Tương Lai
Trong những ngày tháng Năm mưa nắng thất thường này, vết đau tấy lên, trằn trọc không sao ngủ được, thao thức với “đêm đêm rì rầm trong tiếng đất, những buổi ngày xưa vọng nói về”. Trong rì rầm tiếng “vọng nói về” ấy, cứ như lay động trong tôi giọng nói và nét cười của Việt Phương, người đã nằm xuống cũng trong tháng Năm này cách nay bốn năm. Sao vào lúc này lại càng nhớ Việt Phương càng muốn nghe giọng nói ấm áp và đầy tự tin trình bày những vấn đề lý luận thật súc tích và minh triết
Hình như có một tiếng người
Từ xa vắng gửi những lời ngày xưa
(Việt Phương. Nắng)
Nhưng sao tiếng thầm thì lại có âm hưởng gì khác trước?
(Việt Phương. Cỏ dọc đường trần, bài Sao)
Tháng Năm oi bức càng oi bức với đám mây đen lý luận cù nhầy chụm lại một góc trời đang sấn sổ bủa vây cuộc sống vốn đã nặng nề càng gợi nhớ câu thơ trong “Bơ vơ Đông đảo” mà anh đề tặng tôi ngày 1.7. 2009:
Bấy nhiêu lý luận bao nhiêu nước
Chảy dưới cầu kia để lại gì
Để lại gì ư? Cũng tùy, là lý luận nào? Chính là lúc này đây đất nước đang cần một thứ lý luận ngang tầm với thời đại và trong chừng mức nào đó, đi trước một chút như những vấn đề lý luận mà Việt Phương từng “để lại” cho giới nghiên cứu. Còn thứ lý luận của những
… kẻ tự xưng siêu nhân
chỉ là người một mẩu…
Đã dốt thì ngông nghênh kiêu ngạo
…Dẫu có lấy lông công che cáo
Vẫn lòi ra gian giảo vện vằn
(Việt Phương. Nắng)
thì chẳng để lại gì ngoài sự nguyền rủa của công chúng.
Trong “Lời bạt” tập “Bơ vơ Đông đảo”, Ý Nhi viết:
“Và chính con người coi việc làm lý luận là nghề, là ham mê vô độ ấy đã hơn một lần
Vứt nốt cảm giác và suy tưởng
Tay trắng một mình với thơ
Quả thật, khó có thể hình dung một Việt Phương không có thơ. Cũng khó có thể hình dung nề thơ ca Việt Nam đương đại thiếu vắng Việt Phương”.
Tôi không am hiểu lắm về thơ, nhưng đọc lại 11 tập thơ đã xuất bản với những bản chép tay anh ký tặng, tôi tin là chị Ý Nhi nói đúng.
Chỉ muốn nói thêm rằng thái độ quyết liệt của Việt Phương khi muốn “Vứt nốt cảm giác và suy tưởng” để chỉ “Tay trắng một mình với thơ” là một bứt phá trong suy ngẫm của một người từng
Làm lý luận như tìm gặp lời thề
Ham mê vô độ
(Việt Phương. Bơ vơ Đông đảo)
…Cả đời người miệt mài trong lý luận
Vẫn mơ màng câu hỏi tuổi mười lăm
…Thấy đã đủ bao xấu xa tồi tệ
Một đời người giàu thế những nỗi đau
…Tóc bạc đầu chưa đến được chiều sâu
(Việt Phương. Nhặt nắng trong sương)
nhưng vẫn như
Cỏ dọc đường trần kiên nhẫn sống
(Việt Phương. Nắng).
Câu thơ này nằm trong tập “Nắng”. Và chắc là tứ thơ này chìm rất sâu trong tâm tưởng vì trước đó ba năm anh đã có một tập thơ “Cỏ dọc đường trần” in năm 2010.
Gửi gắm ý tưởng và cảm xúc qua thơ cũng là chọn một cách thể hiện những “giày vò”, “khát vọng” của một người đã sống hết mình trên mỗi bước đường đời với sự trải nghiệm những thăng trầm trong cuộc dấn thân vì lý tưởng đã tích tụ những tiềm ẩn của suy tư
Đã thừa sướng khổ đủ buồn vui
Đã quen mọi tấn trò nhân thế
Vẫn quyến rũ sao một thoáng đời
(Việt Phương. Cỏ dọc đường trần)
“Giày vò”, “khát vọng” là tôi mượn từ ngữ của Ý Nhi trong bài “Tự do”
ngay cả khi không còn tù ngục
tự do vẫn như một ám ảnh
một giày vò
một khát vọng
(Ý Nhi. Tự do)
Cho nên nếu nghĩ rằng chỉ cần viết về “Việt Phương thơ” là đủ, mà không thấy cái lớn của Việt Phương trên trận tuyến lý luận và chính trị thì e là chưa nhìn nhận đúng về con người đã để lại dấu ấn đậm nét của hoạt động chính trị rất độc đáo và phong phú, nhà lý luận uyên bác và tinh nhạy đã phần nào bắt kịp với những thành tựu nghiên cứu lý luận của thế giới.
Chính vào lúc này tôi càng hiểu ra được cái nằm sau câu thơ rất thú vị của Việt Phương
Trên đầu ngọn cỏ triết học nằm nghiêng
Cắt mấy lát riềng mà kho khúc cá
(Việt Phương. Nắng)
Ai đó có thể phán rằng thơ gì mà tùy tiện thế. Nhưng đã từng là phó Viện trưởng Viện Triết học, càng ngẫm nghĩ, tôi lại càng thấy sự thâm thúy của tác giả hai câu thơ rất thâm thúy đó. Việt Phương là người cẩn trọng, nhạy cảm và rất tế nhị. Trong câu chuyện thân tình, anh gợi ra những vấn đề triết học mà anh suy nghĩ rất lung về tính bất cập của nghiên cứu và truyền giảng triết học ở nước ta.
Trong 11 tập thơ đã xuất bản và những bản còn ở dạng chép tay của Việt Phương có rất nhiều những câu thú vị kiểu đặt “triết học” cạnh với “lát riềng” như thế.
Về quê nghèo để gặp luân thường
Vào chợ cóc mà nghe đạo lý
Cũng có lẽ sống là vô thường
(Việt Phương. Lan)
Những kẻ tốt đến yếu mềm là đồ giẻ rách
Rắn còn nằm cuộn khúc giữa lòng ta”
Ta suy nghĩ tám nghìn đêm đánh giặc
Nghiền tâm tư cùng những hạt ngô bung
(Việt Phương. Cửa mở)
…Người đồng đội trọn đời trong thế bắn.
Hạnh phúc đến như cánh cò lận đận
Rũ sương đêm trên bến nắng sông Đà.
(Việt Phương. Cửa đã mở)
Cánh sâm cầm chiều Hồ Tây chấp chới
Anh đang cầm không có lòng tay.
(Việt Phương. Cỏ dọc đường trần)
Và những tứ thơ ngộ nghĩnh mà sâu thẳm triết lý của cuộc sống
Mong sao được là một hòn đá cuội
Nép ven đường mòn mỏi đợi dâng đời
…Mong sao được là cô hàng chợ đuổi
Chạy thu mình gắng gỏi giữ mẹt xôi
Mong sao được là người mê muội
Lặn xuống sâu đắm đuối gặp chân trời
Không hiểu khát vọng “đắm đuối gặp chân trời” có phải là anh Việt Phương viết giùm tôi không? Nói vậy vì câu này nằm trong tập “Nắng” in năm 2013, tập thơ mà anh mang đến tận nhà tặng tôi, kèm theo bản viết tay bài “Mời” (nội dung khác với bài “Mời” ở trang 47 trong tập được tặng, trang 47).
Ở tập chép tay này, anh viết
Đã từng chín đợi mười chờ
Thưở xưa năm ấy bây giờ mai sau
Đợi chừng nào gọi là lâu
Chờ làm chi bước qua cầu mà đi
Có lẽ anh muốn bổ sung riêng cho tôi câu anh đã cho in ở trang bìa 2:
Bước qua cay đắng ngọt bùi
Khắc đi khắc đến một thời gặp nhau
Bước qua cay đắng ngọt bùi, câu ấy nói đúng tâm trạng của tôi từ thuở 14 tuổi khoác ba lô lên chiến khu rồi cứ thế đi mãi cứ như thể là gió đã cuốn đi một thân phận người, để rồi
Tôi là tôi, đầy đủ đến dâng tràn
Lâng lâng tôi, lâng lâng tự do
như câu thơ trong tập thơ anh đề tặng tôi cách nay đã mười tám năm, ngày 1.7.2009, tập Bơ vơ Đông đảo!
Trầm ngâm trước cuốn sách được tặng. Sách như nói hộ người. Bốn chữ ấy đang diễn đạt những xáo trộn trong tâm trạng của tôi trên những chặng đường đời. Từ Lâng tôi, lâng lâng tự do
của Một đời vi vu vồ vập sống
đến Một đời lóng ngóng nhìn lên trời
rồi nhận ra rằng Đông đảo bơ vơ là người
khi mà Sự thật ơi ta đã rõ mặt mình
Đã qua rồi yêu giận ghét khinh
Từ buổi đầu gặp anh năm 1953 cho đến phút phải từ biệt anh bên giường bệnh cũng vào tháng 5 này năm 2017, suốt hơn sáu thập kỷ, anh luôn là người thầy gần gũi, uyên bác mà tôi rất mực kính trọng, người anh thân thiết ân cần chỉ bảo, người bạn tri kỷ gắn bó yêu thương. Thế mà thật không dễ để hiểu cho hết điều anh gửi gắm trong thơ những đúc kết của một đời làm chính trị theo đúng nghĩa của nó như anh viết
Làm lý luận như tìm gặp lời thề
Để rồi chính anh lại day dứt
Bao nhiêu lý luận bao nhiêu nước
Chảy dưới cầu kia để lại gì.
Xin nhắc lại một kỷ niệm: Trong một buổi làm việc với anh Sáu Dân ở Hà Nội giữa mấy anh em, Việt Phương chép đúng câu thơ này của anh vào một tờ giấy được gỡ ra từ cuốn sổ, chuyển cho tôi. Tôi chuyển cho anh Đào Xuân Sâm ngồi cạnh và hiểu đây là một kiểu hài hước tự giễu mình và giễu tất cả bọn tôi. Tối ấy, anh Sáu Dân mời tôi ngủ lại ở nhà số 6 Hồ Tây, không về 34 Hùng Vương nữa, để mai đi thẳng ra sân bay. Ngồi bên bàn nước, khi rót chén trà đưa mời, tôi đưa cho ông tờ giấy chép thơ đó. Đọc xong ông ấy cười. Chả là vì có lần ông Sáu Dân nói với tôi sau một buổi làm việc khá gay cấn chưa thể đưa ra một kết luận dứt khoát: “Chắc rồi Việt Phương hôm nay lại có một bài thơ”!
Trong con người đặc biệt này, phải chăng “Việt Phương lý luận” (theo đúng nghĩa của nó) với “Việt Phương thơ” thật khó rạch ròi.
…Thì thơ ngơ ngẩn là thơ
Thì người đông đảo bơ vơ là người
Quả thật chưa có một nghiên cứu, thậm chí một bài viết thật nghiêm cẩn, trung thực và đầy đủ về anh mà tôi đọc được. Để tưởng niệm Việt Phương, năm 2017, nhiều bạn bè thân quen của anh đã cho ra mắt một tập hợp bài viết “Nhớ Việt Phương”. Tôi từ chối tham gia vì hiểu rằng mình chưa đủ tầm để viết về Việt Phương như tôi mong muốn. Chỉ viết về Thơ của anh thì tôi không đủ tri thức và cảm hứng. Mà viết về cuộc đời dấn thân cho cách mạng – với tư cách một người người chiến sĩ, một nhà hoạt động chính trị cực kỳ phong phú và độc đáo, một nhà lý luận uyên bác và tinh nhạy với những thành tựu nghiên cứu lý luận của thế giới – thì tôi tự thấy mình chưa đủ sức làm. (Cũng phải nói thêm rằng,Việt Phương có may mắn là tiếp cận và chiếm lĩnh được những tri thức cập nhật qua những cuốn sách và tư liệu của nhiều học giả và trí thức nhân sĩ có uy tín gửi tặng Phạm Văn Đồng, tôi thì chỉ mới được nhìn lướt qua một phần cái di sản đồ sộ ấy).
Hai từ “ám ảnh” trong thơ Ý Nhi nói đúng vào tâm thức của tôi. Tuy trong tôi sự “giày vò” gắn chặt với sự “phẫn nộ” và “khát vọng”! Phẫn nộ vì một sự nghiệp bị phản bội. Sự nghiệp mà tôi đã dấn thân vào từ lúc 14 tuổi cho đến nay đầu đã bạc, cùng với gánh nặng của tuổi tác và bệnh tật đè nặng lên thể xác, và trong chừng mực nào đó lên cả tinh thần. Cũng may mà trí tuệ ở tuổi 85 chưa đến nỗi lú lẫn nên vẫn biết tìm ra đường để nhẫn nại tiếp tục chống gậy đi tiếp khi trái tim còn đập:
Vừa nhẫn nại vừa vội vã
Nhẫn nại như thể đó là việc phải làm suốt đời
Vội vã như thể đó là lần sau chót
Không thở dài
Không mỉm cười
(Ý Nhi. Người đàn bà ngồi đan)
Dường như nhà thơ đã giúp tôi diễn đạt một cách tế nhị, kín đáo mà sâu thẳm tâm trạng “vừa nhẫn nại vừa vội vã” hằng khắc khoải trong tôi mà tôi không làm được. Chỉ khác một chút xíu thôi với tứ thơ của nữ thi sĩ, đó là tôi phải vội vã hơn chị vì quỹ thời gian của tôi còn quá hẻo!
Đấy là chưa nói đến bệnh tật có thể quật ngã mình bất cứ lúc nào như ông bạn thân kính, anh Nguyễn Trung quý mến đã viết trong lời giới thiệu cuốn “Mênh mông Thế sự Để gió cuốn đi” năm 2017 của tôi: “Nỗi đau về những điều đất nước đang phải chịu đựng, niềm phẫn uất trước mọi vô cảm và tội lỗi đang diễn ra hàng ngày, khát vọng cháy bỏng về một đất nước tự cường của một nhân dân tự do…Tiếng nói ấy cứ ra rả, ra rả như tiếng cuốc kêu mùa hè đến rách cổ! Cứ từng tuần, từng tuần, hoặc vài ngày, lại vang lên chia sẻ với mọi người, thúc giục mọi người trong “Mênh mông Thế sự Để gió cuốn đi…” – từ một con người ngày ngày phải tự tiêm cho mình vài mũi Insulin để kéo dài sự sống! … con người đau nỗi đau của đất nước!”.
Với “khát vọng cháy bỏng” đó, cuối năm 1950 tôi khoác ba lô từ biệt thành phố lên chiến khu để thoát khỏi nỗi ám ảnh bị bắt bớ, bị tù đày, bị tra tấn như các anh chị tôi đã và đang chịu dựng. Và để không phải ngày ngày đối diện với những ánh mắt xấc xược của những thằng thám báo, “phòng nhì” có thể bạt tai tôi lúc nào chúng muốn như đã có lần chúng làm tôi nổ đom đóm mắt khi chúng sục về tìm bắt anh tôi. Cho đến tận hôm nay, trong những lần bị ác mộng của tuổi già, tôi vẫn ú ớ mê sảng về đôi mắt cú vọ của những thằng mật thám, “phòng nhì” tởm lợm, hồi ấy chúng tôi gọi là tụi Việt gian mà tôi nghiệm ra rằng, chúng còn ác hơn mấy thằng Tây “deuxième bureau” tôi từng gặp. Những kẻ đã treo ngược anh tôi đánh suốt một buổi. Anh đưa tôi ra đến khu IV (nơi anh họp Đại hội Khu tiến đến Đại hội II ở Việt Bắc năm 1951) rồi quay trở lại tiếp nhiệm vụ. Từ đó tôi chỉ còn “gặp” anh trong những cơn mê khủng khiếp với hình ảnh anh tôi đầm đìa máu đang bị tụi mật thám treo ngược! Anh tôi bị chúng đánh giập phổi và hy sinh năm 1964. Sau những cơn sốc trên đường đời bụi bặm, đêm nằm tôi lại nhớ và ao ước được gặp anh.
Phải lội bộ sáu tháng trời vượt đèo vượt suối tôi mới đến được đến nơi tôi không dự định sẽ đến. Tựa như gió đã cuốn đi một thân phận người đang trên đường
Đi tìm nơi đổi nỗi buồn thành vui
Phấp phỏng niềm vui người đang chờ
(Việt Phương. Nắng và Cỏ dọc đường trần)
để mà khắc khoải
Không gian đá nổi vàng chìm
Thời gian được mất đi tìm đâu đây
(Việt Phương. Nắng)
để mà ưu tư
Dọc đường lầm lũi gió miên man.
(Việt Phương. Cỏ dọc đường trần)
Chính cái “gió miên man“ trên “dọc đường lầm lũi” ấy gợi trong tôi mấy từ “Mênh mông thế sự” mà anh Nguyễn Trung nhắc đến ở trên. Thoạt đầu là một dự định lấy làm đề từ cho những bài viết đưa lên mạng kể từ sau khi tên tôi bị cấm xuất hiện (chắc là theo một chỉ thị mồm) trên tất cả các tờ báo chính thống tôi từng có bài viết, từ “Thời luận” đến “Đàm luận” hàng tuần, và các bài viết theo yêu cầu của các báo từ Bắc cho đến Nam. Tôi đưa ý ấy trao đổi với Việt Phương. Anh tỏ vẻ thú vị: “Mình thích cái tên này, nó hợp với cảm nhận của mình và thể hiện được cách tư duy và tâm trạng của Tương Lai” và hào hứng động viên tôi tập hợp đủ những bài viết hàng tuần rồi cho in thành sách.
Thực hiện lời khuyên ấy, hàng ngày ngồi trước máy tinh theo dõi thời sự trong nước và quốc tế có thể đọc trên mạng, tôi tuyển chọn theo một quan điểm nhất quán của minh đưa vào mục Điểm tin Đáng đọc hàng tuần, quãng từ 100 đến 140 trang khổ A4, mở đầu bằng một bài “Mênh mông thế sự” dưới dạng tản văn.
Đến năm 2018 thì thêm vào bốn từ của Trịnh Công Sơn thành “Mênh mông Thế sự Để gió cuốn đi” với hàm ý về sự phóng khoáng, gió cuốn đi tự do vô tình ai nhặt được nếu thích thì đọc, không thì vứt đi. Thân phận của nó giống như “Cỏ dọc đường trần”, học theo ý tứ thâm trầm của Việt Phương và cảm hứng từ nhạc điệu, ca từ tuyệt vời của Trịnh Công Sơn
…Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không
Để gió cuốn đi
…Một sớm mai chim bay đi triền miên
Và tiếng hót tan trong trời gió lên
Ấy thế rồi đáng buồn thay, trong tiếng chim hót một đám mây đen về “lý luận chính trị” lại đang phủ lên bầu trời chốc nắng chốc mưa khiến cho bầu không khí đang quá oi bức lại càng thêm oi bức. Người ta đang đua nhau bốc thơm một mớ lý luận cũ rích vừa được quét thêm một lớp sơn hào nhoáng.
Phải chăng đó là cách tự phơi bày “những nhận thức sai lệch, thô thiển đến mức ngược lại lý luận Mác, biến thành giáo điều mà lại cho là chân lý, là nguyên tắc…!”. Đó chính là biểu hiện “Sự bất cập về trí tuệ. Tức là thiếu hiểu biết về lý luận, về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thiếu đến mức làm giảm bản lĩnh, vì không hiểu biết cho nên không dám, kém dũng khí quyết định, nhất là quyết định những vấn đề đổi mới”. Đây là những điều mà Việt Phương đã trình bày một cách thẳng thắn, rạch ròi với một số cán bộ giảng dạy ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và một số cán bộ nghiên cứu của Hội đồng Lý luận Trung ương ngày 18.12.2007. Những buổi trình bày này được ghi âm và in thành một tập 92 trang khổ A4 với tên “Nhận thức, vận dụng và phát triển Lý luận Mác và Tư tưởng Hồ Chí Minh”. Những câu trên trích ở trang 90. (Trong bản Việt Phương trao cho tôi, anh viết tay thêm: “Bản này vốn là bản ghi lại theo băng ghi âm bài nói của tôi… Tuy có được chỉnh lý phần nào, song toàn bản vẫn là khẩu ngữ, không phải là bài viết).
Tác giả của những dòng này đã nằm xuống cũng đúng vào tháng Năm này cách nay bốn năm đã hiểu rằng, người ta đã và sẽ bỏ ngoài tai những điều anh từng thẳng thắn và tâm huyết chỉ ra “những nhận thức sai lệch, thô thiển” biểu hiện về “sự bất cập về trí tuệ” đó.
Trong những biểu hiện ấy là cho đến tận hôm nay, người ta vẫn khẳng định “luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin – học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động”. Về điều này thì Việt Phương đã nói rõ:
Một là “Cái được gọi là chủ nghĩa Lênin thì hơn bốn chục năm nay [nếu tính đến 2021 thì hơn 50 năm nay. TL] lần lượt các Đảng Cộng sản bỏ, không dùng thuật ngữ “chủ nghĩa Lênin nữa. Thế còn “chủ nghĩa Mác-Lênin thì sao? Nếu xét chặt chẽ thì không có chủ nghĩa Mác-Lênin. Và cũng từ hơn 40 năm [đến 2021 thì hơn 50 năm. TL], hầu hết các Đảng Cộng sản bỏ không dùng thuật ngữ chủ nghĩa Mác-Lênin nữa”. (trang 61)
Hai là “những nhận thức sai lệch, thô thiển” biểu hiện về “sự bất cập về trí tuệ” còn ở chỗ “quan điểm máy móc cho rằng mọi diễn biến, mọi hiện tượng trong chủ nghĩa tư bản hiện đại đều chỉ là chủ nghĩa tư bản, đều chỉ có bản chất tư bản chủ nghĩa là quan điểm sai lầm, không thấy và không chịu thấy thực tế… Chủ nghĩa tư bản hiện đại có khả năng điều chỉnh lớn, bản lĩnh điều chỉnh giỏi (họ học chủ nghĩa xã hội giỏi hơn chủ nghĩa xã hội học họ). Có những điều chỉnh ra ngoài lôgic của chủ nghĩa tư bản.”
Ba là “Phong trào Dân chủ xã hội đã là một lực lượng tham chiếu và là một sức ép điều chỉnh đối với chủ nghĩa tư bản hiện đại. Suốt nửa sau của thế kỷ XX [và hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI. TL] phong trào dân chủ xã hội đã góp phần làm xuất hiện trong lòng chủ nghĩa tư bản hiện đại thêm nhiều tiền đề và nhân tố xã hội mới, đưa từng mảng hoạt động và các nước Âu Mỹ thoát dần ra khỏi lôgic của chủ nghĩa tư bản… Tại châu Âu, cái nôi của phong trào dân chủ xã hội, trong nhiều thời kỳ, ở nhiều, Đảng thuộc Quốc tế xã hội chủ nghĩa đã từng là Đảng cầm quyền, có trường hợp ở Bắc Âu cầm quyền mấy chục năm liền. Đảng Đức đã khởi xướng và thúc đẩy nền kinh tế thị trường xã hội. Đảng ở Thụy Điển và mấy nước Bắc Âu đã khởi xướng và thúc đẩy nhà nước phúc lợi chung.
Trước đây, nhất là khi mới thành lập, Quốc tế xã hội chủ nghĩa còn nhắc đến Mác. Từ mấy chục năm nay, họ không nhắc đến Mác nữa. Một số người lãnh đạo Quốc tế xã hội thường nói rằng họ thuộc phái tả, song không chọn riêng một ý thức hệ nào mà tiếp thu và vận dụng những điểm đúng và tốt, loại bỏ và phê phán những điểm sai và xấu của mọi loại ý thức hệ của loài người. Tuy nhiên, những người dân chủ xã hội vẫn đặt tên cho Quốc tế của mình là Quốc tế xã hội chủ nghĩa.
Gần đây, có những trường hợp Đảng cộn sản đổi tên… và xin gia nhập Quốc tế xã hội chủ nghĩa.
Đại hội 23 của Quốc tế xã hội chủ nghĩa họp từ 30.6 đến 2.7.2008 ở Athen, Hy Lạp gồm 700 đại biểu,thay mặt cho 150 Đảng thành viên, đến từ 126 nước. Đại hội đã bàn và ra nghị quyết về bốn vấn đề:
1. Hành động tức khắc về biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiệm vụ toàn thế giới cấp bách nhất
2. Chiến đấu cho một thế giới hòa bình, giải quyết các xung đột và tăng cường ổn định
3. Đặt nền kinh tế vào một con đường mới
4. Tạo cho các luồng dân di cư một bộ mặt con người
Hiện Quốc tế xã hội chủ nghĩa có 29 Đảng thành viên đang cầm quyền, 23 Đảng thành viên tham gia liên minh cầm quyền…
Cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, các Đảng dân chủ xã hội gặp khó khăn, khủng hoảng, ở nhiều nước mất vị trí cầm quyền, thực trạng ấy do nhiều nguyên nhân, trong đó một nguyên nhân quan trọng không phải là lừa mị dân, bám đuôi và tâng bốc tư bản, mà là đẩy mạnh phúc lợi quá đà, đến mức kinh tế không chịu nổi, động lực xã hội giảm sút và căng thẳng xã hội tăng lên…
Cuối những năm 90 của thế kỷ XX, khá nhiều Đảng dân chủ xã hội lại thắng cử và trở lại cầm quyền ở Tây Âu và Bắc Âu, rồi đầu thế kỷ XXI, một số Đảng ấy lại thất cử, thành Đảng đối lập. Những thay đổi luân phiên như thế vẫn thường diễn ra… Sau khi Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa không còn nữa, phong trào xã hội dân chủ đã không sụp đổ, mà còn phát triển thêm!” (trang 66)
Tưởng như thế cũng đủ để nói lên những cảnh báo của Việt Phương về vấn đề mà hiện nay người ta vẫn khẳng định “điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin – học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động”.
Vấn đề đặt ra là vì sao người ta vẫn quyết bám lấy cái mà “nếu xét chặt chẽ thì không có chủ nghĩa Mác-Lênin. Và cũng từ hơn 40 năm [đến 2021 thì hơn 50 năm. TL], hầu hết các Đảng cộng sản bỏ không dùng thuật ngữ chủ nghĩa Mác-Lênin nữa”? Phải bám lấy cái mà thế giới đã vứt bỏ vì không thì lấy cái gì để duy trì một thể chế toàn trị phản dân chủ, như thể chế mà Tập Cận Bình đã cố duy trì để đảm bảo tính “chính danh” của một nước hơn một tỷ dân với áp lực trực diện.
Hơn nữa khi đã gắn bó keo sơn với cái khái niệm lừa bịp “người đồng chí cùng chung ý thức hệ” để chui vào cái thòng lọng “mật ước Thành Đô” thì vẫn cứ phải cùng chung ý thức hệ cho dù Trung Quốc của Tập Cận Bình đang là kẻ xâm lược. Khi đã dám đặt Cương lĩnh của Đảng lên trên Hiến pháp thì cũng sẽ dám thực hiện chuyện điên rồ “thà mất nước chứ không để mất Đảng”…
Ngán quá rồi, tôi không muốn dẫn thêm “Việt Phương lý luận” đã nói ra những lời cảnh báo như nước đổ đầu vịt nữa, xin kết thúc bài viết buộc phải đụng vào những vấn đề quá chán nản và phẫn nộ, xin trở lại với “Việt Phương thơ”:
Thạch nhũ vẽ bức tranh huyền thoại
gió đổi chiều
Văn minh lạc vào quyền lực cheo leo
đầy tiền đẫm máu…
Thế giới phẳng lỳ
cuộc sống gồ ghề
thời đại lung tung
…Đất nước
kẻ điên khùng cầm cân nảy mực
Tên hãnh tiến ngu dốt cầm quyền
sùng sục bán trời
trong một cuộc ăn thua
(Việt Phương. Nhặt nắng trong sương)
Thôi thì đành
Nỗi đau ngấm tận tâm can
Nợ đời còn nặng đa đoan còn nhiều…
… Nay tuổi tám nhăm mùa bàng bạc
Ngồi vun phiêu bạt những trời mơ
(Việt Phương. Nắng)
Ngày 29.5.2021
T. L.
Tác giả gửi BVN.