Mỹ khởi động chuỗi công nghệ ‘không Trung Quốc’

Lạc Diệp

Theo SCMP, New York Times, Nikkei Asia, WSJ, Reuters, AP, Washington Post

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực xây dựng một chuỗi cung ứng công nghệ mới “không Trung Quốc”, dựa trên nền tảng sản xuất nội địa và hợp tác với các đồng minh.

Những nỗ lực thiết lập chuỗi cung ứng “không Trung Quốc”

Hôm 24-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm đẩy nhanh hợp tác với các đồng minh để xây dựng chuỗi cung ứng chip toàn cầu và các sản phẩm quan trọng khác. Theo sắc lệnh này, Tổng thống Biden chỉ đạo các cơ quan liên bang trong vòng 100 ngày xem xét, đánh giá lại về tình hình chuỗi cung ứng đối với bốn sản phẩm quan trọng là chip bán dẫn, pin năng lượng lớn cho xe điện, đất hiếm và dược phẩm.

Sắc lệnh do Tổng thống Biden vừa ký được kỳ vọng làm đa dạng hóa nguồn cung từ chuỗi cung ứng của Mỹ, đồng thời tăng cường quan hệ với các đồng minh như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Úc.

Tổng thống Biden cũng cho biết ông sẽ thúc đẩy việc thông qua một khoản quỹ trị giá 37 tỉ đô la để thúc đẩy hoạt động sản xuất chip ở Mỹ, trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn đã buộc các nhà sản xuất ô tô và các ngành sản xuất khác của nước này phải cắt giảm sản lượng.

Mặc dù không chỉ đích danh Trung Quốc, việc xây dựng một chuỗi cung ứng công nghệ không có sự tham gia của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, rõ ràng là mục tiêu mà chính quyền Tổng thống Biden hướng tới. Phát biểu tại buổi ký sắc lệnh, Tổng thống Biden khẳng định: “Chúng ta không nên dựa vào một quốc gia nước ngoài, đặc biệt là một quốc gia không chia sẻ lợi ích hoặc giá trị của chúng ta, để bảo vệ và cung cấp cho người dân của chúng ta trong trường hợp khẩn cấp quốc gia”.

Ngành bán dẫn Mỹ chào đón chính sách mới

Kế hoạch đầy tham vọng này ngay lập tức nhận được nhiều sự ủng hộ từ những người mong muốn gia tăng khả năng sản xuất nội địa trong lĩnh vực công nghệ của Mỹ.

Ông Bob Bruggeworth, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn chia sẻ: “Làm như vậy sẽ đảm bảo nhiều con chip mà đất nước chúng ta cần được sản xuất tại Mỹ hơn, đồng thời thúc đẩy sự tiên phong bền vững của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ, củng cố sức mạnh kinh tế, tạo công ăn việc làm, bảo đảm an ninh quốc gia và cơ sở hạ tầng quan trọng”.

Trên blog cá nhân, ông Jeff Rittener – người phụ trách quan hệ với chính phủ của Intel, nhà sản xuất chip hàng đầu tại Mỹ nhận định, lệnh hành pháp của chính phủ cùng những nỗ lực thúc đẩy đầu tư “có thể giúp tạo ra sân chơi cân bằng hơn trong cuộc cạnh tranh toàn cầu để giành lấy vị trí dẫn đầu lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn. Điều này cho phép các công ty Mỹ cạnh tranh bình đẳng với các công ty nước ngoài vốn nhận được rất nhiều trợ cấp từ chính phủ của họ”.

Thành quả không thể đến trong ngắn hạn

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích chỉ ra rằng, trong ngắn hạn, chính quyền Tổng thống Biden khó có thể làm được gì nhiều để giải quyết tình trạng thiếu thiết bị bán dẫn. Hầu hết các nhà máy sản xuất chip đều đang chạy gần như hết công suất và việc mở rộng sản lượng có thể mất ít nhất 3-6 tháng, nếu không muốn nói là lâu hơn.

Ông Jensen Huang, Giám đốc điều hành Nvidia – nhà sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu của Mỹ cho biết: “Cần rất nhiều thời gian để xây dựng chuỗi cung ứng. Sẽ không thể có kết quả ngay lập tức”.

Ông Charlie Chesbrough, nhà kinh tế học cấp cao tại Cox Automotive cho rằng, sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Biden có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều đến ngành công nghiệp ô tô trong thời gian tới, do chuỗi cung ứng thường được xác định trước nhiều năm.

Quá trình đầu tư lâu dài và tốn kém

Stacy Rasgon, Giám đốc điều hành kiêm nhà phân tích chất bán dẫn tại Bernstein Research nhận định, việc xây dựng các nhà máy bán dẫn mới ở Mỹ sẽ yêu cầu số vốn đầu tư ngang tầm với sứ mệnh không gian Apollo. Ông nói: “Đây là những thiết bị phức tạp nhất mà nhân loại từng thiết kế và chế tạo”.

Theo chuyên gia Mario Morales tại hãng nghiên cứu công nghiệp IDC, các nền kinh tế như Hàn Quốc hay Đài Loan đã phải đầu tư rất lớn trong nhiều thập niên để xây dựng được ngành công nghiệp bán dẫn như hiện nay. Và mặc dù “nước Mỹ vẫn có lợi thế lớn về nghiên cứu và phát triển (R&D), sẽ phải mất nhiều năm để bắt kịp các đối thủ khác về khả năng sản xuất thiết bị bán dẫn”.

Bên cạnh đó, quá trình toàn cầu hóa sâu rộng càng khiến cho những nỗ lực này trở nên khó khăn hơn. Gaurav Gupta – Phó chủ tịch nghiên cứu tại Gartner nhận xét: “Việc đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ, nói thì dễ hơn làm”. Ông cho biết, không chỉ riêng hoạt động sản xuất chip đang dần dịch chuyển sang châu Á mà các bộ phận khác của chuỗi cung ứng cũng vậy. Lý do là bởi chi phí lao động tại khu vực này thấp hơn nhiều so với ở Mỹ, trong khi số lượng nhân sự có năng lực cũng ngày càng gia tăng.

Đồng quan điểm trên, ông Daniel Ives – Giám đốc điều hành Công ty Wedbush Securities nhận định: “Tổng thống Biden có thể tạo ra một số thay đổi, nhưng tôi nghĩ, trên thực tế chuỗi cung ứng vẫn sẽ được củng cố tại châu Á trong ít nhất 3-5 năm tới.

Những nỗ lực tập hợp đồng minh

Bên cạnh việc tăng cường sản xuất nội địa, Washington cũng nỗ lực tập hợp các đồng minh vào một chuỗi cung ứng “không Trung Quốc”. Trên thực tế, Washington đã bắt đầu đặt nền móng cho chiến lược này từ mùa thu năm ngoái, khi kêu gọi các nền kinh tế có thế mạnh về công nghệ hoặc tài nguyên có giá trị như Đài Loan, Nhật Bản và Úc, tham gia vào việc giảm phụ thuộc đối với chuỗi cung ứng từ Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Kinh liên tục leo thang.

Tuy nhiên, việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng có thể sẽ mất khá nhiều thời gian, đặc biệt là đối với chất bán dẫn. Nếu như số công ty gia công chip là rất nhiều, số lượng nhà sản xuất chip hàng đầu của thế giới lại rất hạn chế. Các công ty này hoàn toàn có thể lựa chọn giữa việc chấp nhận hoặc không tham gia vào mạng lưới của Mỹ. Do đó, kế hoạch của Washington sẽ cần tới sự hợp tác từ chính phủ các nước khác.

Chính quyền Đài Bắc đã đáp lại lời kêu gọi này một cách đặc biệt nhanh chóng. Các quan chức cấp cao của Mỹ và Đài Loan đã ký một biên bản ghi nhớ vào tháng 11 năm ngoái để thúc đẩy hợp tác công nghệ trong bảy lĩnh vực, bao gồm chất bán dẫn và thiết bị không dây thế hệ thứ năm, cũng như phát triển “chuỗi cung ứng an toàn, bảo mật và đáng tin cậy”.

Các đại diện Mỹ tại Đài Loan đã liên tục tiếp xúc với những công ty trong lĩnh vực sản xuất chip và đặt vấn đề về việc xây dựng các nhà máy ở ngoài Trung Quốc, và đạt được những kết quả nhất định. Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đã đồng ý đầu tư 12 tỉ đô la để xây dựng nhà máy sản xuất chip tại bang Arizona hồi năm ngoái và dự kiến ​​đưa vào hoạt động năm 2024. Chính phủ Mỹ đang cung cấp nhiều hỗ trợ cho dự án này.

Dưới sự khuyến khích của Mỹ, Chính phủ Nhật Bản cũng trải thảm đỏ và dành 200 tỉ yen (1,9 tỉ đô la) để đón TSMC, nhằm thiết lập một mạng lưới cung ứng vững chắc hơn và đảm bảo cung cấp cho Nhật Bản nguồn chip tiên tiến trong tương lai. Một trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm trị giá 20 tỉ yen cũng sẽ được TSMC xây dựng tại Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang hợp tác với Úc để chống lại vị thế thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực đất hiếm. Công ty khai thác đất hiếm Lynas của Úc đang xây dựng một cơ sở xử lý đất hiếm ở Texas với sự hỗ trợ tài chính từ Bộ Quốc phòng Mỹ.

L.D.

Nguồn: KinhteSaigon

This entry was posted in Quan hệ Mỹ - Trung. Bookmark the permalink.