Nhà hoạt động Cấn Thị Thêu và con trai bị tuyên án tổng cộng 16 năm tù

Gia đình quốc dân!

Có thể là hình ảnh về 2 người, mọi người đang đứng và ngoài trời

Họ và Tên: “Tên tôi là nạn nhân Cộng Sản”.

Đó là câu trả lời Mẹ con Cấn Thị Thêu khi phiên toà bắt đầu sáng nay.

Kết thúc phiên tòa, bản án tuyên sơ thẩm bà Cấn Thị Thêu và ông Trịnh Bá Tư bằng nhau mức hình phạt 8 năm tù giam, 3 năm quản chế.

Một người phụ nữ bị đẩy đến đường cùng của xã hội bị cướp đất, một nạn nhân của chế độ.

Một thanh niên hiền lành, một gia đình luôn đứng về người yếu thế trong xã hội, đấu tranh đòi công bằng cho xã hội, một gia đình lên tiếng bất công xã hội và đòi chủ quyền biển đảo Việt Nam!

Gia đình gương mẫu như thế,mà bị bỏ tù lần thứ 3, và bắt cả 3 mẹ con cùng một lúc. Oan khiên hơn, phải đứng cạnh nhau giữa toà.

Một chế độ tận cùng man rợ.

Gia đình này có tên là Gia đình Quốc dân!

Phạm Minh Vũ

***

Tên tôi là nạn nhân cộng sản!

Bắt đầu phiên toà, khi được hỏi họ tên để xác định lý lịch, bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư đã điềm nhiên trả lời :

-Tên tôi là Nạn Nhân Cộng Sản!

Đây là câu chuyện được luật sư Đặng Đình Mạnh kể lại giữa giờ nghỉ trưa.

Tôi rất cân nhắc khi phê phán và cả khi khen ngợi ai đó. Nhưng gia đình bà Cấn Thị Thêu xứng đáng được ca ngợi là một “Biểu tượng Tự do, biểu tượng tinh thần Việt”. Sự quả cảm của họ thật sự mang lại niềm khích lệ và là nguồn cảm hứng lớn lao cho những người đấu tranh chống độc tài.

Phạm Thanh Nghiên

***

Bà Cấn Thị Thêu, và con trai là anh Trịnh Bá Tư, mỗi người chịu 8 năm tù và 3 năm quản chế

Tin đưa ra từ tòa án vào lúc 17g. Không có tiếng khóc lóc van xin và đòi cứu xét, chỉ có ánh mắt lạnh như băng và nụ cười nhạt của hai người nông dân Việt Nam.

Trước đó, có tin nói là, phía điều tra viên đã đề nghị bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư rằng nếu bộc lộ thái độ nhận tội và xin khoan hồng, thì sẽ có mức án 6 năm, còn nếu không là sẽ 8 năm. Thế nhưng cả 2 người này đều từ chối bất kỳ một thỏa hiệp nào.

Theo mô tả của luật sư Đặng Đình Mạnh, vào buổi bắt đầu phiên tòa khi thư ký tòa xác định tên, Bà Thêu và cậu con trai đã đều nói rằng tên của mình là “nạn nhân của chế độ Cộng sản”.

Luật sư Mạnh kể rằng lúc đó ông đã ứa nước mắt vì cảm thấy xấu hổ, bởi ông nghĩ rằng mình cũng không thể có được một sức mạnh tinh thần như hai người nông dân này.

Có thể là hình minh họa về 1 người

——–

Ngày hôm nay, 5-5, chị Cấn Thị Thêu ra tòa cùng Trịnh Bá Tư. Họ gọi chị là “tàng trữ vật phẩm, tài liệu để chống nhà nước”, loại tội danh chỉ thay đổi tên gọi và cách diễn đạt, nhưng nội dung thì vẫn ấu trĩ như thời thế kỷ 20: có một cái radio nhiều băng tần ở miền Bắc trong thời chiến tranh Việt Nam, có thể bị ghép tội là nghe đài địch, hoặc như ông Lộc Vàng ở Hà Nội, hát dăm ba bài tiền chiến thì bị áp tội đi tù là ru ngủ thế hệ trẻ.

Khác với những năm trước, không khí xã hội hôm nay nặng nề với nhiều vụ bắt giữ theo Luật An ninh mạng đã khiến tin tức về phiên tòa này không đến được với nhiều người, hay ít người dám chia sẻ những thông tin như vậy.

Hình ảnh những người nông dân ở ven trung tâm Hà Nội kéo đến xem phiên tòa, bị xô dạt ra các vỉa hè nhưng vẫn cầm chặt trên tay những biểu ngữ ủng hộ cho chị Cấn Thị Thêu và con trai là Trịnh Bá Tư, bày ra một nỗi cô đơn và uất nghẹn khủng khiếp của tiếng kêu đòi công lý.

Sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật, đều là đích đến của hầu hết tất cả những người dân thấp cổ bé miệng, những người có niềm tin tối thiểu vào một chính quyền trên đất nước mình, thế nhưng ở gần nửa thế kỷ 21, những thứ đó có sức dịch chuyển bí ẩn nào đó, mà khi họ cố với tay chạm đến thì lại luôn bị đưa vào hoàn cảnh trở thành tội phạm, theo ánh nhìn của nhà cầm quyền.

Những tội phạm ấy có thể bị bắn chết ngay tại ngôi nhà của mình, bất luận họ bao nhiêu tuổi và tật nguyền thế nào. Những người bất đồng với những điều như vậy, kể cho mọi người nghe, cũng có thể trở thành tội phạm.

Luật pháp được diễn giải theo lời của kẻ mạnh, luôn khác với luật pháp nằm trong mơ ước của nhân dân về một chế độ tử tế.

Ngày mai, hay một ngày nào đó, khi luật pháp thực sự trở thành một thành trì để bảo vệ con người, mãi mãi sẽ không bao giờ người ta có thể quên những cái tên như chị Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm… vì họ là những viên gạch đầu tiên can trường nhất.

Những bản án càng dài, là những tiếng vọng thật lâu về sự thật và lịch sử trên đất nước này, để nhiều thế hệ sau, còn nghe và còn nhìn thấy.

Khanh Nguyen

Nhà hoạt động Cấn Thị Thêu và con trai bị tuyên án tổng cộng 16 năm tù

Bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư tại toà án tỉnh Hoà Bình hôm 5/5/2021. Báo Hoà Bình

Tòa án tỉnh Hòa Bình vào chiều ngày 5/5 tuyên nhà hoạt động Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư mỗi người tám năm tù và ba năm quản chế với cáo buộc tội ‘làm, tàng trữ, phán tán tài liệu tuyên truyền chống Nhà nước’ theo điều 117 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015.

Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong bốn luật sư tham gia bào chữa cho bà Cấn thị Thêu và Trịnh Bá Tư tại phiên xử, cho Đài Á Châu Tự do biết về kết quả phiên xử và một số nội dung liên quan:

Tòa tuyên 8 năm tù và 3 năm quản chế cho mỗi người. Điều này không nằm ngoài dự kiến.

Cả hai người đều chuẩn bị tốt cho phiên tòa; họ điềm đạm, kiên định, mạnh mẽ. Tôi từng tham gia nhiều vụ án chính trị nhưng chưa thấy ai như họ.”

Thông tin từ gia đình cho biết cô Trịnh Thị Thảo, con gái bà Thêu và là chị của Trịnh Bá Tư cùng cô Đỗ Thị Thu, con dân bà Thêu, vợ Trịnh Bá Phương, được cho vào dự phiên xử. Ông Trịnh Bá Khiêm, chồng bà Thêu và cha của Trịnh Bá Tư không được vào dự với lý do không có giấy căn cước; tuy nhiên theo ông thì ông đang làm giấy này.

Cô Trịnh Thị Thảo và luật sư Đặng Đình Mạnh đều viết trên Facebook cá nhân về những đáp trả của bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư tại tòa. Khi được hỏi họ, tên, cả hai đều trả lời ‘tên tôi là nạn nhân cướp đất’. Cả hai cho rằng chính quyền không đại diện cho người dân mà tiến hành cướp bóc khắp từ Bắc vào Nam.

Ngoài ra, bà Cấn Thị Thêu cho biết bà bị giam chung phòng với người bị nhiễm HIV và khi họ đánh nhau bà có can ngăn và bị chảy máu nên yêu cầu được đi xét nghiệm phơi nhiễm; nhưng trại giam không cho. Bà cho biết phòng giam rộng 7 m2 và giam 10 người.

Anh Trịnh Bá Tư nói trước tòa anh bị kiểm sát viên có tên Vũ Bình Minh chửi rủa và một điều tra viên cho biết nếu nhận tội án sẽ ở mức sáu năm, còn không sẽ bị tám năm tù.

Khi được tòa hỏi về các video clip liên quan vụ Đồng Tâm mà công an cho rằng chúng gây hoang mang cho người dân, cả hai trả lời họ muốn nói lên sự thật khách quan, tố cáo tội ác cho cả nước và thế giới biết nhằm ngăn chặn việc làm sai trái của các quan chức.

Bà Cấn Thị Thêu và hai con trai Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư cùng một người dân Dương Nội khác là Nguyễn Thị tâm bị bắt giữ vào ngày 24/6/2020.

Họ là những người tích cực đưa tin về vụ Đồng Tâm từ phía người dân trong cuộc.

Bà Cấn Thị Thêu từng bị tù hai lần vào năm 2014 và 2016 do kiên định đấu tranh giữ đất tại làng Dương Nội bị chính quyền địa phương thu hồi và giao cho công ty tư nhân một cách phi pháp.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

This entry was posted in Cấn Thị Thêu, Dân oan, Đàn áp CS, tù nhân lương tâm. Bookmark the permalink.