Nghĩ về xương máu tại đất hứa Jerusalem, thử giải mã Cựu ước

(Nhân đọc tối hậu thư Thủ tưởng Israel gửi các thủ lĩnh Hamas, chuẩn bị cho cuộc đại chiến sắp diễn ra)

Chu Mộng Long

Đất hứa Jerusalem

Jerusalem, mảnh đất được xem là trung tâm của Đất hứa (The Promised Land) được ghi trong Cựu ước. Chúa Cha để lại bản Di chúc gồm Mười điều răn (The 10 commandments) và một mảnh đất cho con cháu Abraham tạo nghiệp. Cựu ước ghi: “Ta ban cho con cháu của ngươi mảnh đất này, trải rộng từ sông Ai Cập đến sông Euphrates…”

Đất hứa chẳng khác gì Thiên đường trên mặt đất. Nhưng vì tin đó là Thiên đường, cho nên tại mảnh đất này, con cháu của Abraham đã đổ chồng chất xương máu hơn 3000 năm lịch sử.

Đọc lại Kinh Thánh, tôi chú ý ba điều:

1) Abraham lãnh lời hứa đầu tiên của Chúa, rằng chỉ được thờ duy nhất một Đấng Tối cao là Ngài mới được Ngài ban phước. Điều đó có nghĩa là trước đó, người ta từng tự do thờ đa thần. Lời hứa này kéo theo hàng loạt các thử thách khủng khiếp dành cho Abraham: 1) 100 tuổi mới có con chính tông là Isaac, có con xong thì phải giết con hiến tế cho Chúa, 2) Tìm trong thành Sodom và Gomorrah tối thiểu 10 người công chính, Thiên Chúa sẽ không huỷ diệt thành. Thử thách 1 vượt qua được một cách khó khăn nhờ ơn Chúa, Thử thách 2 không thể vượt qua, vì không tìm đâu ra 10 người trung thành, thế là thành bị diệt.

2) Bản Di chúc với 10 điều răn, tông đồ theo Do Thái giáo, Hồi giáo, Kito giáo và các tôn giáo phái sinh đều thuộc lòng, nguyện học tập và làm theo Chúa. Nhưng Đất hứa kia mới là vấn đề sinh tử. Chúa hứa ban mảnh đất này cho con chính thất, giữa Abraham với Sarah, tức Isaac, tổ của người Israel, mà không ban cho con của Abraham với người hầu Hagar, tức Ishmael, tổ của người Ả Rập. Đó là lý do diễn ra bất hoà, xung đột từ đầu, ngay khi mẹ con Hagar chưa bị đuổi đi nơi khác.

3) Lễ rạch bao quy đầu dành cho con cháu Abraham khi trưởng thành là một ẩn mật sâu kín nhất. Nghi thức này gây tranh cãi nhưng đa số các nhà thần học đều cho rằng, đó là hình thức tượng trưng, Chúa khai mở trái tim để những người trung thành với Ngài không còn lòng vẩn đục khi hướng về Ngài.

Xin phép được luận cả ba điều:

Điều thứ nhất khẳng định sự trung thành tuyệt đối vào một quyền lực tối cao là bất khả. Rõ ràng Cựu ước mặc khải chân lý: độc tôn quyền lực là một hoang tưởng. Để có được sự trung thành, tức tôn thờ một quyền lực duy nhất, con người đã phải trả giá bằng máu, kể cả đem con ruột thịt của mình ra hiến tế cho Đấng Tối cao, như Abraham đã làm khi vung dao chém Isaac. Nếu Chúa không ra tay ngăn cản, Abraham đã tuyệt tự, trong nghĩa mất đi người con chính thất. Yêu Tổ quốc gắn liền với yêu Chúa là một mệnh đề nguy hiểm vì người ta dễ nhắm mắt hiến nhiều thứ cho Chúa. Quan trọng hơn, trung thành xét đến cùng chỉ là lời hứa, như một thứ khẩu hiệu. Một thành có cả trăm, ngàn người mà không tìm ra được 10 người trung thành thì thật là cay đắng và thảm bại của chủ nghĩa độc tôn quyền lực.

Điều thứ hai khẳng định dẫu có 10 điều răn hay đến 19 điều cấm thì cũng không cấm nổi sự bất hoà, xung đột nội bộ giữa những người có cùng cái quyền được hưởng đặc lợi do quyền lực ban cho. Không thể lấy cái lý Isaac là con chính thất mới được hưởng gia sản tổ tiên, trong khi Ishmael cũng là con của Abraham, ra đời trước cả Isaac nhiều năm. Chỉ vì kỳ thị chủ/tớ mà đuổi mẹ con Ishmael một cách bất công, và cái lý nào lại không cho con cháu của Ishmael, tức người Ả Rập, hành hương đến Jerusalem để tưởng nhớ tổ tiên? Rõ ràng cái đại gia đình Do Thái giáo-Hồi giáo-Kito giáo đã được mặc khải sẽ tranh chấp tương tàn về đất đai như một tất yếu, vì cả ba đều cùng thờ Chúa Cha và được hưởng quyền thừa kế của mình.

Điều thứ ba mới là điều sâu thẳm nhất của Kinh Thánh mà các nhà thần học đã chú giải lệch lạc. Khai tâm hay khai trí thì sao lại khai từ cái dương vật? Tôi khẳng định khai dương vật chắc chắn phải là khai dục tính chứ không thể đánh tráo thành khai tâm, khai trí được. Cựu ước ghi rõ như một điệp khúc về dục tính phát sinh, rằng con cháu Abraham, cả hai nhánh Isaac và Ishmael, sẽ sinh sôi nảy nở lan tràn khắp nơi trên mặt đất. Và Cựu ước cũng mặc khải, rằng khi ấy tội ác của loài người cũng sẽ lan tràn khắp mặt đất. Dục tính vừa sinh vừa diệt, là nguyên nhân của xung đột và bạo lực. Chúa không huỷ diệt bằng đại hồng thuỷ, bằng dịch bệnh thì loài người cũng tự diệt nhau bằng chiến tranh và bạo lực.

Tóm lại, tôi hình dung, Cựu ước thâm sâu hơn các nhà thần học hay triết gia vô thần đã diễn giải một cách nhầm lẫn suốt mấy ngàn năm lịch sử. Các nhà thần học cứ khăng khăng chỉ tôn thờ một Đấng Tối cao thì thiên hạ bình an, hưởng phước lành. Trong khi các triết gia vô thần thì nguyền rủa Thượng đế chết đi để con người tự quyết số phận của mình. Cả ba anh em Do Thái giáo, Hồi giáo, Kito giáo không tôn thờ một Chúa Cha là gì? phước lành đâu chẳng được hưởng, chỉ toàn hưởng gươm giáo, đinh câu rút, giá treo cổ và sau này là xe tăng, đại bác, tên lửa? Trái lại, con người tự quyết định số mệnh của mình ra sao khi chơi trò lộn ngược thời gian, biến Đất hứa ngày xưa thành Thiên đường ở một tương lai xa vời, treo lơ lửng mãi, trong khi tham nhũng, xung đột và bạo lực lại cứ xảy ra không bao giờ dứt?

Tôi nghĩ giải mã đúng Cựu ước như một sự trớ trêu của lời tiên tri định mệnh thì nhân loại may ra mới được sự khai tâm, khai trí và có hoà bình, thịnh trị. Nôm na, Cựu ước muốn nói: chớ dại tin vào những lời hứa, dù đó là lời hứa của Đấng Tối cao trên Trời hay quyền lực nơi Trần thế!

Cuối cùng, tôi rút ra châm ngôn từ sau Cựu ước: Kẻ thiểu trí thì cần đức tin, người có trí thì cần hiểu biết. Đức tin thì tốt nhưng gốc là nỗi sợ hãi vô hình, nên rất dễ bị lợi dụng thành công cụ cho quyền lực và cho những cuộc nồi da xáo thịt. Hiểu biết khác với đức tin một trời một vực, vì chẳng ai lợi dụng được nó. Nó tự do vì thoát mọi ràng buộc của những giáo điều.

Cựu ước kể chuyện con cháu Abraham để răn đe, cảnh báo về sự cả tin mù quáng đầy hiểm hoạ ở một khu vực, nhưng cũng là chuyện của mọi dân tộc và mọi thời đại. Chính hiểu sai, diễn giải sai và làm sai tinh thần Cựu ước đã đưa loài người rơi vào xung đột và bi kịch.

C.M.L.

Nguồn: FB Chu Mộng Long

This entry was posted in Loài người sơ sinh. Bookmark the permalink.