LS Lê Văn Luân
Đàn áp dữ dội
Nam siêu mẫu Takhon rất nổi tiếng Myanmar đã bị bắt sáng 8/4/2021. Hình thứ hai (bên dưới) là nữ diễn viên cũng bị bắt với cùng tội danh Điều 505 (a) Đạo luật hình sự.
Dưới cùng là hoa hậu Han Lay, cô cũng bị quân đội ra lệnh truy nã khi cô có bài phát biểu về tình hình chính trị tại nước này và kêu gọi quốc tế cần phải có hành động giúp đỡ ngay lập tức trong nước mắt vì xót thương tình cảnh đau đớn của người dân.
Cùng với đó, một tin quan trọng khác, là khoảng 20 người hoạt động trong giới nghệ thuật, nghệ sỹ (diễn viên, ca sỹ, người mẫu…) đã đồng loạt bị quân đội bắt với cùng tội danh trước đó chỉ một ngày.
Mặc dù vậy, tôi vẫn thấy những người dân ở nhiều tình biểu tình không nao núng trước các tin bắt giữ hàng loạt này. Đó chính là tinh thần ái quốc thực sự của những con người nhỏ bé ở đất nước Myanamar không thể bị bẻ gãy. Họ có một biểu tượng đấu tranh cao nhất dẫn đường, bà Aung San Suu Kyi, dù bà đã bị bắt với tội danh hết sức mỉa mai.
Sự đồng lòng rộng khắp và sâu sắc gắn kết họ tới một hành động chung trước sự tự do của chính họ. Sự nghiệp của những người của công chúng đã bị đặt sang một bên trước mưu cầu về nền chính trị dân chủ cho dân tộc đã trở thành cao cả hơn hết thảy.
___
Ngọn đuốc nào đủ sức soi đường?
Vì tôi theo dõi nhiều tài khoản của người Myanmar, nên biết được nhiều về xã hội ở nước này. Ở đây chỉ muốn nhắc đến khoảng bốn tài khoản có hàng triệu người theo dõi (trong số hàng ngàn tài khoản kiểu như thế), mà họ được gọi là người của công chúng. Hầu hết, những ngày này, những trang của họ đều bày tỏ quan điểm chính trị mạnh mẽ và công khai. Họ phản đối quân đội cầm quyền và yêu cầu dân chủ cho người dân. Họ đưa hình ba ngón tay và một bông hoa lên làm biểu tượng đấu tranh dân chủ ở Myanmar những ngày này.
Mỗi tài khoản của giới nghệ sỹ, gọi là người của công chúng, đều thể hiện rõ tinh thần và chính kiến của họ. Nhìn vào đó để thấy sự trưởng thành của những người dân nơi đây là như thế nào. Một dân tộc như thế, sẽ khó có thể tầm thường. Nhưng cái mà tôi muốn nói tới ở đây là, ở Myanmar, người ta có một biểu tượng gây cảm hứng đâu tranh dân chủ vĩ đại, người đàn bà có tên Aung San Suu Kyi. Người đàn bà này tạo nên cảm hứng và tinh thần bất khuất cho những người khác trong xã hội noi theo và dẫn dắt được dân tộc ấy đi theo mình.
Ở ta, ai, ai sẽ là người làm được như thế khi nhìn vào bộ mặt nhợt nhạt và sự kiêu ngạo của những con người lên tiếng cho xã hội?
Trí thức thì nửa vời, bàn chuyện không đầu không cuối, bỡn cợt, cợt nhả dăm ba câu chuyện mà nghĩ đến nền dân chủ. Trí thức không dám bàn tới nới tới chốn mà e dè sợ sệt đủ thứ, để người nông dân và công nhân rơi vào khốn đốn, thế hệ trẻ mất đi phương hướng. Trí thức quanh quẩn chuyện tầm phào và không dám nói về căn nguyên gốc rễ của các vấn đề xã hội. Sự hời hợt và dễ dãi của trí thức nói lến cái tầm vóc của đất nước ấy. Thân phận họ như ma nơ canh treo trước cửa nhà nhưng họ nghĩ mình cao giá và được trọng dụng.
___
Vượt qua sự tầm thường của số phận
Qua quan sát lâu dài, phải nói rằng người dân Myanmar rất đồng lòng và quả cảm. Đặc biệt giới hoạt động nghệ thuật, nghệ sỹ, với sức ảnh hưởng của mình, họ lên tiếng đòi hỏi nền dân chủ cho đất nước và cùng người dân tham gia biểu tình bất chấp sự đàn áp khốc liệt của những kẻ cầm quyền độc tài. Giới nghệ sỹ, bao gồm hoa hậu, ca sỹ, hoạ sỹ, diễn viên, người mẫu (cả nam và nữ) đều liên tục đấu tranh bằng tiếng nói của mình.
Dân tộc Miến may mắn và xứng đáng có được những điều tốt đẹp vì tinh thần họ hướng tới những giá trị nền tảng tốt đẹp cho quốc gia và dân tộc mình. Họ biết đau đớn với thân phận của đồng loại, của dân tộc mình và họ tranh đấu trực diện với bạo quyền cùng đồng bào không ngại hiểm nguy. Họ biết thương xót và phẫn nộ trước sự đàn áp của chế độ đối với những người dân nhỏ bé đang chỉ với một quyết tâm đòi hỏi một thể chế dân chủ.
Những kẻ lên tiếng bảo vệ cho động vật bị tấn công hoặc lo ngại bị tuyệt diệt mà không lên tiếng bảo vệ cho những người dân vô tội đang bị đàn áp trước mắt chúng ta, nếu những người này có nỗi đồng cảm và xót thương với loài vật mà không thể bày tỏ với mất mát của con người – ở Tân Cương, ở Tây Tạng, ở Hồng Kông và ở Myanmar – đó là thứ lòng thương giả tạo và đáng bị khinh bỉ.
Dân tộc dám đấu tranh với bất công xuất phát từ chế độ cầm quyền, rõ ràng là một dân tộc đáng nể phục và cũng đáng để học hỏi chứ không chỉ để tỏ lòng ngưỡng mộ. Thế nên, ta phải chia sẻ cùng họ những ngày tháng đầy bi kịch này như để giữ lấy trách nhiệm và bổn phận của chính bản thân mình.
Những tâm hồn không chỉ đẹp mà còn cao cả, hẳn nhiên, cao cả thì còn hơn cả đẹp, mà là vĩ đại. Cái vĩ đại được họ thực hiện mỗi thời khắc họ sống. Họ đứng ở những vị trí được nhiều người quan tâm hay tán thưởng thì với trách vụ đó họ nói lên tiếng nói công chính chứ không dùng nó để làm cho người ái mộ trở nên bạc nhược hay hèn hạ. Những con người này xứng đáng để được học hỏi, vì họ có giá trị để thụ dụng và giúp những người ủng hộ trưởng thành về mặt con người.
Một xã hội quanh đi quẩn lại chỉ thấy bê bết trong tham nhũng, chạy chọt đủ kiểu từ khi lọt lòng, tha hoá quyền lực, thản nhiên trước các sự suy đồi, hủ bại rộng khắp ở mọi cấp độ lẫn hình thức và bạo lực trong mọi khung cảnh đời sống, như thế làm sao có thể trưởng thành. Một đất nước có thể nghèo khó về vật chất nhưng thể hiện một tinh thần sống mãnh liệt cho những giá trị lớn lao thì có tầm vóc để bứt phá lên được. Với những cái đầu nông cạn, được chăng hay chớ và kháo nhau sống nay biết mai không hơn cái ăn, cái mặc như ở xứ ta thì chỉ có trì độn đi và cũng sẽ bị khinh rẻ.
Chẳng lẽ chúng ta chỉ biết tới cái ăn, cái mặc mà đã được xem như là một cuộc cách mạng vĩ đại đối với toàn bộ đời sống của mình rồi? Thân phận là gì, nô lệ hay được tự do làm chủ quốc gia bằng lương tâm và tiếng nói của chính mình? Khi chưa thể suy nghĩ vượt qua cái ăn, cái mặc và cái sinh tồn cơ bản, khi đó ta chưa thể bàn tới một khái niệm duy ngã ở loài người, đó là lương tri và cũng là phẩm giá.
(1) Đầu đề do BVN thêm, rút từ trong bài viết của tác giả