Nguyễn Đình Cống
Ở VN hiện nay, nhiều thông tin, nhận thức, quan điểm được chia thành Lề Đảng và Lề Dân. Điều này chủ yếu do tư tưởng và hoạt động của trí thức. Có trí thức lề đảng và trí thức lề dân. Phân biệt này chủ yếu dựa vào tư tưởng và mục tiêu của hoạt động mà không dựa vào nghề nghiệp hoặc vị trí công tác.
Trí thức lề đảng là những người luôn tâm niệm “Còn Đảng còn mình”, hết lòng phụng sự lý tưởng và tổ chức Đảng. Bài này chưa bàn đến họ.
Trí thức lề dân là những người có lòng yêu nước thương nòi, mong muốn đóng góp công sức và trí tuệ cho sự phát triển của đất nước nhằm đem lại tự do và hạnh phúc cho toàn dân. Họ là những cá nhân riêng lẻ, không tập hợp thành tổ chức, có thể ở trong nước hoặc nước ngoài, đang sống tự do hoặc làm việc trong một tổ chức. Họ có thể là hoặc không phải đảng viên cộng sản nhưng nhờ có đầu óc biết suy nghĩ nên không bị chi phối bởi ý thức hệ Mác Lê, không ủng hộ sự độc tài toàn trị, họ mong ước dân chủ hóa đất nước.
Ngoài hai loại trên còn có những trí thức tự cho rằng không thuộc lề nào, họ chủ yếu suy nghĩ và hoạt động vì cá nhân, không thích độc tài nhưng cũng không dám ủng hộ dân chủ.
Trí thức lề dân có ba loại.
Loại một gồm những người thấy rõ những sai lầm của Mác Lê và đường lối của ĐCS, họ làm phản biện bằng nhiều hình thức, họ thực hiện đấu tranh hòa bình để dân chủ hóa đất nước và bị một số lớn lãnh đạo Đảng và trí thức lề đảng xem là thế lực thù địch. Nhiều người trong số họ đã bị hãm hại, bị tù đày, bị cô lập nhưng nhờ có phẩm chất cao mà họ thà chịu bị đối xử bất công chứ không chịu khuất phục cường quyền. Băn khoăn lớn nhất của họ là nâng cao được dân trí theo đường lối của nhà chí sĩ Phan Chu Trinh, là tập hợp lại thành lực lượng để đấu tranh có hiệu quả.
Loại hai gồm những người đang hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa giáo dục, khoa học công nghệ, những nhà phát minh sáng chế, những doanh nghiệp tài ba. Họ biết Mác Lê và con đường cộng sản là sai, nhưng ít quan tâm. Họ dồn tâm trí cho công việc chuyên môn và nghiên cứu, giảng dạy, mong có những phát minh sáng chế, mong đào tạo được nhân tài để phát triển đất nước. Họ được biết đến, được tuyên dương qua các thành tích nghiên cứu và đào tạo, qua các hội thảo khoa học, qua các đại hội thi đua khen thưởng. Băn khoăn lớn nhất là công lao của họ phục vụ cho tự do và hạnh phúc của toàn dân thì ít mà bị thế lực độc quyền thống trị lợi dụng nhiều hơn.
Loại ba gồm những trí thức bình thường, họ biết rõ sai lầm của Mác Lê nhưng vì sợ mà không dám công khai phê phán. Họ mơ ước dân chủ hóa đất nước, chống lại độc tài toàn trị, mong muốn có đóng góp công sức cho sự phát triển của dân tộc. Băn khoăn của họ là làm sao giữ được an lành cho bản thân và gia đình.
Trong ba loại trên thì loại hai, ngoài băn khoăn còn gặp mâu thuẩn trong tâm trí. Họ biết rõ ĐCSVN đang như một nhánh tầm gửi sống bám trên thân cây chủ là dân tộc, là đất nước. Tầm gửi không có rễ hút chất dinh dưỡng từ đất mà cắm những nốt sần vào da thịt cây chủ để hút nhựa do cây chủ tổng hợp nên. Ban đầu tầm gửi hút quá mức và thải ra nhiều độc tố nên cây chủ bị khô héo. Mà cây chủ khô héo thì tầm gửi tiêu vong. Vì thế tầm gửi sửa sai, vừa hút nhựa, vừa tiết ra một vài chất tạo cho cây chủ phát triển. Thế rồi tuyên truyền cho rằng nhờ tài năng và lòng tốt của tầm gửi mà cây chủ được xanh tươi. Có biết đâu rằng cây chủ luyện ra được số nhựa nào thì tầm gửi đã hút mất phần lớn. Nếu không bị tầm gửi vừa hút nhựa vừa kìm hãm thì cây chủ đã xanh tốt hơn nhiều.
Những trí thức lề dân loại hai biết rằng thế lực thống trị lợi dụng công sức của họ, thảnh quả của họ để củng cố quyền lực độc tài, để làm giàu cho cá nhân và phe nhóm, để ngăn cản việc dân chủ hóa đất nước, nhưng họ vẫn phải làm theo lương tâm để giúp cho dân tộc, cho sự phát triển của đất nước. Họ biết rõ làm lợi cho dân tộc thì ít mà bị đảng thống trị lợi dụng nhiều hơn, Và phải chăng như vậy là có tội đối với dân tộc. Đó là một mâu thuẩn.
Vừa qua tôi dự một cuộc trao đổi giữa một số bạn bè, thảo luận đề tài; “Làm cách nào giúp Bộ Giáo dục thực hiện được ý kiến của Thủ tướng về học thật, thi thật, đáo tạo nhân tài thật”
Tôi nghĩ cái khó đầu tiên trong việc này là giữa lề đảng và lề dân cần hiểu đúng và thống nhất về “Sự thật”. Lề nào cũng nói đến sự thật, nói đến nâng cao dân trí, nhưng mỗi lề có cách giải thích riêng và không ít điều ngược nhau, chống đối nhau. Rất nguy hiểm khi vạch ra đường lối trên cơ sở đánh giá sai sự thật, một việc mà nhiều đại hội Đảng mắc phải, nhiều tổ chức mắc phải. Chưa biết rồi các trí thức lề dân có đóng góp được gì cho việc chấn hưng nền giáo dục hay không. Tôi hình dung phải vất vả lắm thì may ra mới có được đóng góp, nhưng thành quả sẽ bị lợi dụng để quy công cho đảng thống trị. Đó là một mâu thuẩn
Vậy nên giải quyết mâu thuẩn trên như thế nào?
Trước khi nêu vài suy nghĩ tôi xin kể câu chuyện thời sự. GS Nguyễn Đăng Hưng vừa xuất bản quyền sách “Giấc mơ Việt Nam tôi”. GS Hưng từ nước Bỉ về. Với lòng yêu quê hương tha thiết, với mong ước cháy bỏng đào tạo nhân tài cho đất nước, GS đã vượt bao khó khăn trở ngại để thực hiện chương trình đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ ngành cơ học xây dựng do tiền ông kiếm được mà không dùng đến ngân sách nhà nước. Những khó khăn, trở ngại do những người có quyền hành của ĐCSVN gây ra.
GS Hưng biết rõ những người được đào tạo sẽ một phần đóng góp cho sự phát triển của dân tộc, phần khác giúp ĐCS củng cố sự thống trị, một việc mà ông không mong ước. Ông phải viết sách kể rõ toàn bộ sự thật quá trình làm việc của ông, qua đó may ra làm giảm được phần tác dụng phụ không đáng mong muốn.
Hiện nay ở Việt Nam, để làm được những việc đáng giá cần phải thực hiện kỹ thuật “Bôi trơn” bằng tiền tài hoặc những lời xu nịnh. Nếu làm một việc dù có lợi cho dân cho nước rất nhiều mà không biết bôi trơn thì sẽ gặp vô cùng gian khó, nhiều khi phải bỏ cuộc, ôm hận. Các doanh nhân chủ yếu dùng tiền tài. Một số ít trí thức, tự nghĩ rằng vẫn biết Mác Lê là sai lầm, nhưng chịu khó xu nịnh như là một giải pháp tình thế, một thủ thuật bôi trơn thì cũng mong được lượng thứ. Số trí thức như vậy không xứng đáng thuộc lề dân.
Khi đã biết Mác Lê sai lầm thì xin đừng vì một lý do gì mà xu nịnh. Để né tránh sự gây gổ của Đảng và trí thức lề đảng thì chỉ cần không đụng trực diện đến Mác Lê là được. Biết nó sai mà không đụng đến thì vẫn giữ được sự trung thực, còn biết sai mà vẫn ca tụng, nịnh hót để bôi trơn công việc thì đã thực hiện hành vi vô đạo đức.
Có lẽ biện pháp đầu tiên để xử lý mâu thuẩn nói trên là trung thực, minh bạch kết hợp khôn ngoan. Nếu bị ép buộc phải thể hiện lời xu nịnh thì nên tìm cách công khai sự ép buộc ấy.
Có thể không cần trực tiếp mà nên bằng gián tiếp chứng tỏ cho mọi người thấy được rằng cành tầm gửi xanh tốt là nhờ hút nhựa từ cây chủ.
Việc trực diện phản biện nhằm vạch ra sai lầm của Mác Lê, của đường lối cộng sản là thuộc trí thức lề dân loại một. Trí thức lề dân loại hai và ba có nghĩa vụ ủng hộ, hưởng ứng trực tiếp hoặc gián tiếp hoạt động phản biện đó.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN