Dưới đây là phần trình bày sau phần luận cứ pháp lý bào chữa cho bà Cấn Thị Thêu và ông Trịnh Bá Tư bị truy tố với tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 117 Bộ luật Hình sự, trong phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm vào ngày 05/05/2021 của TAND Tỉnh Hòa Bình
——-//——-
Trước khi kết thúc phần bào chữa của mình, tôi xin phép lạm dụng thêm vài phút quý báu của Hội đồng xét xử để thưa thêm đôi điều.
Sáng nay, trong phiên tòa, tất cả chúng ta đều chứng kiến thái độ uất ức cực độ của hai thân chủ chúng tôi thể hiện trước tòa. Đến mức độ đã có những lời phát biểu không còn bất kỳ sự kiêng dè như thường thấy. Nhất là đối với phần xác định về yếu tố nguyên nhân, là phần mà chính chủ tọa phiên tòa đã chủ động gợi mở và đồng nghiệp của chúng tôi là LS Lê Văn Luân đã nỗ lực làm rõ hơn về nội dung ấy trong phần tham gia xét hỏi.
Cho thấy, nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là về chính sách đất đai, cụ thể là chính sách đền bù giải tỏa về nhà đất của người dân mà hai thân chủ chúng tôi tin rằng chính mình đã là nạn nhân trực tiếp. Do đó, họ đã đồng cảm với người dân Đồng Tâm vì cùng cảnh ngộ với nhau, nên đã lên tiếng để thông tin, để bênh vực…
Nếu chính sách đền bù giải tỏa nhà đất cho người dân công bằng, bảo đảm cuộc sống cho họ sau khi bị giải tỏa, thì đã không có những Dương Nội, Đồng Tâm, Tiên Lãng, Văn Giang, Thủ Thiêm hoặc Vườn Rau Lộc Hưng … và những đoàn dân oan tập trung ở Hà Nội.
Do đó, nếu phiên tòa này chỉ đóng khung trong phạm vi xét xử về hành vi bị cho là vi phạm pháp luật “Tuyên truyền chống nhà nước” thì chưa đủ. Những người tiến hành tố tụng chưa làm tròn trách nhiệm lương tâm của mình. Mà cần phải có sự phản ánh về nguyên nhân của vụ án đến các cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh chính sách đất đai, bảo đảm quyền lợi chính đáng, công bằng cho người dân. Để chúng ta không còn phải chứng kiến những Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư khác phải ra tòa nữa.
Cảm ơn Hội đồng xét xử đã rất kiên nhẫn, chịu khó lắng nghe phần bào chữa dài dòng của chúng tôi.
Bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư tại phiên tòa ngày 5/5/2021 ở tỉnh Hòa Bình. Photo TTXVN
Các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng phản đối phiên tòa xét xử và bản án của chính quyền Việt Nam đối với nhà hoạt động Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư ngay sau khi một tòa án ở tỉnh Hòa Bình tuyên mỗi người 8 năm tù và 3 năm quản chế.
Hôm 5/5, bà Emerlynne Gil, Phó Giám đốc Khu vực của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), cho biết trong một thông cáo: “Việc kết tội này là một sự phản bội công lý. Bà Cấn Thị Thêu và con trai của bà, Trịnh Bá Tư, là những nhà bảo vệ nhân quyền dũng cảm nên lẽ ra phải được chính phủ Việt Nam bảo vệ, không bị sách nhiễu hay giam cầm.”
Việc kết tội này là một sự phản bội công lý.
Bà Emerlynne Gil thuộc tổ chức Ân xá Quốc tế
“Lẽ ra ngay từ đầu không nên bắt bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư, chứ đừng nói đến chuyện kết tội họ với những cáo buộc ngụy tạo,” người đại diện Ân xá Quốc tế cho biết thêm.
Tổ chức này cho rằng rõ ràng hai mẹ con bà Thêu đã bị trừng phạt để trả đũa cho hành động ôn hòa của họ nhằm phơi bày những bất công và vi phạm nhân quyền.
“Đáng buồn thay, ở Việt Nam, hoạt động bảo vệ nhân quyền ôn hòa đủ để đối mặt với án tù dài hạn,” bà Gil nói.
Tương tự, tổ chức nhân quyền Article 19 hôm 5/5 ra thông cáo cho biết việc kết án một bà mẹ và con trai Việt Nam vì hoạt động ủng hộ nhân quyền của họ cho thấy rõ sự đàn áp đang diễn ra đối với xã hội dân sự
Ông Matthew Bugher, Trưởng chương trình Châu Á của tổ chức Article 19, nói: “Bản án hôm nay là một đòn mạnh khác đối với nền tự do Internet ở Việt Nam. Với mỗi lần kết tội một người bảo vệ nhân quyền, Việt Nam lại khẳng định vị thế là một trong những kẻ thù hàng đầu của quyền tự do ngôn luận trên thế giới.”
Bản án hôm nay là một đòn mạnh khác đối với nền tự do Internet ở Việt Nam.
Ông Matthew Bugher thuộc tổ chức Article 19
Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Người Bảo vệ Nhân quyền hôm 5/5 ra một tuyên bố chung cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng việc bắt giữ bà Thêu cùng hai con trai của bà là độc đoán chỉ vì các hoạt động nhân quyền ôn hoà của họ.”
“Họ bị biệt giam trong giai đoạn điều tra, không có sự chứng kiến của luật sư trong các cuộc hỏi cung, và bị đối xử vô nhân đạo thậm chí đe doạ bởi cán bộ của cơ quan tố tụng, như anh Tư khẳng định trong phiên toà. Thêm vào đó, chúng tôi cho rằng các hoạt động nhân quyền của gia đình bà Thêu không vi phạm luật pháp Việt Nam, và phiên toà này không bảo đảm tính công bằng trong xét xử.”
Bà Thêu và anh Tư bị bắt và khởi tố vào tháng 10/2020 với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.
Hai tổ chức này kêu gọi Quốc hội Việt Nam xoá bỏ Điều 117 cùng nhiều điều khoản khác trong phần an ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự vốn được sử dụng để dập tắt tiếng nói phản biện ôn hoà và khuyến nghị rằng Việt Nam cần nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế về nhân quyền. để phát triển bền vững.
Ngay trước phiên tòa, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã phát đi thông cáo báo chí, kêu gọi chính quyền Việt Nam thả ngay lập tức bà Thêu và hai con trai – anh Trịnh Bá Phương cũng bị bắt và đang chờ xét xử – đồng thời bãi bỏ mọi cáo buộc đối với họ.
Ông John Sifton, Giám đốc vận động khu vực châu Á của HRW phát biểu: “Bà Cấn Thị Thêu và gia đình bà là những người bảo vệ nhân quyền dám lên tiếng ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam nên lắng nghe những người như gia đình dũng cảm này, không nên ném họ vào tù.”
Các tổ chức nhân quyền kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ “bản án oan” này ngay lập tức và trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư vì cho rằng họ bị chính quyền kết án chỉ vì thực hiện các quyền con người một cách ôn hòa.
Nguồn: VOA Tiếng Việt