Lê Thân – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng
Bất cứ nhà cách mạng nào muốn vận động làm thay đổi vận nước cũng đều phải đặt cho mình 3 câu hỏi cơ bản:
– Một là, mục đích cuối cùng là gì, và để đạt được mục đích, từng giai đoạn cần phải tiến hành như thế nào?
– Hai là, lực lượng nào là chủ lực của cuộc cách mạng này?
– Ba là, thực hiện cuộc cách mạng này bằng phương pháp nào để có thể đem lại hiệu quả cao nhất với cái giá phải trả thấp nhất (có nghĩa không cần hoặc ít hi sinh nhân mạng, tài lực vật lực)?
Như chúng ta đều biết, khi Pháp xâm lược Việt Nam vào giữa thế kỷ XIX cũng là lúc Việt Nam đang còn rất lạc hậu so với thế giới, các vua triều Nguyễn còn phải cầu viện triều đình Nhà Thanh giúp chống Pháp trong khi chính nước Trung Hoa cũng đã bị xâu xé chà đạp bởi các cường quốc phương Tây! Pháp xâm lăng Việt Nam là hành động xấu nhưng một mặt khác của hành động thực dân này là tác dụng khách quan đem lại các phương tiện của nền văn minh và lối sống văn hóa mới của phương Tây vào làm thay đổi một xứ sở Việt Nam đang chìm đắm trong vòng tăm tối lạc hậu của chế độ phong kiến.
Nói cách khác, Pháp đặt nền cai trị ở Đông Dương (bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia), và trước hết để phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa vì quyền lợi thực dân, họ cũng đồng thời mang lại cho dân bản xứ các lợi ích và điều kiện sinh hoạt tốt hơn xưa gấp bội, như hệ thống đường sá cầu cống hiện đại (đường nhựa, đường xe lửa, đường hàng không…), một nền y tế và giáo dục mới, với các trường/ viện nghiên cứu khoa học trên đủ mọi lĩnh vực (cơ khí, nông nghiệp, y học, mỹ thuật, báo chí, xuất bản, các khoa học xã hội nhân văn và tự nhiên khác…), kể cả những tư tưởng – học thuyết chính trị – xã hội về nhân quyền, dân quyền và thể chế dân chủ tự do với bản hiến pháp và hệ thống tổ chức chính trị tam quyền phân lập, cũng được du nhập phổ biến, thông qua sách vở viết bằng tiếng Pháp hoặc qua những bản dịch chữ Hán của Trung Quốc mà các nhà nho ta tìm đọc để mưu cầu việc canh tân đất nước và đấu tranh giành lại chủ quyền cho dân tộc. Mãi cho đến nay, nhiều người vẫn còn đang nói đến một thế hệ Việt Nam vàng, trong đó nở rộ một tầng lớp trí thức mới có tinh thần yêu nước và trình độ chuyên môn vững vàng vốn được đào tạo không đâu khác hơn mà chính là từ nền Tây học do thực dân Pháp đưa vào.
Trong bối cảnh lịch sử cụ thể đó, để cứu nước cứu dân ra khỏi ách nô lệ của chế độ thực dân nửa phong kiến, cụ Phan Chu Trinh (1872-1926), bằng một tầm nhìn xa rộng đầy thực tế, đã sớm nhận ra vấn đề một cách sáng suốt, rằng thay vì áp dụng các biện pháp bạo động để chống Pháp chắc chắn không thể mang lại hiệu quả mong muốn như không ít nhà hoạt động yêu nước tiền bối đã làm (Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học…), thì lại cần phải dựa vào thế của người Pháp trong một khoảng thời gian nhất định nào đó để chấn hưng đất nước. Phan Chu Trinh chủ trương hòa hoãn hợp tác với Pháp (còn gọi “Pháp Việt đề huề”) để Việt Nam dần dần xây dựng được một nền kinh tế phát triển, một lực lượng trí thức đông đảo đủ sức lãnh đạo, quản lý xây dựng đất nước sau khi giành lại nền độc lập, bởi vì đất nước độc lập mà không có người tài giỏi, chưa chuẩn bị tốt cuộc sống cho nhân dân cả về vật chất về tinh thần thì cái nền độc lập ấy không chỉ không vững bền mà xem chừng còn tai hại nữa là khác (nhìn tấm gương Nam Phi sau khi Anh trao quyền tự quyết hoàn toàn thì thấy rõ).
Về chính trị, tiếp thu những luồng tư tưởng tiến bộ mới cũng xuất phát từ phương Tây mà khi đó chủ yếu là Pháp, có thể nói, Phan Chu Trinh đã chuyển hướng từ ý thức hệ phong kiến sang ý thức hệ dân chủ tư sản. Về đường lối xây dựng đất nước, chủ trương căn bản của cụ Phan được tóm gọn trong phương châm mà từ lâu đã được nhiều người biết: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” (mở mang dân trí, chấn hưng dân khí, chú trọng dân sinh). Cụ đã trở thành một trong những lãnh tụ tiêu biểu nhất của phong trào duy tân đầu thế kỷ XX, nói theo ngôn ngữ bây giờ gọi là “cải cách”, là “đổi mới”.
Một đồng chí hoạt động cùng thời với Phan Chu Trinh là cụ Sào Nam Phan Bội Châu, cả đời thất bại cũng vì chủ trương ban đầu lấy bạo động làm phương pháp vận động chủ yếu. Chính Phan Chu Trinh cũng đã rất nhiều lần phê phán đường lối của cụ Sào Nam mà ngày nay sách vở vẫn còn ghi lại: “Cái lý chấp của Phan Bội Châu là triệt để phục thù, chủ nghĩa rất là lầm lạc và ngang ngạnh mưu hãm quốc dân vào chỗ chết, không thích hợp với thời thế, không căn bản lý luận, không nghị luận cho rạch ròi…”. Ý kiến vừa nêu được cụ Phan Chu Trinh viết trong bài “Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam” (Nước Việt Nam mới sau khi liên hiệp với Pháp).
Về sau cụ Phan Bội Châu có chuyển hướng đường lối đấu tranh, kết hợp giữa bạo động với hòa bình, nhưng lúc này đã muộn. Cụ Phan Chu Trinh mất sớm năm 1926, cụ Sào Nam được Pháp cho an trí ở Huế rồi cũng qua đời năm 1940. Thời cuộc diễn biến phức tạp, Nhật đảo chính Pháp, chính phủ Bảo Đại – Trần Trọng Kim duy trì chỉ được vài tháng thì Nhật đầu hàng Đồng Minh, Chiến tranh thế giới II kết thúc, Việt Minh cướp được chính quyền, Chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ trong 9 năm, rồi tiếp theo là cuộc nội chiến Nam – Bắc, cả hai cuộc chiến kéo dài trong suốt 30 năm đẫm máu và nước mắt, với hậu quả kéo dài cho tới hôm nay là tình đoàn kết dân tộc bị phá vỡ giữa bên thắng cuộc và bên thua cuộc, nhiều mặc cảm trong tình tự dân tộc vẫn chưa được gột rửa… Đất nước thống nhất từ sau 30.4.1975, tuy danh nghĩa nói độc lập nhưng thực chất vẫn tiếp tục bị nô lệ dưới những hình thức khác, vì còn chịu nhiều ảnh hưởng rất xấu của các thế lực bên ngoài.
Nhìn lại 30 năm máu lửa tàn phá chết chóc chia rẽ hận thù và 45 năm xây dựng trong hòa bình để thấy được chỗ sáng suốt lớn lao trong đường lối hòa bình giải phóng dân tộc của Phan Chu Trinh, mà nói theo cách người xưa, chỉ có kẻ hiểu thời vụ mới đúng là bậc hào kiệt (“Thức thời vụ giả vi hào kiệt”).
Trước đây không ít người thuộc nhiều phe nhóm khác nhau với cái nhìn nông cạn đã quy kết đường lối “Pháp Việt đề huề”của Cụ Chu Trinh là “cải lương”, là đầu hàng thực dân Pháp, nhưng sự quy chụp này cũng không làm giảm đi giá trị, tính đúng đắn cũng như tầm vóc vĩ đại trong đường lối chủ trương chính trị sáng suốt của cụ.
Rút kinh nghiệm lịch sử và bài học từ cụ Phan Chu Trinh, chúng tôi cho rằng cuộc đấu tranh cho một thể chế dân chủ và chống độc tài hiện nay cũng cần phải được tiến hành trên cơ sở hòa bình bất bạo động, trong tinh thần xây dựng, dưới hình thức liên tục và quyết liệt phản biện xã hội, thúc đẩy cải cách thể chế chính trị theo hướng dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội. Cụm từ “diễn biến hòa bình” (một thứ ngôn ngữ chính trị mị dân có gốc từ Trung Quốc) mà người ta thường dùng quy chụp cho những “tiếng nói khác” cần phải được hiểu lại theo nghĩa tốt tích cực, nhằm tránh bớt mọi sự đỗ vỡ ngoài ý muốn vượt khỏi tầm kiểm soát, có thể gây nên những hậu quả tiêu cực khôn lường cho toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến các quá trình xây dựng kinh tế và xây dựng cuộc sống yên bình hạnh phúc cho nhân dân. Tương tự như vậy, các cụm từ như “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng cần được hiểu đúng theo nghĩa tốt, vì một con người hay một thể chế chính trị, nếu cứ mãi ù lì không diễn biến không chuyển hóa thì chẳng khác chi một vũng ao tù, rốt cuộc chỉ có thể đi vào con đường bế tắc không lối thoát.
Ngày nay, mặc dù thời đại và thời cuộc đã nhiều biến đổi, nhưng theo chúng tôi, đường lối canh tân đất nước của cụ Phan Chu Trinh vẫn còn giữ nguyên giá trị, đó là khẩu hiệu “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Đây là khẩu hiệu chiến lược có thể áp dụng đúng trong bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử Việt Nam, đặc biệt là trong tình hình dân khí đang rất bại hoại như hiện nay.
Dân khí (và cả “quan khí”) rõ ràng đã xuống thấp đến cùng cực, nguyên nhân chủ yếu do thể chế chính trị bóp nghẹt dân chủ gây nên, trong đó tư tưởng con người bị kiểm soát, khiến mỗi người dân, đặc biệt giới quan chức phần nhiều không dám có tiếng nói độc lập trung thực, chỉ biết ngậm miệng ăn tiền, sĩ khí thì “rụt rè gà phải cáo”, còn đại bộ phận tiểu dân sinh viên học sinh thì vì những tấm gương xấu đó của giới lãnh đạo tham nhũng mà tinh thần cũng trở nên bại hoại, mất hết mọi lý tưởng phục vụ cho nhân quần xã hội.
Các nhà cầm quyền độc tài mọi thời và mọi nơi trên thế giới đều dùng chính sách ngu dân để cai trị, thu tóm quyền lợi cho một thiểu số đặc quyền. Ngu dân được càng lâu thì nền cai trị độc tài của họ càng được kéo dài. Ngày nay, trong thời kỳ hội nhập quốc tế với mạng truyền thông Internet, họ khó bưng bít thông tin hơn nên tìm mọi cách hạn chế sự hiểu biết của quần chúng bằng các luật an ninh mạng (như trường hợp Trung Quốc…), rồi dùng cả hệ thống công an để bắt bớ, trấn áp những tiếng nói phản biện đòi thực thi dân chủ. Cách làm này giúp giữ được chính quyền độc tài trong một thời gian khá lâu nào đó, kinh tế vẫn có thể phát triển, như trường hợp Trung Quốc 40 năm nay, nhưng bất công xã hội gia tăng, quốc nạn tham nhũng vô phương cứu chữa, tệ nạn xã hội tràn ngập, môi trường sinh thái bị phá hủy…, thì đây lại chẳng phải là lý tưởng của nhân dân Việt Nam, và chắc cũng không phải là điều mà nhà cầm quyền Việt Nam thực sự mong muốn.
Trong điều kiện dân trí đã được nâng lên và khó bưng bít những thông tin xấu như hiện nay, để ngăn trước cơn phẫn nộ của quần chúng có thể dẫn họ đến hành vi nổi dậy lật đổ, các nhà cầm quyền khôn ngoan trên thế giới phần nhiều đều biết nhượng bộ bằng cách xây dựng một hệ thống pháp luật cởi mở nhưng trong sáng chặt chẽ, rồi cho mở rộng trên thực tế các quyền tự do dân chủ, như tự do báo chí – xuất bản, tự do lập hội, tự do tín ngưỡng…, hoạt động trong khuôn khổ điều chỉnh của pháp luật quốc gia.
Mở mang dân trí không chỉ có nghĩa nâng cao kiến thức của người dân, mà phải làm cho dân phân tích thấy được những vấn đề quốc kế dân sinh hệ trọng bị ách tắc là do ai, chỗ nào, kinh tế chậm phát triển là do đâu, vì sao mà có cuộc cải cách ruộng đất thô bạo giai đoạn 1955-1956, vì sao mà có cuộc chiến tranh tàn sát 30 năm…, để rút tỉa kinh nghiệm cho tương lai. Ngoài ra, dân trí không thể tách rời khỏi dân khí, vì dân trí cao mà dân khí bại hoại thì cũng chẳng làm gì được!
Đất nước hôm nay độc lập thống nhất, nhưng chưa có dân chủ, thể chế còn độc tài. Quyền dân không có, mọi thứ lệ thuộc vào ý muốn của một vài người nhân danh Đảng lãnh đạo. Trong tình hình này, càng thấm nhuần đường lối cải cách đất nước của cụ Phan Chu Trinh, như trên mô tả, các lực lượng đang đấu tranh cho sự tiến bộ của dân tộc, càng nên coi tư tưởng và đường lối của Cụ Phan Chu Trinh như ngọn đuốc soi đường sáng nhất và làm cho nó bùng lên trở lại.
Ngày 26 tháng 4 năm 2021,
TM Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng
L.T.
Tác giả gửi BVN