Nguyễn Ngọc Lanh
Gia đình thanh bạch của Thượng thư Ngô Đình Khả, hình chụp năm 1905- Từ trái: Ngô Thị Giao (sau này là nhạc mẫu của ông Trần Trung Dung,) bà Ngô Đình Khả bồng Ngô Thị Hiệp (thân mẫu tương lai của Hồng Y Nguyễn Văn Thuận) Thượng thư đương chức Ngô Đình Khả, 3 con trai: Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Khôi (chưa có giầy dép, mặc dù hiếm khi có dịp chụp hình, quần áo rất bình dân),(các ông Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Luyện và Ngô Đình Cẩn chưa ra đời.) – Nguồn: Vĩnh Phúc.
– Được đưa vào danh sách, tất nhiên ông không phải Việt gian “thường” (như các cụ Lê Hoan, Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh…), mà là Việt gian bán nước (!). Nếu so với Lê Chiêu Thống (vua) và Gia Long (cũng vua), ông Diệm bán nước ở cương vị Tổng thống. Mà đây là Tổng thống do “phổ thông đầu phiếu” bầu ra; tức là quyền hành rất lớn. Vậy, đâu có kém gì? Nếu so với Kiều Công Tiễn, Ngô Nhật Khánh, Trần Ích Tắc, ông hơn hẳn về địa vị, chức danh. Nó giúp ông, nếu thật tâm định bán nước; ông đủ khả năng làm cái “rụp”.
– Nhiệm vụ chính trị mà ông Diệm được trao vẫn chỉ là… “trở thành” cái túi để hứng mọi lời lăng mạ, đặng răn đe tất cả những ai rắp tâm “bán nước” như ông.
– Đó là thời điểm miền Bắc coi Mỹ là kẻ thù nguy hiểm nhất, còn Diệm là tay sai đắc lực nhất. Trên báo chí, chúng ta gắn liền Mỹ-Diệm. Diệm đổ, được thay bằng Mỹ-Thiệu và Mỹ-Thiệu-Kỳ. Mỹ rút, ta đưa ra cụm từ Thiệu-Kỳ-Hương…
– Do ông Diệm là Việt gian ngay khi còn sống (khác với các Việt gian tiền bối), ông có quyền lực và dùng quyền để gây dựng một chế độ thù địch với CNXH… cho nên gọi ông là Việt gian chính là để dân Việt oán ghét ông mà hưởng ứng cuộc chiến (đã dự định sẵn) nhằm lật nhào cái chế độ của ông. Rất có thể ông là cái cớ cho một cuộc chiến tranh ác liệt gấp bội so với cuộc chiến chống Pháp.
I. Bốn khác biệt so với tiền bối
Tuy nhiên, đúng là hậu sinh khả úy; Việt gian Ngô Đình Diệm có 4 điểm khác biệt mà các vị Việt gian trước ông không thể có được. Đây là vị Việt gian đặc biệt mà nước ta chưa từng có. Nhưng liệu ông có phải là vị cuối cùng?.
1 – Được phong Việt gian năm 1954, ông đang sống sờ sờ. Sống đến năm 1963; nếu không muốn nhận vinh dự này, ông vẫn còn mồm để cãi. Nhưng không thấy ông cãi. Hoặc là ông không thèm cãi; hoặc là ông tự thấy có cãi cũng không lại. Đầu đuôi thế này. Năm 1952-1953 khi cuộc kháng chiến chống Pháp liên tiếp thắng lợi, Chính phủ ta (VNDCCH) đã kịp cảnh báo toàn dân: Đế quốc Mỹ đang giúp thực dân Pháp kéo dài chiến tranh. Nếu Pháp đành bỏ cuộc, Mỹ sẽ thay thế Pháp tiếp tục xâm lược nước ta... Việc Mỹ giúp Pháp, dân Việt Nam thấy rõ nhất khi Pháp bị vây khốn ở cứ điểm Điện Biên Phủ. Pháp thua. Hiệp định Geneve (tháng 7-1954) chia đôi đất nước ta. Chính phủ “quốc gia” của Quốc trưởng Bảo Đại theo chân quân Pháp di chuyển vào miền Nam, kéo theo 1,1 triệu dân di cư; nhưng uy tín thì xuống dốc. Do vậy, Quốc trưởng Bảo Đại (đang ở Pháp) thấy cần có một thủ tướng mới, đã mời Ngô Đình Diệm (đang ở Mỹ) tới gặp và đạt được thỏa thuận (16-6-1954). Tuy nhiên, thú vị là Quốc trưởng thì thân Pháp, còn Thủ tướng thì thân Mỹ, liệu có thể gắn kết lâu dài với nhau?. Nhưng thú vị hơn, là ông Ngô Đình Diệm được vinh phong Việt gian trước thời hạn. Cụ thể, ngày 7-7-1954 ông mới lập Chính phủ; ngày 20-7-1954 các bên mới ký hiệp định Geneve, nhưng trước đó cả tháng, đã có quyết định phong ông là Việt gian. Quả là việc làm rất kịp thời.
Chú thích. Quyết Định phong Việt Gian cho ông Diệm được đăng trên báo Nhân dân 24 tháng 6 năm 1954; với cách hành văn rất đặc trưng của tờ báo này.
Nguyên văn: “Dưới thời thực dân Pháp trước đây, do tài luồn lọt bợ đỡ, Diệm từ chỗ một tên công chức nhỏ đã được cất nhắc dần dần lên tới tuần phủ. Thấy quan thầy chú ý, Diệm càng trổ tài khuyến mã, ra sức đàn áp cách mạng, áp bức nông dân, nên đến năm 1933 nó được quan thầy đặc cách phong chức thượng thư bộ Lại trong cái thứ triều đình mọt nát của Bảo Đại. Hồi phát xít Nhật xâm lược Đông Dương, địa vị thực dân Pháp lung lay, Diệm giở mặt thay thầy đổi chủ. Nó cử tên Vũ Đình Dy sang Đông Kinh thay mặt nó lạy van phát xít Nhật và xin cho nó cái chân thủ tướng bù nhìn. Nó lại cho tên tay sai Phan Thúc Ngô sang Nhật lần nữa mang cái “Lời thề trung thành” của nó tâu hỏi với phát xít Nhật và tên bù nhìn Cường Để, đồng thời định rước Cường Để về làm vua bù nhìn,.. Ngô Đình Diệm chính là một con chó săn lai Nhật, lai Tây, lai Mỹ chuyên thay thầy đổi chủ,…”.
Chú thích của chú thích. Tám chữ “đàn áp cách mạng” và “áp bức nông dân” cắt nghĩa cho khẩu hiệu “đả thực dân, bài phong kiến” nên rất hay được dùng, nhất là năm 1954 không khí cải cách ruộng đất còn hừng hực. Tuy vậy, 4 chữ nữa, là “gây nhiều tội ác” cũng phổ dụng không kém, nhưng báo Nhân dân lần này chưa dùng tới (có lẽ vì họ Ngô theo Công giáo nhiều đời và là nạn nhân của sự kỳ thị). Trong Quyết định nói trên, ta thấy rất nhiều hình dung từ mang tính thóa mạ. Đó là đặc trưng của loại văn phong “căm thù địch” – trước năm 1945 chưa bao giờ có. Dưới đây cũng cần làm rõ tên bù nhìn Cường Để là ai mà (nếu hắn) lên làm vua sẽ thành “bù nhìn” một lần nữa (bù nhìn của bù nhìn). Chó săn đã hiếm, chó săn lai rất hiếm, lai Nhật-Tây-Mỹ… càng hiếm. Rồi xem.
2 – Bán nước cho đế quốc Mỹ. Vị Việt gian này không thèm bán nước cho Tàu, hay cho Tây (như các vị “cổ điển” trước ông). Với Tàu, năm 1954 Tàu chưa lộ mặt muốn “mua nước” ta, thậm chí được ta coi là ân nhân. Phải đợi 20 năm sau mới rõ. Với Tây, ông Diệm chống lại từ 1933, được cụ Phan Bội Châu chứng nhận – sẽ nói ở dưới. Chỉ còn Mỹ, nhưng ông không bán nước cho Mỹ. Theo quan điểm của ta, ông bán nước cho đế quốc Mỹ. Đây là tên đế quốc được phong đặc cách, buộc phải nhận – để phục vụ một nhiệm vụ chính trị do phe ta giao cho.
Chú thích. Mỹ chỉ có một thuộc địa là Philippin. Trong Đại chiến II (1939-1945) Philipin bị Nhật chiếm. Khi Nhật đầu hàng (15-8-1945), lẽ ra Mỹ lấy lại Phillippin. Nhưng Mỹ đã trả lại độc lập cho Philippin và mạnh mẽ đề nghị các đế quốc khác cũng làm như vậy. Cứ tưởng Mỹ sẽ được khen “gương mẫu” vì mở ra thời kỳ xóa bỏ chế độ thực dân. Nhưng mà không. Một chục năm sau – khi phong cho Ngô Đình Diệm là Việt gian (1954), ta vẫn phong Mỹ là “đế quốc”. Tại sao vậy? Nguyên nhân là… nếu Mỹ không còn là đế quốc thì Mỹ cần quái gì “mua nước” nào? Nếu Mỹ không cần “mua nước” thì Ngô Đình Diệm không thể “bán nước”. Chả lẽ bán nước cho kẻ không cần mua nước? Bởi thế, 60 năm sau (2015), khi kỷ niệm ngày 30-4, ta vẫn nói và viết “đế quốc Mỹ”. Đây là ta nói nội bộ, nói với dân; chớ trong ngoại giao Việt-Mỹ, ta không bao giờ nói thế. Trời mà biết, đó là ta không nỡ nói (thương Mỹ), hay là không thèm nói (khinh Mỹ), hay là không dám nói (sợ Mỹ). Trời mà biết… Chỉ biết rằng “đế quốc Mỹ” thích làm phiền ta về nhân quyền.
3 – Bị “chửi cha”. Không một vị Việt gian bán nước nào bị bêu xấu từ đời ông-cha. Rêu rao khắp xóm để rủa xả từ cha ông đến hậu duệ là cách làm đặc bần-cố nông khi họ lâm vào tình huống mất gà. Các cụ sinh ra Gia Long và sinh ra Lê Chiêu Thống đều được yên nghỉ, siêu thoát. Chỉ có cha Việt gian Ngô Đình Diệm là bị lôi ra khỏi mồ. Bởi vậy, thời nay muốn xét đoán nhân vật này, cần phải đối chiếu tư liệu trước 1954 và sau 1954. Trước năm 1954, cha Ngô Đình Diệm chưa bị ai chửi, vẫn yên thân. Chỉ từ sau năm 1954 ông Ngô Đình Khả (1850 – 1925) mới bị xúc phạm. Thân thế, hành trạng của ông được nói khá đủ ở Wikipedia, nhưng muốn hiểu rõ về con người này vẫn cần khai thác thêm nhiều tư liệu từ nhiều nguồn khác nữa. Sinh trưởng trong một gia đình Nho học và Công giáo nhiều đời, dáng dấp thư sinh, nho nhã của ông còn giữ tới già trong những bức ảnh hiếm hoi thời đó. Ông được gia đình gửi học 8 năm về tiếng Pháp, tiếng Latin, thêm triết học, thần học ở trường Dòng Penang, Malaysia. Tất nhiên, ông không thành Linh mục, mà thành người phiên dịch thạo tiếng Pháp, Latin, Hán và Việt. Việc của ông là giúp tòa Khâm Sứ và Nam Triều hiểu nhau mỗi khi giao tiếp, trao đổi. Rất lâu về sau, ông mới bước vào ngạch quan lại – với chức vụ An phủ sứ, đứng đầu hành chính tỉnh Quảng Bình. Trước 1954, ông (cùng với Thượng thư Nguyễn Hữu Bài) được ca ngợi bằng hai câu: Đày vua không Khả; đào mà không Bài. Chả là, năm 1907 khi người Pháp nhận ra sự chống đối của vua Thành Thái, họ muốn có sự đồng tình của triều đình để thực hiện truất ngôi vua, nhưng duy nhất Ngô Đình Khả phản đối; dù sau đó ông bị mất chức. Sự việc được cô đọng thành 4 chữ “đày vua không Khả“, lưu truyền trong dân suốt nửa thế kỷ như một tiếng thơm. Sau 1954, một bài báo đã suy luận để cắt nghĩa 4 chữ trên theo cách rất sáng tạo. Câu (nguyên văn) trong bài báo này là: “sự thật thì thế nào? Sau khi “có công” cùng Nguyễn Thân đàn áp phong trào cần vương của cụ Phan Đình Phùng, Khả đã được Pháp đưa vào làm thượng thư để dò xét vua Thành Thái… (báo Nhân dân ngày 10 Tháng Một 1961) .
Xin ngừng ở đây. Vì mục tiêu của bài viết này chỉ nhằm nói rằng… Việt gian Ngô Đình Diệm bị “chửi cha”, chứ không định làm rõ những lời chửi là “đúng” (vạch trần sự xấu xa của ông Khả) hay là “sai” (tức vu cáo cho người đã chết).
Chú thích. Ngô Đình Khả bỗng dưng nổi danh, là nhờ Ngô Đình Diệm thành Việt gian (1954). Các bài lên án ông Khả không thiếu. Chúng góp phấn quan trọng để nền Giáo dục nước ta thành công trong dạy Lịch sử cho nhiều thế hệ liên tiếp. Không khó để tra cứu.
Dần dần, đã xuất hiện những bài thừa nhận “công” của ông Ngô Đình Khả (ví dụ, sáng lập trường Quốc Học ở Huế) nhưng sau đó vẫn chốt lại bằng “tội”. Rồi đến các bài khách quan hơn, đã thanh minh cho ông Khả về những cái “tội” rất vô lý. Có bài đưa cả cụ Hồ vào cuộc. Nhưng các từ điển, như Từ Điển nhân vật, có lẽ tương đối khách quan nhất, vì tác giả tuân theo các nguyên tắc khoa học và tự gắn danh dự vào nội dung mình đã viết ra. Bạn đọc nào quan tâm, rất dễ khai thác các nguồn tư liệu rất phong phú này.
4- Công giáo lâu đời. Cái nhãn “công giáo nhiều đời” duy chỉ Việt gian Ngô Đình Diệm mới có. Nó có thể bôi nhọ ông, nếu ta tra cứu trang Giao Điểm và nhiều trang tương tự. Đó là những trang kỳ thị Công giáo. Nhưng sẽ có lợi cho ông, nếu tra cứu những trang khác, đề cao đức tin, thiện căn của những tín đồ thuần thành: Họ không thể có ác tâm, vì trái với đạo.
Bài viết này không có mục tiêu làm sáng tỏ Đúng/Sai, giữa các quan điểm khen chê liên quan tới Công giáo; mà chỉ lưu ý rằng nếu triều Minh Mạng, Tự Đức… rất căm ghét Công giáo – cho đến khi mất nước – thì sau khi triều Nguyễn sụp đổ (1945) nếu vẫn tiếp tục nghi kỵ và kỳ thị Công giáo sẽ rất bất lợi cho sự nghiệp đoàn kết chung.
II. Quá khứ Việt gian Ngô Đình Diệm: Xấu đến mức nào?
- Bị mất chức vì bất đồng với Khâm Sứ Pháp
Khi tặng danh hiệu Việt gian cho ông Diệm, báo ta (đã nêu trên) nhắc đến năm 1933. Đây quả là cái mốc quan trọng. Đó là năm ông Diệm đang giữ chức Thượng thư triều vua Bảo Đại. Thực chất, triều đình Huế chỉ có “quyền rơm”, và quyền này chỉ khu trú ở Trung Kỳ; còn “quyền thật” ở Trung Kỳ nằm trong tay Khâm sứ (người Pháp). Ở Bắc Kỳ tuy có vị quan đại diện triều đình; nhưng “quyền thật” do quan Thống sứ (người Pháp) nắm giữ. Do thái độ cứng rắn với quan Khâm sứ, ông Diệm phải từ chức, hoặc bị cách chức. Wikipedia đã viết về sự kiện này, như sau:
Năm 1933, ông được bổ nhiệm Thượng thư Bộ Lại dưới triều vua Bảo Đại, là vị Thượng thư trẻ tuổi nhất trong triều Nguyễn lúc bấy giờ. Thời gian này ông được bầu làm Tổng thư ký Ủy ban cải cách và đã đề xướng hai điểm cần tu chính với chính quyền bảo bộ Pháp: một là thống nhất Trung và Bắc Kỳ theo Hòa ước Giáp Thân 1884 và hai là cho Viện Nhân dân Đại biểu Trung Kỳ được quyền tự do thảo luận các vấn đề kể cả chính trị. Việc thống nhất 2 kỳ chủ yếu để buộc chính quyền Bảo hộ Pháp bãi bỏ Khâm sứ Trung Kỳ và Thống sứ Bắc Kỳ và thu về thành một viện tổng trú sứ (résident général) ở Huế mà thôi. Việc thứ hai là để canh tân lối cai trị cũ. Vì không được chấp nhận, ông từ chức ngày 12 tháng 7 năm 1933. Điều đã làm cho ông Diệm nổi cơn thịnh nộ lên và sinh lòng bất mãn, chỉ vì ông Eugène Châtel, vừa nhậm chức khâm sứ Trung Kỳ, đã cùng với Phạm Quỳnh, Tổng lý Ngự tiền văn phòng, muốn bãi bỏ quyền xử án của các hàng quan lại địa phương
Việc bị cách chức (hay dám từ chức, mà bất cần khoản lương 40 cây vàng mỗi tháng) của ông Diệm đã được học giả Phan Khôi ca ngợi (đại ý): Ông Diệm phải kiên định chính kiến lắm mới bị như vậy. Khí tiết của ông có ảnh hưởng rất lớn tới “tâm thuật” của giới sĩ phu. Cụ Phan Bội Châu cũng có thơ tặng. Còn báo chí phe ta (sau 1954) lại cắt nghĩa sự việc trên bằng cách suy luận chắc nịch: Ông Diệm tranh ăn với ông Phạm Quỳnh, bị thua, do đó mất chức, về vườn. Ai tin, thì tin; ai không tin, thì thôi!
- Bí mật chống Pháp
Xin đọc tiếp Wikipedia về các hoạt động chống Pháp của ông sau khi bị cách chức thượng thư – cho tới khởi nghĩa 1945; trong đó có việc gia nhập tổ chức cứu quốc của hoàng thân Cường Để. Chỉ cần nhớ rằng, còn nhiều tư liệu khác về những hoạt động chống Pháp của ông, mà Wikipedia chưa nêu hết. Ví dụ, quan hệ giữa ông với cụ Phan Bội Châu.
- “Bù nhìn Cường Để” liên quan gì mà cũng bị “chửi”?
Bởi vì, khi phong Việt gian cho ông Diệm, một tờ báo miền Bắc đã “tiện thể” gọi luôn người đứng đầu một tổ chức yêu nước – mà ông Diệm tham gia – là “tên bù nhìn Cường Để“. Tư liệu về Cường Để thì đầy rẫy. Đem hai từ này (đặt trong ngoặc kép) hỏi google search, ta được tới 250000 kết quả tiếng Việt . Điều đặc biệt là nội dung các kết quả toàn khen Cường Để, chỉ có rất ít (như tờ báo nói trên) là chê. Chính cụ Phan Bội Châu (báo ta chưa dám chửi) là người thuyết phục Cường Để sang Nhật làm ngọn cờ tập hợp lực lượng yêu nước. Đây là vị hoàng thân (họ vua) thuộc dòng chính (Hoàng từ Cảnh) của triều Nguyễn. Trước khi sang Nhật, ông được phong tước Hầu, sống cao sang, được kính trọng. Ông chấp nhận dấn thân. Nếu thành công, ông chấp nhận quân chủ lập hiến và chủ nghĩa Tam dân (mà cụ Hồ cũng muốn áp dụng cho Việt Nam, thể hiện bằng 6 chữ: Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc). Tạm đủ, xin tóm tắt tổ chức của hoàng thân Cường Để, mà Ngô Đình Diệm là một thành viên quốc nội.
Việt Nam Phục quốc Đồng minh Hội
còn gọi là Phục quốc Hội –
Tôn Chỉ: Đuổi Pháp,khôi phục chủ quyền cho Việt Nam.
Lãnh tụ: Cường Để
Chủ tịch: Nguyễn Hải Thần
Thành lập: 12 tháng 3,1939
Giải thể: 1951
Trụ sở: Thượng Hải
Hệ tư tưởng: Chủ nghĩa tam dân
Thể chế chính trị: Quân chủ lập hiếnBan Chấp hành Trung ương của Hội:
Ủy viên Tổ chức: Vũ Hải Thu (Nguyễn Hải Thần)
Ủy viên Tài chánh: Trần Hữu Công (Nguyễn Thức Canh tức Trần Trọng Khắc)
Ủy viên Tuyên truyền: Trương Anh Mẫn (Nguyễn Thượng Hiền)
Ủy viên Ngoại giao: Trần Hy Thánh (Trần Văn An, còn có tên tiếng Nhật là Shibata)
Ủy viên Huấn luyện: Hồ Học Lãm
Ủy viên Nội vụ và Nghiên cứu: Hoàng Nam Hùng
Tổng Thư ký: Đặng Nguyên Hùng.
Lực lượng trong nước:
Hoàng Nam Hùng được bổ nhiệm tập hợp nhân sự ở Trung Hoa;
Mai Văn Thông ở Xiêm; Trần Quang Vinh, Trần Văn Ân ở Nam Kỳ;
Ngô Đình Diệm, Phan Thúc Ngô ở Trung Kỳ;
Dương Bá Trạc, Nguyễn Xuân Chữ, Lê Toàn ở Bắc Kỳ.
III. Việt gian không bán nước, mà chống Cộng!
- Hành trình Việt gian
Ông Diệm chống thực dân Pháp, từ năm 1933 đến 1945: nhiều tư liệu đã nói đủ.
Nhưng từ năm 1945 về sau, chính kiến và hành động của ông ra sao?
– Sau khi đảo chính Pháp (tháng 3-1945), người Nhật tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam, vua Bảo Đại mời Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng, nhưng không hiểu vì sao đợi tới 3 tuần mà ông Diệm không tới Huế để bày tỏ ý kiến; vua bèn chọn ông Trần Trọng Kim lập Chính phủ. Wikipedia (về ông Kim) đã xác nhận như vậy. Có nhiều suy đoán: 1) Người Nhật không chuyển lời mời tới ông; vì họ không sử dụng con bài Cường Để nữa; 2) Ông nhận được lời mời, nhưng không muốn làm Thủ tướng vì lẽ ra ngôi vua phải dành cho hoàng thân Cường Để; 3) Hoặc ông nhận ra, Nhật sắp thua; chính phủ quốc gia không có tương lai, vì sắp phải đương đầu với Việt Minh (Việt Minh rất mạnh và không chấp nhận hợp tác).
– Sau khi Việt Minh giành được chính quyền, cụ Hồ cũng mời ông làm Thủ tướng – như tài liệu Mỹ mà Wikipedia dẫn ra. Dịp này, ông hỏi cụ Hồ: vì sao Việt Minh giết anh ruột và cháu ruột ông (?); cụ Hồ cho rằng đó là một sai lầm, đáng tiếc. Tuy nhiên, những yêu cầu mà ông đề xuất vẫn không được cụ Hồ đáp ứng, ông không thể nhận làm Thủ tướng.
– Về sau, khi Bảo Đại (từ bỏ chức “cố vấn tối cao” cho Chính phủ VNDCCH), “chạy” sang Hồng Công, ông Diệm sang tận nơi trao đổi và thuyết phục nhà vua về con đường tranh đấu và mục tiêu tương lai; nhưng rồi nhà vua không thực hiện được những gì đã trao đổi. Do vậy, ông không cộng tác.
– Năm 1954, tình hình biến chuyển nhanh. Đầu năm, khi Pháp gặp khó ở Điện Biên Phủ, ông được Bảo Đại khẩn khoản mời làm Thủ tướng, ông vẫn từ chối. Giữa năm 1954, Pháp thua ở Điện Biên Phủ, ngày 4/6/1954, Pháp ký với Quốc gia Việt Nam hiệp ước trao trả hoàn toàn độc lập. Được vậy, ngay 12 ngày sau (16/6/1954), Ngô Đình Diệm đồng ý về nước làm Thủ tướng, với điều kiện Chính phủ của ông được toàn quyền về chính trị, quân sự.
– Tháng 10 năm sau (1955) sau một cuộc trưng cầu dân ý, Quốc trưởng Bảo Đại (thân Pháp) bị phế truất – lưu vong đến cuối đời ở Pháp – Tổng thống Ngô Đình Diệm (thân Mỹ) lên thay.
- Dứt khoát không bán nước
– Khó kiểm chứng và không cần kiểm chứng.
– Có những câu lưu truyền một thời, nhưng không thể kiểm chứng. Ví dụ, câu “ông Diệm là người yêu nước theo cách của ông ấy“. Nội dung, câu này không sai (nếu ta thừa nhận có nhiều cách thể hiện lòng yêu nước). Nhưng bảo rằng đây là câu nói “miệng” của cụ Hồ, thì không ai tìm được bằng chứng. Câu “biên giới của Hoa Kỳ lan tới sông Bến Hải” (hàm ý: sáp nhập Việt Nam vào Mỹ) rõ ràng mang tính “bán nước” (dù chỉ là trên giấy). Nhưng có ý kiến bảo rằng đó là sự xuyên tạc câu nói “miệng” của ông Diệm: “Biên giới của thế giới tự do lan tới sông Bến Hải” (hàm ý, VN gia nhập thế giới tự do). Cũng không thể kiểm chứng. Dù vậy, nhưng những câu trên nếu “vận” vào ông Diệm, đều rất khớp, rất trúng. Ông chính là người như vậy.
Tuy nhiên, chẳng cần những câu lưu truyền, vẫn đủ tư liệu khả tín nói lên con người Ngô Đình Diệm, không phụ thuộc vào bên này khen, hay bên kia chê.
– Những câu khác, sau này xuất hiện nhan nhản trên báo chí ta ở miền Bắc, ám chỉ giữa ông Diệm với bà Lệ Xuân có quan hệ bất chính, đều là nói bậy. Và rất dễ kiểm chứng. Tới 1945 cụ Hồ mới đề cao Cần, Kiệm, Liêm, Chính; chứ ông Diệm là hiện thân của 4 mỹ tự này từ khuya rồi. Không thiếu sự việc nói lên cuộc sống thanh bạch và khắc khổ của ông. Cũng rất dễ kiểm chứng.
– Uy vũ bất năng khuất.
Các nước XHCN (triệu lần dân chủ) chưa quen với quy định toàn dân bầu Tổng thống (dân chủ trực tiếp). Cách bầu này khiến Tổng thống có quyền hành rất lớn (so với cách Quốc hội bầu Chủ tịch nước; trong đó đảng cầm quyền giới thiệu “nhõn” một ứng cử viên để mọi người sáng suốt lựa chọn); nhưng tổng thống cũng dễ bị đánh đổ ở lần bầu sau, nếu dân không vừa ý (so với Chủ tịch nước – sẽ không thể bị “đổ” nếu đảng cầm quyền vẫn giới thiệu ứng cử viên cũ).
Ông Diệm được bầu lên bằng tổng tuyển cử, do vậy là Tổng thống đầy quyền hành. Ông thân Mỹ. Nếu muốn “bán nước” cho Mỹ, ông có nhiều thuận lợi. Nhưng – trong nhiều năm làm Tổng thống – ông dứt khoát không đồng ý cho Mỹ đưa quân vào Việt Nam, mặc dù Mỹ là dùng đủ cách – từ nài nỉ, vận động, thuyết phục, tới áp lực và đe dọa. Rốt cuộc, Mỹ không dọa suông. Mỹ bật đèn xanh cho một cuộc đảo chính, giết ông (1963). Té ra, nói ông bán nước cho Mỹ là nói bậy? Mỹ mua cá nhân ông còn không nổi, nói gì mua cả nước của ông. Tuy ông phải nhờ cậy Mỹ, nhiều mặt phụ thuộc vào Mỹ; nhưng đối diện Mỹ, ông vẫn cố giữ độc lập đến tối đa. Điều này, ông có lẽ ông bắt chước Chính phủ của cụ Hồ khi đối diện các nước anh em (Xô, Trung).
– Việt gian và “Việt ngay”.
Nếu chúng ta coi là Quy luật cái câu: Nay (sau năm 1917) là thời đại loài người tiến lên CNXH… (như Cương lĩnh nêu), thì đương nhiên chúng ta phải chấp nhận định nghĩa sau: Yêu nước trong thời đại này đồng nghĩa với yêu CNXH (mà phải là CNXH của Lênin và Stalin cơ). Nó hợp với xu thế chung, tiến bộ. Làm ngược lại, là phản động. Nếu đem định nghĩa này áp dung cho ông Ngô Đình Diệm, thì ông đúng là Việt gian “ghét CNXH” – đồng nghĩa với “ghét nước”. Nghe cứ thấy chướng tai thế nào ấy. Cứ cái đà này mà suy, thì chúng ta là “Việt ngay” ghét CNTB… Đúng, nhưng cứ thấy lạ tai.
Rốt cuộc, “ngay” hay “gian” là do đối lập nhau về ý thức hệ. Cùng yêu nước, nhưng khác nhau về ý thức hệ, sẽ không thể chấp nhận nhau. Sau năm 1917 các cuộc nội chiến ở Nga, Trung, Triều, Afganistan… là chiến tranh ý thức hệ, trong đó một bên nhận là “ngay”, gọi bên kia là “gian”.
IV. Chuyện ý thức hệ
Trước đây, Việt Gian cùng ý thức hệ với kẻ xâm lược (nho giáo). Lê Chiêu Thống cùng ý thức hệ với Tôn Sĩ Nghị và vua Càn Long. Về sau có khác. Việt gian hay Việt ngay phân biệt bằng ý thức hệ. Cụ thể là CNXH hay CNTB. Trước kia, mâu thuẫn ý thức hệ giải quyết bằng chiến tranh (nóng và lạnh). Nay, thời thế đã khác (toàn cầu hóa và hòa nhập) cách giải quyết ngày càng ôn hòa. Nhưng về ý thức hệ thì phải rạch ròi. Nếu không, là suy thoái tư tưởng và tự diễn biến (!).
Chú thích. Bởi vậy, ở Việt Nam không được phép quên rằng: Con người XHCN mà chúng ta muốn đào tạo, ngoài tiêu chuẩn “yêu CNXH”, nhất thiết phải có tiêu chuẩn “ghét CNTB” – mà phải là ghét cay, ghét đắng. Ngại nhất là thế hệ trẻ, bị tiêm nhiễm khi du học hoặc qua internet, cứ ca ngợi CNTB. Các cháu không biết rằng trước đây là chuyện sống hay chết. Đâu phải chuyện đùa.
Cái thời Ngô Đình Diệm khác hôm nay. Khoảng cách đã là nửa thế kỷ, tức là hai thế hệ đã lùi vào quá khứ. Thời đó, ông Diệm và đối thủ về ý thức hệ của ông đã không giấu diếm chủ kiến của mình. Khi chính thức trở thành Tổng thống, ông thực hiện chống Cộng công khai, triệt để và rất cực đoan. Ông rất ý thức rằng đối thủ về ý thức hệ sẽ không để ông yên. Chỉ có một kết quả sau xung đột: Một mất, một còn. Chớ mà, các đối thủ cát cứ ở miền Nam (giáo phái, dân tộc) ông dẹp dễ dàng. Nhưng té ra, thế lực trực tiếp không để ông yên lại là Mỹ. Cùng chống Cộng, nhưng Mỹ muốn ngay lập tức đổ quân vào miền Nam, lập các căn cứ (như ở Nhật, Hàn, Đài Loan…) còn ông thì tìm mọi cách trì hoãn, thoái thác. Chết là do quá kiên định (hay quá ngoan cố).
Giả sử, nếu ngay trong thập niên 1950, Ngô Đình Diệm đồng ý cho Mỹ lập nhiều căn cứ quân sự (như ở Nhật, Hàn…) thì tình hình sẽ ra sao? Liệu có xảy ra chiến tranh 2 miền? Nếu không có chiến tranh (thi đua hòa bình) liệu miền Nam nước ta có thành một “Nam Hàn”? Và miền Bắc thêm 20 năm thoát chiến tranh, liệu sớm đi lên CNXH? Thật khó đoán.
Thật may mắn, Việt Nam đã thống nhất. Nghĩa là chúng ta đã có Độc Lập. Chỉ cần thêm Tự Do và Hạnh Phúc là thành thiên đường. Dự đoán lạc quan nhất do Tổng bí thư đưa ra: Cuối thế kỷ. Cháu nào sinh năm 2015 chỉ cần đợi đến 85 tuổi là được… lên thiên đường.
N.N.L.
Nguồn: Nghiên cứu lịch sử