy ông Tập vẫn rất cảnh giác. Để có thể hoạt động tốt, các trường đại học phải trở thành “những thành trì vững chắc” ủng hộ sự dẫn dắt của Đảng, ông Tập nói vào năm 2016. Ông cũng than phiền rằng tinh thần này ở một số nơi là chưa đủ mạnh mẽ. Hai năm sau đó, ông Tập kêu gọi triển khai các biện pháp “quyết liệt” để ngăn chặn sự lan rộng của “những khuynh hướng chính trị lệch lạc” trong giới sinh viên.

Một lần nữa, các Đảng viên được sử dụng như những chiến sĩ trên mặt trận này. Sau biến cố năm 1989, những sinh viên là Đảng viên hay đang xin gia nhập Đảng đã được điều động để trở thành “tai mắt” cho chính quyền. Công việc của họ là báo cáo định kỳ cho Đảng về những chủ đề đang được sinh viên quan tâm thảo luận và tố giác bất kỳ ai, kể cả giảng viên, có dấu hiệu lệch lạc tư tưởng.

Dưới thời ông Tập, vai trò của những sinh viên này được thể chế hóa ở mức cao hơn, khuôn viên trường đại học được chia thành một hệ thống các ô lưới. Mỗi ô sẽ có một số sinh viên phụ trách việc giám sát những bạn học khác trong ký túc xá. Thông tin mà những sinh viên này thu thập sẽ được nhập vào hệ thống máy tính của trường.

So với những người tiền nhiệm thời hậu Mao, Tập Cận Bình rất chú trọng vào việc duy trì hoạt động của các cơ sở Đảng bên trong nội bộ doanh nghiệp tư nhân và tổ chức phi chính phủ. Những nhân viên, người lao động là Đảng viên sẽ nhóm họp thành các tiểu tổ hoặc chi bộ, một nhiệm vụ của những chi bộ này là theo dõi hành vi của công nhân và báo cáo các nguy cơ tiềm ẩn. Bí thư của chi bộ cũng thường sẽ tham gia những cuộc họp của tổ chức Đảng tại khu phố để thảo luận về các mối đe dọa đối với sự ổn định xã hội. Dưới thời ông Tập, sự kiểm soát chặt của Đảng đối với các doanh nghiệp đã quay trở lại.

Nguồn: Nghiên cứu quốc tế

This entry was posted in Đảng Cộng sản Trung Quốc, Mặt thật Tàu cộng. Bookmark the permalink.