Vụ việc ông Nguyễn Văn Bình – một người dân ở Nha Trang kiện Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa vì từ chối cung cấp thông tin theo Luật Tiếp cận thông tin 2016 đã thu hút sự chú ý đặc biệt của công luận trong những tuần qua. Tuy phiên tòa chưa có kết quả do phải tạm dừng để bổ sung chứng cứ và người tham gia tố tụng nhưng vụ án hành chính đầu tiên về thực hiện quyền tiếp cận thông tin này đã được xem là một sự khích lệ để người dân, doanh nghiệp và cả giới báo chí đấu tranh cho quyền hiến định quan trọng này của mình.
Ảnh minh họa: Nhà báo bị ngăn cản không được chụp ảnh một phiên tòa tại TP.HCM. AFP
Từ vụ kiện đầu tiên về quyền tiếp cận thông tin…
TAND tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án ông Nguyễn Văn Bình (ngụ tại TP Nha Trang) khởi kiện Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về việc từ chối cung cấp giấy chứng nhận đầu tư sân golf do UBND tỉnh đã cấp cho Công ty TNHH Hoàn Cầu tại dự án khu du lịch và giải trí Sông Lô, TP Nha Trang trong ngày 4-5/5/2021.
Theo ông Bình, từ năm 2001, gia đình ông đã bị ảnh hưởng bởi việc UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi đất, giao cho Công ty Hoàn Cầu thực hiện dự án khu du lịch – giải trí Sông Lô. Để có tài liệu, thông tin chính xác cung cấp cho cơ quan chức năng giải quyết khiếu nại, ông Bình có đơn yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa cung cấp thông tin, trong đó có giấy chứng nhận đầu tư sân golf do UBND tỉnh cấp cho Công ty Hoàn Cầu. Theo ông Bình, yêu cầu này của ông được đưa ra dựa trên căn cứ Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) năm 2016. Tuy nhiên, ngày 16/6/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã ký công văn từ chối cung cấp các thông tin cho ông Bình với lý do nếu cung cấp thì sẽ xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của Công ty Hoàn Cầu.
Trao đổi với RFA, đại diện một tổ chức NGO hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam cho biết tổ chức của bà rất quan tâm tới vụ kiện này vì đây là vụ án hành chính đầu tiên khởi kiện về thực hiện quyền tiếp cận thông tin theo Luật TCTT 2016. Theo bà, mặc dù quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản nhất nhưng kể từ khi có hiệu lực đến nay (1/7/2018), luật này vẫn “chưa đi vào cuộc sống” và cả người dân lẫn giới phóng viên báo chí “vẫn ít thực hành quyền của mình”. Bà cho biết trên thực tế, còn nhiều cán bộ tại các cơ quan nhà nước (CQNN) chưa nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của người dân khiến người dân không thấy tin tưởng vào việc có thể yêu cầu CQNN cung cấp thông tin. Bên cạnh đó cũng còn nhiều người dân vẫn xem việc yêu cầu CQNN cung cấp thông tin cho mình là mối quan hệ “xin-cho” nên còn lúng túng, e ngại khi phải đưa ra yêu cầu về những thông tin có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Dù luật TCTT đã ra đời từ 2016 nhưng nhiều thông tin người dân muốn kiếm tìm vẫn không thấy. Ảnh: phapluatvietnam.vn
“Luật TCTT đã mang đến cho người dân quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin và quyền khiếu nại, khởi kiện khi quyền này bị vi phạm” – vị đại diện này nói và cho biết tuy còn một số hạn chế nhất định nhưng Luật TCTT đã có những điều khoản đảm bảo quyền được thông tin của công dân, tiêu biểu là: Quy định về các thông tin, tài liệu mà cơ quan nhà nước buộc phải công khai (điều 17), những thông tin công dân được tiếp cận (điều 5), thông tin công dân không được tiếp cận (điều 6) và thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện (điều 7) và quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin (điều 8).
Liên quan tới vụ kiện nói trên, bà cho rằng mặc dù tòa án chưa đưa ra kết luận nhưng vụ kiện đã là một sự khích lệ đối với người dân trong việc bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của mình.
“Chúng tôi không có thông tin chi tiết đầy đủ của vụ kiện. Qua theo dõi báo chí thì thấy tòa án chưa đưa ra kết luận, đối tượng và quy trình khởi kiện theo quy qui định của pháp luật có thể chưa hoàn toàn rõ ràng. Tuy nhiên, dù kết quả thế nào, đây là một ví dụ cho thấy rằng công dân hoàn toàn có thể sử dụng quyền khiếu nại, khởi kiện của mình trong trường hợp mâu thuẫn với quyết định của cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin. Việc thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện này được bảo vệ bởi Pháp luật” – bà nói.
“Tôi cho rằng vụ kiện này là một thực hành khá là tốt từ góc độ thực thi luật TCTT. Việc người dân áp dụng luật TCTT là điều đáng khích lệ. Trước đây đã có một số khiếu nại cơ quan hành chính ở Hà Nội không trả lời yêu cầu cung cấp thông tin của công dân nhưng mới chỉ dừng ở mức khiếu nại mà chưa khởi kiện”.
Bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục và Nâng cao Năng lực cho Phụ nữ (CEPEW)
Trước đó, trong một trao đổi hồi tháng 4/2021 với RFA về vấn đề chống tham nhũng ở Việt Nam, TS Hà Hoàng Hợp, một chuyên gia về Việt Nam tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á Singapore (ISEAS) cũng khẳng định sự ra đời luật TCTT là một bước tiến bộ lớn, đảm bảo một trong những quyền cơ bản nhất của người dân được ghi trong Hiến pháp đồng thời là cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy việc tham gia chống tham nhũng của người dân và tăng cường tính minh bạch và giải trình của Chính phủ. Tuy nhiên ông cũng nhìn nhận rằng kể từ khi có Luật TCTT “vẫn chưa thấy người dân có quyền tiếp cận tốt” và “bản thân người dân cũng không tự yêu cầu cơ quan nhà nước phải cung cấp thông tin”.
Tính đến tháng 2/2020, quy chế và quy trình cung cấp TT vẫn chưa nằm trong Bộ thủ tục hành chính công được niêm yết của nhiều địa phương. Ảnh: Nghiên cứu “Đánh giá việc thực thi Luật TCTT lần thứ hai”
Nghiên cứu “Đánh giá việc thực thi Luật TCTT lần thứ hai” do các tổ chức Oxfam, CARE, CEPEW và một số liên minh thực hiện với hơn 250 CQNN trong toàn quốc và nghiên cứu sâu tại 8 tỉnh, thành phố (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Sơn La, Quảng Bình, Quảng Trị và Đà Nẵng) trong thời gian từ 11/2019-2/2020 cho thấy nhiều cơ quan nhà nước “chưa thực hiện các yêu cầu của Luật TCTT”.
Theo nghiên cứu, mặc dù Nghị định 13/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật quy định các CQNN có trách nhiệm tạo chuyên mục tiếp cận thông tin trên trang thông tin điện tử của mình và đăng tải quy chế cung cấp thông tin, đầu mối cung cấp thông tin, danh mục thông tin để tạo thuận lợi cho công dân thực hiện quyền TCTT nhưng nhóm nghiên cứu “chưa tìm thấy” việc thực hiện những nhiệm vụ này của gần 60% cơ quan nhà nước cấp TW, 80% Sở Tư pháp các địa phương, trên 90% Văn phòng UBND cấp tỉnh và 93% cơ quan nhà nước khác trên địa bàn 8 tỉnh, thành nghiên cứu thực địa.
“Đây có thể được xem là sự trì trệ sau 4 năm Luật TCTT được thông qua và gần 2 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thực thi” – nghiên cứu nhận định. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho biết một thực tế đáng buồn khác, đó là việc người dân tại các tỉnh thành nói trên tiếp cận thông tin một cách thụ động, không đưa ra yêu cầu cung cấp thông tin đối với các CQNN.
“Đại diện 60 cơ quan nhà nước mà nhóm nghiên cứu có cơ hội trao đổi trực tiếp tại các địa phương khẳng định, kể từ khi Luật TCTT có hiệu lực thực thi cho đến thời điểm Nhóm nghiên cứu tiến hành thu thập thông tin tại thực địa, chưa phát sinh bất kỳ yêu cầu cung cấp thông tin nào từ công dân” – nghiên cứu cho biết.
… Đến những hạn chế trong việc thực thi luật TCTT
Theo luật TCTT, người dân có thể tiếp cận thông tin, dữ liệu liên quan tới các hoạt động của các CQNN và các đơn vị cung cấp dịch vụ công thông qua việc công khai thông tin của các cơ quan này tại trụ sở và trên các trang thông tin điện tử mà họ quản lý. Đồng thời, người dân cũng có quyền chủ động yêu cầu các cơ quan này cung cấp thông tin. Thực tế cho thấy cùng với chương trình xây dựng Chính phủ điện tử và việc thực hiện các nội luật và cam kết quốc tế có liên quan, các CQNN đã đẩy mạnh việc cung cấp thông tin trên các website, cổng thông tin của cơ quan mình. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng đối với những thông tin mà người dân có nhu cầu lớn hay còn được xem là “ôxi của cuộc sống” như thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, khung giá bồi thường, tác động môi trường, an toàn thực phẩm… thì mức độ sẵn có và khả năng tiếp cận của người dân vẫn còn thấp.
Người dân rất ít được tiếp cận với những thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, khung giá đền bù. Ảnh: AFP
Theo báo cáo chỉ số Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố tháng 4 vừa qua, mức độ công khai, minh bạch kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất và khung giá bồi thường của của các địa phương trong năm 2020 còn khá thấp, chỉ có 16,32% trong số hơn 12.000 người tham gia khảo sát trong toàn quốc trả lời được biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương.
Tỉnh Bắc Ninh là nơi thực hiện tốt nhất thì tỷ lệ này cũng mới ở mức xấp xỉ 40%. Trong khi đó, Bạc Liêu được ghi nhận là tỉnh có tỷ lệ thấp nhất cả nước với chưa đầy 5% số người được hỏi trả lời được biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Đáng chú ý, nếu so sánh với năm 2016 – thời điểm Luật TCTT ra đời – có thể thấy khả năng tiếp cận của người dân Việt Nam với loại hình thông tin này được cải thiện chậm và không đáng kể, tỷ lệ 16,32% của năm 2020 chỉ tăng nhẹ so với mức 15,2% của năm 2016.
Có 2 mặt của một vấn đề. Chính quyền luôn có xu hướng giấu giếm – đó là lỗi của chính quyền, còn người dân có lỗi là không đòi đến cùng để biết. Đất đai là chuyện rất quan trọng nhưng nhiều công chức nhà nước vẫn nghĩ phân phát đất đai là quyền của Chính phủ nên chẳng có gì phải báo cáo dân cả. Thực tế không phải vậy. Đất đai là sở hữu toàn dân mà nhà nước chỉ là đại diện cho dân để phân bổ. Người dân phải được biết và giám sát Nhà nước làm gì với đất đai, kế hoạch, quy hoạch ra sao, quỹ đất thế nào.
TS Hà Hoàng Hợp, Viện nghiên cứu Đông Nam Á Singapore (ISEAS).
Bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục và Nâng cao Năng lực cho Phụ nữ (CEPEW) – một đơn vị tham gia nghiên cứu “Đánh giá việc thực thi Luật TCTT lần thứ hai”– cũng nhìn nhận rằng việc ít có khả năng tiếp cận với những thông tin liên quan tới kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, khung giá bồi thường vẫn là những vấn đề người dân phàn nàn nhiều nhất trong nhiều năm qua. Bà cho rằng một trong những lý do khiến khả năng tiếp cận thông tin của người dân trong lĩnh vực này thấp là do Luật TCTT chỉ điều chỉnh những thông tin tạo ra kể từ khi luật có hiệu lực (1/7/2018), còn những thông tin tạo ra trước đó thì áp dụng theo các luật khác. Trong khi đó, các luật khác thì chỉ quy định những thông tin này phải được công khai nhưng không quy định việc cung cấp là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cũng không quy định về quy trình thủ tục phải công khai hoặc cung cấp cho người dân như thế nào.
“Đó là một trong những khoảng trống của Luật Tiếp cận thông tin” – bà Hà nói, đồng thời cho rằng Chính phủ nên chủ động cung cấp thông tin về quy hoạch sử dụng đất và khung giá bồi thường cho người dân để có thể tránh được những xung đột và kiện tụng do tình trạng thiếu thông tin gây ra.
Ảnh minh họa: Sự thiếu minh bạch trong vấn đề sử dụng, phân bổ đất đai dẫn đến nhiều tranh chấp, khiếu kiện. Ảnh: AFP
“Chỉ riêng năm 2016, các cơ quan trong chính phủ Anh đã nhận được 45.000 yêu cầu cung cấp thông tin. Việc xử lý những yêu cầu này tạo thêm một gánh nặng cho bộ máy hành chính công. Nhưng chính phủ Anh tin rằng cái giá đó đáng để trả. Đó là chi phí để tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, giúp người dân hiểu hơn về công việc của nhà nước, chất lượng lập pháp tăng lên”.
Trích bài viết về quyền tiếp cận và tự do thông tin đăng ngày 2/5/2018 của Cựu Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever
Báo chí & doanh nghiệp cũng gặp khó
Không chỉ đối với người dân, bức tranh về quyền tiếp cận thông tin của báo chí và doanh nghiệp cũng không sáng sủa hơn.
Một nghiên cứu do Tổ chức Hướng tới Minh bạch thực hiện từ tháng 9-11/2019 với sự tham gia của 542 nhà báo trên nhiều vùng miền của Việt Nam cho thấy việc tiếp cận thông tin của báo chí cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt đối với những thông tin mang tính chất phản biện. Theo khảo sát, chỉ có 15,7% nhà báo được hỏi cho biết họ đã tiếp cận được thông tin ngay lần đầu liên hệ với người phát ngôn; 65,7% nhà báo cho biết sau nhiều lần liên hệ họ mới tiếp cận được thông tin và cá biệt có nhà báo sau hơn 20 lần liên hệ mới tiếp cận được thông tin.
Nghiên cứu chỉ ra một thực tế rằng khi các nhà báo thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, cổ vũ mặt tốt, mặt tích cực thì thường nhận được hợp tác của cơ quan nhà nước nhưng khi thực hiện vai trò giám sát, phản biện, chống tham nhũng tiêu cực – cũng là một yêu cầu quan trọng của Đảng và Nhà nước thì gặp không ít trở ngại.
“Khi nhà báo thực hiện quyền TCTT để giám sát, phản biện, chống tham nhũng, tiêu cực, thì thường không nhận được sự hợp tác tích cực của cơ quan nhà nước như khi tuyên truyền các mặt tích cực. Các nhà báo thường gặp phải sự né tránh, trì hoãn cung cấp thông tin, hoặc yêu cầu thêm các thủ tục hành chính trái quy định, và đặc biệt là tình trạng lạm dụng dấu “Mật” để ngăn cản quyền TCTT của báo chí” – nghiên cứu cho biết.
Nghiên cứu cũng chỉ ra một thực tế đáng buồn nữa là do quá trình dài gặp khó khăn trong TCTT nên một số nhà báo đã hình thành thói quen chấp nhận cách hành xử theo kiểu “xin-cho” của một số cơ quan nhà nước, TCTT không theo quy trình, thủ tục luật định, sử dụng quan hệ cá nhân hay nhờ vả để có được thông tin.
“Cách TCTT như vậy nhiều khi cũng đạt được mục đích, song vô tình đã tạo ra thông lệ xấu, làm ảnh hưởng tiêu cực đến quyền TCTT của báo chí” – nghiên cứu nhận định.
“Khảo sát trên 1.200 người phát ngôn cơ quan nhà nước cho thấy, đến nay vẫn rất ít cơ quan nhà nước thực hiện việc chủ động cung cấp thông tin, công khai minh bạch thông tin theo quy định của Luật TCTT.” – Trích báo cáo ‘Thực tiễn thực thi quyền tiếp cận thông tin của báo chí trong phòng chống tham nhũng tại Việt Nam’ công bố 1/2020 của Tổ chức Hướng tới Minh bạch
Đối với doanh nghiệp, báo cáo Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Chính phủ Mỹ cũng cho thấy trong nhiều năm qua, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải chật vật để có được những thông tin họ cần từ phía các cơ quan công quyền.
Báo cáo PCI công bố trong tháng 4 vừa qua cho biết, có tới 57,4% doanh nghiệp – nghĩa là hơn một nửa trong số 12.300 doanh nghiệp từ 63 tỉnh thành tham gia khảo sát – vẫn cần có mối quan hệ với cán bộ chính quyền để có được các tài liệu của địa phương trong năm 2020. Theo báo cáo, con số này tuy có giảm so với con số 66,3% vào thời điểm Luật TCTT ra đời (năm 2016) nhưng vẫn còn ở mức “khá quan ngại”.
51% doanh nghiệp nói phải cần có quan hệ mới có thể tiếp cận với thông tin bản đồ, quy hoạch. Ảnh: kinhtedothi.vn
Cũng theo báo cáo này, một số loại thông tin mà doanh nghiệp gặp khó khăn nhiều nhất khi tiếp cận là: Bản đồ, quy hoạch sử dụng đất (51%), kế hoạch đầu tư công (50%), tài liệu ngân sách (48%), quy hoạch ngành, lĩnh vực (47%), kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới (45%), chính sách ưu đãi đầu tư (40%). Đáng chú ý, cũng có tới 24% doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi tìm kiếm ngay cả các thông tin về văn bản pháp luật do địa phương, mà cụ thể là cấp tỉnh ban hành.
“Những thông tin nói trên là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp để lập và triển khai các kế hoạch đầu tư kinh doanh. Những rủi ro trong quá trình đầu tư, kinh doanh có thể giảm bớt nếu như các doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời trong quá trình hoạt động.” – báo cáo nhận định và cho rằng cải thiện mức độ sẵn có của thông tin và đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận thông tin cho các doanh nghiệp là điều quan trọng mà Chính phủ Việt Nam và chính quyền các địa phương cần quan tâm trong thời gian tới.
Người ta chưa nhìn thấy nhiều những đổi thay mà Luật TCTT mang lại cho Việt Nam. Vì vậy vụ kiện đầu tiên về quyền TCTT đang được trông đợi sẽ là một cú hích giúp làm sáng lên bức tranh còn ảm đạm này.