BBC tiếng Việt
Một nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền và gây quỹ từ thiện tại Hà Nội, bà Nguyễn Thúy Hạnh, vừa ‘bị bắt’, thông tin từ thân nhân và từ giới hoạt động từ Việt Nam cho BBC News Tiếng Việt biết hôm 07/4/2021.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh, sinh năm 1963, từng ra ứng cử trên tư cách ứng viên độc lập cho ghế Đại biểu Quốc hội Việt Nam vào năm 2016
Sự kiện này diễn ra trong tuần Việt Nam có nội các mới, do một cựu trung ướng công an đứng đầu ở cương vị tân thủ tướng.
Hôm thứ Tư 07/04/2021 trang Facebook cá nhân của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, chồng của nhà hoạt động Thuý Hạnh đưa tin về sự kiện:
“Nguyễn Thúy Hạnh vừa bị bắt sáng nay. Chưa rõ lý do, bị một đoàn đông kéo đến nhà bắt đưa đi nên có thể là bị khởi tố.
Nguyễn Thúy Hạnh chỉ làm từ thiện giúp gia đình tù nhân lương tâm bị khó khăn qua quỹ 50K, nhưng do áp lực của nhà cầm quyền nên đã đóng quỹ và đóng tài khoản từ cuối năm 2020. Tuy nhiên Hạnh vẫn bị theo dõi, canh cửa và bị áp lực từ đó đến nay không giảm…”
Trên Facebook cá nhân này, ông Huỳnh Ngọc Chênh nhận định thêm về việc vợ ông bị bắt “có lẽ là khởi tố qua tội danh nào được đặt ra”
“Bắt Nguyễn Thúy Hạnh là tiếp nối chuỗi bắt bớ ráo riết những người hoạt động xã hội dân sự từ vài năm trở lại đây và càng ngày càng trở nên dồn dập”, Facebook của ông Chênh viết.
BBC News Tiếng Việt hỏi ông Huỳnh Ngọc Chênh và được ông xác nhận vụ việc xảy ra khi ông đang về thăm quê ở miền Nam Trung Bộ và việc bắt giữ theo ông đã diễn ra theo một lệnh khởi tố.
“Tôi đang ở quê, ở Quảng Nam, khi xảy ra, họ bắt tạm giam theo lệnh khởi tố.
“Tôi và vợ tôi đã chuẩn bị mọi thứ để đón nhận cho ngày này từ lâu, bản thân Thúy Hạnh cũng đã chuẩn bị cho ngày này rồi, tuy nhiên khi nó xảy ra thì tôi vẫn thấy sốc nặng.
“Tôi muốn được bắt thay, thay cho Thúy Hạnh, Hạnh chỉ làm từ thiện giúp các gia đình tù nhân lương tâm mà thôi”
Thông tin đăng tải trên FB cá nhân của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh hôm 07/4/2021
Cùng ngày, hai nhà hoạt động và quan sát xã hội dân sự từ Hà Nội, là những người khá quen thân với bà Nguyễn Thúy Hạnh xác nhận sự kiện với BBC:
“Tôi sống ngay gần khu tập thể của chị Nguyễn Thúy Hạnh và có thể xác nhận là việc chị Hạnh bị bắt đã diễn ra hôm nay, và Facebook cũng như thông tin được đưa ra trên FB của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, chồng của chị Hạnh là đúng của anh Chênh”, Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng khẳng định.
“Một số người sống ở khu chung cư của chị Hạnh cũng đã xác nhận với tôi là họ đã chứng kiến Đó là một khu chung cư khá là cao cấp, sang trọng và không phải ai cũng dễ dàng đi vào khu ấy.
“Việc trong bối cảnh hiện nay, khi các cuộc họp ấn định nhân sự cũng như bầu nhân sự kiện toàn ở đảng, quốc hội, chính phủ tương đối xong xuôi, tôi cho rằng việc bắt chị Hạnh vào thời điểm này tương đối bất ngờ, bởi vì không hiểu với sức ép nào mà bây giờ người ta liên tục bắt chị ấy.
“Thực ra, chị Hạnh cũng đang có rất nhiều vấn đề về sức khỏe, sức khỏe của chị ấy không được tốt và những công việc mà chị ấy làm không phải là việc gì ghê gớm liên quan chuyện đảng phái, hay liên quan chuyện gì mà có thể gây tổn hại đến sự an nguy của chế độ, để đến mức phải có hành động quyết liệt đến như vậy với chị ấy”.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh đăng hình và phát biểu trên FB cá nhân về việc một vụ phong tỏa tài khoản và giao dịch tại một ngân hàng ở Việt Nam
Lý do của vụ bắt?
Cùng ngày 07/04, từ Hà Nội, bà Nguyễn Nguyên Bình, nhà văn, cựu Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam, nói với BBC:
“Vụ bắt này diễn ra rất đột ngột, hôm nay khoảng ba mươi nhân viên an ninh đã ập vào nhà của chị Thúy Hạnh và bắt đi và đặc biệt là người thân không có ai chứng kiến cả.
“Tôi cho rằng vụ bắt này là rất vô lý, trước đây chị Hạnh đã thành lập một quỹ gọi là Quỹ 50K để giúp đỡ gia đình những người tù nhân lương tâm mà có khó khăn.
“Thúy Hạnh cũng cho tôi biết là công an, an ninh cũng đã dọa lên, dọa xuống chị ấy và gây áp lực, bắt phải đóng quỹ ấy lại, Hạnh nói là họ còn hứa là nếu đóng quỹ đó lại, thì họ sẽ trả lại khoản tiền mà mọi người gửi phúng viếng cụ Lê Đình Kình ở Đồng Tâm được quyên tới hơn 500 triệu đồng.
“Chị Hạnh nói với tôi là đã đóng quỹ 50K đó lại, đóng mấy tháng nay rồi, tự nhiên bây giờ lại bị bắt. Mọi người ngay khi đó nhận định là họ hứa mồm như vậy thôi, chứ làm sao mà họ lại hoàn trả, và sau đó quả nhiên là mọi việc diễn ra như thế, Hạnh đóng quỹ rồi, nhưng họ có hoàn trả tiền phúng viếng đâu.
“Tôi vừa mới đây gặp Thúy Hạnh, tuần trước còn đi thăm với nhau tới một số gia đình tù nhân lương tâm, Hạnh nói với tôi là bị theo dõi liên tục.
“Thông thường, những ngày nào mà có sự kiện gì như là Đại hội đảng, hay ngày xử phúc thẩm vụ Đồng Tâm, hay là những sự kiện gì đó thì họ mới canh, nhưng gần đây Thúy Hạnh nói là họ canh nhà Hạnh liên tục, thì mọi người cũng nghĩ là triệu chứng ấy có thể là họ sắp bắt.
“Gần đây, chị Hạnh thường hay đi lễ chùa nhiều như một Phật tử thuần thành, tôi nghĩ chị ấy chẳng làm gì nên tội, nên chẳng có lý cớ gì, để đáng bị bắt như thế cả”
Sinh năm 1963, bà Hạnh từng ra ứng cử trên tư cách ứng viên độc lập cho ghế Đại biểu Quốc hội Việt Nam vào năm 2016.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh và chồng, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, nguyên Thư ký Toà soạn báo Thanh niên
Một nhà quan sát xã hội dân sự khác không muốn tiết lộ danh tính, cùng ngày nói với BBC:
“Gần đây, chính quyền và ngành an ninh làm mạnh việc trấn áp, bắt bớ với giới bất đồng chính kiến, hôm nay Việt Nam mới có tân Thủ tướng mới được hai ngày, nhưng bên an ninh vẫn tiến hành bắt bớ như với chị Nguyễn Thúy Hạnh.
“Tôi nghĩ là nhóm chủ trương ra tay mạnh vụ Đồng Tâm trong chính quyền và ngành Công an rất có thể đứng sau động thái này, vì chị Hạnh vẫn đòi hỏi phải hoàn trả tiền phúng viếng cụ Kình.
“Ngoài ra cùng với nhiều vụ bắt bớ, trấn áp khác gần đây, họ muốn gửi tín hiệu là chính quyền không khoan dung, mà trái lại muốn làm mạnh tay để giới hoạt động dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam im lặng trong thời điểm này, một thời điểm chuyển giao quyền lực sau Đại hội đảng ở trong nước đang và còn diễn ra, trong khi ở ngoài nước, ủng hộ và theo dõi nhân quyền của quốc tế, khu vực với Việt Nam đang xuống ở mức thấp”
Trên trang The Diplomat, tác giả Sebastian Strangio nhận định việc đưa một quan chức công an chuyên nghiệp (ông Phạm Minh Chính) lên làm thủ tướng chứng tỏ Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đường lối cứng rắn chống tham nhũng và chống các ý kiến bất đồng.
Tuy thế, việc nhà chứ trách xác định thế nào là bất đồng chính kiến, phản biện xã hội, hay chỉ là hoạt động xã hội dân sự thuần tuý trong dân lại là cả một vấn đề với dư luận.
Chính quyền Việt Nam từ trước tới nay vẫn tuyên bố đảng và nhà nước hoan nghênh mọi tiếng nói phản biện, đóng góp xây dựng của người dân.
Truyền thông nhà nước và cơ quan tuyên giáo của Đảng Cộng sản cầm quyền cũng thường khẳng định không có việc nhà nước trấn áp giới bất đồng chính kiến, hay giới vận động tự do, dân chủ, nhân quyền.
Theo chính quyền Việt Nam, các trường hợp bị bắt giữ, xét xử đều xảy ra chỉ với những người vi phạm pháp luật hiện hành của nhà nước, điều giới vận động cho dân chủ, nhân quyền trong và ngoài nước này không đồng ý.
Nguồn: BBC tiếng Việt