Hình ảnh các ký giả nước ngoài lên tiếng ủng hộ bà Trang.
Một nhóm bốn nhà báo nước ngoài, vốn từng được tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) trao các giải thưởng khác nhau, mới lên tiếng bày tỏ hậu thuẫn với ký giả Phạm Đoan Trang, đồng thời kêu gọi Việt Nam phóng thích bà.
Trong thông cáo ra ngày 7/4, RSF viết rằng tới nay, “vẫn chưa có tin tức gì” về bà Trang kể từ khi nữ ký giả này bị bắt hồi đầu tháng Mười năm 2020.
Tổ chức thúc đẩy tự do báo chí trên thế giới cho biết thêm rằng bà Trang “chưa được trao đổi với luật sư hoặc gia đình bà”. Facebook của ký giả từng làm việc tại một số tờ báo quốc doanh, hiện do bạn bè thân thiết của bà quản lý, xác nhận điều này hôm 6/4 và viết thêm rằng “không một tin tức gì lọt ra ngoài”.
Bà Inday Espina-Varona, ký giả tự do người Philippines, nói với VOA Việt Ngữ rằng đây không phải là lần đầu tiên bà lên tiếng ủng hộ và kêu gọi trả tự do cho các đồng nghiệp quốc tế.
Nữ nhà báo từng nhận giải thưởng của RSF năm 2018 nói tiếp rằng “điều hết sức quan trọng là khi một người trong chúng ta bị đối xử bất công như trường hợp của bà Trang, thì các nhà báo trên khắp thế giới nên đứng lên bênh vực”.
Bà Espina-Varona cho biết, bản thân bà cũng nhận được nhiều sự hậu thuẫn của các đồng nghiệp quốc tế, khi vấp phải “chỉ trích từ chính phủ Philippines”.
Ngoài nữ ký giả từ Philippines, những người lên tiếng ủng hộ bà Trang còn có các nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và Ấn Độ.
Bà Espina-Varona cho VOA Việt Ngữ biết, bà muốn nói với các đồng nghiệp ở Việt Nam rằng “sự tiến bộ và phát triển của một đất nước cũng phụ thuộc vào việc tôn trọng các quyền của công dân” và rằng các quyền cơ bản đó, trong đó quyền tự do báo chí “không nên bị hy sinh cho mục tiêu ổn định và tiến bộ của chính phủ”.
Nữ nhà báo từng chỉ trích các hành động của chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte cũng kêu gọi các nhà báo ở Việt Nam ủng hộ lời kêu gọi trả tự do cho ký giả Phạm Đoan Trang của bà cũng như của các đồng nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và Ấn Độ.
Bà Trang bị bắt hồi đầu tháng Mười năm ngoái với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”. Một quan chức ngoại giao phụ trách về nhân quyền và 12 dân biểu Mỹ từng kêu gọi Việt Nam “ngay lập tức thả bà và hủy bỏ mọi cáo buộc”.
Trong khi đó, tờ Công an Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam, đã đăng bài viết chỉ trích các tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi phóng thích bà Trang, tuyên bố rằng “hoàn toàn không có chuyện bắt, xử lý những đối tượng vi phạm pháp luật lại bị coi là đàn áp người ‘bất đồng chính kiến’, ‘người hoạt động nhân quyền’”.
Trong lá thư được nhiều tổ chức nhân quyền và các cơ quan báo chí nước ngoài trích dẫn, ký giả từng làm việc tại nhiều tờ báo ở trong nước viết trước khi bị bắt rằng “tôi rất không thích bị coi là món hàng để nhà nước trao đổi”.
“Thay vì thế, tôi muốn rằng nếu mình có đi tù thì giới hoạt động dân chủ phải là một lực lượng đàm phán với nhà nước, trong đó tập trung, nhấn mạnh vào việc đòi thông qua luật bầu cử mới và luật tổ chức quốc hội mới”, lá thư có đoạn. “Bản án càng dài, xin các bạn càng tận dụng nó vào việc đàm phán và gây sức ép lên chính quyền Việt Nam, buộc chính quyền phải thực hiện các yêu cầu của chúng ta”.
Các cơ quan báo chí Việt Nam, trong đó có VnExpress và tờ Pháp luật TP HCM, nơi bà Trang từng có thời gian làm việc, không trích nội dung bức thư của bà mà chỉ dẫn thông tin của Bộ Công an Việt Nam khi đăng tải về vụ bắt giữ cựu nhân viên của mình.
Nguồn: VOA Tiếng Việt