‘Ly kỳ’ nhà báo Tây Đức phỏng vấn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu

Bùi Thị Quỳnh Hoa

Gửi cho BBC từ California, Hoa Kỳ

Lịch sử thật trớ trêu. Đọc bài “‘Ly kỳ’ nhà báo Tây Đức phỏng vấn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu” trên BBC mới biết tác giả Bùi Thị Quỳnh Hoa, con gái của cựu Chính ủy Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tá Bùi Văn Tùng, một trong những người có mặt sớm nhất ngày 30.4 tại Dinh Độc Lập và đài phát thanh Sài Gòn, hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ. Điều đáng nói hơn là quan điểm, thái độ rất hiểu biết, chân thành của tác giả đối với cựu Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, người mà tác giả gọi là “một người đàn ông Việt Nam của thời cuộc”.

Chắc nhiều người vẫn còn nhớ cô Phan Thị Kim Phúc, nhân vật chính trong bức ảnh “Em bé Napalm” do Nhiếp ảnh gia Nick Út của hãng thông tấn Associated Press chụp năm 1972, một trong những bức ảnh nổi tiếng về chiến tranh VN. Một thời bức ảnh này và người trong bức ảnh từng được nhà nước cộng sản VN tích cực “sử dụng” như một trong những bằng chứng, nhân chứng của chiến tranh để tuyên truyền, bản thân Phan Thị Kim Phúc thì được đưa sang Cuba học ngành Y, nhưng sau đó đã xin tỵ nạn chính trị tại Canada và sinh sống tại Canada từ đó.

Hoặc người đóng vai chính trong “Cô Nhíp”, bộ phim truyện truyền hình đầu tiên của Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) về đề tài “cuộc “tổng tiến công và chiến thắng mùa Xuân 1975”, nói theo ngôn ngữ của nhà nước cộng sản VN. Nội dung bộ phim dựa vào một nhân vật có thật là chiến sĩ biệt động của Việt Cộng, Nguyễn Trung Kiên – người đã tham gia dẫn đường cho xe tăng của Bắc Việt tiến vào Sài Gòn. Và điều đặc biệt hơn nữa: diễn viên chính của phim cũng là nhân vật thật ở ngoài đời được mời tham gia diễn xuất. Nay thì Cô Nhíp cũng đã định cư ở Mỹ.

Và còn biết bao nhiêu nhân vật khác, không “nổi tiếng” như vậy nhưng là con em, người thân hoặc chính quan chức cao cấp của phe thắng cuộc, đã từ bỏ lý tưởng CS, hoặc quá khứ dính líu đến cuộc chiến tranh được nhà cầm quyền tô son trát phấn, từ bỏ VN, sang sinh sống ở quốc gia thù địch cũ-Hoa Kỳ, hay một trong những quốc gia phương Tây!

Cuộc chiến tranh VN và kết thúc của nó, quả là một trong những trò chơi khăm trớ trêu nhất của lịch sử dân tộc VN. Khi cuộc chiến vừa ngưng tiếng súng, cũng là lúc bắt đầu cho mọi thứ nghịch lý tréo ngoe được phơi bày, và theo thời gian, những số phận con người cũng thay đổi theo những chiều hướng bất ngờ nhất.

Song Chi

Börries Gallasch

Chụp lại hình ảnh, Börries Gallasch

Mùa Thu năm 1979, Börries Gallasch đang là phóng viên của Der Spiegel tại London.

Ông Nguyễn Văn Thiệu lúc bấy giờ cũng đang sống cùng vợ tại căn nhà mang tên Nhà trắng (The White House) ở khu ngoại ô London.

Ông Thiệu mang trong lòng nỗi đau khổ vì bị giới cầm quyền và người Mỹ chán ghét, cho rằng ông là nhân vật cản trở cho hoà bình tại Việt nam.

Thực sự ông muốn hoà bình theo cách của ông hiểu, để hai miền đầu tiên được tự do buôn bán, trao đổi tình cảm, thư từ rồi sau đó mới là thống nhất về phương thức chính trị lãnh đạo, cho nên ông quyết liệt phản đối hiệp định Paris.

Người Mỹ đã quá chán ghét chiến tranh, họ muốn đi ra thật nhanh trong danh dự, còn để người Việt tự giải quyết với nhau vì cuộc chiến đã mang danh Việt Nam hoá chiến tranh. Tổng thống Nixon tuy có hứa hẹn sẽ vẫn hỗ trợ cho ông Thiệu nhưng vì để xảy ra vụ Watergate nên ông Nixon cũng phải đối mặt với những khó khăn cho bản thân trước Quốc hội.

Người Mỹ gây áp lực cho ông Thiệu từ chức và ra đi để Tổng thống Trần Văn Hương, sau đó là Tổng thống Dương Văn Mình lên nhận lãnh nhiệm vụ thương thuyết với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam…

‘Như con chim bị trúng thương’

Rồi giờ đây khi ông chăn êm nệm ấm ở xứ sở sương mù thì binh lính của ông đang đau khổ trong trại cải tạo, đồng bào của ông bỏ nước ra đi hiện đang ở trại tị nạn khắp nơi và mang nỗi oán trách ông hèn nhát, rũ bỏ trách nhiệm ra đi mà không ai hiểu được cái thế của ông lúc bấy giờ.

Ông như con chim bị trúng thương. Cái lo lắng ưu tư của ông về thế sự của dân tộc đã thành sự thực, cộng thêm cái lo lắng và e ngại với tất cả đám báo chí phương Tây đang rất tò mò săn tin, đang mong ông sơ hở khi nói ra bất cứ câu tiếng Anh tối nghĩa gây hiểu lầm nào, để quất thêm vào ông, một chiến binh ngã ngựa, để đổ tội cho ông là nguyên nhân thua cuộc của cuộc chiến.

Người Mỹ muốn được xoa dịu là họ ít tội hơn. Báo NOW Anh quốc thậm chí còn gài ông khi ông trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh rằng, “bây giờ ông không còn quyền hành gì để giúp đồng bào thuyền nhân khắp nơi” thì họ lại viết thành “bây giờ tôi chẳng còn mắc mớ gì với họ nữa”, ông trở thành một người có trái tim bằng đá trong đôi mắt đồng bào ông. Khiến ông càng thêm ác cảm và cảnh giác đối với báo chí.

‘Những điều kiện khắt khe’

… Và nhà báo Börries Gallasch của Der Spiegel đã đến với sự kiên nhẫn để thuyết phục rất khó khăn ròng rã hai tháng trời để cuối cùng ông Thiệu chấp nhận cuộc phỏng vấn với nhiều điều kiện khắt khe, thay đổi liên tục.

Börries Gallasch

Chụp lại hình ảnh, Börries Gallasch

Và đây là lời kể của Alice Kelley Gallasch (vợ góa của Börries) mà tôi biết được, về sự khó khăn đó:

“Trong lời mở đầu cho ấn bản ngày 10 tháng 12 năm 1979 của Der Spiegel, trong đó đăng bài phỏng vấn Nguyễn Văn Thiệu, có mô tả về các cuộc đàm phán cam go diễn ra trong khoảng thời gian hai tháng giữa Börries và Thiệu, trước khi Börries có thể đảm bảo cuộc phỏng vấn được thực hiện. Trước hết, Thiệu chỉ cho phép được gọi bằng tên Cơ đốc giáo của mình là “Martin”.

Ông ta liên tục đưa ra những điều kiện mới. Ông ta phải nhận được một bản sao của mọi thứ. Cuộc phỏng vấn chỉ được đăng trên Der Spiegel. Mỗi trang của cuộc phỏng vấn phải được sự cho phép của Thiệu trước khi nó được xuất bản. Chỉ sau khi mọi chi tiết đã được thống nhất, các phóng viên của Der Spiegel là Johannes Engel và Heinz Lohfeldt, từ Hamburg bay đến London để thực hiện cuộc phỏng vấn lớn đầu tiên của Thiệu kể từ khi ra khỏi Việt Nam vào tháng 4 năm 1975.

Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, hình chụp 1973

Cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Nguồn hình ảnh: GETTY IMAGES

Cuộc phỏng vấn diễn ra tại “Nhà Trắng”, một ngôi nhà ở ngoại ô London, nơi ông ta đang sống. Sau khi cuộc phỏng vấn kéo dài bốn tiếng đồng hồ được hoàn thành và chép lại, Lohfeldt mang bản ghi lại cho Thiệu. Thiệu đã đọc qua nó và xem nó giống như một tài liệu chính thức, mỗi trang đều có chữ ký của Thiệu và Lohfeldt.

“Börries, vào thời điểm trong bệnh viện, đã cảnh báo rằng Thiệu có lẽ là đối tác phỏng vấn khó khăn nhất mà chúng ta từng gặp”.

‘Chỉ sống thêm 5 tháng nữa’

Lúc đó, Börries đang điều trị bệnh ung thư và đang ở trong hai năm cuối cùng của cuộc đời. Vào tháng 3 năm 1976, sau khi phát hiện ra bệnh, bác sĩ dự đoán anh chỉ sống thêm 5 tháng nữa. Anh đã không đầu hàng, với tinh thần làm việc không ngừng, vừa chữa trị vừa làm việc.

Anh vẫn chạy đi chạy lại giữa văn phòng của Der Spiegel gần Bảo tàng Anh Quốc để gọi điện thuyết phục ông Thiệu chấp nhận cuộc phỏng vấn. Và đã lại một lần nữa anh giúp cho người Việt Nam, cho cuộc chiến Việt nam được lên tiếng trên truyền thông quốc tế.

Sau đó ấn bản “Người Mỹ đã phản bội chúng tôi” ghi lại cuộc phỏng vấn nhiều tâm tư dài bốn giờ đồng hồ của cựu Tổng thống Nguyễn văn Thiệu với tờ báo đọc, hàng tuần ra triệu bản, của Tây Đức Der Spiegel đã được phát đi gây tiếng vang cho tất cả những ai quan tâm đến cuộc chiến Việt nam trên thế giới và ít nhiều nó cũng làm cho các nhà làm chính sách kiêu ngạo Hoa Kỳ, như ông Henry Kissinger, phải nhìn nhận thận trọng hơn trong các chính sách khi quyết định tham dự vào nội bộ của bất cứ một quốc gia nào.

Đó là sự tham dự lớn cuối cùng của nhà báo quốc tế Börries Gallasch vào cuộc chiến Việt Nam, thân phận người Việt nam…

Trước lúc mất, Börries nhận được bức điện tín từ nhà báo Tiziano Terzani, đồng nghiệp của anh hồi ở Việt nam.

Trong bức điện, Terzani nhắc lại sự giúp đỡ của Börries cho việc đảm bảo thực hiện một cuộc phỏng vấn với cựu Tổng thống miền Nam Việt nam, Nguyễn Văn Thiệu cho đồng nghiệp Der Spiegel của anh tại Luân đôn. Tiziano Terzani viết:

“Ngưỡng mộ bạn trong việc đã tổ chức thành công cuộc phỏng vấn với ông Thiệu bao nhiêu thì tôi còn ngưỡng mộ sự chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo của bạn đã ngăn trở bạn không đi đến Nhà Trắng* để tự thực hiện được cuộc phỏng vấn này bấy nhiêu. Bạn là chiến binh vĩ đại nhất giữa những chiến binh mà tôi gặp trong đời, bao gồm cả những chiến binh của tướng Trần Văn Trà trong những ngày chúng ta còn ở Việt Nam”.

‘Như một nén hương tưởng niệm’

Gần hai năm sau, mùng 6 tháng 3 năm 1981, Börries Gallasch qua đời ở tuổi 37. Tuy cuộc sống ngắn ngủi nhưng Börries Gallasch đã tham dự vào hầu hết những sự kiện quan trọng trên thế giới ở các nước nghèo, các thuộc địa trong thế kỷ 20.

Ông đã thực hiện được giấc mơ thời tuổi trẻ là trở thành phóng viên quốc tế của mình.

Nhờ sự tham gia của ông vào sự kiện xảy ra ở Dinh Độc Lập và đài phát thanh Sài Gòn trưa 30/4/1975 đã khiến bà vợ goá Alice Kelley Gallasch của ông tìm đến Việt nam.

Bà đi về Việt Nam tìm gặp lại ân nhân xưa đã tin tưởng một nhà báo Châu Âu mà cho theo xe ra Đài phát thanh Sài Gòn, nên ông đã có một trải nghiệm về việc chuyển giao quyền lực tại Việt Nam khiến bất cứ nhà báo chiến trường nào cũng ngưỡng mộ và mong muốn được tham gia.

Sau đó gia đình nhà báo Börries và vị ân nhân – Chính ủy Bùi Văn Tùng đã trở thành những người bạn thân thiết. Và câu chuyện của ông liên quan đến người Việt Nam tôi đã được nghe vợ ông Alice Kelley Gallasch, cựu chuyên viên cao cấp của hãng truyền hình ZDF Tây Đức tại Washington DC nói cho nghe và tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm kể ra cho chúng ta, người Việt nam, được biết.

Năm nay kỷ niệm 40 năm ngày mất của ông, tôi kể câu chuyện này ra như một nén hương tưởng nhớ đến ông, một nhà báo ngoại quốc yêu quí Việt Nam cũng như các nước nghèo thuộc địa trên thế giới.

Tôi cũng muốn chứng minh rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc có lòng biết ơn chứ không phải như Tổng thống Nixon đã chỉ trích ông Thiệu. Qua đây tôi cũng muốn chia sẻ nỗi thông cảm của hậu sinh đến ông Nguyễn Văn Thiệu, một người đàn ông Việt Nam của thời cuộc.

Ông cũng đã mất tròn 20 năm. Cho dù lịch sử phán xét thế nào thì vì sự đoàn kết vững chắc của dân tộc Việt tôi vẫn mong chúng ta tìm hiểu và thông cảm cho “Tâm tư Tổng thống Thiệu” (quyển sách cùng tên của Nguyễn Tiến Hưng, phụ tá kinh tế, kế hoạch của ông Thiệu từ 1973-1975) và tâm tư của tất cả các nhà lãnh đạo Việt Nam chính trực từng đã ở hai phía của cuộc chiến để có cái nhìn rộng mở, thương yêu và đúng đắn hơn cho một Việt Nam thống nhất lòng người hoàn toàn trong hiện tại và tương lai.

B.T.Q.H.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, con gái của cựu Chính ủy Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tá Bùi Văn Tùng. Tác giả hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ.

Nguồn: bbc.com/vietnamese

———-

Phụ lục:

TOÀN VĂN: BÁO DER SPIEGEL PHỎNG VẤN TỔNG THỐNG NGUYỄN VĂN THIỆU

Nguyễn Viết Kim chuyển ngữ

[Dịch giả Nguyễn Viết Kim đã theo học, tốt nghiệp, làm việc tại Đại học Stuttgart (Universitaet Stuttgart), Đức Quốc, 1966-1978]

Bài chuyển ngữ về cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thiệu vào năm 1979. Đây là cuộc phỏng vấn duy nhất được biết đến trên một tờ báo có kích thước quốc tế; cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cầm quyền từ năm 1967 đến 1975 trong Đệ Nhị Cộng hoà, hiệp định hòa bình được ký kết ngày 27 tháng 1 năm 1973 tại Ba Lê, Pháp Quốc, hai ký giả Von Johannes K. Engel, Heinz P. Lohfeldt là cộng sự viên cao cấp của tuần báo Der Spiegel với trụ sở chính tại thành phố Hamburg, Đức Quốc.

Tờ báo cho biết ông Thiệu đã xem xét lại cẩn thận từng trang và đặt điều kiện chỉ được phép công bố sau khi có sự thoả thuận của hai bên. Cuộc phỏng vấn được thực hiện tại Luân Đôn, Anh Quốc.

Nguyên tác đăng trong số 50 năm 1979 với tựa đề: Ông Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố: Người Mỹ đã phản bội chúng tôi. Hình bìa của tuần báo số 50 năm 1979 này là chân dung quốc vương của Ba Tư với dòng chữ: Tương lai của ông Schah đi về đâu?

Ông Nguyễn Văn Thiệu từ chức Tổng thống ngày 22 tháng 4 năm 1975, một tuần sau vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 quân đội Cộng sản tiến vào Saigon.
Ông đã rời khỏi Saigon sau khi từ chức, lưu lại một thời gian ngắn tại Đài Bắc, rồi qua Luân Đôn, ông thọ 78 tuổi, mất năm 2001 tại Boston, Hoa Kỳ.

Der Spiegel là một tuần báo lớn nhất Âu Châu với số phát hành gần 1 triệu số mỗi tuần, Đức Ngữ là ngôn ngữ được dùng nhiều nhất tại Âu Châu, Anh Ngữ thông dụng, Pháp Ngữ và Tây Ban Nha Ngữ được ưa chuộng.

Die Amerikaner haben uns verraten“, Nguyen van Thieu – DER SPIEGEL 50/1979

Der Spiegel: Thưa ông, trong cuốn hồi ký ông Henry Kissinger cho biết là trong khoảng thời gian từ 1968 đến 1973, Hoa Kỳ cố gắng hòa đàm để chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam, một cuộc chiến đã kéo dài nhiều năm, với hàng triệu nạn nhân, làm nát vụn quả tim Hoa Kỳ, lúc đó ông Kissinger là Trưởng đoàn hòa đàm và ông là Tổng thống, lý do nào khiến ông tạo trở ngại cho việc hòa đàm?

Ông Thiệu: Hoàn toàn vô lý với cáo buộc đó, nếu tôi gây trở ngại thì đã không có thoả ước hòa bình năm 1973, dù mọi người đều biết, đó không phải là một hòa bình tốt đẹp qua những hậu quả rõ ràng. Ông Kissinger đại diện Hoa Kỳ, với tư cách Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà tôi có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi thiết yếu của nước tôi.

Tôi nhiều lần nhấn mạnh với Tổng thống Nixon và Tiến sĩ Kissinger: đối với một cường quốc như Hoa Kỳ thì việc rút bỏ một số vị trí trong một quốc gia nhỏ bé như Việt Nam không có gì là thiết yếu, song với chúng tôi đó là việc sinh tử cho đất nước.

Der Spiegel: Ông Kissinger cho biết sau cùng thì ông đồng ý với thoả thuận hòa bình, song ông ta cũng nói thêm là vì sự cản trở của ông nên cuộc hòa đàm kéo dài rất lâu và ông chấp thuận đề nghị của Hoa Kỳ với ý nghĩ thầm kín là chắc Hà Nội sẽ từ chối.

Ông Thiệu: Không đúng, với một cuộc chiến kéo dài gần 30 năm, cuộc thương thảo để kết thúc cần nhiều hơn vài ba ngày hay vài ba tháng. Tôi hiểu là đối với Hoa Kỳ, đến để trợ giúp chúng tôi, đây là thời gian tham chiến lâu nhất trong lịch sử của quốc gia, vì thế Mỹ muốn kết thúc mau lẹ, song chúng tôi cần một nền hòa bình lâu dài, bền vững.

Der Spiegel: Ông Kissinger cho rằng ông không muốn hòa bình và thầm mong là phía Bắc Việt cũng thế, vì vậy ông chỉ đồng ý ngoài mặt với các đề nghị của Hoa Kỳ và tin chắc là không bao giờ sẽ đưa đến một thoả ước, phải chăng ông tráo trở không thật lòng với hy vọng không bao giờ phải đưa ra ý kiến thật của mình.

Ông Thiệu: Không thể nói là một dân tộc phải chịu đựng đau khổ trên 30 năm lại muốn kéo dài chiến tranh, ông Kissinger muốn có thoả hiệp thật nhanh để rút quân và tù binh Mỹ được trao trả, có thể đó là chính sách rút chạy cấp tốc của Mỹ.
Người Mỹ đến rồi đi, chúng tôi ở trên xứ sở của mình, chúng tôi có quyền đòi hỏi một nền hòa bình lâu dài, không phải chỉ vài năm rồi lại tiếp nối với 30 năm chiến tranh.

Der Spiegel: Ông Kissinger cho biết là trong cuộc họp thượng đỉnh vào tháng Sáu năm 1969 tại đảo Midway trên Thái Bình Dương, ông đề nghị sự rút quân của Hoa Kỳ.

Ông Thiệu: Trước cuộc họp thượng đỉnh, tin tức báo chí cho biết Chính phủ Mỹ dự định sẽ rút một phần quân số tại Việt Nam, tôi nghĩ là Chính phủ Mỹ muốn thăm dò dư luận, tiết lộ cho báo chí đăng tin trước đó để đặt chúng tôi trước một sự đã rồi.

Der Spiegel: Như thế ông đã hình dung ra các diễn tiến?

Ông Thiệu: Đúng như vậy, hội nghị thượng đỉnh Midway có hai mục tiêu:

– Gặp gỡ giữa 2 tân Tổng thống và thảo luận về tình hình Việt Nam.

– Đi sâu về một điểm còn đang tranh luận là sự rút quân của Mỹ.

Tôi nằm vững tình hình, không có cái nhìn sai lệch hay hốt hoảng.

Der Spiegel: Khi đề nghị việc rút quân, ông có thực sự nghĩ là có thể đơn độc chiến đấu tới chiến thắng cuối cùng; đây là một cuộc chiến tranh có sự tham dự của hơn 540,000 quân Mỹ với bộ máy chiến tranh khổng lồ mà còn không tạo được chiến thắng.

Ông Thiệu: Tôi không hề đưa đề nghị rút quân, chỉ chấp thuận mà thôi, Tổng thống Nixon giải thích cho tôi hiểu là đây chỉ là một việc tượng trưng, ông ta cần có sự ủng hộ của Quốc hội, của dân chúng, vì các khó khăn tại quốc nội. Tôi khuyến cáo là đừng để Hà Nội coi đây là biểu lộ một nhược điểm của Hoa Kỳ.

Der Spiegel: Ông không nghĩ là đây là sự bắt đầu của một sự rút quân toàn diện của Hoa Kỳ?

Ông Thiệu: Tôi hình dung ra đây là sự bắt đầu giảm thiểu quân số tham chiến của Mỹ, song không bao giờ nghĩ là Hoa Kỳ sẽ rút hết quân ra và bỏ rơi Việt Nam. Tôi bày tỏ với Tổng thống Nixon là song song với việc giảm thiểu quân số Hoa Kỳ, khi quân đội Việt Nam Cộng hoà được tăng cường và với sự giúp đỡ kinh tế, chúng tôi sẽ dần dần tự lập được. Và tôi nghĩ là ông ta muốn có sự tương ứng của Hà Nội đáp lại việc rút quân. Hoa Kỳ đồng ý với tôi về việc rút quân từ từ và song phương (Hoa Kỳ và Hà Nội).

Der Spiegel: và có tính cách tượng trưng?

Ông Thiệu: Tôi hiểu là chiến tranh Việt Nam tạo một khủng hoảng quốc nội tại Mỹ. Tổng thống Nixon giải thích thêm là ông cần nhiều hành động có tính cách biểu tượng để đối phó với việc nội trị. Vài tuần trước đó tại Hán Thành và Đài Bắc, khi thảo luận với Tổng thống Phác Chánh Hy và Tổng thống Tưởng Giới Thạch, tôi bày tỏ với nhị vị này hy vọng của tôi là sau khi thảo luận với Tổng thống Nixon tại đảo Midway, ông ta sẽ chỉ rút quân tượng trưng mà thôi. Song tôi cũng ý thức rằng khi muốn thì Hoa Kỳ sẽ rút toàn bộ quân số tham chiến tại Việt Nam. Vì thế sẽ hợp lý khi giúp đỡ tăng cường Quân lực Việt Nam Cộng hoà tương ứng với việc rút quân Mỹ. Tôi không bao giờ có ý nghĩ là quân đội Hoa Kỳ sẽ ở Việt Nam mãi mãi.

Der Spiegel: Cần lưu ý là Mỹ có đóng quân ở Nam Hàn và Tây Đức.

Ông Thiệu: Chúng tôi là một dân tộc kiêu hãnh, chỉ cần sự giúp đỡ và võ khí, chúng tôi không thiếu nhân lực.

Der Spiegel: Nhìn lại thì ông phân tích ra sao về tình hình lúc đó, Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird phát biểu một danh từ mới: Việt Nam hóa chiến tranh. Cho tới lúc đó Hoa Kỳ nói đến: giảm thiểu sự Mỹ hóa chiến tranh, sự thay đổi thuật ngữ phải chăng ám chỉ rõ ràng là Hoa Kỳ muốn rút lui thật nhanh?

Ông Thiệu: Khi ông Nixon thăm Saigon vào tháng 7 năm 1969, ông ta nhắc lại với tôi là ông rất cần sự ủng hộ của công chúng Mỹ tại quốc nội. Tôi thông cảm, ông ta không hề nói đến sự rút quân theo kế hoạch đã có sẵn của Mỹ. Ông ta nhấn mạnh đến những khó khăn tại Mỹ và sự giúp đỡ của tôi rất cần thiết, chúng tôi đồng ý cộng tác để giúp lẫn nhau và chỉ nói đến sự rút quân từ từ.

Der Spiegel: Chứ không phải theo một kế hoạch Mỹ đã định sẵn hay sao?

Ông Thiệu: Không, ông Nixon lại hứa là sự rút quân kèm theo những biện pháp để Bắc Việt phải có hành động tương ứng và đi đôi với quân viện sẽ kèm theo viện trợ kinh tế để giúp chúng tôi đứng vững.

Der Spiegel: Ông có nghi ngờ là khi cần thiết Hoa Kỳ sẽ rút quân đơn phương?

Ông Thiệu: Tôi cũng có sự hoài nghi, song lúc đó vẫn tin tưởng vào đồng minh Mỹ lớn mạnh.

Der Spiegel: Ông có lý vì trong cuốn hồi ký, ông Kissinger viết là không thể chấm dứt chiến tranh Việt Nam dễ dàng như thay đổi đài trên truyền hình, vì đây là một việc có liên quan đến hai chính phủ, 5 quốc gia đồng minh, và đã có khoảng 31.000 người Mỹ bị thương vong.

Der Spiegel: Hoa Kỳ muốn có sự thoả thuận và chỉ đơn phương rút quân khi cần thiết, ông có đặt điều kiện nào trong cuộc thương thảo giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn?

Ông Thiệu: Chúng tôi đã chán ngấy chiến tranh và quyết tâm chấm dứt qua sự thương thảo. Chúng tôi chỉ có một đòi hỏi là những người xâm lăng rút về lãnh thổ của họ.

Der Spiegel: Ông Kissinger viết trong hồi ký là ông đã biết chắc là quân đội Bắc Việt sẽ ở lại miền Nam song ông không hề phản đối cho tới tháng 10 năm 1972.

Ông Thiệu: Đây là một sự dối trá trắng trợn của ông Kissinger, nếu tôi đồng ý về việc quân đội miền Bắc ở lại miền Nam thì đã không quyết liệt phản đối khi trong văn bản dự thảo không có điều buộc quân đội miền Bắc rút quân về Bắc. Đây là điều thiết yếu nhất mà tôi kiên định tranh đấu cho tới phút chót, tôi cho ông Kissinger biết là sẽ không có hiệp định nếu không có điều khoản miền Bắc rút quân về Bắc.

Sau nhiều ngày thảo luận gay cấn, ông Kissinger thú thật là điều này đã được đưa ra 3 năm trước đây song Nga Sô không chấp nhận. Bây giờ tôi nhận ra là Mỹ đã chịu thua Nga và thấy thất vọng vô cùng.

Der Spiegel: Người Nga có thể phản ứng khác, tuy nhiên Hà Nội không quan niệm Nam Việt là ngoại quốc và trong suốt một thời gian dài chối cãi là có sự hiện diện của quân đội Bắc Việt tại miền Nam.

Ông Thiệu: Với trên 20 năm kinh nghiệm chiến trận, chúng tôi học được một điều là không bao giờ tin những tuyên bố của Nga Sô và Bắc Việt. Ngay cả một người mù cũng nhận thấy là có quân đội Bắc Việt tại Ai Lao, Cao Miên và Nam Việt. Chúng ta phải nhìn vào dữ kiện thay vì tin vào những gì địch quân nói.

Der Spiegel: Ông có tranh luận với ông Kissinger về điều này?

Ông Thiệu: Dĩ nhiên là có, và ngay cả với tướng Haig. Tôi đặt câu hỏi với ông ta: ông và tôi đều là tướng lãnh, xin cho tôi biết bất cứ một hiệp định hòa bình nào đạt được khi quân xâm lăng không phải rút ra khỏi nơi họ xâm chiếm. Tôi cũng hỏi thêm: Giả dụ khi Nga Sô được phép có quân trên lãnh thổ Hoa Kỳ, chắc ông không thể nói là có hiệp định hòa bình với Nga Sô?

Der Spiegel: Ông Kissinger trả lời ông ra sao?

Ông Thiệu: Ông ta không có câu trả lời, làm sao trả lời được khi không có một luận cứ vững chắc nào cả!

Der Spiegel: Ông Kissinger viết trong hồi ký: không thể bắt buộc Bắc Việt rút quân về Bắc vì không ai đưa ra hội nghị bàn thảo để bỏ bớt đi những gì đã đạt được trên chiến trường. Ông ta viết thêm: có một điều khoản trong hiệp định Ba Lê không cho xâm nhập, rồi đi đến kết luận là: lực lượng quân đội Bắc Việt sẽ bớt đi dần dần rồi không còn nữa với thời gian vì không còn được xâm nhập.

Ông Thiệu: Dưới cái nhìn của tôi, Chính phủ Hoa Kỳ và đặc biệt Tiến sĩ Kissinger không thông hiểu cách thức thương thảo với Cộng sản, dù trải qua những kinh nghiệm đau thương lúc hòa đàm với Cộng sản năm 1954 và trong chiến tranh Triều Tiên. Khi hội đàm về Ai Lao và Cao Miên, họ cũng không học hỏi và không biết cách thương thảo với Cộng sản, cũng không có khái niệm về chiến thuật và chiến lược điều đình của Cộng sản.

Chúng ta gặp khó khăn vì một nhân vật như Tiến sĩ Kissinger, đại diện một cường quốc và có tiếng là một nhà thương thuyết thuợng thặng, lại tin tưởng là quân đội Bắc Việt sẽ ngừng xâm nhập miền Nam. Nguyên do nào khiến ông ta có ý niệm như vậy?

Làm sao có thể canh chừng kiểm soát biên giới của miền Nam với Ai Lao và Cao Miên? Ngay cả khi với giả thuyết có 1 triệu kiểm soát viên quốc tế, cũng không thể quả quyết là không có sự xâm nhập. Không hiểu sao ông ta có thể tin vào các điều Bắc Việt tuyên bố.

Tiến sĩ Kissinger có thể tin Cộng sản song chúng tôi không tài nào tin họ được. Do đó tôi cứng rắn đòi hỏi sự rút quân của miền Bắc, khi họ muốn hòa bình, tại sao lại muốn quân đội của họ lưu lại miền Nam?

Der Spiegel: Ông Kissinger đối đáp ra sao?

Ông Thiệu: Có gì đâu nữa mà nói, ông ta và Chính phủ Hoa Kỳ chỉ muốn rút lui thật nhanh, muốn chắc chắn nhận được tù binh. Ngoài mặt họ giải thích về một giải pháp danh dự, song trong lòng chỉ muốn bỏ của chạy lấy người, song không muốn thế giới và dân Việt oán trách là họ bỏ rơi Việt Nam.

Der Spiegel: Ông Kissinger viết trong hồi ký, sau chiến dich Xuân-Hạ (mùa hè đỏ lửa) của quân đội Bắc Việt vào năm 1972, hình như có sự thay đổi lập trường, Bắc Việt đột nhiên muốn tiếp tục thương lượng song Nam Việt muốn tiếp tục chiến đấu tới chiến thắng?

Ông Thiệu: Điều này hoàn toàn phi lý, Tiến sĩ Kissinger hiểu thế nào là chiến thắng, Bắc Việt đem chiến tranh vào Nam. Chúng tôi đòi hỏi họ rút quân ra khỏi miền Nam, đó là định nghĩa của chiến thắng hay sao? Tôi không đòi hỏi Bắc Việt các điều khoản về tù binh, bồi thường chiến tranh, nhượng đất, tham gia vào chính quyền Hà Nội. Ông Kissinger có ý niệm ra sao về chiến thắng và chiến thắng trọn vẹn?

Der Spiegel: Ông Kissinger viết trong hồi ký, ngày 31 tháng 5 năm 1971 là ngày Mỹ bỏ sự đòi hỏi rút quân song phương trong các cuộc tiếp xúc bí mật với Hà Nội, ông ta nói thêm là ông đã báo trước đề nghị nầy ít nhất ba lần và Tổng thống đều chấp nhận.

Ông Thiệu: Tôi không bao giờ chấp thuận điều khoản rút quân đơn phương. Từ khi có cuộc họp tại Midway tôi luôn luôn đòi hỏi sự rút quân từ từ và song phương. Khi Hoa Kỳ thay đổi lập trường, luôn áp dụng chiến thuật: khua kiếm trên đầu tôi, nhắc đến công luận Mỹ và nói là dân chúng Mỹ chán ghét ông Thiệu lắm, hay là Quốc hội sẽ cắt giảm viện trợ. Họ cũng tiết lộ tin tức cho báo chí đăng tải và đặt tôi trước sự đã rồi.

Nếu tôi từ chối, dư luận Mỹ sẽ nói: ông Thiệu đòi hỏi quá nhiều, không muốn cho Hoa Kỳ rút quân, chúng ta sẽ không bao giờ được trao trả tù binh. Vì thế tôi phải cắn răng chấp nhận. Làm sao tôi chống cự được khi bị đặt vào thế chẳng đặng đừng với sự đe dọa cắt viện trợ Mỹ?

Der Spiegel: Ông Kissinger viết trong hồi ký: bất cứ quyết định nào ông đều được hội ý trước.

Ông Thiệu: Họ hỏi ý tôi cho có lệ và sẽ dùng mọi áp lực để tôi phải chấp nhận những gì thuận lợi cho quyền lợi của Mỹ.

Der Spiegel: Ông Kissinger chỉ trích ông về cuộc hành quân Hạ Lào vào năm 1971, ông ta cho rằng ông đồng ý là sẽ tấn công vào mùa khô, thực ra đó là ý kiến của ai?

Ông Thiệu: Đó là ý kiến của người Mỹ, thực ra chúng tôi mong muốn từ lâu có cuộc hành quân đó song không đủ sức thi hành. Khi người Mỹ đưa ý kiến thì chúng tôi đồng ý ngay để mau chấm dứt chiến tranh. Đây là một cuộc hành quân hỗn hợp Việt-Mỹ với sự phân công rõ ràng: quân đội chúng tôi sẽ tác chiến tại Ai Lao, quân đội Mỹ sẽ trợ giúp về không quân, pháo binh; vận chuyển đạn dược, võ khí và có nhiệm vụ tiếp vận từ Việt Nam, từ biên giới đến chiến trường.

Der Spiegel: Tại sao là vậy, không dùng hết hỏa lực và phương tiện chiến đấu, phải chăng vì Quốc hội Mỹ biểu quyết đạo luật cấm Mỹ can thiệp bằng bộ binh tại Ai Lao?

Ông Thiệu: Tôi nghĩ vậy, chúng tôi thiếu phương tiện vận chuyển võ khí, đạn dược và nhất là tản thương, vì địa thế phải dùng trực thăng, chỉ có Mỹ mới có đủ trực thăng. Nếu biết trước phía Hoa Kỳ không giúp đầy đủ về phương tiện trực thăng thì không khi nào chúng tôi đồng ý cuộc hành quân này

Der Spigel: Ông Kissinger lại viết là vì phía Việt Nam không có sĩ quan liên lạc hành quân thông thạo Anh Ngữ nên việc hỗ trợ của không quân Mỹ bị trở ngại.

Ông Thiệu: Khi hành quân nếu Không quân không can thiệp được hay chậm trễ thì có thể dùng Pháo binh. Trong 3 ngày đầu của cuộc hành quân, sự tổn thất về trực thăng quá lớn, vì vậy các phi công trực thăng Mỹ rất ngần ngừ trong các phi vụ, trong khi kế hoạch hành quân rất cần thiết về sự đúng giờ và yếu tố quy mô. Điều này gây khó khăn cho quân đội chúng tôi.

Der Spiegel: Tinh thần chiến đấu sụp đổ?

Ông Thiệu: Chúng tôi không tản thương được, và các tử sĩ cũng không đem về hậu cứ được, điều này không những làm tinh thần chiến đấu suy giảm mà còn làm chậm bước tiến của cuộc hành quân.

Der Spiegel: Ông Kissinger đưa ra một nguyên nhân khác về sự thất trận, ông viết là Tổng thống Thiệu ra lệnh cho các sĩ quan chỉ huy ngoài mặt trận, thận trọng tiến về phía Tây và ngưng tác chiến ngay khi số thương vong lên đến 3.000. Ông Kissinger cho là nếu biết trước điều này thì phía Hoa Kỳ sẽ không đồng ý về cuộc hành quân.

Ông Thiệu: Khi hành quân, không thể định trước chính xác được số thương vong. Tiến sĩ Kissinger quả thật là người có óc tưởng tượng phong phú. Chúng tôi chỉ có thể tiến về phía Tây trong vòng bán kính của trực thăng vận chuyển để tản thương, tiếp vận và khi cần thì di tản. Ông Kissinger lại viết là lực lượng hành quân của quân lực Việt Nam Cộng Hoà tự ý rút mà không hề thông báo cho phía Mỹ. Làm sao chúng tôi có thể âm thầm rút lui 10.000 quân lính mà không ai biết?

Der Spiegel: Tức là ông có thông báo cho phía Hoa Kỳ?

Ông Thiệu: Đương nhiên là có. Một phóng viên chiến tranh chụp một tấm hình rồi đăng trên tuần báo Time hay Newsweek, đó là hình chụp một binh sĩ bám vào càng trực thăng di tản và gọi là nhát như thỏ. Làm sao chúng tôi có thể kiểm soát hành động của một người lính, báo chí Mỹ chê chúng tôi nhát như thỏ song không nói đến sự yếu kém tinh thần chiến đấu của phi công trực thăng Mỹ.

Der Spiegel: Một điểm bất đồng giữa Mỹ và Nam Việt là sự ngừng bắn. Trong hồi ký, ông Kissinger viết là từ mùa hè năm 1970, Chính phủ Hoa Kỳ đồng ý nguyên tắc ngừng bắn tại chỗ ngay tại vị trí đang giữ tại chiến trường theo kiểu da beo, tác giả viết là không nhưng ông đồng ý mà còn nhiệt thành ủng hộ.

Ông Thiệu: Rất đúng vì ngừng bắn là điều đầu tiên để có thoả ước hòa bình, nhưng không phải là nguyên tắc ngừng bắn ngay lập tức, tại chỗ mà phải suy nghĩ để tạo ra thể lệ kiểm soát ngừng bắn ra sao, sự đóng quân để không có sự đụng độ, biện pháp chế tài khi vi phạm.

Der Spiegel: Trong hồi ký, Tiến sĩ Kissinger viết: chúng tôi nghĩ là làm việc đồng bộ với Tổng thống Thiệu và không hiểu về chiến thuật đồng ý nguyên tắc rồi đòi bàn lại lại các chi tiết để rút ra như người Việt hay dùng với ngoại nhân.

Ông Thiệu: Chúng tôi là một quốc gia nhỏ làm sao dám tráo trở khi mang ơn Hoa Kỳ với mọi sự giúp đỡ và cần trợ giúp trong tương lai lâu dài?

Der Spiegel: Ông có nghĩ là với hiệp định hòa bình quy định sự rút quân Mỹ và cho phép quân đội Bắc Việt ở lại miền Nam, thì kể như là thua trận rồi?

Ông Thiệu: Không hẳn bi đát như vậy, nếu chúng tôi được Hoa Kỳ trợ giúp đầy đủ như đã hứa. Mặc dù khi ký hiệp định Ba Lê vào tháng 1 năm 1973, chúng tôi ý thức đây là một hiệp ước không thành thật song vẫn tin tưởng là có thể chống lại được sự xâm lặng của miền Bắc.

Có hai điều tạo ra sự tin tưởng:

– Một là Tổng thống Nixon hứa là sẽ phản ứng quyết liệt khi Bắc Việt vi phạm hiệp định.

Der Spiegel: Nhưng ông ta không nói rõ là sẽ phản ứng ra sao?

Ông Thiệu: – Hai là chúng tôi sẽ có quân viện và viện trợ kinh tế đầy đủ để đứng vững.

Nếu Chính phủ Hoa Kỳ giữ đúng lời hứa thì chiến tranh có thể còn tiếp diễn song miền Bắc đã không chiếm được miền Nam.

Der Spiegel: Về điểm này Tiến sĩ Kissinger tán đồng, ông ta cho rằng hiệp định Ba Lê có thể thành công khi Hoa Kỳ phản ứng quyết liệt với mọi vi phạm của miền Bắc, miền Nam cần được viện trợ đầy đủ. Ông cho là sự kiện Watergate làm cho Tổng thống Nixon mất sức mạnh của hành pháp, ông nghĩ ra sao về luận cứ nầy?

Ông Thiệu: Tôi không phải là người Mỹ nên không thẩm định được. Chỉ có điều là khi Hoa Kỳ giữ trọn lời hứa thì đó là biện pháp tốt nhất chống lại miền Bắc và chiến tranh có thể tàn lụi.

Der Spiegel: Khi Hoa Kỳ giữ trọn lời hứa, theo ý ông thì Hiệp định Ba Lê có thể thành công?

Ông Thiệu: Tôi tin tưởng như vậy.

Der Spiegel: Như thế thì hiệp định này không phải là không tốt đẹp?

Ông Thiệu: Thật ra không phải là một hiệp định thuận lợi cho chúng tôi, nó có nhiều điều lươn lẹo, song đó là lối thoát cuối cùng. Chúng tôi đã ký với sự tin tưởng là được bảo đảm thực thi bởi Chính phủ Hoa Kỳ, 12 quốc gia và cơ quan Liên Hiệp Quốc.

Der Spiegel: Trong hồi ký, Tiến sĩ Kissinger phê bình ác liệt các chính trị gia, ông ta khen Tổng thống Thiệu là một nhân vật thông minh, can đảm, học thức. Song kèm theo đó là những lời chê bai rất nặng nề về cá tính khác, Tiến sĩ Kissinger cho biết chịu thua về thói quen của người Việt tráo trở với đối thủ mạnh hơn. Tổng thống nghĩ sao về các điều này?

Ông Thiệu: Tôi không muốn đôi co, ông Kissinger có thể khen tặng hay chê trách bản thân tôi. Điều tôi muốn nói là các diễn tiến thực sự giữa Hoa Kỳ và Nam Việt.

Der Spiegel: Chắc phải có nguyên do cho các lời chỉ trích cá nhân nặng như vậy?

Ông Thiệu: Có thể Tiến sĩ Kissinger quá tự tôn, nên ngạc nhiên khi phải đối chọi với một cá nhân thông mình và cần cù, hay là ông ta quá ngạo mạn nên không bao giờ nghĩ phải thảo luận với một người Việt có bản lãnh.

Ông Thiệu: Tôi kể ông nghe một câu chuyện xảy ra tại hội nghị Midway, khi gặp gỡ tại tư gia của một vị Đại tá Hải quân, trong đó có Tổng thống Nixon, Tiến sĩ Kissinger, cá nhân tôi và một phụ tá, trong phòng có 4 ghế, 1 ghế cao hơn 3 ghế khác, ông Nixon ngồi trên chiếc ghế cao đó.

Der Spiegel: Như trong phim của vua hề Charlie Chaplin về nhà độc tài vĩ đại, nhà độc tài Đức Hitler ngồi trên ghế cao nhìn ngạo mạn nhà độc tài Ý Mussolini ngồi ở ghế thấp hơn?

Ông Thiệu: Tôi vào góc nhà tìm một chiếc ghế có chiều cao tương tự như chiếc ghế của ông Nixon, và ngồi trong tư thế ngang tầm với Tổng thống Nixon. Sau đó các người bạn Mỹ cho tôi biết là ông Kissinger rất đỗi ngạc nhiên và không ngờ về cách xử thế của tôi.

Der Spiegel: Ông Kissinger viết trong hồi ký là ông đối xử tệ bạc với ông ta, bỏ hẹn để đi trượt nước, ông viết thêm là Tổng thống Nixon có các lời bình phẩm cay độc về ông.

Ông Thiệu: Về những lời bình phẩm cay độc của ông Nixon được trích dẫn, tôi không muốn trả lời vì sẽ phải đôi co trong ngôn ngữ hạ cấp mà một người xuất xứ từ một gia đình đàng hoàng như tôi không thể dùng.

Khi tôi không tiếp Tiến sĩ Kissinger và Đại sứ Bunker là lúc tôi chưa có câu trả lời cho việc tiếp tục cuộc đàm phán, người Mỹ cần 4 năm, tại sao lại bắt buộc tôi có ý kiến trong vòng 1 tiếng đồng hồ? Chúng tôi không phải là những người chỉ biết vâng dạ: cá nhân tôi, người dân Nam Việt Nam, Quốc hội Việt Nam Cộng hòa. Tôi cần thì giờ để tham vấn.

Der Spiegel: Tiến sĩ Kissinger viết trong hồi ký diễn tả ông là một người có bản tính hằn học hận thù.

Ông Thiệu: Điều đó sai lạc, tôi phải bảo vệ quyền lợi của đất nước tôi. Chắc chắn là có những cuộc thảo luận gay cấn và thái độ của tôi phát xuất từ lòng ái quốc.

Der Spiegel: Ông Kissinger viết là ông ta thông hiểu thế chẳng đặng đừng của ông. Ông có nhận ra điều thông cảm này của ông Kissinger hay không?

Ông Thiệu: Tôi chỉ nhận ra một điều, đó là áp lực của Chính phủ Hoa Kỳ.

Der Spiegel: Ông Kissinger cho rằng, chưa bao giờ Tổng thống bàn cãi về nền tảng, nhưng thích cách thức soi mói chi tiết thay vì làm sáng tỏ các điều trừu tượng, thích nói chuyện lòng vòng thay vì đi ngay vào điểm chính.

Ông Thiệu: Hãy hình dung ra trường hợp của tôi, khởi đầu tôi tin tưởng vào Hoa Kỳ trong các cuộc thảo luận bí mật với Hà Nội, có lời hứa của ông Kissinger là sẽ thông báo mọi sự đầy đủ cho tôi rõ. Nhưng họ chỉ cho tôi biết những điều họ muốn tôi biết và giấu nhẹm các việc khác. Tuy vậy tôi vẫn tin tưởng là Hoa Kỳ không thể nào bán đứng nước tôi trong cuộc hội đàm với Bắc Việt.

Chỉ bốn ngày trước khi tới Hà Nội vào tháng 10 năm 1972 với dự thảo hiệp định dự kiến sẽ ký kết tại Ba Lê, phía Hoa Kỳ mới cho tôi xem bản dự thảo bằng Anh ngữ, dĩ nhiên chúng tôi cần thời gian để nghiên cứu kỹ càng văn bản Anh ngữ này.

Bản văn này là do Hoa Kỳ và Bắc Việt soạn thảo chứ không phải giữa Hoa Kỳ và chúng tôi. Đúng ra phải là dự thảo từ phía Hoa Kỳ và Nam Việt, rồi đưa cho phe Bắc Việt thảo luận.

Nhưng đây là một bản văn bằng Anh ngữ do Hoa Kỳ và Bắc Việt soạn thảo, nguyên do nào mà một hiệp định quyết định vận mạng của cả một dân tộc lại không có văn bản bằng ngôn ngữ của dân tộc đó?

Der Spiegel: Nhưng rồi ông cũng có một văn bản Việt Ngữ do Hoa Kỳ cung cấp.

Ông Thiệu: Chúng tôi cương quyết đòi hỏi điều này và sau cùng ông Kissinger miễn cưỡng đưa cho chúng tôi văn bản Việt ngữ; và chúng tôi nhận ra ngay nhiều sơ hở trầm trọng. Khi chúng tôi vặn hỏi về tác giả bản văn thì Đại sứ Bunker và Tiến sĩ Kissinger cho biết là phát xuất từ một người Mỹ trong International Linguistics College và những nhân viên của Bắc Việt. Ai cũng biết là không người Mỹ nào có thể thông thạo Việt ngữ bằng một người Việt, nhất là không một người Mỹ nào mà chỉ có chúng tôi có thể am tường Việt ngữ qua cách hành văn của Cộng sản. Sự kiện này có phản ảnh sự chân thành của một Đồng minh hay không?

Der Spiegel: Nhiều giới chức cao cấp trong Chính phủ Hoa Kỳ cho rằng Tiến sĩ Kissinger tạm thời trì hoãn, câu giờ để có khoảng cách thời gian từ lúc Hoa Kỳ rút quân cho đến khi miền Nam sụp đổ. Trong hồi ký ông Kissinger bác bỏ nhận định này, riêng ông thì ông nghĩ sao?

Ông Thiệu: Mục đích của Hoa Kỳ là có Chính phủ liên hiệp, bắt chúng tôi phải thỏa hiệp với Cộng sản.

Der Spiegel: Ông Kissinger đưa ra nhiều lập luận để phản bác điều này.

Ông Thiệu: Hoa Kỳ chỉ muốn rút quân và được trao trả tù binh Mỹ, rồi tuyên bố trong nước với dân chúng Mỹ: có hòa bình trong danh dự. Đối với công luận quốc tế họ sẽ nói: chúng tôi đã tạo dựng hòa bình, bây giờ là lúc người dân miền Nam quyết định, nếu Cộng sản lũng đoạn Chính phủ liên hiệp trở thành hoàn toàn Cộng sản thì lỗi là tại họ.

Der Spiegel: Ông Kissinger viết trong hồi ký: nguyên tắc hòa đàm của chúng tôi là Hoa Kỳ không phản bội bạn hữu.

Ông Thiệu: Hãy nhìn xem tình hình bây giờ ra sao tại Nam Việt, Cao Miên và toàn cõi Đông Dương. Khi hội thảo với đại diện Hoa Kỳ, chúng tôi luôn có cảm tưởng là họ không những đại diện cho quỷ dữ mà họ còn hành động như vậy nữa.

Der Spiegel: Có bao giờ ông cảm tạ những sự giúp đỡ của Hoa Kỳ cho xứ sở của ông? Tiến sĩ Kissinger viết cay đắng trong hồi ký: cảm tạ và biết ơn không phải là cá tính của người Việt.

Ông Thiệu: Có lẽ chỉ những người bất thường và mất trí mới có thể hạ bút viết như vậy. Tiến sĩ Kissinger còn viết trong hồi ký là lo sợ sự trả thù của người Việt đối với những người Mỹ còn ở lại sau khi Mỹ rút hết quân đội ra khỏi miền Nam. Người Việt chúng tôi không bao giờ có hành động trả thù như vậy.

Der Spiegel: Bản thân ông có tự cảm thấy một sự biết ơn với người Mỹ?

Ông Thiệu: Chân tình mà nói, nếu Chính phủ Hoa Kỳ không phản bội và đâm sau lưng chúng tôi thì có lẽ dân tộc Việt sẽ mãi mãi cảm tạ Mỹ. Sau một cuộc thảo luận gay cấn với ông Kissinger về văn bản hiệp đình hòa bình, một số vị trong nội các Chính phủ mai mỉa là nếu ông Kissinger giúp chúng ta như giúp miền Bắc thì may mắn biết bao. Tôi tuyên bố với các vị đó: nếu ông ta thương thuyết với Bắc Việt để đạt được một nền hòa bình thực sự cho chúng ta, thì miền Nam sẽ xây dựng một bức tượng cảm tạ như người dân Nam Hàn đã xây dựng một bức tượng như thế dành cho tướng MacArthur. Đáng buồn thay thực tế không phải như vậy.

Hậu quả của hiệp định hòa bình này: trại tập trung tù cải tạo, nạn đói kém, sự tra tấn, cả trăm ngàn người mất mạng trên Thái Bình Dương khi là những thuyền nhân vượt biển tìm tự do; đây là một cuộc diệt chủng dã man, hệ thống hoá, có kế hoạch hơn cuộc diệt chủng tại Cao Miên. Tiến sĩ Kissinger không thể tự hào với nền hòa bình của những nấm mồ như vậy, người Mỹ nên tự xét mình về những hậu quả nêu trên.

Der Spiegel: Xin cảm ơn ông đã trả lời những câu hỏi của chúng tôi trong cuộc phỏng vấn này.

Nguồn: cothommagazine.com

This entry was posted in Ngày 30/4/75. Bookmark the permalink.