“Giải cứu” Đồng bằng Sông Cửu Long: Góc nhìn khác về nhận thức và giải pháp

Quách Hạo Nhiên

Phần I

NHẬN THỨC VÀ PHẢN BIỆN QUAN ĐIỂM “THUẬN THIÊN” CỦA GIÁO SƯ VÕ TÒNG XUÂN TRÊN TẠP CHÍ DOANH NGHIỆP VÀ TIẾP THỊ

1. Cơn “lên đồng tập thể” về Nghị quyết “Thuận Thiên”

Ngày 11/03/2021, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp Thị có đăng bài phỏng vấn Giáo sư Võ Tòng Xuân nhan đề: “Đừng đổ lỗi cho Trung Quốc nữa, chính chúng ta đang cãi trời” [1]. Bài báo được trang thông tin tổng hợp Soha dẫn lại nguyên văn và một số báo khác “mượn” các ý chính để tiếp tục đăng tải.

Trước hết, tôi xin có mấy lời thưa trước, cá nhân tôi kính trọng GS Võ Tòng Xuân trong tư cách một nhà giáo, nhà khoa học cả đời gắn bó với cây lúa và nhất là luôn trăn trở cho bà con nông dân vùng ĐBSCL. Tuy vậy, tôi nghĩ, là một nhà khoa học có tiếng lại có cơ hội tiếp xúc với lãnh đạo tầm nguyên thủ quốc gia để tham vấn chính sách vĩ mô thì mọi sự cẩn trọng là không bao giờ thừa. Bởi người lãnh đạo đặt niềm tin vào nhà khoa học, dựa vào những nghiên cứu và đề xuất của nhà khoa học để ban hành chính sách nên nếu nhà khoa học không cẩn trọng, tham vấn sai “một li” sẽ “đi một dặm”, nguy hại khôn lường cho quốc gia dân tộc.

Sở dĩ tôi nói điều này vì tôi vô cùng ngạc nhiên và lấy làm khó hiểu:

Một là, Nghị quyết 120 ra đời cách đây 3 năm về việc Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu” nhưng không hiểu sao đến hôm nay – nhất là khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ và bàn giao chức Thủ tướng cho người kế nhiệm thì giới truyền thông mới đồng loạt thi nhau giật tít tán dương ca ngợi cái “Nghị quyết Thuận Thiên” này? Tại sao khi nó vừa ra đời và những lần tổng kết trước đó hiếm ai nói gì về hai chữ “Thuận Thiên”?

Hai là, tại sao một nhà khoa học như GS Võ Tòng Xuân lại có thể phát biểu và tham vấn cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (như lời ông kể trong bài báo) một cách cảm tính và thiếu cẩn trọng như thế? Sau đây tôi sẽ lần lượt phản biện những luận điểm chính của GS Võ Tòng Xuân trong bài báo trên.

2. Giáo sư Võ Tòng Xuân có tự mâu thuẫn trong tư duy và nhận thức liên quan đến việc lý giải nguyên nhân hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL hiện nay?

Trước hết, về nhận thức chung, toàn bài báo cho thấy quan điểm tiếp cận để giải cứu ĐBSCL của GS Võ Tòng Xuân là phải “Thuận Thiên” – nghĩa là không nên “cãi trời”. Nói cách khác, theo ông, thời gian tới người dân ĐBSCL phải thích nghi với vấn đề biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn hiện nay ở ĐBSCL. Tạm thời tôi chưa bàn sâu về nội hàm của khái niệm “Thuận Thiên”, tôi chỉ muốn phản biện sự mâu thuẫn của chính GS Võ Tòng Xuân khi ông cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự khô hạn và xâm nhập mặn ở ĐBSCL hiện nay “không phải do Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông”.

Có thể thấy, quan điểm này của ông thể hiện rất rõ ngay ở tiêu đề của bài báo cùng lập luận là tấm hình minh họa ông cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo ngồi giữa cánh đồng ở tỉnh Vân Nam (theo lời GS Võ Tòng Xuân tình cờ đọc được trên một tờ báo Thái Lan năm 2010). Giáo sư Xuân nói:

“Suốt thời gian dài, chúng ta nói, thượng nguồn Trung Quốc xây đập thuỷ điện chằng chịt, chặn đứng nguồn nước Mê Kông gây hạn hán, ngập mặn. Việt Nam, Thái Lan, Campuchia nhiều năm nay vẫn kiện cáo, đòi mở đập để “giải cứu” cây lúa miền dưới. Nhưng thực tế không phải vậy! Rõ ràng lúc Việt Nam đang gặp hạn thì trên Vân Nam họ cũng thế! Từ sau năm 2015, mực nước sông Mê Kông mùa khô liên tục rơi xuống còn 1.600 m3 – 1.800 m3/s, trong khi trước đây nó từng đạt 40.000 m3/s vào mùa mưa và 2000 m3/s vào mùa khô. Chúng ta kiện, chúng ta đòi mở nước nhưng Trung Quốc họ đã không còn đủ nước cho cả đất nước họ nữa rồi. Mà cho là có năm dư, khi xuống tới đường ranh Thái Lan – Lào, hàng ngày hàng nghìn trạm bơm vẫn lấy nước đổ vào cho vùng hạn Đông Bắc Thái Lan thì đến lượt Việt Nam liệu có còn nước không?”.

Thiển nghĩ, tác động của các đập thủy điện ở Trung Quốc gây ra sự khô hạn ở ĐBSCL cụ thể như thế nào, thời gian qua đã được các nhà khoa học trong nước và trên thế giới chứng minh và công bố khá nhiều, tôi xin không bàn thêm. Tôi chỉ muốn nhắc lại câu nói của ông bà ta: “Thượng điền tích thủy hạ điền khan”.

GS Xuân nói con người muốn sống phải “Thuận Thiên”, “không nên cãi trời”, tôi đồng ý. Vậy xin hỏi ông, dòng sông Mê Kông tự ngàn xưa là một dòng chảy thông thoáng nhưng giờ đây người Trung Quốc đã xây tổng cộng 11 con đập thủy điện chắn ngang thì có phải là một sự “cãi trời”, “nghịch thiên” không? Tại sao ông không nghĩ rằng chính sự “nghịch thiên” này đã gây ra cảnh khô hạn ngay cho chính quốc gia họ (tỉnh Vân Nam) và các nước ở hạ nguồn sông Mê Kông? Có lẽ nào chỉ qua một tấm hình mang nặng tính tuyên truyền của truyền thông Trung Quốc mà giáo sư Xuân lại khẳng định ĐBSCL hạn hán và xâm nhập mặn chỉ do biến đổi khí hậu toàn cầu chứ không phải tại Trung Quốc xây các đập thủy điện?

Thật sự, tôi rất lấy làm lạ cho cách tư duy này của GS Xuân vì chỉ câu trước câu sau là đã mâu thuẫn, “chỏi” nhau chan chát. Với nhận thức này, GS Võ Tòng Xuân đã xổ toẹt mọi nỗ lực lâu nay các nhà khoa học trên thế giới; các quốc gia có chung dòng chảy sông Mê Kông từng nhiều lần tố cáo Trung Quốc che đậy thông tin về các đập thủy điện nhằm kiểm soát dòng chảy sông Mê Kông? Hóa ra theo GS Xuân những việc làm này của các nhà khoa học về môi trường là không có căn cứ và vô nghĩa hay sao? [2]

3. “Thuận thiên” – cái nhìn cảm tính và lãng mạn hóa của (không chỉ) GS Võ Tòng Xuân

Theo dõi quan điểm của GS Võ Tòng Xuân thời gian qua liên quan đến vấn đề “Thuận Thiên” – thực chất là việc thích nghi, thích ứng với việc hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL, tôi cho rằng ông quá chủ quan, cảm tính còn giới truyền thông thì lại quá hời hợt.

Có thể thấy, lập luận xuyên suốt của ông về chuyện này là “mấy mươi năm qua người dân ĐBSCL làm lúa nhưng không giàu” hay “lúa là cái vòng kim cô kiềm tỏa người dân miền Tây”, vì thế, ông khuyến nghị không nên trồng lúa nữa mà phải chuyển sang nuôi tôm và trồng cây ăn quả… Đó cũng là lý do Nghị quyết 120 – “Nghị quyết Thuận Thiên” có một sự xác lập theo trình tự ưu tiên: Thủy sản, cây ăn trái, lúa. Còn đây là quan điểm của GS Võ Tòng Xuân trong bài báo:

“Trong tương lai gần, với tình trạng hạn mặn và sạt lở diễn ra mạnh mẽ ở ĐBSCL như hiện nay, để phát triển toàn diện thì cần phải giảm lúa gạo. Tại vùng ven biên giới Campuchia, là vùng luôn luôn có đủ nước ngọt và không bị nước mặn xâm nhập, thì chúng ta nên thiết kế 1,2 triệu hecta lúa, trồng 2-3 vụ/năm để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu một phần. Còn những tiểu vùng gần biển thì nên trồng lúa vào mùa mưa, mùa nắng có thể kết hợp nước mặn với nước ngọt trộn lại để nuôi tôm, nuôi cá thâm canh hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chịu mặn. Vùng giữa thì bắt đầu lên liếp đất để hạn chế nước mặn và có rảnh mương dự trữ nước trong mùa mưa để tưới cho cây trồng trong mùa nắng”.

Trước hết, phải nói rằng, về thực trạng “người nông dân ĐBSCL làm lúa nhưng không giàu” GS Võ Tòng Xuân nói là không sai. Tuy vậy, về giải pháp, theo tôi là rất cảm tính và lãng mạn hóa.

Xin thưa với GS Xuân rằng, người dân ĐBSCL mấy mươi năm qua làm lúa nhưng không giàu thì một Tư Duy đúng và logic là PHẢI LÀM SAO ĐỂ NGƯỜI NÔNG DÂN LÀM LÚA GIÀU LÊN chứ không phải xúi họ bỏ đi cái Sở Trường của mình để chuyển làm cái Sở Đoản khi chưa có một sự chuẩn bị kỹ càng. Thử hỏi, nếu mấy mươi năm qua người dân miền Tây nhờ cây lúa mà thành đại gia, Việt Nam là một cường quốc thực sự về lúa gạo thì liệu ông có khuyên họ như thế không?

Và cũng xin thưa với GS Xuân, thời gian qua, việc trồng cây ăn trái hay kết hợp “vụ lúa, vụ tôm” trong năm theo như sự tham vấn của ông đã làm cho rất nhiều bà con nông dân nhất là các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau vỡ nợ phải bỏ xứ “đi bình Dương bán nước tương”. Vì sao ư?

Thứ nhất, nước ngọt ở ĐBSCL hiện nay không những bị giảm đi mà quan trọng hơn là bị ô nhiễm nặng (nguyên nhân của vấn đề này tôi xin bàn ở phần sau). Vì thế, cái mô hình kết hợp “vụ lúa vụ tôm” (mùa nắng có thể kết hợp nước mặn với nước ngọt trộn lại để nuôi tôm) của ông trong thực tế hoàn toàn không khả thi. Con tôm là con vật rất khó nuôi, ngoài việc giá thành đầu tư về con giống khá cao thì phương tiện kỹ thuật chăm sóc là điều rất phức tạp. Thế nên, trên thực tế mô hình “vụ lúa vụ tôm” chỉ là nói cho vui, rất hiếm người thành công với mô hình này trong sự ổn định, bền vững.

Thứ hai, nước mặn và nước/đất bị nhiễm mặn là hai khái niệm, hai vấn đề rất khác nhau. Một số địa phương có vị trí địa lý tiếp giáp biển ở ĐBSCL có nước mặn quanh năm (Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh…) thì việc nuôi thủy hải sản nước mặn là điều tất nhiên, chuyện này thì không cần ai khuyến cáo vì bao đời nay người dân đã làm rồi. Tuy vậy, một số địa phương hiện nay có nước/đất bị nhiễm mặn gần đây (diễn ra trong khoảng 3 đến 4 tháng mùa khô) như Vĩnh Long, Cần Thơ, các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày của Bến Tre, Cầu Kè Trà Vinh…) thì việc chuyển đổi từ lúa sang cây ăn trái hay nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ không phải là chuyện đơn giản.

Cây lúa sau 90 ngày đã thu hoạch (khoảng 1,5 tháng cuối là người dân đã siết nước), lâu nay dù không được giá, không giàu nhưng bà con nông dân vẫn còn có gạo để ăn, nhưng nếu bỏ hẳn để chuyển sang trồng sầu riêng, cam, xoài, bưởi thì phải từ 3 đến 5 năm mới có thể thu hoạch. Đó là chưa kể việc đất ruộng chuyển sang đất vườn; việc đầu tư cây giống người dân phải bỏ ra một chi phí khá lớn. Trong khi đó, nguồn gen và cây giống chịu hạn mặn vẫn chưa được các nhà khoa học vẫn chưa/đang nghiên cứu và chuyển giao?

Ngoài ra, trước đây, đất rộng người thưa, nay dân số tăng lên, mỗi gia đình trung bình sở hữu 2 – 3 công đất ruộng (1000 mét vuông) giờ chuyển sang trồng sầu riêng, cam, xoài, bưởi… như khuyến cáo của ông thì thử hỏi mỗi công đất trồng được bao nhiêu gốc? Và nhất là trong 3 đến 5 năm đó người dân sống bằng gì? Tiền đâu cho con cái học hành?

Thứ ba, thời gian qua hẳn tất cả chúng ta đều đã biết và đã thấy, bài toán quản lý của chính quyền nhà nước liên quan đến vấn đề tìm thị trường – đầu ra cho nông sản không riêng gì cây lúa, không riêng gì ở ĐBSCL là một nan đề chưa/ không giải quyết được. Các quan chức lãnh đạo ngành nông nghiệp luôn lớn giọng bảo người dân trồng lúa lãi 30% nhưng trên thực tế có đúng như vậy đâu?

Vậy nên, lúa là cây dễ trồng, là thế mạnh của Việt Nam nhưng người dân bao đời nay vẫn không giàu, nay GS Xuân xúi họ bỏ đi chuyển sang trồng cây ăn trái, hoa màu, mía hay nuôi tôm, nuôi cá cá ba sa… nhưng đầu ra cho tất cả vẫn là một sự bấp bênh (gần như chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc) thì lấy gì để đảm bảo bà con nông dân vùng ĐBSCL trong tương lai sẽ giàu hơn so với việc trồng lúa? Không phải hiện nay, chính quyền một số địa phương đang kêu gọi “giải cứu nông sản” (thanh long, xoài, hành tím, su hào, cam, bưởi…) cho người dân đó sao?

4. Thay lời kết

Thích nghi, thích ứng với môi trường tự nhiên đồng thời chinh phục tự nhiên thật ra là vấn đề thuộc về bản năng của con người, là hai mặt của một vấn đề trong mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên.

Nhật Bản nằm trên vành đai núi lửa nên thường xuyên xảy ra động đất và sóng thần, Hà Lan thì thấp mặt nước biển, Israel chủ yếu toàn sa mạc. Nếu chỉ nhận thức về “thuận thiên” một cách giản đơn và máy móc chắc chắn Nhật Bản không trở thành cường quốc công nghiệp; Hà Lan không là quốc gia số 1 về các công trình đê biển và Israel không là cường quốc về nông nghiệp công nghệ cao thậm chí xuất khẩu nước sạch…

Để “giải cứu” vùng ĐBSCL trong tương lai, về phương diện nhận thức, việc GS Võ Tòng Xuân và các nhà khoa học khác khuyến nghị người dân phải thích nghi với vấn nạn khô hạn và xâm nhập mặn là không sai. Tuy vậy, những lý giải của ông về nguyên nhân của vấn nạn này theo tôi là cần suy nghĩ lại. Bởi lẽ, sự lý giải này vô tình tạo ra một tiền lệ rất nguy hiểm cho vấn đề thương thảo, đối thoại đấu tranh với nhà cầm quyền Trung Quốc để họ chia sẻ thông tin về việc kiểm soát dòng chảy và nguồn nước sông Mê Kông trong thời gian tới.

Ngoài ra, phải khẳng định rằng, quan điểm phải chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, quy hoạch hay giảm diện tích trồng lúa nhằm thích ứng với những thay đổi do biến đổi khí hậu ở ĐBSCL của GS Võ Tòng Xuân là cần thiết nhưng chuyển đổi và thích ứng như thế nào, lộ trình ra sao là vấn đề không đơn giản.

Nói tóm lại, trong tư cách nhà khoa học, việc bàn thảo và tham vấn các giải pháp mang tầm vĩ mô để xây dựng và phát triển đất nước thiển nghĩ phải hết sức cẩn trọng chứ không nên cảm tính hay tệ hơn là mang nặng tính hình thức, phong trào… Vì “mọi lý thuyết đều màu xám…”, chỉ có sự vất vả, thiệt thòi và chịu đựng của người dân ĐBSCL là thực tế đã và đang hiện hữu mà ai cũng đều nhìn thấy.

(còn nữa)

————-

Nguồn tham khảo:

[1]: “Đừng đổ lỗi cho Trung Quốc nữa, chính chúng ta đang cãi trời” .https://doanhnghieptiepthi.vn/gs-vo-tong-xuan-dung-do-loi-cho-trung-quoc-nua-chinh-chung-ta-dang-cai-troi-1612111030930139.htm

[2]: “Chuyên gia Mỹ tố cáo Trung Quốc tàn phá sông Mê Kông”. https://thanhnien.vn/the-gioi/chuyen-gia-my-to-cao-trung-quoc-tan-pha-song-me-kong-1221261.html

CT, 17/03/2021

Q.H.N

Nguồn: viet-studies.net

This entry was posted in Đồng bằng sông Cửu Long. Bookmark the permalink.