Trung Hiếu
Tôi biết chúng ta đang cạnh tranh đối đầu với TQ. TQ có mục tiêu lớn của họ. Và tôi không chỉ trích mục tiêu của họ. Nhưng họ muốn trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới, quốc gia giàu nhất thế giới, cường quốc số 1 thế giới. Tôi sẽ không để điều đó xảy ra vì nước Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng và mở rộng.
Tổng thống Biden đang lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vào Ngày Trái đất, 22/4, một phần trong nỗ lực đặt vấn đề biến đổi khí hậu làm một ưu tiên hàng đầu. Hội nghị này sẽ được tổ chức trên mạng vì những hạn chế do đại dịch COVID.
Lãnh đạo Mỹ nói sẽ hoan nghênh lãnh đạo Nga, Trung dự thượng đỉnh khí hậu
Ảnh ghép quốc kỳ Mỹ, Nga, và Trung Quốc. Nguồn: Khilifah.
Sức mạnh của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua đã nâng cao đáng kể, góp phần tạo thế chân vạc mới với 3 cực là Mỹ, Nga, và Trung Quốc thay thế trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo. Liệu Trung Quốc có tham vọng và năng lực để phá vỡ nốt thế chân vạc này?
Hiện nay thế giới đã hình thành cục diện Mỹ–Nga–Trung Quốc tranh hùng. Cục diện tam cực này bao trùm khá rộng lên các mối quan hệ quốc tế hiện nay. Cục diện đó cũng khá linh hoạt, đôi lúc chuyển sang thế 2 cực, với Nga và Trung Quốc đứng về một phe để cùng đối đầu với Mỹ.
Thế giới sau Thế chiến II xuất hiện trật tự lưỡng cực với 2 phe tư bản và XHCN do Mỹ và Liên Xô – hai siêu cường tương ứng, đứng đầu. Các mối quan hệ thế giới xoay quanh 2 cực lớn này. Tuy nhiên sau khi Liên Xô và hệ thống XHCN Đông Âu tan rã vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, trật tự lưỡng cực biến mất và thế giới bỗng chốc chỉ còn một siêu cường duy nhất, đó là Mỹ. Kể từ sau năm 1991, Mỹ cố gắng duy trì địa vị siêu cường số 1 của mình và đã thành công với mục tiêu đó trong một thời gian dài. Tuy nhiên, nền chính trị thế giới không hoàn toàn vận động theo ý muốn chủ quan của Mỹ. Xu hướng mới là một thế giới “nhất siêu đa cường”. Mỹ tiếp tục là siêu cường số 1 nhưng đã có nhiều trung tâm mới nổi lên, làm xói mòn vị trí số một của Mỹ. Mỹ không còn thống soái áp đảo như giai đoạn sau Chiến tranh Lạnh.
Hiện nay (năm 2021), Mỹ tiếp tục giữ vị trí siêu cường số 1 thế giới về nhiều phương diện (kinh tế, quân sự, khoa học-công nghệ…). Nhưng khoảng cách giữa Mỹ với các cường quốc khác đang bị thu hẹp dần. Trong các cường quốc đang “đuổi bám” Mỹ, nổi bật nhất là Trung Quốc, hiện đã vượt cả Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 sau Mỹ.
Trung Quốc là đại cường quốc hay siêu cường?
Có nhiều cách nhìn nhận khác nhau đối với vị thế cường quốc của Trung Quốc. Một số người cho rằng Trung Quốc vẫn chỉ là cường quốc, hoặc cùng lắm là đại cường quốc. Nhưng cũng có người xếp Trung Quốc như siêu cường gần bằng với Mỹ. Cách nhìn này không phải là không có có cơ sở. Trung Quốc đã là nền kinh tế thứ 2 thế giới, đồng thời đạt nhiều thành tựu về khoa học kỹ thuật, đã tự phóng tàu vào vũ trụ, đang cạnh tranh dữ dội với Mỹ về công nghệ thông tin và viễn thông. Trung Quốc có dân số lớn nhất thế giới hiện nay, diện tích đứng hàng thứ 3 thế giới. Trung Quốc cũng đang sở hữu quân đội đông nhất thế giới và đang được hiện đại hóa không ngừng với tầm vươn xa ngày càng mở rộng. Tiềm lực của Trung Quốc được đánh giá là lớn, có khả năng tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai.
Người Mỹ đã nhận ra sức mạnh của Trung Quốc từ lâu rồi, ít nhất là từ thập niên 1970, khi họ cố bắt tay với Trung Quốc để bao vây Liên Xô và chống lại phong trào cách mạng ở nhiều nơi. Nhận thức đó của Mỹ càng rõ hơn từ thời Tổng thống Mỹ Barack Obama và tiếp tục được kế thừa và phát triển dưới thời Tổng thống Donald Trump và nay là Tổng thống Joe Biden
Trong khi đó, Nga – quốc gia kế thừa Liên Xô năm nào, vẫn chưa thể lấy lại được vị thế từng có thời Liên Xô về rất nhiều mặt. Tuy nhiên, Nga dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Putin cũng đã có những bước phát triển đáng nể. Nga vẫn có thế mạnh nổi trội về nghiên cứu khoa học cơ bản và đặc biệt là về vũ khí và quân sự. Những điều này cộng với chính sách đối ngoại của Nga giúp quốc gia Âu-Á này trở thành một trụ cột an ninh của thế giới, ngăn ngừa tình trạng cực đoan của những lực lượng hiếu chiến, góp phần quan trọng vào việc duy trì hòa bình thế giới.
Như vậy thực tế đã xuất hiện 3 “ông lớn” có nhiều ảnh hưởng nhất đến các mối quan hệ quốc tế hiện nay, đó là Mỹ, Trung Quốc, và Nga.
Mỹ không hài lòng với thế chân vạc Mỹ-Nga-Trung này do họ vẫn muốn duy trì vai trò lãnh đạo độc tôn của mình đối với thế giới. Nước Mỹ thời ông Trump chú ý đến vấn đề nội địa nhiều hơn nhưng đến thời ông Biden lại bắt đầu quay trở lại với đường lối ưu tiên chính sách đối ngoại như các đời tổng thống Mỹ trước đây. Do chính sách can thiệp, Mỹ có nhiều kẻ thù nhưng 2 đối thủ lớn nhất của họ quanh đi quẩn lại vẫn chủ yếu là Nga và Trung Quốc, trong đó Trung Quốc được họ xác định là bên có tiềm năng lớn nhất soán ngôi vị số 1 của Mỹ. Phản ứng của Mỹ thời Trump và thời Biden cho thấy, Mỹ lo ngại thực sự về Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc sau thời kỳ “giấu mình chờ thời” đã bắt đầu bộc lộ rõ tham vọng nước lớn trên trường quốc tế. Dù họ trấn an dư luận bằng thuyết “phát triển hòa bình”, trên thực tế thế giới vẫn luôn nghi ngại về sự “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc, xuất phát từ việc họ nâng cấp quân đội và từ chính những hành động thực tế của nước này trên Biển Đông, biển Hoa Đông cũng như trong đại dự án mang tên “Vành đai và Con đường”. Đặc biệt, những hoạt động ngang ngược, vi phạm luật pháp quốc tế do Trung Quốc thực hiện ở Biển Đông đã khiến cộng đồng quốc tế rất phẫn nộ và mất dần niềm tin vào Trung Quốc.
Trước mắt, Trung Quốc sẽ cố gắng duy trì thế chân vạc Mỹ-Nga-Trung vì dù sao như thế cũng tốt hơn thế “nhất siêu đơn cực” ngay sau khi Liên Xô sụp đổ. Trung Quốc hiện chủ trương phát triển kinh tế và mở rộng lãnh thổ (bất hợp pháp) ở khu vực gần Trung Quốc đại lục. Nhưng với đà phát triển của Trung Quốc, không loại trừ khả năng nước này sẽ “nâng mục tiêu của mình lên”, có thể là soán ngôi của Mỹ và làm mưa làm gió trên đấu trường thế giới.
Thách thức ngăn trở tham vọng của Trung Quốc
Là cường quốc mới nổi, Trung Quốc có nhiều tiềm năng để đạt mục tiêu thay thế Mỹ. Nhưng họ cũng có nhiều thách thức, trong ít nhất nửa thế kỷ nữa.
Trung Quốc là nền kinh tế số 2 thế giới nhưng quy mô kinh tế này phần nhiều là do dân số Trung Quốc và lãnh thổ Trung Quốc quá lớn. Xét về thu nhập bình quân, Trung Quốc vẫn thua xa Nhật Bản.
Về khoa học công nghệ, Trung Quốc vẫn đang học lỏm phương Tây và Mỹ. Nhiều công nghệ tin học và viễn thông của Trung Quốc vẫn phải dựa vào phần mềm và thiết bị của Mỹ và phương Tây. Họ sẽ phải mất nhiều thời gian nữa để tự phát triển và tự sản xuất các công nghệ và thiết bị công nghệ cao.
Nội tình Trung Quốc cũng chứa đựng vô số vấn đề, như nạn ô nhiễm, các bất bình đẳng trong xã hội, tình hình bạo loạn Tân Cương liên quan đến vấn đề dân tộc thiểu số và Hồi giáo, phong trào “dân chủ” ở Hong Kong…
Trong quan hệ quốc tế, Trung Quốc hầu như không có bạn bè thực sự. Hiện nay Nga chủ động quan hệ với Trung Quốc cũng là trên tinh thần thực dụng, do tình thế đòi hỏi. Khi tình hình vượt giới hạn, Nga có thể sẽ bày tỏ rõ quan điểm và không ngần ngại huy động sức mạnh quân sự của mình. Còn Ấn Độ tuy không kỷ cương bằng Trung Quốc và không ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19 như Trung Quốc, nhưng vẫn là một cường quốc dân số và khoa học-công nghệ, đồng thời có nhiều ân oán với Trung Quốc từ giữa thế kỷ 20 cho đến nay. Riêng vùng lãnh thổ Đài Loan, Mỹ vẫn có thể sử dụng làm con bài lợi hại bất cứ lúc nào.
Do vậy, nhìn về tương lai, Mỹ có lẽ sẽ không huy hoàng mãi trên “ngôi vương” của mình nhưng Trung Quốc cũng không dễ dàng soán ngôi được. Thế chân vạc Mỹ-Nga-Trung (trong đó ưu thế hơi nghiêng về Mỹ) có lẽ sẽ còn tồn tại dài dài./.
T.H.
Nguồn: SOHA