Xây resort, khu dân cư… ở Cần Giờ phải được thẩm định thận trọng

GS-TS. Bùi Chí Bửu

Trong bài viết “Quan hệ giữa bảo tồn và phát triển khu Cần Giờ” gửi đến hội thảo Kinh tế biển, GS-TS. Bùi Chí Bửu (Hội đồng khoa học TP.HCM) lưu ý: rừng ngập mặn Cần Giờ có vai trò quan trọng trong hạn chế năng lượng tác động từ sóng biển, ngăn ngừa nước biển dâng. Do vậy, việc xây dựng building, resort, khu dân cư phải được thẩm định một cách thận trọng.

Cần Giờ đã và đang trở thành lá phổi của TP.HCM. Ảnh: Trung Dũng

Những hoạt động kinh tế theo ngành, liên ngành liên quan tới biển; bao gồm các nguồn lực từ biển để phục vụ đời sống con người và mang lại lợi ích cho nền kinh tế của TP.HCM được thảo luận trên cách nhìn về Rừng Sác hiện nay và tương lai.

Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ còn gọi là Rừng Sác tập họp một quần thể động, thực vật rừng trên cạn và thuỷ sinh, thuộc châu thổ sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ. UNESCO công nhận nơi đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào ngày 21.1.2000. Gần đây, Việt Nam xem nơi đây là khu du lịch trọng điểm quốc gia.

Như vậy, Cần Giờ có phải là một xung đột giữa bảo tồn phát triển, với đa dạng sinh học điển hình của vùng ngập mặn trước thách thức mới?

Tổng diện tích Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ là 75.740 ha.Vùng lõi: 4.721 ha.Vùng đệm: 41.139 ha.Vùng chuyển tiếp: 29.880 ha. Cần Giờ được nhập vào TP.HCM vào năm 1978. Sau đó rừng ngập mặn này được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố, đặc biệt là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Diện tích rừng tái sinh đã phủ xanh hơn 31.000 ha, trong đó, gần 20.000 ha rừng trồng, 11.000 ha rừng được tái sinh tự nhiên, cộng thêm các loại rừng khác.

Kết quả hồi sinh Rừng Sác sau chiến tranh đầy ấn tượng ấy được Chương trình Con người và Sinh quyển – MAB của UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam, nằm trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

Đây là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn; giữa hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn, với sự bồi tụ hàng năm của phù sa sông Đồng Nai.

Số loài thực vật rất đa dạng với khoảng 150 loài, theo điều tra gần đây, kết quả điều tra của Phạm Văn Ngọt và cộng sự (2007) ghi nhận rừng ngập mặn Cần Giờ có 220 loài thực vật bậc cao, thuộc 155 chi và 60 họ. Đáng kể nhất là họ Cúc (Asteraceae) có 8 loài, họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) 9 loài, họ Đước (Rhizophoraceae) 13 loài, họ Lác cói (Cyperaceae) 20 loài, họ Hòa thảo (Poaceae) 20 loài, họ Đậu (Fabaceae) 29 loài.

Về sinh thái động vật, có nhiều nguồn tài liệu khác nhau, nhưng tập trung có thể kể đến số loài động vật sống dưới nước, không xương sống, có khoảng 700 loài; lớp Cá có 130 loài; lớp Lưỡng cư có 9 loài; lớp Bò sát có 31 loài; lớp Chim có 130 loài; lớp Động vật có vú có 4 loài.

Rừng Sác được chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá là khu sinh quyển được hồi phục và được bảo vệ tốt nhất của Việt Nam và thế giới. Thực sự Cần Giờ đã và đang trở thành lá phổi của TP.HCM.

Rừng ngập mặn Cần Giờ còn có vai trò quan trọng trong hạn chế năng lượng tác động từ sóng biển (# 50%), ngăn ngừa nước biển dâng. Do vậy, việc xây dựng building, resort, khu dân cư phải được thẩm định một cách thận trọng.

Kinh nghiệm đã chỉ ra rằng: Phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ thành công là nhờ đóng góp quan trọng của cộng đồng dân cư địa phương. Họ đã chung tay trồng rừng trong suốt giai đoạn sau 1975 đến 1980. Họ nhận khoán bảo vệ rừng, mà trước đây có thể họ đã từng chặt phá rừng làm than củi đước.

Tuy nhiên, chúng ta chưa có giải pháp tốt để cộng đồng cư dân này nâng cao sinh kế. Bởi vì thu nhập kém ổn định; chắc chắn họ sẽ không gắn bó với rừng ngập mặn theo hướng tích cực. Du lịch là giải pháp kéo cư dân này vào một liên kết mang tính chất chiến lược. Nội dung này phải được phát triển có hoạch định từng chặng đường rõ ràng (có agenda và có mục tiêu cho từng chặng), đặc biệt không thể thiếu bóng dáng của cộng đồng dân cư địa phương.

Đã đến lúc, rừng ngập mặn Cần Giờ được đầu tư các đề tài nghiên cứu dài hạn, kinh phí lớn về bảo tồn đa dạng sinh học, kết hợp với giải pháp nâng cao an sinh xã hội (livelihood) của cộng đồng dân cư địa phương.

Khai thác tài nguyên biển phải gắn kết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển là một chiến lược lâu dài của đất nước. Xây dựng quy hoạch cảng biển, khu du lịch sinh thái rất cần nguồn lực đầu tư lớn, bên cạnh việc xem xét sinh thái học một cách thận trọng.

Nhìn lại trang thiết bị nghiên cứu khoa học biển và hệ thống các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển chưa được đầu tư xứng đáng xét trên quy mô cả nước, không riêng gì TP.HCM. Các cơ sở quan trắc, dự báo sớm (early warning) về thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn,… ở ven biển còn nhỏ bé, trang bị thô sơ. Quản lý không gian biển bằng công nghệ biển tiên tiến trong khai thác tài nguyên biển, phần nhiều còn nằm trên giấy, hoặc được triển khai với cơ chế xin cho, hết sức tiêu cực và chậm chạp.

Đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản giảm sút là vấn đề đáng báo động. Các hệ sinh thái quan trọng bị suy thoái, và thu hẹp dần. Diện tích rừng ngập mặn mất dần theo thời gian. Kéo theo là mất dần các rạn san hô, số loài rong tảo biển ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Phú Quốc cũng giảm hoặc bị khai thác cạn kiệt.

Chúng ta chưa có thông tin chính thức về chất thải thành phố ảnh hưởng như thế nào đến hạ lưu sông Đồng Nai và vùng Cần Giờ. Đến lúc chúng ta phải có hoạt động điều tra và đề xuất những giải pháp khả thi:

Phương pháp tiếp cận sinh thái và an sinh xã hội cho cư dân sống trong vùng đích; Phát triển kinh tế biển bền vững (môi trường, xã hội và kinh tế); Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học kinh tế biển; Năng lực dự báo sớm (trên cơ sở hiện đại hóa trang thiết khoa học công nghệ); Bảo đảm tính kết nối giữa các địa phương ven biển với nhau; Quản lý biển theo cách tiếp cận tổng hợp (Integrated Approaches)…

Cần Giờ cần được đầu tư có chiều sâu, theo một quy hoạch rất khoa học, để đảm bảo kết hợp hài hòa giữa hai mục tiêu bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái.

B.C.B.

(Hội đồng khoa học TP.HCM)

Nguồn: Người Đô thị

This entry was posted in Môi trường và phát triển. Bookmark the permalink.