Việt Nam có 8G? Chi nhiều vậy, tôi đề nghị 5G thôi

Vũ Kim Hạnh

Dân Nam Bộ hay nói: “Nhanh gọn lợi” thì tốt hơn “Đông vui hao”.

Vừa nói vừa cười khà khà mà nghĩ lại, đụng nhiều chính sách thâm trầm lắm đó.

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện nghị quyết Thuận Thiên, Thủ tướng đưa ra 8 giải pháp. Cũng là công phu. Những chữ thu gọn thành công thức này gần đầy thường được dùng, như 5K phòng dịch của Bộ Y tế, nghe có lý.

Nhưng với 8 chữ G, tôi xin góp ý để chỉ đạo của Thủ tướng càng dễ thực thi hơn (thực thi cho được mới hay, chứ đâu cần nói để nghe cho hay?).

Giao, Giáo, Giang, Gắn, Giỏi, Giàu, Già, Giới – 8 chữ G này không ăn nhập với nhau, có mấy chữ bị trùng nghĩa (Giỏi , Giàu, Già, Giới), và dài mà không vần điệu nên trúc trắc, khó nhớ.

Tôi đề nghị 5G thôi, đi thành 2 cặp (tương tự về âm sắc) và thêm 1 chữ G khác: GIAO-GIANG / GẮN-GIÁO và GIẢM.

Tôi đã đọc lại báo cáo kinh tế ĐBSCL mà VCCI và Fulbright công bố lần thứ nhất Tháng 12/2020. Đọc lại luôn nghị quyết Thuận Thiên 120. Đọc các bài tường thuật lời Thủ tướng tại Hội nghị 3 năm thực hiện NQ 2017 Thuận Thiên. Và thấy, những gì đã là chuyện muôn thuở thì không cần nhắc cho đủ mà nên nói những gì đang nghiêm trọng, nóng, cần giải quyết (hướng tới Phát triển bền vững đồng bằng).

Vì sao cần 5G như trên?

- GIAO: Giao thông là điểm nghẽn chết người của ĐBSCL, yếu kém giao thông kéo đồng bằng (ĐB) xuống, đáng lo hơn “chìm dưới mực nước biển”. So sánh vài con số chung quanh giao thông ĐBSCL, thấy rùng mình (tôi xin viết bài kế).

- GIANG: Chữ Giang, là sông, thực ra bao hàm nhiều điều cốt tử mà ĐB cần thay đổi. Kinh tế sông phải là đặc điểm của giao dịch kinh tế của đồng bằng. Sông cũng nhắc một quan điểm cơ bản: hãy thôi “Ngăn SÔNG cấm chợ”, thôi ngăn SÔNG với biển, tức là đừng sống chết ngọt hóa nước biển và nước lợ là hãy thực hiện đúng tinh thần tôn trọng Tài nguyên nước, cả nước ngộ, măn, lợ đều tốt cho nền kinh tế.

- GIÁO: Giáo dục yếu kém làm cho ĐB thành vùng trũng, số lượng và chất lượng lao động kém khiến di dân ngày càng nghiêm trọng. Giáo dục là nhân lực.

- GẮN: Đặc điểm thường bị nói nhiều nhất của kinh tế đồng bằng là chia cắt, manh mún. Gắn là đúng rồi, nhưng quan trọng và sống còn nhất là:

(1) Gắn kết với thị trường (trong đó chú trọng dịch vụ) và gắn với Doanh nghiệp;

(2) Gắn kết giữa 13 tỉnh trong qui hoạch;

(3) Gắn ĐBSCL với TP HCM và miền Đông và

(4) Gắn Nông nghiệp, kinh tế đồng bằng với Khoa học và Công nghệ (đẩy mạnh Chuẩn hóa và Số hóa).

- Và đề nghị thêm: một GIẢM.

- GIẢM: Giảm sử dụng phân thuốc hóa chất đã làm nhiễm độc đất và nước ĐB nhiều năm. Giảm chia cắt theo địa giới hành chánh, địa phương. Và nhất là giảm nói, giảm nổ mà làm.

TS Vũ Thành Tự Anh với tổng kết những điểm nghẽn của kinh tế ĐBSCL

V.K.H.

Nguồn: FB Vu Kim Hanh

This entry was posted in kinh tế, Tản Mạn. Bookmark the permalink.