Tuan Ngo
Tôi từng có dịp găp cô Nguyễn Thuý Hạnh cách đây khá nhiều năm, khi tôi mới bắt đầu bào chữa cho những người bất đồng chính kiến. Ban đầu, tôi gọi cô là chị giống như những người khác; sau đó cô đề nghị, đừng gọi là chị, gọi là cô đi, cháu chỉ ngang tuổi của con cô thôi. Và từ đó, tôi đổi cách xưng hô với cô Hạnh.
Cô Hạnh là người hiền lành, nhẹ nhàng nhưng ẩn sau dáng vẻ yếu mềm là sự mạnh mẽ, kiên định. Mấy năm trước, cô nói với tôi, khi nào cô bị bắt, cháu bảo vệ cô nhé. Chỉ cần một luật sư cho đỡ tốn tiền. Tôi cười trừ cho qua và nói người ta bắt cô làm gì chứ…
Nhưng rồi cô Hạnh bị bắt thật. Trước khi bị bắt khoảng 1 tuần, cô có qua văn phòng tôi ký giấy mời luật sư để tôi giúp cô yêu cầu gỡ phong tỏa tài khoản ngân hàng; đồng thời cô cũng ký luôn giấy mời luật sư phòng khi cô gặp chuyện bất ngờ; không biết có phải vì cô có linh cảm gì trước hay không. Chỉ sau khi tôi ký đơn yêu cầu và gửi đi mấy ngày, người ta bắt cô Hạnh. Không biết có phải tại tôi, tại yêu cầu của tôi mà cô ấy bị bắt đi nhanh hơn không nữa. Hôm cô Hạnh tới văn phòng, tôi có nói là sắp tới cháu sẽ giảm bớt các vụ án “nhạy cảm” để tập trung vào làm kinh tế vì sau mấy năm làm án này, khách hàng khác sợ cháu bỏ đi hết; có khách thân thiết lạy sống lạy chết là thôi làm án chính trị đi để giúp đỡ họ và làm giàu…;
Tuy nhiên, nếu cô bị bắt thật, cháu sẽ có mặt ngay.
Dù rằng luôn nhắc nhở mình, không để cảm xúc lấn át. Tình cảm và trách nhiệm của người luật sư phải là rất rõ ràng, không được đánh đồng. Thế nhưng, tôi cảm nhận sự ấm áp, chân tình từ cô Hạnh. Tôi không nói ra nhưng trong tâm tôi, tôi coi cô như mẹ tôi vậy. Tôi nghĩ rằng, người như cô ấy không đáng bị bắt, không nên bị bắt, cô ấy không nguy hiểm tới mức như người ta đồn đoán, suy diễn. Có vẻ như đang khan hiếm dần những người muốn bắt, cần bắt nên rồi đây, có lúc phải bắt “ép”, kiểu như ta đi hái trái non.
Việc bắt cô Hạnh càng làm cho người ta nhìn thấy rõ, làm việc tốt trong xã hội này không phải là chuyện dễ, nhất là khi mà việc đó không thuận theo ý chí của những người cầm quyền. Ranh giới giữa người tốt và người vi phạm pháp luật rất mong manh và người ta có thể “xử lý” bất kỳ lúc nào họ muốn.
Dân trí hiện nay không còn kém như xưa. Người dân hiểu hết nhưng chỉ vì an phận, vì hèn nên họ không dám lên tiếng mà thôi. Đa số những người bất đồng chính kiến, họ không sợ tù tội như những ông quan chức tham lam, họ chỉ sợ họ hèn hoặc họ không được thể hiện suy nghĩ của mình tại toà chứ không sợ số năm tù mà mình sẽ bị tuyên.
Thế nên, để giảm thiểu sự mâu thuẫn trong xã hội, đã đến lúc nhà nước này cần thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, thẳng thắn đối thoại, lắng nghe phản biện từ người dân thay vì tìm cách ngăn cản, đấu tố hay bắt bớ họ, đúng như tinh thần mà tân Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu trong phiên họp Chính phủ đầu tiên ngày 15/4/2021, sau khi Quốc hội kiện toàn nhân sự. Và cũng đã đến lúc cần định nghĩa đúng từ “an ninh quốc gia” trong Bộ luật Hình sự để tránh trường hợp hiểu và áp dụng các quy định của pháp luật một tuỳ nghi tới mức tuỳ tiện…
T.N.
Nguồn: Fb Tuan Ngo
TỰ HÀO VỀ HỌC TRÒ
Nghiệp Giáo là TRỒNG NGƯỜI. Cho nên khi học trò THÀNH NGƯỜI các Thầy Cô Giáo thường lấy làm tự hào. Có điều THÀNH NGƯỜI rất khác nhau. Nên niềm tự hào cũng rất khác nhau.
Lẽ thường, người ta tự hào về học trò làm quan to. Về lại trường cũ được đón chào long trọng. Có kẻ trò còn nghêng ngang trước Thầy Cô, tự kiêu tự đại trước nhà trường. Có trường hợp Thầy lom khom hai tay bắt tay học trò.
Nhưng đối trọng với lẽ thường, có một niềm tự hào khác của các Thầy Cô Giáo. Rất nhiều trường hợp Thầy Cô tự hào và cảm phục, nhưng nuốt nước mắt thương xót cho những học trò cũ. Bởi học trò cũ hiến dâng cho một mục đích mà chính quyền đương thời không chào đón. Nhiều người trong số họ bị bỏ tù, bị xử bắn. Họ thành danh và là niềm tự hào của thế hệ sau.
Xin giới thiệu niềm tự hào của Thầy Lê Phú Khải về người học trò cũ Nguyễn Thuý Hạnh.
Tự hào Nguyễn Thúy Hạnh
Nguyên thầy giáo dạy văn trường cấp 3 Cẩm Giàng, Hải Dương
Một ngày trước khi bị bắt
Em là một doanh nhân thành đạt
Nhưng không đi những chiếc xe bạc tỷ
Không vào siêu thị sắm thời trang
Rồi chụp ảnh khoe hình trên mạng!
EM CÒN BẬN LÀM NGƯỜI.
Một ngày trước khi bị bắt
Em đi thăm các gia đình tù nhân lương tâm
Đi biểu tình chống giặc Tàu xâm lược.
Tôi tự hào là thầy giáo của em
Hơn bốn mươi năm về trước
Đã dạy các em những vần thơ yêu nước
Những câu văn về dáng đứng con NGƯỜI
Có những kẻ hàng ngày đi bằng hai chân
Nhưng trong thâm tâm vẫn nghĩ mình là con chó
Lom khom, khúm núm trước uy quyền!
Im lặng cúi đầu xuống cái máng ăn
***
Một ngày sau khi bị bắt
Em hoá thân thành đất nước thời @
Cài đặt những phần mềm cho mọi lương tâm.
SG 4.2021
L.P.K.