Duy Anh
Thứ bảy, 20/3/2021 05:30 (GMT+7)
Thay vì ồn ào và liên tục khuấy đảo truyền thông, Tổng thống Joe Biden đang chứng minh rằng không nhất thiết phải trở thành “siêu sao” để điều hành nước Mỹ.
Tổng thống Joe Biden chỉ mất khoảng 60 ngày để hoàn thành lời hứa tiêm 100 triệu liều vaccine. Bí quyết đơn giản là ông Biden hứa ít, làm nhiều. Sau 4 năm hoàn toàn trái ngược dưới thời Trump, những gì đang diễn ra mang lại cảm giác mới lạ cho không ít người Mỹ.
Gói cứu trợ 1.900 tỷ USD được lưỡng viện thông qua tuần trước là một ví dụ. Chỉ với một dự luật, ông Biden mang lại những khoản cứu trợ tài chính mà người tiền nhiệm phải dùng 4 năm để nói với tầng lớp trung lưu Mỹ rằng họ vốn đã có đủ.
Trên thực tế, mọi bất trắc đều có thể xảy đến với chính quyền của Tổng thống Biden, mà mới nhất là cuộc khủng hoảng người nhập cư đang nhen nhóm ở biên giới phía nam.
Tuy nhiên, ông Biden đang nắm giữ ba lợi thế để tiếp tục thành công tại Nhà Trắng, theo Financial Times.
Vận may và kinh nghiệm
Những kết quả bước đầu của chính quyền Biden được hoan nghênh, một phần vì nhóm của ông bước vào Nhà Trắng với sứ mệnh khắc phục và sửa chữa các hậu quả mà chính quyền tiền nhiệm để lại. Khi đặt lên bàn cân, chính quyền Trump được nhiều người Mỹ đánh giá là yếu kém hơn đội ngũ của ông Biden.
Tổng thống Biden “kế thừa” đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cho đến năm cuối nhiệm kỳ của ông Trump, nước Mỹ giờ đã có đủ những yếu tố để khắc phục những hậu quả đại dịch mang lại.
Điểm nhấn lớn nhất trong nỗ lực đối phó với dịch bệnh của cựu Tổng thống Trump là tài trợ chương trình phát triển vaccine Operation Warp Speed. Khi ông Biden tiếp quản Nhà Trắng, các vaccine Covid-19 do Mỹ phát triển đã sẵn sàng. Đồng thời, sự lây lan của dịch bệnh đã đạt đỉnh.
Chỉ trong khoảng 60 ngày, Tổng thống Biden hoàn thành lời hứa tiêm 100 triệu liều vaccine trong 100 ngày. Ảnh: AP.
Những yếu tố ấy trao cho ông Biden cơ hội “trăm năm có một” để chứng tỏ sức mạnh và hiệu quả của dịch vụ công. Và nếu đại dịch chấm dứt vào mùa hè, nền kinh tế bùng nổ trở lại sau một năm suy thoái, ông Biden sẽ có bàn đạp để theo đuổi mọi mục tiêu mà trước đó là những điều không thể tưởng tượng.
Lợi thế thứ hai mà ông Biden nắm giữ là kinh nghiệm. Ông James Carville, cựu chiến lược gia của cựu Tổng thống Bill Clinton, ví von: “Càng luyện tập nhiều, càng gặp may”.
Trong số các tổng Mỹ thời hiện đại, không ai có thời gian phục vụ trong cơ quan công quyền nhiều như Tổng thống Biden. Trước khi trở thành tổng thống, thời gian ông Biden phục vụ tại Thượng viện và Nhà Trắng là 44 năm.
Kinh nghiệm làm việc tại Washington có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Ông Biden biết rõ ai là nhân vật cần tác động để đạt được các thỏa thuận chính trị.
Các thành viên chủ chốt trong bộ máy của ông Biden đều là những người nhiều kinh nghiệm. Nổi bật nhất trong số này là Chánh văn phòng Nhà Trắng Ron Klain, người từng phục vụ chính quyền Barack Obama, cũng như đứng đầu nhóm công tác của chính phủ Mỹ ứng phó dịch Ebola.
Rải rác trong những giai đoạn lịch sử ngắn ngủi, nước Mỹ chứng kiến những gương mặt mới bước vào Nhà Trắng, xung quanh là bộ máy nhân sự “ngoại đạo”. Và rồi họ thất bại tại trung tâm quyền lực Washington. Số ít trụ lại cần nhiều thời gian, tối thiểu là 2 năm, để đứng vững trước khi có thể bắt đầu tạo ra dấu ấn.
Đó là bài học mà các ông Jimmy Carter, Bill Clinton, hay Barack Obama để lại, khi họ đưa đội ngũ nhân sự thân cận từ quê nhà tới Washington thời gian đầu nhiệm kỳ.
Nhưng ông Biden đã vượt qua trở ngại ấy. Sau 4 thập kỷ chinh chiến ở Washington, ông Biden gần như kinh qua mọi vị trí, mọi lĩnh vực. Phe cánh tả nói ông là người thiếu nguyên tắc, nhưng đó có thể là một tài sản riêng của chính trị gia xuất thân từ bang Delaware.
Đảng Cộng hòa, dù muốn, cũng khó có thể nói ông là cấp tiến cực tả. Còn phe cực tả trong đảng Dân chủ cũng không còn dư địa để chỉ trích sau những gì ông Biden đã làm được.
Cá tính thầm lặng
Không khí chính trị Mỹ đang lặng lẽ thay đổi. Những tuần qua, truyền thông phàn nàn ông Biden trì hoãn tổ chức họp báo lâu hơn bất cứ tổng thống tiền nhiệm nào. Cuộc họp báo đầu tiên của ông Biden sẽ được tổ chức vào tuần tới. Trên thực tế, không nhiều người thực sự quan trọng hóa sự kiện này.
Năm ngoái, những cuộc họp báo thường nhật trở thành sân khấu để cựu Tổng thống Trump công kích các thành viên trong nhóm công tác ứng phó đại dịch, với những giả thuyết vô lý về virus và phương pháp điều trị không có cơ sở khoa học.
Còn dưới thời Barack Obama, vị tổng thống đến từ Illinois thường có những bài phát biểu hùng hồn, tinh tế, nhưng sau đó là những chính sách không đáp ứng được kỳ vọng ban đầu.
Ông Biden khác với hai người tiền nhiệm. Tổng thống đương nhiệm không phải người khéo ăn nói trước công chúng, ông có xu hướng tự làm khó bản thân bằng chính những phát biểu, đôi khi lỡ lời, của mình. Lúc này, sự thầm lặng lại là lợi thế của ông.
Ông Biden có cá tính khác biệt so với hai người tiền nhiệm Obama và Trump. Ảnh: Getty.
Như lời của Thủ tướng Đức Angela Merkel, những bài hùng biện thường bị đánh giá vượt quá giá trị của nó.
Tổng thống Biden giao cho đội ngũ trợ lý phụ trách thông tin liên lạc với công chúng và ra các quyết định hàng ngày. Theo tiêu chuẩn của đa phần tổng thống Mỹ, ông Biden có cái tôi khá khiêm tốn. Nhưng điều này cũng dễ hiểu với một người năm nay đã ở tuổi gần 80.
“Kiểu chính trị gia tốt nhất là người tập trung quản lý, thay vì băn khoăn về thương hiệu cá nhân. Điều này khiến ông Biden khác biệt so với Obama và Trump. Mọi thứ không nhất thiết phải về bản thân ông ấy”, Financial Times bình luận.
Nhờ sự may mắn kết hợp cùng kinh nghiệm dày dạn, những tuần đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Biden trôi qua mà không gặp sự cố lớn – điều hiếm hoi trong nhiều thập kỷ vừa qua.
Ở bất kỳ thời điểm nào trong tương lai, khó khăn, thậm chí là khủng hoảng, sẽ đến. Nhưng trong lúc này, ông Biden đang chứng minh rằng không nhất thiết phải trở thành “siêu sao” khi điều hành đất nước. Thay vào đó, làm một Tổng thống lặng lẽ cũng là điều tốt.
D.A.
Nguồn: zingnews.vn