Căng thẳng lên cao giữa EU và Trung Quốc

1. Cấm vận gay gắt: EU sắp buông tay với “cơ hội ở TQ”, thỏa thuận đứt gánh giữa đường?

Thi Anh | 24/03/2021 06:19 A

Ảnh minh họa: Da qing – Imaginechina

Một nhóm quan chức thuộc EP còn cho rằng: Điều kiện để tiến hành các cuộc đối thoại về CAI là Trung Quốc phải dỡ bỏ cấm vận.

Chưa đầy 3 tháng sau khi đạt đồng thuận, tiến trình thông qua một thỏa thuận giữa EU và Trung Quốc – giúp các công ty châu Âu dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường Trung Quốc – đã bị đảo ngược sau khi hai bên cấm vận lẫn nhau.

Trung Quốc đã đưa vào danh sách đen 5 thành viên thuộc Nghị viện Châu Âu (EP) và cơ quan nhân quyền của EU để phản ứng trước quyết định trừng phạt mà Brussel đưa ra nhằm vào các quan chức Trung Quốc với cáo buộc về vấn đề Tân Cương.

Nghị viện Châu Âu, cơ quan góp phần chịu trách nhiệm thông qua thỏa thuận toàn diện về đầu tư Trung Quốc (CAI), đã hoãn buổi họp ngày 23/3 với nội dung bàn thảo về thỏa thuận để phản đối Bắc Kinh.

Một nhóm quan chức thuộc EP còn cho rằng: Điều kiện để tiến hành các cuộc đối thoại về CAI là Trung Quốc phải dỡ bỏ cấm vận.

Reinhard Buetikofer, một nghị sĩ EP bị Trung Quốc đưa vào danh sách cấm vận, cho hay: Thỏa thuận có vẻ được tính toán thông qua trong vòng 1 năm, suốt giai đoạn Pháp làm chủ tịch EU.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận EU-Trung Quốc của Đức hồi cuối năm ngoái, nhưng giờ có thể đã nhìn nhận khác đi trước kỳ bầu cử tổng thống 4-5/2022, Buetikofer nhận định.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định, Trung Quốc ủng hộ hợp tác, chứ không phải đối đầu.

“Phía châu Âu không thể kỳ vọng rằng [họ có thể] một mặt thì nói về hợp tác và thu lợi, trong khi mặt khác lại làm tổn hại tới lợi ích của Trung Quốc bằng cấm vận”, bà Hoa nói trong cuộc họp báo thường kỳ.

Thỏa thuận đầu tư được đưa ra vào năm ngoái như một biện pháp để giúp các công ty châu Âu có thể tiếp cận sâu hơn vào thị trường Trung Quốc và bù đắp những mối quan hệ kinh tế thiếu cân bằng.

Nếu lo ngại gia tăng thì điều này sẽ khiến EU tiến gần tới lập trường cứng rắn hơn của Mỹ và Trung Quốc và thúc đẩy EU tự bảo vệ mình trước cái mà khối này cho là các hoạt động thương mại không công bằng.

Hosuk Lee-Makiyama, giám đốc trung tâm nghiên cứu ECIPE, cho rằng Bắc Kinh đang đề nghị EU lựa chọn giữa việc tiếp tục với CAI, đồng thời hủy cấm vận, hoặc chấp nhận để mất cơ hội tăng trưởng ở Trung Quốc.

“Trung Quốc không cần phải mở cửa. Đó là thông điệp. Điều này thể hiện một lựa chọn rõ ràng”, ông nói.

T.A.

Nguồn: soha.vn

2. Bắc Kinh ‘ăn miếng, trả miếng’, Ý, Đức, Pháp triệu tập Đại sứ Trung Quốc

24/03/2021 07:02 GMT+7

Anh Thư

TTO – Ý là quốc gia mới nhất trong Liên minh châu Âu (EU) triệu tập đại sứ Trung Quốc ở nước này để phản ứng các biện pháp trừng phạt trả đũa của Bắc Kinh, sau khi phương Tây trừng phạt Trung Quốc vì cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Bắc Kinh ăn miếng, trả miếng, Ý, Đức, Pháp triệu tập đại sứ Trung Quốc - Ảnh 1.

Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã – Ảnh: EPA

“Đại sứ Trung Quốc tại Rome được triệu tập vào ngày mai, liên quan đến các biện pháp trừng phạt Bắc Kinh đã áp lên Liên minh châu Âu (EU)”, Bộ Ngoại giao Ý thông báo ngày 23-3.

Cũng trong ngày 23-3, Đức, Pháp và các thành viên EU khác đã triệu tập đại sứ Trung Quốc ở các nước này để phản đối động thái đáp trả của Bắc Kinh, sau khi EU trừng phạt các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền trong cách hành xử với người Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương.

Trước đó một ngày, EU đã gia nhập cùng Mỹ, Anh và Canada khi áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc. Đây là hành động phối hợp đầu tiên của phương Tây nhằm vào Bắc Kinh, kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức tổng thống Mỹ, theo Hãng tin Reuters.

Đáp lại phương Tây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố trừng phạt nhiều quốc gia châu Âu, bao gồm đại biểu của Pháp tại Nghị viện châu Âu Raphael Glucksmann.

Bộ Ngoại giao Pháp thông báo đã triệu tập đại sứ Trung Quốc Lư Sa Dã 卢沙野 (Lu Shaye) để phản ánh những biện pháp trừng phạt “ăn miếng trả miếng” của Bắc Kinh. Đồng thời, Pháp cũng tuyên bố “không thể chấp nhận được” các lời lẽ lăng mạ và đe dọa của ông Lư nhắm vào các nghị sĩ Pháp và một nhà nghiên cứu của nước này.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris đã không đưa ra bình luận gì. Trước đó, ngày 22-3, Đại sứ quán Trung Quốc cho biết đại sứ Lư sẽ đến Bộ Ngoại giao Pháp trong ngày 23-3 để thảo luận về các biện pháp trừng phạt của EU.

Đức cũng đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Berlin để làm rõ các biện pháp trừng phạt của nước này là nhằm vào các cá nhân vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. “Các biện pháp trừng phạt nhằm vào các nghị sĩ và học giả là hoàn toàn không thể chấp nhận được” – Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas nói.

EU trừng phạt Trung Quốc, Bắc Kinh đáp trả gấp đôi ngay lập tức EU trừng phạt Trung Quốc, Bắc Kinh đáp trả gấp đôi ngay lập tức

A.T.

Nguồn: tuoitre.vn

This entry was posted in Mặt thật Tàu cộng, Quan hệ EU - Trung Quốc. Bookmark the permalink.