Cuộc gặp gỡ Tổng thống Barack Obama chỉ có 900 vé được phát ra trong khi hàng chục nghìn người ở Ohio muốn được đến nghe ông nói chuyện. Và tôi, một sinh viên Việt Nam vừa đến nước Mỹ theo học ngành công nghệ môi trường, thật may mắn có trong tay một trong 900 tấm vé ấy.
* Nguyễn Thị Tuyết Ngân, sinh viên Việt Nam theo học ngành công nghệ môi trường tại ĐH Cao Đẳng Cộng Đồng Lorain County (Lorain County Community College) ở Ohio, Mỹ, may mắn được tham dự cuộc đón tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông đến thăm và nói chuyện ở thành phố này. Cô đã viết những cảm xúc và suy nghĩ của mình về cuộc gặp gỡ đặc biệt ấy và gửi cho Tuần Việt Nam.
11 giờ sáng ngày 22/1, ban tổ chức bắt đầu mở cửa cho những người được mời tham dự cuộc gặp gỡ. Nhưng quá nhiều người đã đến và đợi chờ từ 8 giờ sáng trong giá lạnh và tuyết trắng của mùa đông nước Mỹ. 10 giờ tôi mới có mặt và xếp hàng nhích dần từng bước trong khoảng thời gian hơn một giờ đồng hồ mới vào được hội trường. Trong lúc xếp hàng, nhiều người tỏ ra sốt ruột, định cắt hàng lên trước nhưng đều bị nhân viên bảo vệ ngăn lại.
Khi vào được trong toà nhà, tất cả khách được mời đều được kiểm tra an ninh kỹ lưỡng. Không được mang bất cứ một thứ kim loại nào, bất cứ chất lỏng nào, tất cả phải tắt điện thoại và không được phép chụp ảnh tại khu vực kiểm tra an ninh.
Một số hàng ghế danh dự trên lễ đài được dành cho những vị khách danh dự của cuộc gặp gỡ với tổng thống. Họ là những nhân vật quan trọng của bang, những doanh nhân, đại diện trường đại học, nhà thờ, những trí thức.
Có một nhân vật ngồi trên hàng ghế gần lễ đài khiến tôi xúc động. Đó là phiên dịch viên cho những người khiếm thính. Cử chỉ này cho tôi hiểu những gì mà xã hội Mỹ giành cho những người có thiệt thòi riêng trong cuộc sống.
Một điều nữa cũng quá bất ngờ với tôi, là người được chọn để giới thiệu tổng thống trước khi ông xuất hiện trước công chúng. Người đó không phải là một chính khách của bang, không phải đại diện ban giám hiệu trường đại học, không phải người của văn phòng tổng thống…, mà là một sinh viên “già”. Bà là cựu sinh viên của trường. Bà đã ra trường hơn 20 năm trước. Nhưng bà thất nghiệp và quay lại trường học một ngành mới để có thể kiếm được việc làm.
Tôi đã nghĩ rất nhiều về việc tại sao người ta lại để cho một người đang thất nghiệp, phải đi học thêm ngành mới làm người giới thiệu tổng thống. Không ai giải thích cho tôi điều này. Nhưng tôi nghĩ những người trong ban tổ chức làm vậy là để nói lên một điều: Tổng thống là người thực sự của nhân dân và một công dân dù đang ở trong hoàn cảnh hay địa vị xã hội như thế nào thì họ cũng có quyền có một cơ hội tốt đẹp như mọi con người khác trong cộng đồng của họ.
Sau lời giới thiệu của người sinh viên “già”, Tổng thống Barack Obama xuất hiện, vui tính và thân thiện. Ông nói về vấn đề chăm sóc sức khoẻ cho người dân, đặc biệt là bảo hiểm y tế cho những người nghèo. “Tôi không thể ngừng đấu tranh cho các bạn. Những gì tôi làm không phải cho tôi mà là cho các bạn”, ông nói. Người đứng đầu nước Mỹ bày tỏ quan tâm đến các trường đại học công khi nền kinh tế suy thoái. Bởi nơi đó có thể giúp những người lớn tuổi học ngành nghề mới khi mà một số nghành họ học đã lâu không còn được xã hội cần đến. Đó là cách giúp họ tiếp tục kiếm sống và cống hiến cho đất nước.
Ông Obama cũng nhấn mạnh về việc bảo vệ bản quyền cho các công dân Mỹ. Bởi hiện thực nhiều phát minh của các công dân Mỹ đang bị nhiều nước sử dụng mà không xin phép. Ông hứa cố gắng làm cho luật bản quyền có tác dụng trên toàn thế giới để bảo vệ quyền lợi của các công dân Mỹ sáng tạo.
Trong buổi gặp gỡ, tổng thống cũng giành ít thời gian để trả lời một số câu hỏi từ những người tham dự. Ông trả lời một cách thân thiện. Với những câu hỏi về những vấn đề ông không biết, ông đều nói không hiểu rõ vấn đề đó và hứa sẽ tìm ra câu trả lời và gửi lại sau. Một phụ nữ đã phàn nàn với tổng thống rằng đã gọi đến một cơ quan bảo vệ môi trường khu vực bà đang sống để phản ánh tình trạng môi trường đang bị đe doạ, nhưng không nhận được phản hồi nào từ cơ quan đó. Tổng thống Barack Obama xem đồng hồ và nói, mấy phút nữa cơ quan bảo vệ môi trường kia sẽ gọi điện cho bà.
Tôi đã từng đọc nhiều bài báo ở Việt Nam viết về tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, nhưng những câu chuyện và những hình ảnh thật giản dị nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa và thông điệp mà tôi tận mắt chứng kiến trong cuộc nói chuyện gần một giờ đồng giữa một vị Tổng thống với các công dân của ông đã cho tôi hiểu thêm nhiều điều về đất nước này.
Nguồn: Vietnamnet
http://www.tuanvietnam.net/2010-01-24-sinh-vien-gia-va-tong-thong-tre-