Vinashin một chỉ dấu lạc quan

Ông Phạm Thanh Bình đã bị đề nghị kỷ luật đảng

Ông Phạm Thanh Bình đã bị đề nghị kỷ luật đảng

UBKTTW kết luận: “ Trong nhiều năm qua, tập đoàn đã báo cáo không trung thực với Chính phủ về tình hình tài chính của doanh nghiệp; hậu quả của những khuyết điểm, vi phạm của ông Phạm Thanh Bình dẫn đến Vinashin có nguy cơ phá sản, gây thiệt hại lớn cho nhà nước”.

Kết quả cho thấy Vinashin không phải là con tàu để ra biển lớn mà chỉ là ghép mảnh từ những con phà ven bờ, vừa đi ra biển lớn đã nứt đáy không thể nào hàn vá được.

Nó chỉ ra Vinashin đã sai lầm từ khâu thiết kế, sai lầm trong kết cấu, sẽ sụp đổ hoàn toàn không chóng thì chầy. Nói cách khác đây là sai lầm hệ thống (theo cách của ông Nguyễn Trung).

Phải tiếp tục con đường cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đã được bắt đầu từ cách đây hơn 20 năm. Tuy quá trình cổ phần hóa diễn ra chậm chạp so với kế hoạch đề ra, nhưng cũng đã thu được nhiều nguồn lực cho nền kinh tế. Con tàu kinh tế Nhà nước đang chạy đúng hướng, đã làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, đã tạo đà cho nền kinh tế thị trường phát triển. Nếu tiếp tục tập trung đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì nền kinh tế đã đạt một chất lượng mới. Nhưng đáng tiếc, con tàu kinh tế Nhà nước đã bị bẻ ghi làm cho quá trình cổ phần hóa bị chững lại, thụt lùi, biến tướng. Những nguồn lực thu được do quá trình cổ phần hóa đáng phải được đầu tư đúng hướng thì lại giao ngay vào tay các doanh nghiệp nhà nước. Thành tựu 15 năm bị thiêu rụi trong 05 năm bởi chủ trương tập trung hóa, đa ngành hóa các doanh nghiệp nhà nước. Đó là phong trào sáp nhập hàng loạt để hình thành nên các Tổng công ty nhà nước, phong trào thí điểm để thành lập hàng loạt các tập đoàn kinh tế nhà nước trên mọi lĩnh vực, mọi ngành kinh tế hòng tạo ra các “quả đấm thép”.

Nhưng kết cục đã không như lòng người mong đợi. Vinashin là tiếng nổ mở màn. Hậu quả của Vinashin đã được các chuyên gia cảnh báo trước, nhưng có điều các chuyên gia khi đó đã không đủ bản lĩnh, không đủ khả năng thuyết phục hoặc lãnh đạo không thèm nghe… Việc này tôi cho rằng nguyên nhân có từ hai phía. Nhưng đến nay, chuyện đã rồi lại quay ra nói: trước đây tôi đã cảnh báo, hoặc phân tích tại cá nhân cấp này, cá nhân cấp kia, tại tham mưu, tại lãnh đạo… tất cả đều đúng nhưng chỉ là cái thói thường lâu nay. Rồi sau đó là đề xuất sửa chữa, yêu cầu thay ông Phạm Thanh Bình, thay ông Nguyễn Tấn Dũng… nhưng đây lại không phải là phương pháp trị bệnh tận gốc; thậm chí lại làm phát lên chủ nghĩa cơ hội, “hôi lợi”, kiếm chác. Loại kền kền kiếm ăn trên xác thối, như lúc này không thiếu. Các cá nhân liên quan trong vụ này chưa nói đến yếu tố có lỗi hay không, nhưng uy tín đã không còn thì việc cách chức phải là đương nhiên.

Vậy nguyên nhân chính là ở đâu?

Nếu cho các vị ở vào ghế của ông Phạm Thanh Bình hay ông Nguyễn Tấn Dũng thì cũng thế thôi, không tránh được bởi vào thế “đạn đã lên nòng”. Một vài cá nhân dù có quyết đoán, tài ba đến đâu thì cũng không làm nên trò trống gì. Con cá đã sa vào lưới “lợi ích tập đoàn” rồi thì không thể giãy được, tuy rằng khi chia phần tất có kẻ ít người nhiều.

Ví thử một tên tướng cướp, bản thân muốn hướng thiện “rửa đao, gác kiếm” cũng không được vì làm như vậy là trái với lợi ích của tập đoàn. Cái mà nó đưa anh lên thì nó bắt anh phải phục vụ nó. Vậy cái đó là cái gì mà ghê gớm vậy?

Đó chính là cái mà người người, nhà nhà và ở đâu đâu cũng nói đến từ xưa đến nay là cơ chế thì trong trường hợp này vẫn hoàn toàn đúng.

Vụ Vinashin là một chỉ dấu lạc quan. Nếu xét trên phương diện phát triển thì việc xóa bỏ cái cũ không kém phần quan trọng so với xây dựng cái mới. Trong cái rủi có cái may. Đây là một cơ hội để thay đổi khu vực kinh tế Nhà nước, phải biết rút ra bài học đúng từ Vinashin và phải vì lợi ích của đất nước.

Chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và người thừa hành là ông Phạm Thanh Bình về phương diện nào đó đã có công thêm một lần chỉ ra và minh chứng bản chất cố hữu của nền kinh tế chỉ huy. Các ông đã làm cho nó bộc phát nhược điểm nhanh hơn và chỉ rõ cho toàn dân Việt Nam được biết. Các ông đã đưa cuộc thí điểm về tập trung kinh tế Nhà nước đạt đến tốc độ tối đa với quy mô tột đỉnh để rồi sớm đến hồi kết thúc nó. Như vậy, các ông đã có công lớn giúp đất nước rút ngắn thời gian trong cuộc rượt đuổi nhân loại tiến bộ. Vì chung quy mọi giá trị đều đo tính bằng thời gian.

Vấn đề còn lại là Hội đồng lý luận trung ương có dũng cảm thừa nhận sự thật hay không. Thủ phạm chính là cái cơ chế “kinh tế Nhà nước phải là thành phần chủ đạo”, mới gây nên cơ sự này (nếu không nhầm ông Nguyễn Quang A đã nói). Bởi bản chất của nó là sở hữu tập thể, sở hữu công – “cha chung không ai khóc”. Các vị đã không chịu rút ra bài học, nhận thức từ lĩnh vực nông nghiệp, nông dân; trước đây phong trào hợp tác xã, sản xuất tập đoàn, nông trường đã làm cho toàn dân thiếu ăn kinh niên, sắp đến bờ vực chết đói mới chịu quay sang “khoán 10”. Hay tại vì chúng ta đã quên đi nạn thiếu đói của những năm 80 lâu rồi; họ định bao biện đến bao giờ hay chính là tại cái “tập đoàn lợi ích” mà quyết không từ bỏ chủ thuyết “kinh tế nhà nước phải là thành phần chủ đạo”?

Lý thuyết chỉ là màu xám, cây đời mãi mãi xanh tươi. Vinashin là một chỉ dấu lạc quan mọi người dân Việt Nam hãy đồng lòng!

Hà Nội, ngày 16/7/2010

HĐS

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

This entry was posted in kinh tế and tagged . Bookmark the permalink.