Trần Tố Nga
Đọc trên báo Thanh Hóa tin vào quý ba năm 2021, Thanh Hóa sẽ dựng một tượng đài kỷ niệm người miền Nam tập kết trên bến Sầm Sơn những năm 1954, 1955 với kinh phí xây dựng hơn 350 tỷ đồng, trên 38 ha đất, các học sinh miền Nam tập kết những năm đó đi từ sửng sốt đến bàng hoàng, bức xúc.
Đất nước chúng ta có những trang vui, buồn… và những buồn vui đó cần được ghi lại, để thế hệ sau được nhắc nhở về những đúng sai, khôn dại của cha ông. Mỗi người, tùy hiểu biết, văn hóa, quan điểm chính trị của mình, có thể có những ý kiến khác nhau về sự kiện lịch sử, nhưng với nhiều người, Sầm Sơn đã từng là biểu tượng của ý chí thống nhất đất nước trong tâm hồn người Việt, biểu tượng của tình nghĩa Bắc-Nam, biểu tượng của khát vọng độc lập, tự do… trong giai đoạn đất nước bị cưỡng bức chia đôi.
Rồi những con người của giai đoạn đó cũng sẽ đi hết, nhưng các thế hệ sau không được quên điều đó.
Vì vậy, một chút gì đó, ví như một tấm bia đá ngay tại bến Sầm Sơn sẽ đủ để hôm nay và cả mai sau không quên sự kiện lịch sử đậm nghĩa Bắc Nam.
Một tấm bia đá trên vài chục mét vuông đất, được dựng lên trang trọng vẫn sẽ để lại dấu ấn cho muôn đời sau.
Bởi lẽ, Sầm Sơn cũng chỉ là nơi chúng tôi xuống bến để rồi được đưa đi về khắp các làng quê, nơi chúng tôi được các gia đình đón tiếp, nhường nhà cho chúng tôi ở, chịu đói để chúng tôi có cơm trắng mà ăn khi chính họ chỉ có khoai sắn và các con của họ, những người cùng lứa tuổi của chúng tôi bụng đói đứng nhìn chúng tôi ăn mà không được phép nhận phần chúng tôi chia. Chính những hình ảnh ấy, những gia đình ấy mới cần được tạc tượng. Vậy thì sẽ có bao nhiêu tượng cho vừa ?
Cũng bởi lẽ, không chỉ có bến Sầm Sơn đón tiếp những người miền Nam tập kết mà còn bến Nghệ An, Thái Bình và hàng ngàn gia đình nhận đón tiếp người tập kết. Tượng đài nào cho đủ, cho vừa với những trang anh hùng của dân tộc, của đất nước.
Chúng tôi, những người miền Nam tập kết luôn mang trong lòng một tượng đài, tượng đài của lòng biết ơn nhân dân miền Bắc, của món nợ ân tình. Nhưng nhân danh chúng tôi mà lấy tiền, lấy đất của dân để làm một tượng đài như dự định thì chúng tôi không cam lòng.
Chúng tôi càng thấy bức xúc, khi đất nước đang gồng mình đối phó với đại dịch, khi đang phải chắt chiu và trân quý từng đồng tiền đóng góp chống dịch, tiền của một em bé 6 tuổi đập ống heo, tiền dưỡng già của một cụ hưu trí, tiền thấm đẫm mồ hôi của bao nhiêu người, cũng đang khó khăn vì dịch thì sao có thể cam tâm bỏ ra mấy trăm tỷ đồng, mấy chục ha đất để làm một việc mà chính chúng tôi, những đối tượng chủ thể không hề cảm thấy cần thiết và được vinh danh ?
Trái lai, nhân danh chúng tôi làm như vậy khiến chúng tôi mang mặc cảm có lỗi với đồng bào. Mấy ngày qua, tôi nhận được nhiều lời chất vấn và trách cứ xung quanh việc làm này.
Một tượng đài hơn 300 tỷ trên hơn 35 ha đất cần cho ai ? Những người miền Nam tập kết có đồng tình với việc làm này không ? Xin thưa là KHÔNG.
Đề nghị dừng ngay việc này. Số tiền dự tính, nếu đã có, xin chuyển thẳng sang mua vaccin hoặc hỗ trợ tuyến đầu chống dịch.
Và chúng tôi sẽ xin được đóng góp để dựng một bia đá đẹp trên bến Sầm Sơn, cùng với những bia được dựng trên các bến Nghệ An, Thái Bình, những tấm bia thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của của HSMN và người miền Nam tập kết đối với đồng bào miền Bắc.
Đất nước chúng ta chắc chắn không bao giờ có thể tri ân được hết đối với những hy sinh lớn lao của các thế hệ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, trong đó có hàng triệu người con miền Bắc trên đất miền Nam. Cũng không thể nào ghi nhớ hết những đau khổ, mất mát, chia ly… mà người mất và người còn đều gánh chịu.
Cách tri ân và tưởng niệm tốt nhất là những người đang sống làm tất cả để những hy sinh đó không trở nên vô ích.
Đó là điều chúng tôi luôn canh cánh bên lòng và cũng vì thế, chúng tôi không thể đồng tình với mọi công trình tưởng nhớ kiểu này.
Paris 25 tháng sáu 2021
T.T.N.
Diễn đàn gửi cho BVN