Chuyên gia người Mỹ gốc Hoa chỉ ra kẻ thù tồi tệ nhất đẩy Trung Quốc đến sai lầm

Minh Khôi | 13/05/2021 07:00 AM


Chuyên gia người Mỹ gốc Hoa chỉ ra kẻ thù tồi tệ nhất đẩy Trung Quốc đến sai lầm

Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc diễu hành ở quảng trường Thiên An Môn. Ảnh: AP.

Nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Hoa Minxin Pei cho rằng, Trung Quốc có lợi thế hơn Liên Xô (cũ) trong cuộc Chiến tranh Lạnh với Mỹ nhưng sự kiêu ngạo sẽ đẩy Bắc Kinh đến sai lầm.

Khó có thể làm Trung Quốc “khô máu”

Nhiệm kỳ Tổng thống của Joe Biden chỉ mới hơn 100 ngày, nhưng tại thời điểm này, hy vọng về sự tan băng giữa Mỹ và Trung Quốc đang nhanh chóng tan biến ở cả Washington và Bắc Kinh.

Chính quyền của Biden coi Trung Quốc là đối thủ địa chính trị nguy hiểm nhất của Mỹ. Không cần phải nói thêm, Bắc Kinh cũng coi Mỹ là mối đe dọa tương tự.

Và trong cuộc đối đầu chiến lược không có hồi kết, các nhà lãnh đạo ở Trung Quốc và Mỹ chắc chắn sẽ rút ra những bài học từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Trung Quốc sẽ cảm thấy có ưu thế khi nhận thấy rằng họ sở hữu một loạt các thế mạnh mà Liên Xô (cũ) không có. Về kinh tế, Trung Quốc có một hệ thống kinh tế hiệu quả hơn nhiều so với nền kinh tế của Liên Xô. Vị trí trung tâm của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu, vừa là nhà cung cấp hàng hóa sản xuất lớn nhất vừa là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai – 2 nghìn tỷ USD vào năm 2020 – khiến Mỹ khó có thể kiềm chế hoàn toàn.

Xét về cán cân quyền lực tương đối, bất chấp sự kém cạnh đáng kể của Trung Quốc về công nghệ trong một số lĩnh vực quan trọng, sức mạnh của họ vẫn không thể phủ nhận.

Quan trọng hơn, khi Trung Quốc vẫn có động lực tăng trưởng mạnh hơn Mỹ, có khả năng nền kinh tế của họ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh và vượt qua nền kinh tế Mỹ trong vòng một thập kỷ.

Nếu Liên Xô bị phá sản bởi một cuộc chạy đua vũ trang – mà nước này không có khả năng chi trả – với Mỹ, thì một chiến lược tương tự làm Trung Quốc “khô máu” có thể mất nhiều thời gian hơn, vì Trung Quốc có nhiều nguồn lực hơn để tiếp tục cuộc đua.

Hơn nữa, bối cảnh địa chính trị đã thay đổi lớn từ cuối những năm 1940 đến ngày nay. Chắc chắn, nhiều nước lo ngại sâu sắc về sự trỗi dậy của Trung Quốc nhưng các nước đang phát triển dường như cũng chào đón một đối thủ cạnh tranh với Mỹ.

Trong khi Trung Quốc đặt ra mối đe dọa an ninh ngay lập tức đối với một số nước láng giềng, đặc biệt là Nhật Bản, Ấn Độ thì các quốc gia lớn khác lại xem cuộc chiến mới của Washington chống lại Trung Quốc là một nỗ lực nhằm duy trì vị thế bá chủ của Mỹ.

Kẻ thù tồi tệ nhất khiến Trung Quốc mắc sai lầm?

Những yếu tố nghiêm trọng này sẽ khiến Mỹ khó sử dụng lối chơi Chiến tranh Lạnh cũ để kiềm chế Trung Quốc.

Trớ trêu thay, bối cảnh thuận lợi như vậy có thể mang lại cho Bắc Kinh một đánh giá quá mức về sức mạnh, với những hậu quả tai hại có thể xảy ra.

Đặc biệt, khi Bắc Kinh cho rằng rất ít quốc gia có đủ khả năng tách khỏi nền kinh tế Trung Quốc, nước này có thể gia tăng các hành động gây hấn khiến các bên trung lập rơi vào vòng tay Mỹ.

Ví dụ, hành động gây hấn gần đây nhất của Trung Quốc ở Biển Đông – neo đậu một số lượng lớn các tàu đánh cá xung quanh bãi Ba Đầu – đã khiến nhiều nước trong khu vực phản đối.

Tương tự, lập trường cứng rắn của Trung Quốc về nhân quyền đã khiến cho Liên minh châu Âu (EU) vốn trung lập cũng phải bày tỏ quan điểm phản đối.

Tháng trước, Brussels đã trừng phạt một số quan chức Trung Quốc liên quan đến vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Thay vì một phản ứng im lặng, Bắc Kinh áp đặt các biện pháp đáp trả khiến hiệp ước đầu tư được giữa Trung Quốc với EU vấp phải khó khăn.

Sự tự tin thái quá thậm chí có thể làm hỏng cả những cải cách rất cần thiết trong nội bộ Trung Quốc.

Những cải cách mạnh mẽ, đặc biệt là những cải cách đòi hỏi giảm bớt vai trò của các doanh nghiệp nhà nước và huy động khu vực tư nhân có thể sẽ khó thực hiện nếu các nhà lãnh đạo Bắc Kinh tự tin rằng, Trung Quốc đủ mạnh và không cần thiết tiến hành những cải cách như vậy. Hậu quả là Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng trì trệ, giống như Liên Xô bắt đầu từ giữa những năm 1970.

Khả năng sự ngạo mạn sẽ khiến Bắc Kinh phạm một loạt sai lầm chiến lược là rất cao. Thái độ kiêu ngạo là mảnh đất màu mỡ cho những suy nghĩ viển vông và những giả định sai lầm.

M.K.

Nguồn: soha.vn

This entry was posted in Mặt thật Trung Quốc. Bookmark the permalink.