Giang Nguyễn
2021-03-15
Buổi tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại Hà Nội hôm 14/3/2021. Courtesy of FB Nguyễn Thúy Hạnh
Facebooker Lê Hoàng, một người dân Hà Nội, vào sáng Chủ Nhật ngày 14 tháng 3, cùng với khoảng hơn một chục người bạn đồng hành thuộc nhóm No-U Hà Nội, đến trước tượng đài vua Lý Thái Tổ tại bờ Hồ Hoàn Kiếm như họ đã làm trong nhiều năm qua để thắp hương tưởng niệm cuộc thảm sát Gạc Ma.
Năm nay, ông Lê Hoàng dắt theo đứa con trai 12 tuổi:
“Tôi đưa con trai ra, tôi cũng phải giải thích cho con việc này là tốt, chúng ta phải làm. Bậc cha anh hy sinh vì tổ quốc, đất nước, chúng ta uống nước nhớ nguồn”.
Ngày 14 tháng 3 cách đây đúng 33 năm, 64 chiến sĩ Việt Nam đã bị Trung Quốc bắn chết khi lực lượng của Bắc Kinh tấn công chiếm Đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa lúc đó do Việt Nam kiểm soát.
Ông Hoàng kể lại, khác với mọi năm, lần này công an không canh giữ nhà của các nhà hoạt động, không ngăn cản họ đi ra hoặc bắt bớ. Nhờ vậy mọi người tự động mang hương hoa cùng nhau đến tượng đài. Tuy nhiên tại đó vẫn có số an ninh và những người mà các nhà hoạt động nghĩ là dư luận viên đông gấp đôi những nhà hoạt động đến dâng hương hoa tưởng niệm.
Ông Hoàng chia sẻ: “Anh em có chuẩn bị nến hương, ra đến nơi thì thấy rất nhiều an ninh, họ hầu như mặc quần áo bình thường đứng ở đấy quay phim chụp ảnh. Trong số đó thì có mấy tên dư luận viên. Biết là dư luận viên vì họ cứ đến tận nơi, lúc anh em đang chuẩn bị hương hoa thì họ cứ nói ‘các người ra đây bầy đặt thắp hương chỗ này là không đúng chỗ’. Nói chung là họ nói những câu này nọ mà anh em chúng tôi mặc kệ cứ thắp hương làm nghi thức của mình, bằng tấm lòng mình thôi chứ có vấn đề gì đâu. Đại khái họ cứ trêu chọc tức để mọi người mất tập trung và phản kháng lại, nóng tính nói lại thì họ cho là mình gây rối, nhưng mọi người vẫn biết và cũng không nói lại hoặc nói ôn hòa chứ không có vấn đề gì cả”.
Nhóm người mặc áo đỏ in chữ “DLV” giăng cờ đỏ búa liềm trước tượng đài, ngăn cản người dân đặt hoa, thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma. VNExpress
Facebooker Trương Dũng thuật lại cảnh nhóm No-U bị các dư luận viên quấy rối, nhưng ông nói mọi người kiềm chế tối đa vì đã quá quen thuộc với trò khiêu khích của những người bị cho là dư luận viên như thế.
Ông kể lại: “Tôi hỏi có phải anh là dư luận viên không. Thay vì câu trả lời, họ quy chụp tôi, bảo tôi là công việc đi làm xe ôm, yêu nước cái gì? Hỏi tôi có đi nghĩa vụ quân sự không? Thì tôi trả lại, Ông (Nguyễn Phú) Trọng cũng trốn nghĩa vụ quân sự vậy. Họ điên lên, họ nói dám xúc phạm lãnh đạo? Tôi bảo, kể cả ông Trọng là gì đi nữa, tất cả mọi người cũng bình đẳng trước pháp luật. Thì họ vẫn đe dọa tôi”.
Facebooker Trương Dũng đã viết lại câu chuyện trên tài khoản cá nhân rằng người này đã hăm dọa ông với câu nói “Tao nói cho thằng Dũng biết mày hãy nhớ tao, tao sẽ trả thù mày!”.
Còn nhà hoạt động Lê Hùng thì cho rằng lần này những người tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma đã không bị phá đám quyết liệt như những lần trước cũng một phần vì buổi lễ đơn giản và hương hoa thôi không đưa ra băng rôn biểu ngữ như trước đây.
Ông Dũng suy luận về lý do vì sao dư luận viên hoặc an ninh năm nay có vẻ nới tay:
“Năm nào họ cũng đưa dư luận viên ra, kể cả từ trước đến nay. Năm nào cũng thế. Phía chính quyền thì cũng có nguồn tin cho rằng là năm nay vị Trưởng Ban Tuyên giáo đã thay một người khác nên vì thế người mới này có cởi mở hơn. Quý vị cũng biết là chưa có năm nào các báo chí đăng về vụ Gạc Ma trừ năm nay. Đó là nhận xét của mọi người nhưng cũng chỉ là phỏng đoán thôi, vì không có nguồn tin gì chính thức ở phía chính quyền. Vấn đề là do sự chỉ đạo ở bên trên hay như thế nào thì chúng tôi không rõ. Nhưng cụ thể nhất là các báo chí đồng loạt đăng tin về sự kiện Gạc Ma này khác hơn mọi năm”.
Những người tham gia buổi tưởng niệm tại tượng đài Vua Lý Thái Tổ chia sẻ rằng cách đây khoảng một chục năm thì ít ai biết về cuộc hải chiến Gạc Ma. Dần dần với các bài viết được chuyển tải trên mạng xã hội, rồi báo nhà nước cũng đăng, nhiều người tại Việt Nam mới biết về cuộc chiến này.
Mạng báo Tuổi Trẻ vào ngày 13 tháng 3 loan tin cho biết trong sáng cùng ngày một số đoàn thể chính quyền, thân nhân những liệt sĩ và người dân địa phương đến dâng hương tại khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma. Khu tưởng niệm này được xây dựng tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.
Những người như Facebooker Lê Hoàng, Trương Dũng, Nguyễn Thúy Hạnh nhận xét cho đến nay ở ngoài Bắc thì chưa thấy chính quyền công khai tổ chức một lễ tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma.
G.N.