Ngày 01/05: Luật Lao động VN chấp nhận các tổ chức đại diện công nhân tới đâu?

T. K. Trần

Gửi bài từ Stuttgart, Đức

Chẳng nhẽ nhà nước Việt Nam lại tự ngáng chân mình khi cho phép thành lập tổ chức đại diện ngoài vòng kiểm soát của họ?

Không phải vậy. Chúng ta hãy xem lại nhận định của chính phủ Việt Nam viết trên trang mạng chính thức của Quốc hội:

“…những nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến tổ chức đại diện người lao động… là ở mức độ vừa đủ, đáp ứng đồng thời các yêu cầu: vừa tạo điều kiện thúc đẩy, tăng cường vai trò, vị thế và hiệu quả hoạt động của công đoàn thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; vừa tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm hoạt động lành mạnh trong phạm vi quan hệ lao động tại cơ sở của tổ chức đại diện người lao động…; vừa bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế…”.

Thế là rõ. Có thể diễn giải rộng thêm là Bộ luật Lao động chủ yếu là để thúc đẩy hoạt động tăng cường sức mạnh của Công đoàn nhà nước.

Các tổ chức đại diện độc lập được phép thành lập do sức ép của các cam kết quốc tế sẽ chỉ được hoạt động trong khuôn khổ cho phép.

Con đường mới được mở ra cho các tổ chức người lao động tại doanh nghiệp có quá nhiều chướng ngại vật, khó lòng vượt qua.

Phù phép để cam kết trong các hiệp định quốc tế trở thành vô hiệu sẽ không lừa dối được thế giới, sẽ làm lòng tin của thế giới vào Việt Nam bị triệt tiêu.

Điều này rõ ràng là hại bất cập lợi cho tiền đồ đất nước.

Bộ luật Lao động cần phải được điều chỉnh thêm nữa, nếu nhà nước Việt Nam thực tâm muốn các tổ chức độc lập tham gia vào việc bảo vệ người lao động và muốn thi hành nghiêm túc các cam kết quốc tế.

Ngày 20 tháng 11/2019 Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội Việt Nam thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Bộ luật mới cải thiện cơ sở pháp lý cho quan hệ lao động, điều kiện làm việc và đáng chú ý hơn cả là cho phép thành lập hoặc tham gia một tổ chức đại diện người lao động khác Công đoàn Việt Nam, vốn là tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Công nhân VN

Công nhân Việt Nam – hình minh họa

Điều 178 của Bộ luật Lao động quy định tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể với chủ xí nghiệp, quyền đối thoại tại nơi làm việc, được tham khảo ý kiến về nhiều vấn đề liên quan tới lợi ích người lao động và nhất là được tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của Bộ luật này.

Trên lý thuyết, quyền và nghĩa vụ của tổ chức đại diện người lao động theo luật Lao động là đủ để kích hoạt hoạt động của tổ chức khi cần thiết. Việc thành lập, tham gia tổ chức đại diện người lao động là khả thi, sau khi hội đủ một số điều kiện.

Song liệu sự hiện diện của một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp ngoài Công đoàn của nhà nước có là đảm bảo cho quyền lợi của người lao động?

“Rằng hay thì thật là hay, nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”

Điều 68 của Bộ luật Lao động quy định điều kiện mà các tổ chức đại diện cần phải có để có thể thay mặt cho người lao động thương lượng tập thể với chủ doanh nghiệp:

– Thứ nhất, phải có số lượng thành viên với một tỷ lệ tối thiểu trên tổng số người lao động trong doanh nghiệp;

– Thứ hai, nếu có nhiều tổ chức thì tổ chức nào có nhiều thành viên nhất mới được thương lượng tập thể;

– Thứ ba, nếu các tổ chức không có đủ số thành viên như điều kiện 1 đòi hỏi thì có thể kết hợp với nhau để đáp ứng đủ điều kiện cần thiết.

Về tỷ lệ số thành viên cần thiết (điều kiện 1) thì cho tới nay, nhà nước bỏ lửng, chưa nói tới. Song cũng có tiếng nói trong giới khoa bảng nhà nước „kiến nghị” tỷ lệ phải là 50% của toàn thể người lao động trong xí nghiệp (xem nguồn). Đòi hỏi tỷ lệ 50% là gián tiếp loại bỏ những tổ chức độc lập nhỏ. Chỉ còn Công đoàn nhà nước có thể đáp ứng được.

Ở các nước Phương Tây, tỷ lệ đòi hỏi này rất thấp. Ví dụ như ở Hungary, một quốc gia đã từng đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, là 10% (nguồn EU). Nếu tổ chức nào được tín nhiệm của 10% người lao động là đã có thể yêu cầu thương lượng tập thể.

Tỷ lệ tương đối thấp này cho phép các tổ chức nhỏ, cũng có cơ hội hoạt động. Còn để một thỏa thuận lao động tập thể có hiệu lực cũng cần có trên 50% tổng số người lao động đồng ý, ở Hungary cũng như ở Việt Nam.

Về điều kiện thứ 2: Nếu không tổ chức nào đáp ứng được điều kiện 1 thì chỉ có tổ chức có số thành viên nhiều nhất mới được yêu cầu thương lượng tập thể.

Điều kiện này cũng rõ ràng là tạo thuận lợi cho tổ chức Công đoàn của nhà nước. Vào thời điểm hiện tại, số thành viên của Công đoàn nhà nước Việt Nam lên tới hơn 10 triệu người.

Công ty giày Huê Phong

Công ty giày Huê Phong – báo VN hồi 2020 nói công ty này phải sa thải nhân công vì dịch Covid tác động xấu đến kinh doanh

Các tổ chức khác của người lao động vẫn đang bị cấm đoán, con số thành viên chính thức là số không. Tất nhiên là chỉ có Công đoàn Việt Nam được thương lượng với chủ nhân, kết quả như thế nào thì ta cũng có thể hình dung được. Các tổ chức đại diện khác, ít ra là trong giai đoạn đầu, chỉ được đóng vai trò trang trí.

Ở các nước Phương Tây cũng có quốc gia đã đặt điều kiện tương tự là quyền thương lượng dành cho tổ chức có đông thành viên nhất, ví dụ như ở CH Czech, sau giai đoạn chuyển đổi khỏi thể chế XHCN.

Thế nhưng điều này đã gây tranh cãi. Cuối cùng vào tháng 3 năm 2008, Tòa Hiến pháp CH Czech đã ra phán quyết là điều kiện này bất hợp lệ, vi phạm Hiến pháp.

Theo tôi, Việt Nam cũng cần phải thẩm định lại vấn đề điều kiện thứ 2. Lý do là điều kiện này mâu thuẫn với điều 178 không ấn định hạn chế quyền thương lượng tập thể của các tổ chức đại diện.

Ta hãy xem thêm một số vấn đề khác trong Bộ luật Lao động mới này.

Điều 170 quy định người lao động có quyền gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (khoản 2). Họ cũng được tham gia hoạt động của Công đoàn nhà nước (khoản 1). Không có khoản nào cấm sự tham gia chồng chéo cả hai hình thái tổ chức này.

Điều này mở ra khả năng là cán bộ Công đoàn nhà nước, mà thường là đảng viên cộng sản, cũng gia nhập tổ chức của người lao động để khuynh đảo, ảnh hưởng tới tổ chức mà trên nguyên tắc là độc lập này.

Bộ Luật lao động 2019 có mục đích gì?

Chẳng nhẽ nhà nước Việt Nam lại tự ngáng chân mình khi cho phép thành lập tổ chức đại diện ngoài vòng kiểm soát của họ?

Không phải vậy. Chúng ta hãy xem lại nhận định của chính phủ Việt Nam viết trên trang mạng chính thức của Quốc hội:

“…những nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến tổ chức đại diện người lao động… là ở mức độ vừa đủ, đáp ứng đồng thời các yêu cầu: vừa tạo điều kiện thúc đẩy, tăng cường vai trò, vị thế và hiệu quả hoạt động của công đoàn thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; vừa tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm hoạt động lành mạnh trong phạm vi quan hệ lao động tại cơ sở của tổ chức đại diện người lao động…; vừa bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế…”.

Thế là rõ. Có thể diễn giải rộng thêm là Bộ luật Lao động chủ yếu là để thúc đẩy hoạt động tăng cường sức mạnh của Công đoàn nhà nước.

Các tổ chức đại diện độc lập được phép thành lập do sức ép của các cam kết quốc tế sẽ chỉ được hoạt động trong khuôn khổ cho phép.

Con đường mới được mở ra cho các tổ chức người lao động tại doanh nghiệp có quá nhiều chướng ngại vật, khó lòng vượt qua.

Phù phép để cam kết trong các hiệp định quốc tế trở thành vô hiệu sẽ không lừa dối được thế giới, sẽ làm lòng tin của thế giới vào Việt Nam bị triệt tiêu.

Điều này rõ ràng là hại bất cập lợi cho tiền đồ đất nước.

Bộ luật Lao động cần phải được điều chỉnh thêm nữa, nếu nhà nước Việt Nam thực tâm muốn các tổ chức độc lập tham gia vào việc bảo vệ người lao động và muốn thi hành nghiêm túc các cam kết quốc tế.

T.K.T.

Bài thể hiện quan điểm của tác giả T.K. Trần, một nhà quan sát các hoạt động nghiệp đoàn châu Âu và Việt Nam, hiện sống tại Stuttgart, Đức.

Nguồn: bbc.com

This entry was posted in Luật Lao động. Bookmark the permalink.