CLB Lê Hiếu Đằng
Ảnh: FB Mạc Văn Trang
Cách đây đúng 33 năm, vào rạng sáng ngày 14 tháng 3 năm 1988, hải quân Trung Quốc bất ngờ mở cuộc tiến công đánh chiếm các đảo, bãi đá Len Đao, Cô Lin, Gạc Ma trong cụm đảo Sinh Tồn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Sáu chiếc tàu chiến được trang bị tên lửa và pháo 100mm vô cớ tiến công các tàu vận tải của Hải quân nhân dân Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ tại đây. Bị tiến công bất ngờ trong tương quan lực lượng quá chênh lệch, các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã ngoan cường và dũng cảm chiến đấu để bảo vệ đảo, giữ vững chủ quyền.
Mặc dù vậy, do chiếm ưu thế hơn hẳn về hỏa lực và trang bị phương tiện nên cuộc tiến công của hải quân Trung Quốc đã làm cho 3 tàu vận tải của Hải quân nhân dân Việt Nam bị cháy, bị chìm; 64 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh, 9 người bị tàu hải quân Trung Quốc bắt đưa đi và nhiều người bị thương.
Đã hơn 3 thập niên trôi qua, nhưng không phải ai cũng nhận diện được đầy đủ và chuẩn xác sự kiện đầy bi thương này. Song, cho dù tiếp cận từ góc độ nào đi nữa, cũng cần phải khẳng định 2 điều:
– Thứ nhất, những hành động gây chiến của quân Trung Quốc tại vùng biển quần đảo Trường Sa là hành động bất hợp pháp, xâm phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm một cách trắng trợn luật pháp và thông lệ quốc tế. Cuộc tiến công đánh chiếm các đảo, bãi đá thuộc chủ quyền Việt Nam của hải quân Trung Quốc (tháng 3/1988) là sự tiếp nối của cuộc chiến tranh xâm lược trước đó vào năm 1979 và hoạt động xâm lấn biên giới (kéo dài đến 1989) của Trung Quốc đối với Việt Nam.
– Thứ hai, cuộc chiến đấu của Hải quân nhân dân Việt Nam bảo vệ quần đảo Trường Sa năm 1988 là cuộc chiến đấu của những người lính tay không chống lại súng đạn, thà chết chứ không để mất biển đảo khi còn đang sống. Đó là sự hy sinh vĩ đại và cao cả để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Với những bài học lịch sử để lại và xét bối cảnh hiện tại, nguy cơ Trung Quốc tiếp tục gây hấn, xâm lấn, tiếp tục bất chấp luật pháp quốc tế là rất lớn. Quan điểm của CLB Lê Hiếu Đằng là:
1. Tôn trọng sự thật, dù sự thật đau lòng, sòng phẳng với lịch sử, sẽ vừa góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực, đoàn kết dân tộc. Cần phải đưa cuộc chiến bảo vệ Trường Sa 1988, cuộc chiến tranh vệ quốc bảo vệ biên giới phía Bắc 1979, sự kiện hải chiến Hoàng Sa 1974 vào sử sách minh bạch và được giảng dạy trong nhà trường.
2. Nhà nước cần tiếp tục lên tiếng phản đối việc Trung Quốc vẫn đang ngang nhiên tuyên bố về đường lưỡi bò 9 đoạn vô lý ở Biển Đông. Nhà nước cần kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo cũng như giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ hôm nay và tương lai. Mặt khác, cũng phải cảnh giác những âm mưu và hoạt động của Trung Quốc về phương diện kinh tế, như đấu thầu dầu khí, chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác” trong khu vực họ yêu sách mà không dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), cảnh giác trước âm mưu biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp để dễ dàng gây sức ép trong đàm phán, gặm nhấm dần biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam.
3. Nhà nước, chính quyền các cấp cần phải tôn trọng và ủng hộ các tổ chức, đoàn thể xã hội và nhân dân các nơi trong cả nước tổ chức tưởng niệm các Liệt sĩ và nhân dân đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và biển đảo Tổ quốc, coi đó là sinh hoạt thiêng liêng nhằm nuôi dưỡng lòng yêu nước trong mỗi con người Việt Nam.
4. Yêu cầu Quốc hội ban hành nghị quyết chính thức phản đối và bác bỏ giá trị pháp lý Luật Hải Cảnh của Trung Quốc, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các đảo Hoàng Sa, Trường Sa, các vùng biển vùng trời của Việt Nam.
Ngày 14/3/2021
T/M CLB Lê Hiếu Đằng
Lê Thân
Tác giả gửi BVN